LOẠT BÀI
DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG
Lm Giuse M. Trần Xuân Chiêu
Tin Mừng (Mc12.38-44)
Khi ấy, {Chúa Giêsu phán cùng dân chúng trong khi giảng dạy rằng: "Các ngươi hãy coi chừng bọn luật sĩ. Họ thích đi lại trong bộ áo thụng, ưa được bái chào ngoài công trường, chiếm những ghế nhất trong hội đường và trong đám tiệc. Họ giả bộ đọc những kinh dài để nuốt hết tài sản của các bà goá: Họ sẽ bị kết án nghiêm ngặt hơn".}
Chúa Giêsu ngồi đối diện với hòm tiền, quan sát dân chúng bỏ tiền vào hòm, và có lắm người giàu bỏ nhiều tiền. Chợt có một bà goá nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu. Người liền gọi các môn đệ và bảo: "Thầy nói thật với các con: Trong những người đã bỏ tiền vào hòm, bà goá nghèo này đã bỏ nhiều hơn hết. Vì tất cả những người kia bỏ của mình dư thừa, còn bà này đang túng thiếu, đã bỏ tất cả những gì mình có để nuôi sống mình."
BÀ GÓA NGHÈO
Suy niệm
1. Góa
- Góa phụ, quả phụ, bà góa, widow: Đàn bà chồng chết. Góa phụ là ghép từ tiếng Việt với tiếng Hán, không chuẩn. Từ ‘bà góa’ đúng hơn.
- Góa vợ, widowed: Là đàn ông vợ chết.
- Nhiều nơi vẫn tồn tại một xã hội mà phụ nữ không có địa vị, chỉ là phụ của đàn ông. Đàn ông có thể nhiều vợ, lắm thê thiếp. Tuổi càng cao, bà góa càng nhiều hơn. Việt Nam, từ 80 tuổi, 200 bà có 100 ông.
2. Lời Chúa hôm nay nói về bà góa nghèo
- Sách Các Vua kể về bà góa nghèo: “Êlia chỗi dậy lên đường đi Sarephta. Khi ông đến trước cửa thành, ông thấy một quả phụ đang lượm củi” (1 V 17, 10).
- Tin Mừng cũng kể về bà góa nghèo: “Có lắm người giàu bỏ nhiều tiền. Chợt có một bà goá nghèo đến bỏ hai đồng tiền là một phần tư xu” (Mc 12, 42).
- Đức Giêsu khen bà góa nghèo: “Trong các người bỏ tiền vào hòm, bà goá này bỏ nhiều hơn cả” (Mc 12,43).
3. Tinh thần người nghèo
- Người có tinh thần nghèo khó, luôn vui vẻ với số phận. Góa bụa thường được coi là sự thấp bé, mất quyền lợi. Phụng vụ nói về hai bà góa, xuất hiện vào các thời kỳ khác nhau, nhưng đều chấp nhận phận nghèo. Đức Giêsu đã nêu gương, chọn cuộc sống nghèo: “Con cáo có hang, chim trời có tổ, Con Người không có chỗ tựa đầu.”
- Người có tinh thần nghèo khó luôn biết chia sẻ. Bà góa ở Sarepta, vì hạn hán mất mùa, chỉ còn chút bột ăn cho một bữa, nhưng đã hy sinh tất cả cho tiên tri Elia. Đối lập với sự cho đi của bà góa, là tính bủn xỉn của các Biệt phái, chỉ thích tiền của, chức vị, dài dòng kinh kệ, nhưng vơ vét dân nghèo vô tội vạ. Đức Kitô dạy rằng, người đáng yêu nhất là người đã quan tâm đến mình.
- Người có tinh thần nghèo khó, sống có trách nhiệm. Đức Giêsu cảnh cáo: “Coi chừng Kinh sư ưa dạo quanh, xúng xính bộ áo thụng, nuốt hết tài sản các bà goá.” Kẻ giàu có địa vị chỉ muốn sống hưởng thụ, bỏ bê trách nhiệm; nhưng kẻ nghèo lại sống có tình nghĩa. Họ là người bỏ tiền nhiều nhất, vì sẵn sàng đóng góp tinh thần, vật chất, thời gian và cả bản thân mình nữa.
- Người có tinh thần nghèo khó, luôn có tấm lòng. Nhiều người mong trúng xổ số để làm bác ái, kiến thiết nhà thờ. Người nghèo đáng thương nhất là người không có tấm lòng để cho. Bà góa ở Giêrusalem đã bỏ vào hòm tất cả những gì bà có. Chúa ca ngợi bà góa không phải vì bà nghèo, nhưng vì người nghèo thường có tâm hồn vị tha, tốt bụng.
- Truyện: Bà bán rau xấu mời mua rau. Có gã nói: Không! Một cô gái nói: Rau thế thì heo cũng không thèm ăn. Có ông thấy thế, liền mua hết số rau, và dặn: Cho tôi gửi, khi về sẽ lấy. Ít hôm sau, ông ghé lại. Họ nói: Tội nghiệp bà, hôm nọ có ông mua rau rồi gửi lại, bà cố ngồi chờ, trời mưa suốt ngày, vì lạnh quá bà ngã bệnh và chết(ST).
- Xin Chúa giúp chúng con hiểu rõ giá trị của hy sinh và cho đi, sống theo gương Chúa, để được hưởng tấm lòng quảng đại vô biên của Chúa dành cho chúng con.
Suy Niệm
Đoạn Tin Mừng đưa mọi người đến Đền thờ Giê-ru-sa-lem, nơi Đức Giê-su công khai lên án thói phô trương hình thức của những ông Kinh sư, đồng thời Người cũng ca ngợi bà goá đã dâng hai đồng xu nhỏ, là người dâng cúng nhiều nhất.
Liệu có mâu thuẫn chăng, khi Đức Giê-su lên án những người giàu bỏ nhiều tiền dâng cúng? Liệu đồng xu thủng của bà goá có đáng được ca tụng như vậy không? Như vậy làm sao có thể khuyến khích người giàu có đóng góp phần mình?
1. Tại Đền thờ Giê-ru-sa-lem
Mỗi người được mời gọi theo Đức Giê-su vào Đền thờ Giê-ru-sa-lem:
Đức Giê-su chứng kiến lối sống giả tạo của các ông Kinh sư: Đó là những người có vị trí quan trọng trong dân It-ra-en, với trách nhiệm là mang, đọc và giải thích Kinh Thánh. Tuy nhiên, những Kinh sư đã lạm dụng quyền lực, dùng những hình thức bề ngoài để cho người khác kính nể và dễ dàng hưởng đặc quyền đặc lợi. Họ phô trương thanh thế bằng cách may dài tua áo, mặc áo choàng xúng xính, đi dạo quanh quảng trường để được quần chúng bái chào, họ ngây ngất với những cử điệu tôn kính của mọi người dành cho. Các ông thích ngồi chỗ nhất trong hội đường và mâm cao trong bàn tiệc. Họ thường lợi dụng các cuộc hội họp, nơi thường có yến tiệc, để củng cố địa vị, tìm kiếm danh giá và gặt hái tiền bạc.
Đức Giê-su quan sát những người dâng cúng vào hòm đựng tiền. Khách hành hương đến dự lễ không quên việc đóng góp phần mình vào Đền thờ. Có nhiều người ''bỏ thật nhiều tiền,'' đấy là những nhà giàu, là điền chủ, thương gia, nhà thu thuế, công chức. Trong khi đó, Chúa thấy có một bà goá bỏ vào hòm tiền 1/4 xu, số tiền không đủ mua bánh cho một bữa ăn. Hình ảnh một người phụ nữ với bộ mặt thẹn thùng, hai bàn tay rụt rè, cầm đồng tiền xu ''vô tích sự,'' chẳng đáng là gì so với người khác, nhất là với công việc xây dựng và bảo tồn Đền thờ. Dẫu sao bà đã hoà nhập vào đoàn người dâng cúng và còn được ánh mắt của Chúa để ý tới.
2. Cách nhìn của Đức Giê-su
Qua hai lối sống hoàn toàn đối ngược nhau, giữa những ông Kinh sư và người phụ nữ nghèo, và qua việc bỏ tiền dâng cúng vào Đền thờ, Đức Giê-su cho mọi người cái nhìn đúng đắn về đạo đức cũng như lòng hảo tâm của hai đại diện cho hai tầng lớp khác nhau trong xã hội:
Đức Giê-su trân trọng cái tâm của bà goá khi dâng tiền vào Đền thờ: Mỗi người hãy đặt mình vào trường hợp của bà goá nghèo, bà không có đủ tiền để nuôi sống bản thân, ăn bữa sáng thì lo bữa chiều; thế nhưng bà lại đặt mình vào hàng ngũ những người có trách nhiệm với Đền thờ, bà đã bỏ tất cả số tiền bà có đủ mua được ổ bánh, mớ rau. Bà cho đi mà không nghĩ tương lai ra sao, bà thể hiện tất cả nội tâm của bà qua việc dâng cúng. Đối với Chúa, nhiều tiền hay ít không quan trọng, mà quan trọng là tấm lòng, cái giá trị bên trong; tinh thần quảng đại là không giới hạn. Tâm hồn bà đã được biểu hiện qua việc bà cho đi tất cả. Chúa đã đánh giá rất cao tấm lòng quảng đại của bà: bà là người ''dâng cúng nhiều nhất.'' Phẩm chất và lòng đạo đức của con người không thể đánh giá bằng hình thức bên ngoài, mà bằng sự chân thực bên trong tâm hồn con người.
Đức Giê-su lên án hành động phô trương và bóc lột của các ông Kinh sư. Mặc dù bỏ nhiều tiền, nhưng đối với họ, chỉ là những đồng tiền vặt dư thừa, so với những tiện nghi, dinh thự, vườn ao, của cải. Họ còn lợi dụng tôn giáo và bác ái để đầu tư danh vọng, địa vị, lợi lộc. Bà goá ở đây dâng những thứ mà bà không thể sống, nếu thiếu nó, bà đã dâng cả tấm lòng mình; còn mấy người giàu có chỉ dâng những thứ dư thừa để khoe khoang, đánh lừa quần chúng, mưu cầu chức tước và để dễ dàng bóc lột quần chúng, lợi dụng lòng quảng đại của các bà goá. Đây là lí do Đức Giê-su hoàn toàn lên án, vì nó không là thuần túy dâng cúng vào Đền thờ, mà là hành động lợi dụng việc dâng cúng để trục lợi. Thiên Chúa không chấp nhận lối sống giả hình đạo đức, mà Người muốn những việc làm xuất phát từ nội tâm con người.
3. Thực hành Giáo huấn
Đoạn Tin Mừng nhắc bảo mỗi người hãy thực hành Lời giáo huấn của Đức Giê-su:
Hãy sống nghèo khó theo tinh thần của Tin Mừng: Đây không phải là những người nghèo khó tiền của, có nhiều người thiếu thốn bên ngoài, nhưng bên trong vẫn có nhiều tham vọng, sẵn sàng làm điều bất chính để kiếm tìm vật chất, mặc dù vì nhiều lí do, họ chưa có khả năng thực hiện; đôi khi họ nghèo là do họ phung phí, sử dụng tiền bạc vào vui chơi cờ bạc, rượu chè; đó không phải là người nghèo theo Tin Mừng. Tiền của tự nó không xấu, nhưng là phương tiện giúp con người làm việc công ích. Có nhiều người giàu, nhưng có tấm lòng quảng đại, bao dung, luôn sẵn sàng thi ân, chia sẻ. Có điều người giàu rất khó từ bỏ; về mặt này thì người nghèo thuận lợi hơn, dễ dàng từ bỏ hơn. Chúa kêu gọi hết mọi người, giàu, nghèo hãy sống theo Tin Mừng, sống đúng theo giá trị của con người, hướng đến một mục đích cao thượng là hạnh phúc đời sau.
Hãy cho đi: Gương bà goá trong bài Tin Mừng dạy mọi người bài học quan trọng là hãy biết cho đi, để được tất cả. Bà đặt hoàn cảnh của bà vào Đấng quan phòng, bà cho đi tất cả và bà đã được Chúa trả lại nhiều nhất: bà được khen là đã dâng cúng nhiều nhất. Cho đi là cử chỉ bác ái, là dấu ấn của tình yêu: nó được biểu lộ tới đỉnh điểm là cho đi tất cả, cho đi chính bản thân mình và họ sẽ được lãi gấp trăm ngàn lần. Một hạt lúa mì để mãi trong cót, nó sẽ không mang lại kết quả gì, nhưng nếu đem ra gieo xuống lòng đất, nó sẽ thối đi và sẽ sinh nhiều bông hạt.
Mỗi người chúng ta hãy biết cho đi, cho đi tình yêu, cho đi những tình cảm, nụ cười, cho đi sự hi sinh chịu đựng, mất mát, cho đi những món ăn tinh thần. Chúa sẽ trả công gấp bội cho chúng ta.
Lm Giuse M. Trần Xuân Chiêu
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 70 | Tổng lượt truy cập: 4,258,226