DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG
Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu
Khi Giuđa ra khỏi phòng tiệc, Chúa Giêsu liền phán: "Bây giờ Con Người được vinh hiển và Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người. Nếu Thiên Chúa được vinh hiển nơi Người, thì Thiên Chúa lại cho Người được vinh hiển nơi chính mình, và Thiên Chúa sẽ cho Người được vinh hiển.
"Các con yêu quý, Thầy chỉ còn ở với các con một ít nữa thôi. Thầy ban cho các con điều răn mới, là các con hãy yêu thương nhau. Như Thầy đã yêu thương các con, thì các con cũng hãy yêu thương nhau. Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ của Thầy, là nếu các con yêu thương nhau."
GIỚI LUẬT YÊU THƯƠNG
Dàn Ý
1. Yêu thương trong cuộc sống
- Yêu thương là chia sẻ, đồng cảm, gắn bó lẫn nhau. Nếu tình yêu là nồng nàn, mạnh mẽ, thì tình thương là êm ả, lâu bền.
- Yêu thương là thứ tình cảm thiêng liêng được biểu hiện rất phong phú, đa dạng; có thể là lời nói, cử chỉ quan tâm.
- Sách Khởi Nguyên: Nguồn gốc tình yêu đích thực là Thiên Chúa, Đấng sáng tạo mọi vật theo kế hoạch yêu thương.
- Tertullianô viết về cộng đoàn Kitô hữu sơ khai: “Hãy xem họ yêu thương nhau và sẵn sàng hiến mạng cho nhau. Người ngoại gọi họ là Kitô hữu, nhưng họ vẫn gọi nhau là anh em.”
2. Lời Chúa hôm nay nói về giới luật yêu thương
- Đức Giêsu ban giới luật yêu thương: “Thầy ban cho các con điều răn mới, là hãy yêu nhau. Như Thầy đã yêu thương các con, các con cũng hãy yêu thương nhau” (Ga 13,34).
- Đức Giêsu coi yêu thương nhau là căn tính người môn đệ: “Căn cứ vào điều này mà mọi người nhận biết các con là môn đệ Thầy, là các con hãy yêu thương nhau” (Ga 13,35).
2. Thực hành giới luật yêu thương
- Yêu thương là đáp trả tiếng gọi tình yêu của Thiên Chúa. Chúa dựng con người giống hình ảnh Người, ban cho họ có tình yêu, tự do. Cần phân biệt với tình yêu nhục dục, tình yêu lợi dụng, đam mê địa vị, vật chất. Tình yêu đích thực phải là yêu mến Chúa trên hết, vì tình yêu bắt nguồn từ Thiên Chúa và yêu tha nhân như chính mình, vì nhân loại cần tình yêu.
- Yêu thương xây dựng cuộc sống tốt đẹp. Thực hành luật yêu thương không đơn giản, vì liên quan tới quyền lợi, công việc, tuổi tác, tính tình, tập tục… Con người trải qua nhiều thời kì đồ đá, đồ đồng, thời đại công nghiệp, công nghệ tin học, nhưng quan trọng nhất và đỉnh cao vẫn là tình yêu. Yêu thương là lẽ sống, giúp cho cuộc sống con người hạnh phúc và ý nghĩa.
- Yêu thương xây dựng nền hòa bình. Thiên Chúa chọn Israel làm dân riêng và đòi họ phải tin Ngài, và yêu mến nhau để đất nước an bình. Ngày nay cuộc sống bị tha hóa: Bài bạc, số đề, cá độ; sáng xỉn chiều say, đồ đạc không cánh mà bay. Nếu xây dựng xã hội dựa trên oán hờn, căm thù sẽ gia tăng. Yêu nhau giúp loại bỏ các tiêu cực và cuộc sống được an bình.
- Yêu thương là cho đi. Ai cũng có quyền tự do cho đi hay không. Yêu kẻ có tiền, có quyền, yêu trai giàu, gái đẹp, thì dễ, nhưng khó để yêu kẻ ăn mày, lở loét. Nói mến Chúa, mà không thực hành cho đi, thì chỉ là phường nói dối mà thôi. Đức Giêsu nêu gương, đã trao tặng bản thân để tình yêu lên ngôi.
- Truyện: Hội nghị về bệnh cùi ở Cairô, có y sĩ từ Alexandria ngồi góc xa nghe các thuyết trình. Anh không ăn chung và không giao tiếp với ai. Khi anh tham luận, nhiều người khóc. Anh tự nguyện nhiễm bệnh cùi, để quan sát diễn biến bệnh cùi. Anh thấy các vết trắng và nâu ở cánh tay, và mô tả những gì anh cảm thấy và hiệu quả các thuốc anh dùng. Anh đau đớn và đang chết từ từ, nhưng anh chịu đựng để góp phần khoa học tiến bộ, đẩy lui bệnh cùi. Mọi người đều khâm phục.
- Yêu thương là lệnh truyền. Thế giới đang dần trở nên khô cằn, thiếu tình thương. Hãy xin Chúa giúp cho chúng ta, biết can đảm thực thi giới luật yêu thương, là giới luật quan trọng trên mọi thứ luật lệ. Ước gì Kitô hữu nêu gương cùng nhau thực hiện lệnh truyền: “Các con hãy yêu thương nhau.”
Suy Niệm
Thánh Gio-an tường thuật lại những giây phút linh thiêng nhất chuẩn bị cho việc ra đi của Chúa Ki-tô: Trong bữa ăn cuối cùng, Chúa Giê-su đã trăn trối nhiều điều, người ta thường gọi là những lời di chúc. Trong những lời tâm huyết chí tình giữa Thầy và trò, Đức Giê-su đặc biệt nhấn mạnh đến tình yêu, nhất là khi Giu-đa đã ra ngoài bữa tiệc; Chúa Ki-tô đưa ra tiêu chuẩn mới của giới luật yêu thương và những dấu chỉ để nhận biết ai là môn đệ Thầy.
Người ta có thể băn khoăn tại sao Chúa phải chịu áp lực tâm lí quá nặng nề như vậy, để đến chỗ phải than phiền kêu ca? Chúa có thể làm cách khác chứ? Tại sao trong lúc đau khổ như vậy, Người lại nói Người sắp được tôn vinh? Tại sao Chúa lại đem giới răn mới? Và đâu là giới răn mới?
1. Màu nhiệm Vượt Qua
Đức Giê-su vượt qua cuộc khổ nạn: Có ai ở trên đời này mà chưa cảm nghiệm được sự đau khổ, bị bỏ rơi: Có thể là sự cô đơn trống vắng trong cuộc sống, có thể là cái chết của thành viên trong gia đình, có thể là sự lừa đảo của bạn bè. Đức Ki-tô biết trước tất cả những sự việc sẽ xảy đến với Người, cây thập giá đang rình rập hiện ra, các môn đệ bỏ chạy, nhất là Giu-đa, kẻ từng ăn uống với Người lại quyết tâm bán Người cho kẻ thù. Chúa Giê-su buồn rầu, xúc động và rơi lệ!
Đức Giê-su được tôn vinh: Mặc dù đang trải nghiệm khổ đau, Đức Giêsu vẫn giữ được sự bình thản, siêu phàm, bởi vì Người cũng đã nhìn thấy trước thành quả. Người hoàn thành nhiệm vụ Chúa Cha trao phó để đem về cho Chúa Cha hàng ngàn vạn tâm hồn, Người đã cứu họ bằng Máu của Người và cuối cùng Người sống lại hiển vinh để làm vinh quang Thiên Chúa. Người tôn vinh đau khổ, nhấn mạnh cây thập giá, để giải phóng biết bao tâm hồn đau thương tan nát, Người chứng tỏ tình yêu đối với loài người, bằng sự hiến thân, chịu đau khổ và chết trần trụi trên Thập Giá.
2. Mẫu tình yêu
Tình yêu là đề tài xưa nhất và cũng nóng bỏng nhất của con người; tình yêu xuất hiện từ khi có con người, hay tình yêu xưa như trái đất, vũ trụ; loài vật cũng biết thương yêu nhau, con người cổ lỗ nhất cũng rất trân trọng tình yêu. Tình yêu là đề tài trọng tâm trong tất cả sinh hoạt của cuộc sống, các loại hình văn hoá, trong các phương tiện truyền thông, truyền hình, báo trí, sách vở, tôn giáo. Văn hoá Á Đông cho rằng “Tứ hải giai huynh đệ.” Trong lịch sử đấu tranh vì dân tộc, tình yêu được thể hiện “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng.” Tình yêu đã rất xưa cũ và có vai trò quan trọng như vậy, tại sao Chúa nói đến giới răn mới? Mặc dù tình yêu gắn liền với con người, nhưng con người phải phân biệt loại tình yêu nào được trân trọng, bởi chưng nó rất phong phú, nhiều loại tình yêu:
Có thứ tình yêu thú tính: Loài vật chỉ biết yêu những gì thuộc về nó, yêu ông chủ của nó, con cái của nó, những gì đem lại lợi ích cho cuộc sống của riêng nó; nó không thể cưỡng lại những đòi hỏi thú tính. Con người cũng đã biến tình yêu trở thành thú vui nhục dục, không giới hạn. Biết bao tranh ảnh, phim truyện, tiểu thuyết, lợi dụng khai thác những ham thích đê hèn xác thịt để phục vụ cho lợi nhuận cá nhân.
Có thứ tình yêu vụ lợi: Yêu người khác vì đối tượng ấy đem lại lợi ích cho mình. Đó là thứ tình yêu bán đổi, yêu những ai yêu mình và sòng phẳng với những ai hại mình, như luật “mắt đền mắt, răng đền răng.”
Có thứ tình yêu lãng mạn, là loại tình yêu hướng sang người khác, họ thích giả vờ hi sinh chính mình để hướng về một ai đó. Đây cũng là loại tình yêu vụ lợi, bởi họ muốn gây cảm giác vui thích bằng việc làm mọi cách làm để vừa lòng người tình. Những loại tình yêu này không bao giờ bền vững, nhất là trong tình yêu hôn nhân; những tình yêu galăng này chỉ trở thành địa ngục, sau khi đã đánh gục được người khác cho mục tiêu của mình.
Yêu anh em như chính mình: Kinh Thánh Cựu Ước đã đưa ra kiểu mẫu tình yêu là lấy chính mình làm thước đo tình yêu. Tuy nhiên tình yêu này vẫn chưa loại bỏ được động lực vị kỉ, người khác yêu tôi thế nào thì tôi cũng yêu họ như vậy, nhất là tình yêu này còn giới hạn trong dòng tộc, quốc gia còn coi người ngoại quốc là nhơ bẩn, thù nghịch.
Hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em(Ga 15,12). Đức Giê-su đi xa hơn nhiều và kiện toàn giới luật Moisê. Đó là giới răn mới, vì tình yêu được lấy chuẩn mực từ Thiên Chúa là Đấng hoàn hảo và yêu thương vô vị lợi. Tình yêu được thể hiện việc làm của chính Chúa: Người đến để phục vụ, đến nỗi có thể rửa chân cho môn đệ mình, để chữa bệnh tật, tha thứ tội lỗi, xua quỷ ám và làm lễ vật hi sinh trên Thánh Giá để cứu chuộc loài người.
3. Dấu chỉ người Ki-tô Hữu
Người môn đệ Đức Ki-tô, được mang danh Kitô hữu, phải thực hành mẫu yêu thương: Hãy yêu thương tha nhân như Chúa yêu thương con người. Tình yêu của người Kitô hữu phải trở thành phương tiện để người ta cảm nghiệm tình yêu của Thiên Chúa quan phòng. Nó phải trở thành dấu chỉ Thiên Chúa luôn hiện thân giữa họ, “căn cứ vào dấu này mà thế gian nhận biết các con là môn đệ của Thầy, đó là các con hãy yêu thương nhau.”
Giáo hội thực hành giới luật yêu thương: Te-tu-li-a-nô đánh giá về cộng đoàn tín hữu đầu tiên “hãy xem họ yêu nhau và hiến mạng cho nhau.” Đạo Công giáo Việt Nam tiên khởi ở Thăng Long, được người ngoại giáo gọi bằng cái tên “Đạo yêu nhau,” vì chứng kiến họ rất đoàn kết yêu thuơng nhau. Giáo hội của Chúa không phải là Giáo hội lợi nhuận, chỉ huy, cạnh tranh, nhưng là một tập thể chia sẻ, yêu thương. Chính phủ Trung Hoa trước đây cho rằng, nếu một người Trung Hoa theo Đạo thì dân tộc họ mất một người; còn bây giờ qua thời gian chứng kiến cuộc sống đạo của người Kitô hữu, họ lại cho rằng “cứ thêm một người Công giáo, đất nước sẽ bớt thêm một tội.” Như vậy, người Công giáo Trung Quốc là dấu chỉ của người Ki-tô hữu, trong cách sống đạo yêu thương cho tổ quốc Trung Hoa!
Một cộng đoàn Kitô hữu cũng phải thể hiện bằng cuộc sống cụ thể của tình yêu thương nhau. Một gia đình Ki-tô hữu phải êm ấm, không cãi cọ, lục đục; một xứ đạo phải luôn là trung tâm chiếu sáng tình yêu của Chúa, để cảm hoá người xung quanh. Một Giáo hội phải biết đoàn kết với nhau, không dèm pha lợi dụng nhau, nói hành nhau. Hình dung một người Ki-tô hữu luôn rêu rao về luật yêu thương, mà hay kể xấu, chê bai bạn bè đồng nghiệp mỗi khi gặp nhau, giành giật danh dự tiếng khen, cho mình, cho phe cánh của mình; chia rẽ xã hội, phân biệt vùng miền, trong nước với nước ngoài, dân tộc này với dân tộc khác. Đức Ki-tô không muốn những Ki-tô hữu của Người có dấu chỉ trái ngược và những hành vi phá đạo như vậy.
Cuối cùng, mỗi người Ki-tô hữu phải làm mới chính mình, họ phải hoàn thiện giới luật yêu thương của Chúa và luôn coi đó là con đường, là dấu chỉ để làm công cụ cho thế gian nhận ra Thiên Chúa nhân lành. Người ngoại giáo thường đánh giá việc thực hành tình yêu thương này, qua việc phê phán những ai đó đã sai phạm “mày là người Công giáo mà cũng làm vậy à.” Nói như vậy cũng đồng nghĩa họ nhìn người Công giáo là tốt, còn những ai sai phạm thì không xứng đáng là người Công giáo. Rõ ràng tình yêu là dấu chỉ người Ki-tô hữu, ai không thực hiện giới luật yêu thương như Chúa yêu, họ đã phản bội lại Giáo hội của Người.
Xin Thiên Chúa qua lời bầu cử của Đức Trinh Nữ Maria hoàn thiện con người chúng con để luôn biết yêu thương nhau như Chúa đã dạy chúng con.
Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 119 | Tổng lượt truy cập: 6,365,269