LOẠT BÀI
DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG
Lm Giuse M. Trần Xuân Chiêu
CN XXXI THƯỜNG NIÊN NĂM B
Tin Mừng (Mc 12, 28b-34)
Khi ấy, có người trong nhóm luật sĩ tiến đến Chúa Giêsu và hỏi Người rằng: "Trong các giới răn điều nào trọng nhất?" Chúa Giêsu đáp:"Giới răn trọng nhất chính là: Hỡi Israel, hãy nghe đây: Thiên Chúa, Chúa chúng ta, là Chúa duy nhất, và ngươi hãy yêu mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Còn đây là giới răn thứ hai: Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó."
Luật sĩ thưa Ngài: "Thưa Thầy, đúng lắm! Thầy dạy phải lẽ khi nói Thiên Chúa là Chúa duy nhất và ngoài Người chẳng có Chúa nào khác nữa. Mến Chúa hết lòng, hết trí khôn, hết sức mình, và yêu tha nhân như chính mình thì hơn mọi lễ vật toàn thiêu và mọi lễ vật hy sinh." Thấy người ấy tỏ ý kiến khôn ngoan, Chúa Giêsu bảo:"Ông không còn xa Nước Thiên Chúa bao nhiêu." Và không ai dám hỏi Người thêm điều gì nữa.
MẾN CHÚA YÊU NGƯỜI
Dàn Ý
1. Yêu mến
- Yêu: Là quý, yêu dấu; yêu quái; đòi hỏi, muốn; mời đón.
2. Lời Chúa hôm nay nói về mến Chúa yêu người
- Môsê truyền cho dân phải yêu Thiên Chúa: “Các ngươi hãy kính sợ Chúa là Thiên Chúa các ngươi, hãy tuân giữ mọi huấn lệnh và giới răn của Người” (Ðnl 6, 2).
- Đức Giêsu dạy phải yêu mến Thiên Chúa: “Hãy mến Thiên Chúa ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi” (Mc 12, 30).
- Đức Giêsu còn nhấn mạnh giới răn thứ hai: “Ngươi hãy yêu mến tha nhân như chính mình ngươi. Không có giới răn nào trọng hơn hai giới răn đó” (Mc 12, 31).
3. Thực hành mến Chúa yêu người
- Mến Chúa yêu người là đòi hỏi tự nhiên. Con người là thụ tạo, nên phải yêu mến Đấng tạo dựng nên mình. Con người càng phải yêu mến Chúa và yêu thương anh em, vì con người được tạo nên giống hình ảnh Thiên Chúa. Hơn nữa con người cũng phải đáp trả tình yêu Thiên Chúa khỉ Ngài đã yêu thương nhân loại đến cùng là đã sai Con Một Ngài đến cứu độ trần gian.
- Mến Chúa yêu người là đòi hỏi trong Cựu Ước. Cựu Ước đã nhiều lần nhấn mạnh cả hai giới răn này. Moisê truyền lệnh của Chúa: “Anh em hãy yêu mến Đức Chúa hết lòng, hết linh hồn, hết sức lực anh em.” Nơi khác nói: “Yêu thương anh em, là đã chu toàn mọi lề luật và mọi lời Chúa truyền dạy.” Cựu Ước coi yêu mến Chúa quan trọng hơn yêu mến tha nhân: Yêu Chúa ‘hết lòng, hết trí khôn, hết sức lực.
- Mến Chúa yêu người là đòi hỏi của Tân Ước. Đức Giêsu coi mến Chúa yêu người là một giới răn yêu thươmg: “Hãy mến Chúa hết tâm hồn và hết trí khôn ngươi” và “yêu thương tha nhân như chính mình.” Gioan cũng liên kết hai giới răn mến Chúa và yêu người lại với nhau: “Anh em là người họ thấy mà không yêu thương, thì sao họ mến Chúa, là Đấng họ không thấy bao giờ?”
- Mến Chúa yêu người là dấu chỉ con cái Thiên Chúa. Người ta thường tính toán, giả tạo khi thực hiện tình yêu thương, khiến cuộc sống bị chao đảo. Nhưng các thánh trong Giáo Hội, đã nêu gương và viết nên bài ca mến Chúa yêu người trong cả đời sống. Thánh Augusinô nói: Tình thương là dấu chỉ duy nhất để phân biệt con cái Thiên Chúa với con cái ma quỉ.
- Truyện: Có anh bán ‘xe dổm’ cho người nước ngoài, rồi đi xưng tội. Sau đó, gặp bạn cũ ở quán rượu. Khi nghe biết anh đi xưng tội, bạn hỏi: “Tôi hy vọng anh đã xưng tội lừa gạt người mua xe thế nào.” Ông trả lời:“Đời nào tôi làm thế, tôi xưng tội của tôi cho linh mục. Nhưng linh mục không có quyền biết công việc kinh doanh của tôi”(ST).
- Mến Chúa, thì phải thực hành cùng lúc mến Chúa và yêu tha nhân, như một bức tường có hai mặt vậy, nếu không là chưa hoàn thành giới luật yêu thương. Xin Chúa cho chúng con luôn thực hiện mến Chúa yêu người trong cả cuộc đời.
Suy Niệm
Thông qua vấn nạn của một ông Kinh sư, Đức Giê-su thâu tóm toàn bộ Lề luật, sách các Tiên tri, vào hai giới điều quan trọng nhất, là mến Chúa và yêu người. Đức Giê-su vốn coi hai giới răn là một, không thể giữ giới răn này mà bỏ giới răn kia.
Người ta ngạc nhiên, tại sao những người thông luật It-ra-en không thể nhận ra luật quan trọng nhất là tình yêu, đề tài vốn được nói nhiều trong Thánh Kinh? Không hiểu Đức Giêsu khen cá nhân ông Kinh sư hay cả nhóm của ông, khi ông đại diện họ trả lời Người? Thương người ở đây là thương những loại người nào?
1. Giới răn nào trọng nhất
Những cảnh bi, hài diễn ra tại Giê-ru-sa-lem trong những ngày cuối đời của Đức Giê-su: Sau cảnh vào thành vẻ vang, là những cuộc phản kháng, thậm chí những "tấn công" của người It-ra-en vào Đức Giê-su, vì những hành động của Người, như việc đánh đuổi con buôn, hoặc những bài giảng gây tranh luận. Đức Giê-su luôn đưa ra những lời giải đáp chí lí trước những câu hỏi của người It-ra-en làm quần chúng ngạc nhiên bỡ ngỡ. Một ông Kinh sư thấy vậy, đặt một câu hỏi mà ông cho là hóc búa, bởi chính các ông đã từng tranh luận với nhau về vấn đề này mà chưa có câu trả lời, ông hỏi: ''Thưa Thầy, trong mọi điều răn, điều răn nào trọng nhất?''
Bộ Luật It-ra-en gọi là Tô-ra, còn gọi là luật Mô-sen là những khoản luật rút ra từ Kinh Thánh, gồm 613 điều. Người It-ra-en rất trân trọng và trung thành với Luật. Họ thường đến các hội đường trong ngày Sa-bat, để đọc và nghe giải nghĩa về Luật cho quần chúng. Tuy nhiên, nhiều khi các ông không thống nhất và thường gây ra cãi vã; các ông chưa tìm được điều răn nào là trọng nhất. Các ông muốn tránh bỏ gánh nặng tâm lí của những người cầm cương nẩy mực trong dân vào nơi Đức Giê-su, có ý để thử và tìm cớ hại Người.
2. Đây là giới răn trọng nhất
Đức Giê-su làm người It-ra-en ngạc nhiên: Chúa không mất nhiều thời gian suy nghĩ, Chúa cũng không cần lí giải, nhưng với một giọng nói chuẩn xác, đã làm cho người đặt câu hỏi, cũng như mọi người có mặt sửng sốt, bỡ ngỡ: ''Điều răn đứng đầu là: nghe đây hỡi It-ra-en, Đức Chúa, Thiên Chúa chúng ta, là Đức Chúa duy nhất, ngươi phải yêu mến Thiên Chúa của ngươi hết lòng, hết linh hồn, hết trí khôn và hết sức ngươi. Điều răn thứ hai là: Ngươi phải yêu người thân cận như chính mình.'' Người It-ra-en thán phục và nhanh chóng ủng hộ Đức Giê-su: ''Hay lắm, Thầy nói rất đúng.'' Họ cảm thấy mình thật thấp bé, vì những lời này đã có sẵn trong Kinh Thánh, các ông mất quá nhiều thời gian đọc và tranh luận, mà không tìm ra được. Đức Giê-su giúp họ nhìn lại chính mình.
Đức Giê-su dạy mến Chúa là trên hết: Đức Giê-su dành trọn tình cảm của một Người Con đối với Chúa Cha trên Trời và Chúa cũng dạy mọi người phải yêu mến Thiên Chúa, với tất cả khả năng của con tim, khối óc và sức lực của mình. Con người phải yêu Chúa hết mình, trước hết vì Thiên Chúa quá yêu thương con người, họ phải đáp trả tình yêu đó với tất cả khả năng của mình; con người phải yêu Chúa vì Người là Đấng Tạo Hoá, quyết định toàn bộ giá trị đời sống của một thụ tạo; người ta còn phải yêu Chúa vì Chúa đáng yêu hơn hết mọi tạo vật trên trần gian, Người là Chân - Thiên - Mĩ, tốt lành vô cùng, thánh thiện hoàn toàn; người ta cũng phải yêu mến Chúa vì Chúa đã ban cho tình yêu, cuộc sống, sức khoẻ, hồng ân; người ta cũng còn phải yêu Chúa, vì chính Chúa đòi buộc mọi người phải yêu mến Chúa để đạt tới sự sống đời đời.
Đức Giê-su dạy phải yêu đồng loại: Đức Giê-su coi việc yêu đồng loại, cũng quan trọng như giới răn mến Chúa. Nguyên nhân làm người ta phải yêu đồng loại, là vì con người được Chúa dựng nên giống hình ảnh Chúa; hơn nữa Thiên Chúa đã tự đồng hoá Mình với loài người, sống cuộc sống con người, đặc biệt nơi những thành phần nhỏ mọn; Thiên Chúa yêu thương con người đến nỗi đã phái Con Mình xuống thế để cứu chuộc họ bằng giá Máu của Người. Đức Giê-su dựa vào tình yêu tha nhân để nhận biết ai là môn đệ Chúa. Đồng loại ở đây không chỉ là người trong một huyết tộc, một dân tộc; đồng loại đây là tất cả mọi người, không phân biệt ngôn ngữ, màu da, giai cấp; tất cả đều là anh em con một Cha trên trời.
3. Giới răn tình yêu
Chỉ có một giới luật yêu thương: Mặc dù có hai đối tượng khác nhau của tình yêu: Thiên Chúa và đồng loại, nhưng chỉ có một hành động yêu thương. Yêu là khái niệm chung nhất cho mọi tạo vật, yêu là tình cảm tốt lành nhất trong con tim nhân loại; yêu là đề tài thông dụng nhất của mọi quốc gia; yêu là đạo đức hàng đầu trong mọi thứ đạo đức của con người; yêu là giới răn quan trọng nhất trong các giới răn. Tình yêu là nghĩa vụ lớn lao nhất mà môn đệ Đức Ki-tô phải thực hiện. Tình yêu đi trước những suy nghĩ trong lòng người, trước mọi hành động được phô diễn ra bên ngoài của con người. Yêu là quyết định tất cả.
Hãy thể hiện tình yêu bằng hành động cụ thể: Đối tượng tình yêu có nhiều loại, tình yêu dành cho Thiên Chúa, rồi từ tình yêu dồi dào đó trào sang tình yêu tạo vật, tình yêu đồng loại, và tình yêu chính bản thân mình. Tuy nhiên, tình yêu đó phải được biểu hiện ra bên ngoài bằng miệng lưỡi: không phải là những lời nói trống rỗng, những lời dèm pha chua chát, những luận điệu bêu xấu vu oan, mà bằng giọng nói nhẹ nhàng, những lời động viên tế nhị, những lời khuyên bảo cần thiết, để chứng minh tình yêu của mình đối với đồng loại. Tình yêu cũng phải thể hiện bằng việc làm: Ông Kinh sư nói vanh vách luật yêu thương và Chúa bảo ông ta "ông không còn xa Nước Thiên Chúa;'' tuy nhiên, ông mới dừng lại bước đầu tiên, ông cần thêm một bước nữa để đưa chân vào Nước Chúa. Yêu thương phải xuất phát từ tinh thần vị tha, vui với người vui, khóc với người khóc, mở rộng bàn tay bố thí với người nghèo, đáp ứng nhu cầu cần thiết của đồng loại.
Xin Chúa Thánh Thần là Đấng bảo vệ công lí, giúp chúng con biết thực hành yêu thương đồng loại, như ý Chúa muốn đối với hết mọi người anh em chúng con.
Lm Giuse M. Trần Xuân Chiêu
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 116 | Tổng lượt truy cập: 4,041,471