Chúa Nhật II Phục Sinh - Lm Giu-se Trần Xuân Chiêu

  • 25/04/2025
  • Chủ đề: Lòng Chúa Thương Xót

     

    LOẠT BÀI

    DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG NĂM C

    Chúa Nhật II  Phục Sinh

    Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu

    Phúc Âm (Ga 19-21)

           Vào buổi chiều ngày thứ nhất trong tuần, những cửa nhà các môn đệ họp đều đóng kín, vì sợ người Do-thái, Chúa Giêsu hiện đến, đứng giữa các ông và nói rằng: "Bình an cho các con". Khi nói điều đó, Người cho các ông xem tay và cạnh sườn Người. Bấy giờ các môn đệ vui mừng vì xem thấy Chúa. Chúa Giêsu lại phán bảo các ông rằng: "Bình an cho các con. Như Cha đã sai Thầy, Thầy cũng sai các con". Nói thế rồi, Người thổi hơi và phán bảo các ông: "Các con hãy nhận lấy Thánh Thần, các con tha tội ai, thì tội người ấy được tha. Các con cầm tội ai, thì tội người ấy bị cầm lại". Bấy giờ trong Mười hai Tông đồ, có ông Tôma gọi là Ðiđymô, không cùng ở với các ông khi Chúa Giêsu hiện đến. Các môn đệ khác đã nói với ông rằng: "Chúng tôi đã xem thấy Chúa". Nhưng ông đã nói với các ông kia rằng: "Nếu tôi không nhìn thấy vết đinh ở tay Người, nếu tôi không thọc ngón tay vào lỗ đinh, nếu tôi không thọc bàn tay vào cạnh sườn Người, thì tôi không tin".

           Tám ngày sau, các môn đệ lại họp nhau trong nhà và có Tôma ở với các ông. Trong khi các cửa vẫn đóng kín, Chúa Giêsu hiện đến đứng giữa mà phán: "Bình an cho các con". Ðoạn Người nói với Tôma: "Hãy xỏ ngón tay con vào đây, và hãy xem tay Thầy; hãy đưa bàn tay con ra và xỏ vào cạnh sườn Thầy; chớ cứng lòng, nhưng hãy tin". Tôma thưa rằng: "Lạy Chúa con, lạy Thiên Chúa của con!" Chúa Giêsu nói với ông: "Tôma, vì con đã xem thấy Thầy, nên con đã tin. Phúc cho những ai đã không thấy mà tin!" Chúa Giêsu còn làm nhiều phép lạ khác trước mặt các môn đệ, và không có ghi chép trong sách này. Nhưng các điều này đã được ghi chép để anh em tin rằng Chúa Giêsu là Ðấng Kitô, Con Thiên Chúa, và để anh em tin mà được sống nhờ danh Người.

    LÒNG CHÚA THƯƠNG XÓT

    Dàn Ý

    1. Lòng thương xót của Chúa dành cho nhân loại

    - Thiên Chúa là Tình Yêunhư Gioan quả quyết(1 Ga 4,16).

    - Chúa thương Adam, dù đã phạm tội: “Adam, ngươi đang ở đâu?” Âm thanh xót xa, nhưng thân thương, không giận dữ.

    - Chúa thương giải thoát Israel, khỏi thân phận nô lệ Ai cập về Đất Hứa, nuôi bằng Manna và chim cút, dù họ vô ơn.

    - Chúa thương kẻ tội lỗi, không trừng phạt, nhưng nhiều lần nhiều cách, đã gửi ngôn sứ, thẩm phán, để mời họ trở về.

    - Chúa yêu thương con người, đã ban Con Một đến đồng hành, dạy dỗ, tha thứ, chữa bệnh tật cho con người. Máu và Nước của lòng Chúa xót thương khai sinh và nuôi dưỡng Giáo Hội.

    - Đức Giêsu thương Tôma, cho xỏ ngón tay vào lỗ đinh, thọc tay vào cạnh sườn. Toma ca lên: “Lạy Thiên Chúa của con.”

    - Đức Giêsu trao ban lòng thương xót qua ơn bình an, để con người dìm mình vào biển cả hồng ân của Đấng Phục Sinh.

    3. Thực hành đáp trả lòng Chúa thương xót

    - Hãy nhìn nhận lòng Chúa thương xót. Chúa hiện diện với con người qua mọi thời gian, từ khi sinh ra đến lúc chết. Người cũng hiện diện ở mọi không gian: Nhà thờ, nhà trường, gia đình, nhà tù; trong mọi hoàn cảnh: vui, buồn, bị phản bội, bị bỏ rơi. Chúa mãi mãi tỏ lòng thương yêu con người.

    - Hãy đáp trả vào lòng Chúa thương xót. Tin Mừng phục sinh là Tin Mừng về các vết thương đã lành, nay thành các vết sẹo. Đức Kitô ngay lần đầu hiện ra với các môn đệ, sau khi trao ban bình an, Chúa đã cho các ông xem các vết thương ở tay và cạnh sườn, các môn đệ vui mừng và bình an.

    - Hãy phó thác vào lòng Chúa thương xót. Chúa đau buồn khi tiếp tục thấy thế giới nghiện ngập, sa đọa, cứ ‘năm nay cao hơn năm trước.’ Chúa đau xót thấy xã hội bất công, người quá giàu, kẻ thì nghèo khó cùng cực; thấy một xã hội điên cuồng, chém giết. Dù vậy, Chúa vẫn thương xót tất cả. Chúa đến gặp con người, cả ‘trên đường đi’ hay ngay ‘trong tâm hồn họ.’

    - Hãy loan truyền lòng Chúa thương xót. Sống thiếu niềm tin, con người đi vào đường hầm không lối thoát: Thánh giá bị hạ xuống, nhà thờ đóng cửa, không còn tiếng cầu kinh, tương lai mù mịt. Mỗi người hãy loan truyền lòng Chúa thương xót, để khám phá ra sứ điệp tình thương qua cái chết của Đức Giêsu.

    - Truyện: Nhà thông thái muốn sáng lập tôn giáo mới. Sau bao năm thuyết phục thiên hạ mà không ai theo. Napôlêon khuyên: “Nếu muốn người ta theo thì: Thứ năm ăn bữa cuối cùng, thứ sáu để người ta đóng đinh anh trên khổ giá, Chúa nhật anh sống lại! Chắc người ta sẽ theo anh rất đông?”

    - Mỗi người hãy tin rằng, tình thương Chúa có thể chữa lành tất cả. Chúa vẫn ‘đến tìm và cứu những gì đã mất,’ và ‘tình thương Chúa phủ lấp muôn vàn tội lỗi.’ Hãy qua Đức Maria, Mẹ Lòng Thương Xót để tìm ra giá trị đích thực của mầu nhiệm tình thương.

    PHÚC CHO AI KHÔNG THẤY MÀ TIN

    Suy Niệm

    Đoạn Tin Mừng thuật lại những hoạt động của Đức Giê-su sau khi từ cõi chết sống lại. Do niềm tin còn yếu kém của các Tông đồ, đặc biệt là Tô-ma, Đức Giê-su đặc biệt nhấn mạnh đến giá trị của Đức tin.

    Người ta thắc mắc, liệu Đức Giê-su có hiện ra với Đức Mẹ không, sau khi Người từ cõi chết sống lại, Kinh Thánh cũng không thấy có chỗ nào nói đến? Tại sao các Tông đồ không làm gì, sau khi chứng kiến Thầy mình hiện ra lần thứ nhất, các ngài vẫn ngồi lì ở trong phòng kín?

    1. Tiếp nối sứ vụ

    Đức Giêsu đã hoàn thành sứ vụ công khai của Mình và Người kết thúc sứ vụ đó bằng cái chết và sống lại vinh quang. Sau khi sống lại, Người vẫn tiếp tục hoạt động bằng việc hiện ra với nhiều người và ban quyền hành cho các Tông đồ:

    Đức Giê-su hiện ra với các Tông đồ: Người xuất hiện với các Tông đồ vào ngày thứ Nhất trong tuần, đang ở trong phòng đóng kín, vắng mặt Tô-ma. Đức Giê-su thường hiện ra vào ngày thứ Nhất, ngày các tín hữu đầu tiên họp nhau lại để gặp gỡ, chia sẻ, kiểm điểm lẫn nhau, sau cơn khủng hoảng cuộc khổ nạn của Đức Giê-su. Sự vắng mặt của Tô-ma càng làm cho câu truyện thêm hấp dẫn, vì sự cứng lòng tin và những lời thách thức quá đáng của ông. Tám ngày sau cũng vào ngày thứ Nhất trong tuần, Đức Giê-su lại hiện ra với các Tông đồ, lần này có mặt Tô-ma. Đức Giê-su chấp nhận những lời thách thức của Tô-ma, khiến ông và các Tông đồ khác "tâm phục khẩu phục" về lòng nhân ái của Thầy mình.

    Đức Giê-su ban bình an cho các Tông đồ: Cả hai lần hiện ra, Chúa bắt đầu bằng câu: "Bình an cho anh em." Thế gian rất cần hai chữ bình an. Con người lo lắng đủ thứ: lo sức khoẻ, lo cơm ăn áo mặc, lo công ăn việc làm, lo tiền của nhà cửa, nghề nghiệp, lo cho con cái trưởng thành, lo tương lai của gia đình. Trong khi đó cuộc sống luôn bị đe doạ bởi thiên tai, chia rẽ, tai nạn bất ngờ, bởi những cuộc chiến tranh rình rập, danh dự bị tổn thương, tranh giành lừa đảo; tất cả làm cuộc sống ngột ngạt thiếu bình an. Người ta cần "an cư lạc nghiệp," cần bình an để xây dựng hạnh phúc. Khi các Tông đồ đang trong tình trạng "xảy đàn tan nghé," lời chúc bình an của Đức Kitô có ý nghĩa rất quan trọng với các ông.

    Đức Giê-su ban quyền tha tội: Sau khi thổi hơi để ban Thánh Thần, Đức Giêsu chính thức ban cho các Tông đồ quyền tháo cởi: "Anh em hãy nhận lấy Thánh Thần. Anh em tha tội cho ai thì người ấy được tha. Anh em cầm giữ ai thì người ấy bị cầm giữ." Chỉ có Thiên Chúa mới thực sự có quyền tha tội. Đức Giêsu thi hành quyền đó trong sứ vụ, lúc làm phép lạ, hay lúc chữa bệnh cho người bất toại và nay Người trao quyền đó cho các môn đệ. Lịch sử chứng kiến rất nhiều hình thức thanh tẩy tội lỗi, hoặc lập đàn tế trời, hoặc tắm mình ở dòng sông, hay sát tế súc vật. Tất cả chỉ muốn gột bỏ tội lỗi để được sống bình an. Bí tích Hoà giải do Đức Ki-tô thiết lập giúp con người bình an trong tâm hồn, tạo cho con người trưởng thành trong cuộc sống, đặc biệt giúp người ta giao hoà với Thiên Chúa.

    2. Niềm tin thử thách

    Niềm tin cần thiết cho cuộc sống, Đức tin là cốt lõi trong thực hành tôn giáo. Niềm tin có nhiều loại: có thứ niềm tin do cảm tính, có thứ niềm tin vô cớ, có thứ niềm tin mơ hồ, con người cần phân biệt và nuôi dưỡng Đức tin của mình:

    Các Tông đồ không phải là những người vốn có Đức tin mạnh mẽ. Xuất thân từ những dân chài, các ông chưa đủ lí lẽ để bênh vực cho lí luận cuộc sống. Phê-rô Tông đồ cả của Chúa không tin vào đường lối của Thầy, dám can ngăn Người và đã bị quở trách là Sa-tan; ông còn can tội chối Chúa trước một người phụ nữ. Giu-đa đã vậy, còn các anh em Tông đồ khác cũng chẳng hơn gì, khi thấy Chúa bị bắt, họ chẳng còn lòng dạ tin vào Lời Thầy và bỏ chạy hết. Khi Đức Giêsu từ cõi chết sống lại, các bà thông báo Đức Ki-tô hiện ra trong phòng đóng kín, nhưng họ chưa đủ tin, không đủ can đảm ra ngoài, thậm chí không thuyết phục nổi Tôma tin Chúa đã hiện ra.

    Tôma Tông đồ mãi là cái tên người ta nhắc tới như một người đa nghi: Tô-ma đã không tin tưởng vào đường lối của Chúa, không tin việc Chúa sống lại, không tin vào lời các anh em Tông đồ kể lại, ông đòi khảo sát vết thương Chúa. Tô-ma là người đang mang thương tích vì khổ đau, cô đơn, nghi ngờ, thất vọng; nhưng khi được Đức Ki-tô chấp nhận yêu sách, ông quỳ xuống kêu lên "Lạy Chúa của con." Tô-ma chỉ nhận ra Thần Tính của Thầy mình qua cách Người đã sống cuộc sống của con người, ông bị giới hạn trong khả năng cảm giác của mình. Đức Ki-tô kịp thời điều chỉnh, biến Tô-ma thành chứng nhân sống động trong việc loan báo Tin Mừng.

    "Phúc cho những ai không thấy mà tin." Bài học của Tô-ma cũng là những kinh nghiệm cho mỗi người. Lí luận của Tô-ma là phải "nhìn thấy," "đụng chạm vào" mới tin. Nghe có vẻ hợp lí. Tuy nhiên, nếu chỉ nhìn vào, sờ tới, thì con người sẽ chạm vào một lỗ hổng kiến thức. Thế giới hữu hình chỉ chiếm một phần rất nhỏ trong thế giới vô hình, mà con người không bao giờ nhìn hết, chạm tới được. Ngay trong thế giới hữu hình, còn có biết bao nhiêu thực tại mà con người không thể nhìn thấy, đụng chạm tới, kiểm nghiệm bằng khoa học, như tư tưởng của con người, những chuyện về quá khứ. Con người cần có niềm tin tôn giáo, cần Đức tin, đó chính là lí do mà Chúa nói với Tô-ma: "Phúc cho những ai không thấy mà tin."

    Đức tin dẫn dắt con người tới nơi mà con người không thể đến được, mặc khải cho con người những chân lí mà trí khôn con người không thể kiểm nghiệm. Xin cho mỗi người chúng con biết đặt trọn niềm tin vào Thiên Chúa.

    Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu

    Bài viết liên quan