Chúa Nhật VI Phục Sinh - Lm Giu-se Trần Xuân Chiêu

  • 22/05/2025
  • Chủ đề: Những lời di chúc

     

    LOẠT BÀI

    DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG NĂM C

    Chúa Nhật VI  Phục Sinh

    Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu

    Phúc Âm (Ga 14,23-29)

    Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Ai yêu mến Thầy, sẽ giữ lời Thầy, và Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy, và Chúng Ta sẽ đến và ở trong người ấy. Kẻ không yêu mến Thầy, thì không giữ lời Thầy. Lời các con nghe, không phải là của Thầy, nhưng là của Cha, Ðấng đã sai Thầy. Thầy đã nói với các con những điều này khi còn ở với các con. Nhưng Ðấng Phù Trợ là Thánh Thần, mà Cha sẽ sai đến nhân danh Thầy, chính Người sẽ dạy các con mọi điều, và sẽ nhắc nhở cho các con tất cả những gì Thầy đã nói với các con. Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con. Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng. Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi. Các con đã nghe Thầy nói với các con rằng: Thầy đi, rồi Thầy trở lại với các con. Nếu các con yêu mến Thầy, thì các con hãy vui mừng vì Thầy về với Cha, bởi lẽ Cha trọng hơn Thầy. Giờ đây Thầy nói với các con trước khi việc xảy ra, để khi việc xảy ra, thì các con tin."

    ƠN BÌNH AN

    Suy Niệm

    1. Bình an

    - Bình: Bàn, đánh giá, để chứa, yên ổn. An: An tâm, an bình.
    - Bình an: Yên lành, không tai nạn, trắc trở, vô sự, thái bình, hòa bình, hòa thuận không có chiến tranh, loạn lạc.

    - Bình an tâm hồn: Bình an từ bên trong, cảm giác yên lòng, tâm hồn tĩnh lặng. Người ta không đi tìm bình an nội tâm, và có tìm cũng không thấy, vì đó là thứ mình phải tự tạo ra.

    2. Lời Chúa hôm nay nói về ơn bình an

    - Đức Giêsu đã hứa ban bình an cho các môn đệ: “Thầy để lại bình an cho các con, Thầy ban bình an của Thầy cho các con” (Ga 14, 23-29).

    - Đức Giêsu còn nhấn mạnh Ngài ban bình an khác với thế gian: “Thầy ban cho các con không như thế gian ban tặng. Lòng các con đừng xao xuyến và đừng sợ hãi” (Ga 14, 27).

    2. Thực hành xây dựng nền hòa bình

    - Hãy luôn cầu chúc an bình. Người Itraen luôn chào: “Bình an;” Arap chào: “Hãy đi bình an.” Người ta thường mong ‘đi đến nơi về đến chốn.’ Nhiều nơi còn thuê ‘dịch vụ bảo vệ’ để mong bình yên. Phụng Vụ cũng ‘chào bình an’ và kết thúc ‘về bình an.’ Đức Giêsu ban bình an, dựa trên sự hiệp thông với Chúa Cha, Chúa Con và Thánh Thần.

    - Hãy thực hành lời chúc bình an của Đức Giêsu. Chúa luôn chúc bình an mỗi lần hiện ra: “Thầy ban cho anh em bình an của Thầy.” Trước các thực tại ‘cơm, áo, gạo, tiền,’ không thể có bình an, nếu cứ ‘đóng cửa’ như các môn đệ lúc ban đầu. Muốn xây dựng hòa bình thế giới, phải thực hiện lời chúc của Chúa, bắt đầu từ cá nhân, đến gia đình, xã hội, quốc gia.

    - Hãy tạo dựng bình an qua cuộc sống trung thực. Làm sao trẻ nhỏ có thể chơi trò hoà bình, khi thấy bố mẹ suốt ngày cãi lộn. Thế giới ra rả nói về bình an, nhưng lại đầu tư hàng tỷ đôla vào vũ trang, bất chấp vẫn còn hàng tỉ người đói nghèo. Chúa ban hòa bình không dựa vào vũ lực mà đến từ Thánh Thần: “Thầy ban bình an không theo kiểu thế gian (c.27).

    - Truyện: Nhà văn ngồi ghế đá công viên, hỏi mấy em nhỏ: Các cháu chơi trò gì thế? Chúng thưa: Bọn cháu chơi trò chiến tranh. Ông cau mặt: Sao cứ thích chơi trò đánh nhau, sao không chơi trò hoà bình. Cả bọn tâm đắc. Nhà văn mỉm cười bước đi. Nhưng đi chưa xa, các em đuổi theo hỏi: Bác ơi! Chơi trò hoà bình là thế nào? Chúng cháu không biết!

    - Hãy loan tin bình an của Chúa. Đời người luôn tiềm ẩn bất an. Thế giới vẫn loạn lạc, Nguyễn Du nói: “Những điều trông thấy mà đau đớn lòng.” Chiến tranh, khủng bố khiến biết bao người đói khổ, chết chóc. Đức Giêsu cam kết bình an là hoa trái Tin Mừng. Mọi người đều có quyền được biết và đón nhận bình an vĩnh cửu mà Chúa muốn trao cho toàn thể nhân loại.

    - Chỉ Đức Giêsu có thể ban cho chúng ta bình an thật sự, không phải dựa trên vật chất, quyền lực hay quân đội. Chúa đưa ra phương án tốt nhất xây dựng hòa bình, là sống hoà hợp với Người: “Hãy ở lại trong tình yêu của Thầy.” Người còn gửi Thánh Thần đến để giúp đỡ nhân loại được sống yên bình.

    NHỮNG LỜI DI CHÚC

    Suy Niệm

    Thánh Gio-an tường thuật lại bài diễn từ tạm biệt của Đức Giê-su trong bữa Tiệc Ly: Người xác quyết sự nối kết liên tục giữa Thiên Chúa và loài người, Người cũng dạy loài người phải duy trì tính liên đới đó bằng việc thực hành Lời Chúa về tình yêu thương.

    Người ta đặt câu hỏi, phải chăng Thiên Chúa chỉ ở giữa những người giữ Lời Chúa? Vậy những người sống tốt lành ở các tôn giáo khác thì sao, họ chưa có điều kiện để đuợc tiếp cận Lời Chúa, mặc dù họ là tạo vật của Người? Tại sao Chúa có thể ban bình an trong khi chính Người đang gặp bao nhiêu rắc rối khủng hoảng?

    1. Thầy ở lại với các con

    Đức Ki-tô hứa sẽ ở lại với loài người: Trong khung cảnh níu kéo giữa Thầy và trò tại bữa Tiệc Li, Chúa  Ki-tô nói về sự ra đi của Người và các môn đệ không dễ dàng chấp nhận chuyện này. Chúa Giê-su như một người Thầy duy nhất, một người chủ luôn quan tâm đến những ai thuộc về mình, Người bày tỏ tiếp tục dành tình yêu bằng những lời hứa rất cần thiết: Cha Thầy và Thầy sẽ ở lại với người đó. Khác với thế gian, thường xa mặt thì cách lòng, một khi xa nhau thì người ta thường dễ quên nhau; người chồng có bồ, thì cô vợ cũng lén lút với người hàng xóm. Nhưng ở đây Chúa đã đảm bảo sự hiện diện của Người bằng một tình yêu nối kết của cả Ba Ngôi Thiên Chúa với con người: “Cha Thầy còn phái đến nhân Danh Thầy, Đấng Bào chữa là Thánh Thần sẽ dạy anh em mọi điều”(Ga 14,26).

    Đức Ki-tô chúc bình an cho loài người: Để diễn tả hết tình yêu của Người đối với nhân loại, Chúa Giê-su không những chỉ hứa sẽ ở với loài người, mà còn ban bình an cho họ: “Thầy để lại bình an cho anh em”(Ga 14,27). Rất nhiều lần Chúa Ki-tô nói đến sự bình an. Kinh Thánh cũng hay dùng chữ bình an để chuyển tải ý nghĩa rất quan trọng, là hạnh phúc hoàn hảo thuộc về Chúa. Bình an ở đây không phải không có chiến tranh, hay một sự yên tĩnh bề ngoài, mà là một trạng thái thanh thản trong nội tâm; cũng không phải là một thứ bình an trốn tránh thực tại bên ngoài, mà là bình an, siêu phàm để thăng hoa con người; cũng không phải là một loại bình an thế gian ban tặng, chỉ là tương đối không vững chắc và phải dựa vào những ngoại cảnh; đây là sự bình an hoàn hảo, vững chắc tuyệt đối, có thể bảo đảm hạnh phúc trường tồn. Trong lúc bị xáo trộn, vùi dập, Đức Giê-su vẫn giữ được vẻ bình thản cho mình và còn trao tặng cho người khác. Bình an là một món quà vô cùng quý giá, mà Giáo hội Chúa Ki-tô đã ban tặng cho con người qua bao nhiêu thế kỉ!

    2. Tự do chọn lựa

    Thiên Chúa tôn trọng quyền tự do của con người: Tình yêu chiếm hữu, như người ta thường gặp ở một số cha mẹ với con cái, hay giữa vợ chồng với nhau, thường gây ra nhiều cay đắng và thất bại. Chúa yêu thương loài người, nhưng không để mất quyền của con người, không sở hữu tình yêu áp đặt, nhưng là một tình yêu cho đi và không bỏ rơi họ: “Ai yêu mến Thầy, Cha Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy.”

    Chúa cũng giữ cho Mình quyền tự do ban phát Hồng Ân: Không có phần thưởng nào mà không đòi hỏi cố gắng, nhất là khi con  người được quyền tự do lựa chọn. Chúa Kitô đã lớn tiếng tuyên bố: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ Lời Thầy”(Ga 14,23a). Như vậy Chúa đòi hỏi loài người phải yêu Người. Tình yêu là cốt lõi của Kitô giáo, con người phải đáp trả tình yêu của Thiên Chúa, họ cũng đáp trả tình yêu ấy bằng việc yêu thương người khác. Như vậy con người đáp trả tình yêu ấy bằng hành động cụ thể, chứ không phải chỉ là thứ lý thuyết suông, và hành động yêu mến nhiều ít tuỳ thuộc vào mức độ họ tuân giữ Luật Chúa nhiều hay ít.

    3. Hãy giữ lời Thầy

    Chúa cho con người quyền tự do chọn lựa, nhưng đòi hỏi những ai theo Người, thì phải tuân giữ Lời Người:

    Đức Giê-su dạy phải nghe Lời Chúa trong khi thực hành tình yêu Người: “Ai yêu mến Thầy thì sẽ giữ Lời Thầy”(Ga 14,23a). Tuân giữ Lời Chúa và thực hành ý Chúa, để sống theo tinh thần của Chúa Giê-su, là vô cùng quan trọng trong đời sống người Kitô hữu. Hãy sống như cách Chúa sống, đó là phục vụ, yêu thương vô vị lợi và hi sinh đến chết, để chứng tỏ tình yêu của mình đối với người khác. Mỗi người tín hữu thường được tiếp cận với Lời Chúa trong nhiều dịp khác nhau, có thể trong cuốn Kinh Thánh cầm tay, hay trong các bài đọc trong Thánh Lễ, hoặc trong các Phụng vụ, Bí Tích, trong các giáo huấn của Giáo hội hay trong các bài giảng, chia sẻ Lời Chúa. Giữ Lời Chúa không chỉ là nghe đọc, mà còn là truyền bá Lời Chúa. Có biết bao nhiêu tâm hồn đang chờ đợi tình yêu bác ái truyền giáo của người Ki-tô hữu.

    Đức Giê-su đòi hỏi phải áp dụng Lời Người: Tất cả Lời Chúa đều kết thúc bằng từ yêu: yêu Chúa và yêu đồng loại, không phân biệt biên giới, màu da, sắc tộc, địch thù… Giáo hội của Chúa Ki-tô được gọi là Giáo hội thánh thiện, nhưng Giáo hội chỉ là thánh khi hoàn tất sứ vụ yêu thương. Thiếu yêu thương, các giáo sĩ chỉ là những người đội lốt, các chức sắc chỉ là những con mọt, giáo dân chỉ là những con rối; tất cả việc cầu nguyện, dâng lễ, ăn chay, bố thí, giảng dạy đều là giả trá vô ích. Có một người nhìn thấy Thiên thần một tay cầm bó đuốc, tay kia lại cầm xô nước, lấy làm ngạc nhiên và thắc mắc tại sao lại như vậy. Thiên thần nói, để thiêu rụi Thiên đàng và dập tắt lửa Hoả ngục; người kia càng lạ, chất vấn rằng: vậy thì còn đâu là Thiên đàng để ban cho kẻ giữ Luật Chúa và còn đâu là Hoả ngục để phạt kẻ bất nhân. Thiên thần liền nói, đó chính là lí do ta đốt Thiên đàng và dập tắt Hoả ngục vì mọi người chỉ lo giữ Luật Chúa để khỏi sa Hoả ngục và được lên Thiên đàng, chứ đâu phải vì yêu Chúa. Tình yêu phải là động cơ trên hết trong tất cả mọi việc làm của người Ki-tô hữu.

    Lạy Chúa xin cho chúng con biết sống yêu thương để trở nên môn đệ đích thực của Chúa!

    Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu

    Bài viết liên quan