LOẠT BÀI
DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG NĂM C
TAM NHẬT VƯỢT QUA & CHÚA NHẬT PHỤC SINH
Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu
THỨ 5 TUẦN THÁNH – TÌNH YÊU TRAO BAN
1. Đức Giêsu thực hành trao ban
Người ta thường trao tặng kỷ vật quý khi đi xa, để dù xa mặt mà gần lòng. Đức Giêsu biết giờ sắp về với Chúa Cha, nên lập Bí tích Thánh Thể, ban Mình làm của ăn nuôi sống nhân loại. . kỉ vật- Đức Kitô trao
- Đức Kitô trao dấu tích. Chúa lập Bí tích Truyền Chức gắn liền với Bí tích Thánh Thể, để duy trì sức sống. Linh mục là đại diện Chúa, đóng vai trò lãnh đạo, phục vụ, thánh hóa.
- Đức Kitô trao lời truyền: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu nhau như Thầy đã yêu anh em.”
- Đức Kitô trao dấu chỉ: “Mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau.”
- Đức Kitô trao lời khuyên: “Thầy là Chúa, là Thầy, mà còn rửa chân anh em, thì anh em cũng phải rửa chân cho nhau.”
2. Thực hiện lời trăng trối
- Hãy rước Thánh Thể. Đức Giêsu đã thiếp lập Bí tích Thánh Thể để củng cố niềm tin, có sức mạnh loan Tin Mừng và nuôi dưỡng đời sống tâm linh trong hành trình về Quê Trời. Phaolô viết: “Cho tới ngày Chúa đến, mỗi lần ăn Bánh và uống Chén này, là anh em loan truyền Chúa đã chịu chết.”
- Hãy khiêm nhường rửa chân cho nhau. Như hạt lúa, trái nho chịu xay, ép, để nên hữu ích cho con người. Đức Kitô đã thực hành khiêm nhường, sống mầu nhiệm tự hủy. Con người cũng theo gương Ngài, hi sinh tất cả cho người mình yêu.
- Trên đường lưu vong, trốn ra nước ngoài, Công tử Trùng Nhĩ và bề tôi trải qua nhiều cam go, đói khổ. Hết tiền, lương thực, phải ăn xin. Đói đi được nữa, Trùng Nhĩ tìm gốc cây, gối đầu vào đùi Hồ Mao nằm. Bề tôi hái rau sam về luộc ăn. Trùng Nhĩ nuốt không trôi! Bỗng Giới tử Thôi đưa bát thịt nóng đến dâng. Trùng Nhĩ ăn ngon lành, khỏe lại, liền hỏi: Thịt đâu ngon vậy? Tử Thôi chỉ vào đùi mình: Thịt đùi tôi đó. Vì: người hiếu tử bỏ thân thờ cha, người trung thần bỏ thân thờ vua. Công tử đói, tôi cắt thịt đùi dâng Công tử. Trùng Nhĩ ứa nước mắt: Ân này, biết bao giờ ta đáp được.
- Hãy thực hiện lệnh truyền của Thày, sống hiệp nhất yêu thương. Khi yêu nhau, người ta vượt qua mọi thử thách. Một bà mẹ đang mang trong mình hoa trái của tình yêu, bà quên đau mệt, để niềm vui và hạnh phúc trở thành hiện thực. Hàn Mặc Tử viết trong bài “Ðà Lạt trăng mờ”:
“Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều,
Ðể nghe dưới đáy, nước hồ reo
Ðể nghe tơ liễu run trong gió
Và để xem Trời giải nghĩa yêu.”
- Hãy chia sẻ tình yêu Chúa cho anh em. Tình yêu là hình ảnh của sự bất tử. Mỗi Kitô hữu hãy thực hiện di ngôn Đức Giêsu trong tinh thần hy sinh và phục vụ, để dược thánh hóa, được nuôi sống và để được hạnh phúc đời đời.
THỨ 6 TUẦN THÁNH – NGƯỜI LÀ AI
1. Đức Giêsu bị liệt vào những kẻ hung ác
- Isaia, 700 năm trước, đã nói tiên tri về việc Chúa Cứu Thế bị liệt vào số những kẻ bất lương.
- Thiên Chúa để cho Con Một yêu dấu của mình bị đóng đinh giữa hai tên trộm cướp.
- Luca cũng viết: “Ngài bị liệt vào hàng những kẻ hung ác.”
- Thượng tế và Biệt phái thù ghét, xúi giục nhà chức trách và kích động dân chúng kết án Chúa như tên tội ác.
- Philatô nhập nhèm giữa việc cứu Chúa và việc sợ mất chức quyền, nên đã đồng lõa kết án Chúa cùng với hai tên trộm.
- Giuđa phản bội, theo Chúa nhưng lại ham mê tiền bạc đến nỗi bán nộp Chúa cho kẻ tàn ác.
- Dân chúng hay thay đổi. Trước tưng bừng đón rước Chúa vào thành, sau hò hét kết án Chúa như tội nhân gian ác.
2. Người ta giống như ai
- Người ta có kết án Chúa như lãnh đạo Itraen, nếu họ hiện diện lúc xét xử Người? Nhiều lần họ đặt quyền lợi mình và người thân lên trên sự công bằng. Họ nhiều lần kết án Chúa.
- Người ta có giống Giuđa? Họ luôn coi trọng tiền bạc hơn công lí, bán rẻ lương tâm, gian ngoa, dối lừa.
- Người ta có giống đám đông luôn thay lòng đổi dạ, dửng dưng hoặc a dua để kết án anh em? Họ đang tiếp tục giết Chúa hằng ngày trong cuộc sống.
- Truyện: Tác giả kịch khoe với bạn: Này cậu, vở kịch tớ mới sáng tác được trình chiếu, tất cả khán giả vỗ tay vang dội nhé. Thế lúc đó màn kịch chiếu cảnh gì gì vậy? Hết phim!
- Người ta có phải là những Philatô? Họ thường tìm cách móc nối với quan chức, thích được chụp ảnh với các ngôi sao, bắt tay với các danh hài, dự sự kiện với người mẫu.
- Người ta có phải là những tên lính? Họ thi nhau quất vả, chế nhạo, rồi đóng đinh Chúa cho hả giận. Ngày nay họ vẫn tiếp tục như vậy với những ai không đồng tình với họ.
- Người ta có phải là tên trộm gian manh? Họ thách đố: “Ông là con Thiên Chúa thì tự cứu mình và cứu chúng tôi với?”
- Người ta có phải là các phụ nữ Giêrusalem? Khóc thương chỉ vì tội nghiệp Chúa, chứ không làm cho Chúa khỏi đau?
3. Chúng ta là ai
- Chúng ta có theo chân Mẹ Maria, can đảm đi theo sau Thập giá Chúa, không sợ kẻ thù, không một lời trách móc?
- Chúng ta có bắt chước Simon, sẵn sàng ghé vác thập giá Chúa qua việc chia sẻ mất mát với những người xung quanh?
- Chúng ta có noi gương Gioan nhanh chân đến thăm mộ Chúa và chấp nhận hi sinh để làm chứng cho Đức Kitô?
- Chúng ta hãy tôn thờ Đức Giêsu thập giá. Không thể tìm kiếm Đức Giêsu không thập giá và đừng bao giờ tim kiếm thập giá mà không có Đức Giêsu. Hãy treo Thánh Giá nơi cao nhất, trên ngực; hãy làm Dấu Thánh Giá trên người, hãy luôn thực hành những giá trị của Thánh Giá, vì đó là bằng chứng sâu sắc nhẩt về tình yêu Chúa dành cho nhân loại.
Phúc Âm (Lc 24,1-12)
Ngày thứ nhất trong tuần, vừa tảng sáng, các bà đi ra mồ mang theo những thuốc thơm đã dọn sẵn. Thấy hòn đá đã lăn ra khỏi mồ, nhưng bước vào, các bà không thấy xác Chúa Giêsu. Ðang khi các bà còn ngơ ngác không hiểu việc đó, thì có hai người đứng gần các bà, y phục sáng chói. Các bà kinh hãi cắm mặt xuống đất, thì hai người lên tiếng bảo: "Tại sao các bà tìm người sống nơi những kẻ chết? Người không còn ở đây. Người đã sống lại, các bà hãy nhớ lại Người đã nói với các bà thế nào khi Người còn ở xứ Galilêa. Người đã nói: Con Người phải bị nộp vào tay những kẻ tội lỗi, bị đóng đinh vào thập giá và ngày thứ ba sẽ sống lại". Và các bà nhớ lại những lời Người đã nói.
Bỏ mồ đi về, các bà tường thuật lại tất cả sự việc cho mười một Tông đồ và các người khác. Các bà đó là Maria Mađalêna, Gioanna, Maria mẹ Giacôbê; và những người nữ khác cùng đi với họ cũng nói như vậy với các tông đồ. Nhưng những lời đó, các ông cho là truyện vớ vẩn, nên các ông không tin. Dầu vậy Phêrô cũng đứng dậy chạy ra mồ, nhưng khi cúi xuống nhìn, ông chỉ thấy những khăn liệm nằm đó và ông trở về nhà, rất đỗi ngạc nhiên về sự đã xảy ra.
ÔNG ĐÃ THẤY VÀ ÔNG ĐÃ TIN
Dàn Ý
1. Những cái nhìn của người trong cuộc
- Cái nhìn từ ngôi mộ. Chúa biến ngôi mộ, đã há rộng nuốt bao người xuống âm ty, thành cửa ngõ vào chốn trường sinh.
- Cái nhìn tự nhiên tình cảm của Maria Magdala: “Người ta đã đem Chúa ra khỏi mộ!” Cái nhìn không thấy được sự thật.
- Cái nhìn chưa hiểu gì của Phêrô. Phêrô thăm mộ, chỉ chứng kiến, nhưng trở về bỡ ngỡ, không hiểu gì hết.
- Cái nhìn suy tư của Gioan. Chứng kiến ‘băng vải tuột ra’ và ‘khăn quấn đầu vẫn ở nguyên tại chỗ,’ làm Gioan thấy được sự thật: Đức Giêsu đã sống lại, ‘ông đã thấy và đã tin.’
- Cái nhìn tình yêu của Gioan. ‘Người môn đệ Chúa thương’ chạy nhanh hơn, nhận ra Đức Giêsu trước Phêrô bên bờ hồ.
- Cái nhìn của các môn đệ. Đức Giêsu hiện ra, với nhiều người, với các môn đệ, ở nhiều nơi, làm biến đổi tâm hồn của họ.
2. Màu nhiệm Phục Sinh - ‘Đã thấy và đã tin.’
- Hãy nhìn thực tế qua dấu ấn. Cũng như bí tích, các dấu chỉ có thể mở ra niềm tin. Người ta không thể nhìn thấy tình yêu, nhưng cảm nghiệm được tình yêu qua các dấu chỉ. Đức Giêsu từng cho kẻ chết sống lại: con trai bà góa, con gái Giairô, rồi Lazarô là các dấu ấn lịch sử. Các Tông đồ chứng kiến Chúa sống lại, hiện ra, nên đã lấy mạng sống để làm chứng.
- Hãy nhìn chân lí qua tình yêu. Tình yêu giúp Gioan nhận ra Chúa. Đức Giêsu nói: “Phúc thay những ai không thấy mà tin.” Thập giá không còn là nỗi nhục, cái chết chưa phải là kết thúc, vì ánh sáng Phục Sinh đã bừng lên ở cuối đường hầm. Thánh Giá là biểu hiện tình yêu đến đỉnh điểm. Ngày nay Thánh Giá hiện diện khắp mọi nơi là kết quả việc Chúa sống lại.
- Hãy nhìn sự thật qua nhãn quan cuộc sống. Người ta luôn mơ mộng về một thiên đàng trần gian, nhưng có ai thoát được khổ đau và chết? Người ta quảng cáo quá nhiều về vật chất, hưởng thụ, dẫn đến đam mê, giành giật, vốn đã làm cho cuộc sống bị tê liệt. Từ khi ánh sáng Phục Sinh bùng lên, người ta đã chứng kiến lịch sử nhân loại đã đổi thay cách rất kì diệu.
- Hãy có cái nhìn qua lăng kính đức tin: Sự kiện Phục sinh không thể đưa ra thí nghiệm, chỉ có một thân xác Chúa sống lại, lấy đâu để thí nghiệm! Đức tin vượt trên phạm vi khoa học. Hãy trút bỏ khăn tang để đón nhận Thánh Thần, bỏ lại nấm mồ tội lỗi, tin tưởng vào tương lai, để vào Nước Trời hằng sống.
- Truyện: Lâm tặc vào rừng đi săn, va phải con hổ lớn và ngã xuống sườn núi. Súng văng xa, chân bị trẹo. Hổ lao tới, lâm tặc xin Chúa ân huệ duy nhất là biến hổ thành con chiên ngoan đạo. Phép mầu xảy ra: hổ quỳ gối cạnh lâm tặc, chắp đôi bàn chân móng vuốt, cảm ơn Chúa ban cho bữa ăn ngon!
- Chúa Kitô đã sống lại thật. Niềm hi vọng được sống lại giúp con người vượt qua mọi thử thách, giống như người mẹ vượt qua cơn đau để cho ra đứa con chào đời. Đức Kitô phục sinh giúp cho con người có niềm tin chắc chắn về một cuộc sống mai hậu tràn đầy hạnh phúc.
Suy Niệm
Đức Giê-su sống lại là niềm vui lớn nhất và cũng là mầu nhiệm cao cả nhất trong chương trình cứu độ. Đức Giê-su làm sống lại giáo lí của Người, Tin Mừng của Người, sự nghiệp của Người. Đức Giê-su cũng làm sống lại giá trị đích thực của con người: đó là sự sống lại sau cái chết.
Người ta đặt câu hỏi, liệu Đức Giê-su có sống lại với thân xác cũ không? Có gì khác biệt nhau ở đây? Phải chăng Thiên Chúa Ngôi Hai mãi mãi mang thân xác con người?
1. Chúa sống lại
Tin Mừng Phục Sinh là tin quan trọng nhất trong các bản tin đã có của nhân loại. Đức Ki-tô bật dậy trong chiến thắng, Người đánh bại tử thần, Đức Ki-tô tắm mình trong ánh sáng huy hoàng. Đức Ki-tô mở toang cửa địa ngục, đẩy lùi bóng tối, xé tan màn đêm của sợ hãi. Các Thiên Thần hát lên bài ca A-le-lu-ia, nhân loại cũng hoà chung bản giao hưởng vĩ đại, cùng với những tiếng chuông trầm bổng vang lên thay cho tiếng mõ bi ai não lòng, những điệu cười hoan hỉ thay cho những tuồng than thương khó. Đức Ki-tô mãi đi vào lịch sử nhân loại, Người thực hiện một cú nhảy ngoạn mục trong lòng tin của loài người.
Sự kiện lịch sử đã diễn ra với tất cả bằng chứng, đối chứng, vật chứng, nhân chứng và cả thần chứng. Đó là sự lo lắng của người It-ra-en, với hàng ngàn lính canh mộ rất cẩn thận, đó là nấm mộ trống trớ trêu nhưng ý nghĩa, đó là những băng vải, khăn che đầu để lại gọn gàng, đó là sự xuất hiện của các Thiên thần. Đặc biệt nhất là những nhân chứng đầu tiên, đó là phản ứng của Ma-ri-a Ma-đa-lê-na: "Người ta đã lấy mất Chúa rồi." Đó là sự vội vã ra đến mồ và cái nhìn đầy ấn tượng của Phê-rô, đó là "môn đệ kia" đã bắt đầu liên tưởng lại những Lời Đức Giê-su đã phán trước đây. Đó càng là sức mạnh ào ạt của các môn đệ sẵn sàng lấy cái chết để loan báo Tin Mừng, sự kiện có một không hai này trong lịch sử nhân loại: Đức Giê-su đã sống lại như lời Người đã báo trước.
2. Sống lại niềm tin
Đức Giê-su làm sống lại cuộc đời: Những lời hứa của Người trở thành hiện thực. Những lời giảng, giáo lí của Người sẽ sống mãi trong lòng người nghe, rồi những phép lạ của Người, tình thương của Người. Đức Giê-su sống lại làm cho niềm tin của các môn đệ trở nên sống động. Thay vì nhút nhát do dự, yếu lòng tin, ham địa vị, sợ đau khổ, giờ đây tâm hồn các ngài trỗi dậy mạnh mẽ để vươn lên, đi xa hơn, can đảm đi loan báo Tin Mừng cho muôn dân. Đức Ki-tô phục sinh làm sống lại niềm tin nơi người Ki-tô hữu. Trong cuộc sống đầy thất vọng, niềm tin bị vùi dập bởi những cơn mê tình, tiền, tài, những lo âu khắc khoải luôn bị đe doạ bởi cái chết đến bất thình lình; tất cả không còn là nỗi khiếp sợ, bởi vì niềm hi vọng sống lại qua sự phục sinh của Đức Ki-tô làm cho sức sống con người dành chiến thắng.
Đức Ki-tô phục sinh thắp lên ngọn lửa rạng ngời: Mùa phụng vụ trong đêm canh thức Phục Sinh được bắt đầu trong bóng tối. Bóng tối vẫn còn tồn tại trong cuộc sống con người. Hình dung một trái đất, một ngày nào đó không còn ánh sáng mặt trời, sự sống con người cũng sẽ chấm dứt. Bóng tối vẫn còn ngự trị bằng nhiều hình thức, hoặc trong những con người tội lỗi, đam mê, tửu sắc, hay trong những tâm hồn nhu nhược, yếu đuối, những trái tim chai cứng và kiêu ngạo, hận thù ghen ghét; bóng tối che lấp đường đi của loài người. Tuy nhiên cây nến Phục Sinh được thắp lửa, ánh sáng bừng lên, xua tan bóng đêm, tội lỗi, ánh sáng Phục Sinh làm sáng lại cuộc đời con người.
3. Chia sẻ niềm tin
Niềm tin phục sinh làm cho cuộc đời con người có ý nghĩa. Mỗi người phải biết biến niềm tin thành hành động để chia sẻ cho mọi người:
Hãy củng cố niềm tin: Để chia sẻ cho người khác, bản thân người đó phải có Đức tin mạnh mẽ. Thế gian còn nhiều người chưa tin Chúa, ngay cả những người gọi là tín hữu cũng chưa phải là đã tin đầy đủ. Trước ngôi mộ trống, Ma-đa-lê-na mới dừng lại ở cái nhìn tự nhiên, nên bà buồn bã khóc lóc, còn cái nhìn của "môn đệ Chúa yêu," được Đức tin soi dẫn, nên "ông đã thấy và ông đã tin." Đức Ki-tô sống lại với tất cả Thân Xác, nhưng Thân Xác ấy bây giờ trở thành thiêng liêng, siêu việt và bất tử. Việc chứng kiến trực tiếp Đức Ki-tô sống lại và hiện ra, giúp niềm tin của các Tông đồ vững mạnh. Tuy nhiên trong xã hội ngày nay, người ta luôn đòi kiểm nghiệm, phải mắt xem thấy, tay sờ được, khoa học chứng minh được. Đó chính là lí do mà mỗi người Ki-tô hữu phải luôn biết củng cố niềm tin bằng cầu nguyện, học giáo lí, bắt chước những việc làm của M-a-ri-a Ma-đa-lê-na.
Hãy loan báo Tin Mừng Phục Sinh: Đức tin không phải là để người ta cất giấu vào kho, tình yêu Thiên Chúa không phải để dành riêng cho một người, niềm tin Phục Sinh không phải để một vài người tận hưởng, mà phải tiếp tục đến Mộ Chúa tức là Lời Chúa để khám phá chân lí và chia sẻ. Điều đáng lưu ý, là chính các bà, chứ không phải là các ông Tông đồ, đã đi tiên phong trong lĩnh vực này. Các bà đã can đảm theo Chúa đến đồi Gôn-gô-ta, tẩm liệm Xác Chúa, các bà đi thăm Mộ Chúa và phát hiện ra ngôi mộ trống, các bà đã gặp Chúa trước và được Chúa sai đi loan báo Tin Mừng trước các ông. Việc này nói lên rằng, mọi người đều có nghĩa vụ chia sẻ Tin Mừng cho người khác và ai cũng có thể loan báo Tin mừng của Chúa đến khắp mọi nơi trên địa cầu.
Xin Chúa giúp mỗi người chúng con nhận ra chính mình, là người được Chúa sai đi làm chứng cho Người bằng tất cả hi sinh cố gắng, để đem Tin Mừng Phục Sinh đến cho anh em.
Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 127 | Tổng lượt truy cập: 5,902,705