DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG
Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu
Phúc Âm: Ga 21, 1-24
Khi ấy, lúc các môn đệ đang ở bờ biển Tibêria, Chúa Giêsu lại hiện đến. Công việc đã xảy ra như sau: "Simon-Phêrô, Tôma (cũng gọi là Ðiđymô), Nathanael quê tại Cana xứ Galilêa, các con ông Giêbêđê, và hai môn đệ khác nữa đang ở với nhau. Simon Phêrô bảo: "Tôi đi đánh cá đây". Các ông kia nói rằng: "Chúng tôi cùng đi với ông." Mọi người ra đi xuống thuyền. Nhưng đêm ấy các ông không bắt được con cá nào. Lúc rạng đông, Chúa Giêsu hiện đến trên bờ biển, nhưng các môn đệ không biết là Chúa Giêsu. Người liền hỏi: "Này các con, có gì ăn không?" Họ đồng thanh đáp: "Thưa không." Chúa Giêsu bảo: "Hãy thả lưới bên hữu thuyền thì sẽ được." Các ông liền thả lưới và hầu không kéo nổi lưới lên, vì đầy cá. Người môn đệ Chúa Giêsu yêu liền nói với Phêrô: "Chính Chúa đó." Simon Phêrô nghe nói là Chúa, liền khoác áo vào, vì đang ở trần, rồi nhảy xuống biển. Các môn đệ khác chèo thuyền vào và kéo lưới đầy cá theo, vì không còn xa đất bao nhiêu, chỉ độ hai trăm thước tay.
Khi các ông lên bờ, thấy có sẵn lửa than, trên để cá và bánh. Chúa Giêsu bảo: "Các con hãy mang cá mới bắt được lại đây." Simon Phêrô xuống thuyền kéo lưới lên bờ. Lưới đầy toàn cá lớn; tất cả được một trăm năm mươi ba con. Dầu cá nhiều đến thế, nhưng lưới không rách. Chúa Giêsu bảo rằng: "Các con hãy lại ăn." Không ai trong đám ngồi ăn dám hỏi "Ông là ai?" vì mọi người đã biết là Chúa. Chúa Giêsu lại gần, lấy bánh trao cho các môn đệ; Người cũng cho cá như thế. Ðây là lần thứ ba, Chúa Giêsu đã hiện ra với các môn đệ khi Người từ cõi chết sống lại.
BỮA ĂN
1. Lời Chúa hôm nay nói về bữa ăn
- Đức Giêsu chào hỏi bằng bữa ăn: “Đức Giêsu đứng trên bãi biển, các môn đệ không nhận ra là Đức Giêsu. Người nói với các ông: “Này các chú, không có gì ăn ư?” (Ga 21,5).
- Đức Giêsu chuẩn bị bữa ăn: “Lên bờ, các ông thấy có sẵn than hồng với cá đặt ở trên, và có cả bánh nữa. Đức Giêsu bảo các ông: “Đem ít cá mới bắt được tới đây!” (Ga 21,9).
- Đức Giêsu mời mọi người cùng dùng bữa : “Anh em đến mà ăn!” (Ga 21,12).
2. Đức Giêsu và bữa ăn
- Đức Giêsu quan tâm ‘bữa ăn.’ Hôm nay Người làm công việc của đầy tớ là dọn bánh và cá cho các môn đệ. Người cũng đã từng ‘phục vụ’ như thế vào tối Thứ Năm Thánh.
- Đức Giêsu nhiều lần dùng bữa với môn đệ. Người đã từng nói về Bánh sự sống, khi dùng ‘năm chiếc bánh và hai con cá,’ để hóa ra nhiều, Ngài ăn bữa Tiệc li với môn đệ...
- Đức Giêsu, trong bữa tiệc cuối cùng, đã ngỏ lời yêu thương với Phêrô: “Phêrô, con có yêu mến Thầy không?” (Ga 21,10)
3. Bữa ăn trong cuộc sống
- Kitô hữu phải chuẩn bị bữa ăn. Người ta thường đối diện với khó khăn về việc làm, gia đình, xã hội, tôn giáo. Đấng Phục Sinh đã giản dị dọn bữa ăn và mời họ ăn chung với Người: “Hãy mang cá vừa bắt được lại đây.” ‘Có làm thì mới có ăn,’ Chúa cũng đang chờ các tín hữu hãy làm như Người.
- Kitô hữu luôn nhận ra sự hiện diện của Thánh Thần. Tông đồ Công vụ nói đến ‘Chúng tôi và Thánh Thần,’ nghĩa là các Tông đồ không làm việc do sức mình, mà là trong Chúa Thánh Thần, Giáo Hội cũng chỉ tồn tại khi đến dự bữa ăn huynh đệ nơi bàn tiệc Thánh Thể, bữa ăn hiệp nhất.
- Kitô hữu phải biết chia sẻ. Ngày nay tình yêu được cân, đong, đo, đếm bằng ‘cơm, áo, gạo, tiền.’ Người ta chỉ biết lo cho mình. Đức Giêsu chia sẻ bữa ăn với môn đệ. Chúa muốn mọi người chia sẻ cho nhau. Ai cũng cần được nâng đỡ để sống trọn vẹn cuộc sống mà Chúa đã ban tặng cho con người.
- Truyện: Gia đình nghèo, mẹ mất sớm, bố tần tảo nuôi 3 anh em. Nhà gần sông, nhưng bố đau yếu, nên có được bữa cá là thịnh soạn lắm. Chúng còn nhớ, mỗi lúc ăn cá, bố hay nói: Để tao ăn đầu và xương. Chúng nhanh nhẩu hỏi: Tại sao bố? Bố nghiêm nghị: “Vì bố già rồi, hay đau đầu, nên ăn đầu sẽ bớt đau đầu, như ăn óc bổ óc, hiểu không? Xương yếu, ăn xương sẽ cứng cáp hơn. Có vậy mà cũng không hiểu!”
- Hãy hiệp thông. Trong xã hội, có nhiều người chỉ biết mình, giành giật bất công; chủ nghĩa mackenô ngự trị. Tin Mừng nói về mẻ cá quá lớn, các đồng nghiệp phải đến hỗ trợ. Đức Giêsu không dọn bữa đầy đủ, dù đã có bếp, bánh và cá! Chúa muốn con người cộng tác. Cộng đồng Kitô giáo là nơi gặp gỡ, hiệp thông với nhau và Chúa sẽ ban bánh cho họ.
- Hãy đến với lòng Chúa thương xót. Giáo Hội tiếp tục sứ mạng của các Tông đồ, chỉ có thể phát triển qua Đức Kitô. Ngài luôn thương yêu và sẽ cung cấp mọi thứ cho cuộc sống. Hãy tin tưởng và thực hành lời Chúa dạy để được liệt vào số con cái của lòng Chúa xót thương.
Suy Niệm
Thánh Gio-an trong bài Phúc Âm hôm nay thuật lại việc Đức Giê-su hiện ra với các Tông đồ, những ông ngư phủ tại biển hồ Ti-bê-ri-a, cùng với phép lạ bắt cá. Vẫn những biểu hiện quen thuộc, Chúa muốn cho các Tông đồ nhận ra Người và củng cố niềm tin cho họ.
Nhưng tại sao các Tông đồ lại không nhận ra Chúa ngay, dù Người đã hiện ra mấy lần với họ? Tại sao Phêrô nghe lời một người lạ thả lưới, dù sau một đêm vất vả không được con cá nào, nhất là khi thuyền đã vào chỗ nông, ít cá?
1. Thử thách
Các Tông đồ cảm nghiệm thất bại: Sau những khủng hoảng ê chề và cái chết nhục nhã của Thầy vĩ đại, các Tông đồ chưa thể lấy lại bình tĩnh, dù Chúa đã hiện ra với họ đôi lần. Mặc dù các Tông đồ thường xuyên tụ họp với nhau, để chia sẻ những kinh nghiệm, nhưng trình độ của các ông chưa đủ chín mùi, để chấp nhận một sự kiện phi thường là Thầy mình đã tự sống lại, điều mà thế gian chưa ai từng chứng kiến, nhất là những quan điểm về cái chết của người Sa-đu-cê-ô ảnh hưởng đến họ. Điều này làm chứng rằng, các Tông đồ không phải là người dễ tin dễ nghe, cũng không phải là những người có trình độ bài bản để dựng chuyện; tất cả thể hiện cái thực, cái tâm của các ngài. Các ngài cần có thời gian để hiểu Kinh Thánh, nhận lãnh Thánh Thần, để có thể dám chết bảo vệ chân lí đã chứng kiến. Trong khi còn buồn chán, vì những năm tháng tốt lành giữa Thầy trò không còn nữa, họ rủ nhau đi đánh cá.
Các Tông đồ tiếp tục trải nghiệm sóng gió: Mặc dù là những tay chài lưới sành sỏi, nhưng sau một đêm mệt nhọc mà không bắt được con cá nào. Biển sóng ngoài khơi là biểu hiện biển sóng cuộc đời con người: Những ai đã từng ra biển cả trong lúc trời lộng gió, thật là bao la vĩ đại; dưới nước thì sâu thăm thẳm, xung quanh là không gian xa hút, sóng đánh vào thuyền chao đảo, người ta có thể bắt gặp bất cứ những vật cản nguy hiểm, đá ghềnh, san hô, cá dữ. Bẩy Tông đồ đã ra khơi trong hoàn cảnh như vậy và đã trở về tay không. Các ông sẽ tiếp tục làm nghề chài lưới linh hồn, nhưng còn khó khăn thử thách hơn rất nhiều; họ sẽ phải đương đầu với bắt bớ tù ngục, với sóng gió cuộc đời. Các ông sẽ tiếp tục ra khơi đầy nguy hiểm, xa xôi và khổ cực để làm chứng cho Chúa, với nhiều thế lực xấu, xã hội đen bắn phá tàn sát.
2. Thầy luôn ở cùng các con
Mẻ cá lạ: Trong lúc chán nản, sau một đêm mỏi mệt không bắt được con cá nào và đang cập bến, một người lạ nhắc các ông “Hãy thả lưới bên hữu thuyền.” Mặc dù không còn là thời gian để đi đánh cá, vì thường họ đánh bắt cá nhiều vào ban đêm và nhất là cá thường ở chỗ nước sâu, các ông vẫn vâng lời thả lưới. Các ông đã thành công, cá ở đâu mà tập trung nhiều như vậy, một mẻ cá đầy, cứ như chiếc lưới có nam châm thu hút mọi con cá vào nó vậy! Người ta cũng dễ hiểu tại sao các Tông đồ có thể nghe theo người lạ; việc đánh cá dù có kinh nghiệm, nhưng nhiều khi cũng do may rủi, có ai nhìn thấy cá dưới lòng biển đâu. Hơn nữa khi các ông nghe câu nói “thì sẽ bắt được cá,” như có điều gì lạ, một kinh nghiệm khác thường cần được học hỏi, một sự may rủi có thể đến, nhất là trong khi mệt nhọc không có gì ăn, cứ thử vận may xem, các ông chấp nhận tất cả và các ông đã thành công.
Chúa luôn hiện diện đúng lúc: Mặc dù các Tông đồ không nhận ra Đức Giê-su ngay, nhưng sau mẻ cá lạ và nhất là sau khi Người tiếp cận và xin đồ ăn, tất cả đã nhận ra Thầy mình. Đức Giê-su muốn sau mẻ cá lạ, các ông Tông đồ trở thành những ngư phủ chài lưới người ta. Người luôn hiện diện, để nâng đỡ các ông trong những nhọc nhằn thất vọng, Người sẽ cho các ông thu gặt những mẻ cá đầy. Đức Giê-su hiện ra tiếp tục chứng minh rằng, Người viết trọn trang sử mà luật Môi-sê, Ngôn sứ và Thánh vịnh đã chép về Người. Chúa muốn đưa các ông về một thực tại: Người là Thầy của họ, không phải bóng ma, mà có xương thịt, cho họ xem, họ đụng chạm. Đức Giê-su nướng cá cho họ ăn, rồi với những cử chỉ quen thuộc khi Người chia bánh, mọi người nhận ra Thầy mình hiện ra sau khi từ cõi chết sống lại.
3. Sứ vụ chứng nhân
Người Kitô hữu hành trang lên đường: Chúa Giê-su dạy các Tông đồ cũng như mỗi người bài học trách nhiệm. Thế gian vẫn chứng kiến cảnh con người sống thiếu tình thương, lợi dụng nhau! Một hôm 2 thầy lang ngồi tâm sự. Một thầy hỏi người kia. Sao khi khám bệnh anh cứ hỏi người ta ăn gì? ông kia đáp: Có gì đâu, chẳng qua hỏi xem họ ăn uống có sang trọng thì biết họ giàu nghèo để định tiền thuốc nhiều hay ít thôi. Chúa Giê-su chia sẻ trách nhiệm của mình với các Tông đồ, để các ông tiếp tục sứ mạng cứu độ, kết quả tình yêu của Thiên Chúa dành cho con người. Các Tông đồ bắt được âm thanh đầy tình thương của Chúa và lên đường, mỗi người cũng lên đường làm nhiệm vụ, xứng đáng làm môn đệ Chúa.
Các Tông đồ được Chúa chia sẻ bánh ăn cá nướng và những giọng nói đầy tình cảm thuyết phục. Các Tông đồ không giữ niềm tin cho riêng mình, mà chia sẻ cho người khác, vì đó chính là lí do mà mỗi người được mang danh Kitô hữu. Đời sống con người là quá trình chia sẻ giữa người này với người khác, người đi trước với người sau, giữa cá nhân với tập thể. Người Ki-tô hữu không thể giữ đạo cho riêng mình, họ phải dành tình thương cho những người xung quanh; họ ra đi không phải bằng quyền lực, tiền bạc, vũ khí mà bằng tình yêu chia sẻ; Chúa đón nhận những cống hiến của họ.
Lạy Chúa, chúng con xin Chúa đến với chúng con kịp thời, nâng đỡ sự yếu đuối nhọc nhằn của phong ba biển đời, để chúng con có thể làm chứng nhân cho Người và chia sẻ niềm vui với những người xung quanh.
Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 227 | Tổng lượt truy cập: 6,168,006