Chúa Nhật XXVIII TN Năm B - Lm Giuse Trần Xuân Chiêu

  • 12/10/2024
  • Chủ đề: Để được sống đời đời

     

    LOẠT BÀI

    DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG

    CN XXVIII THƯỜNG NIÊN NĂM B

    Lm Giuse M. Trần Xuân Chiêu

    Tin Mừng (Mc 10, 17-30)

    Khi ấy Chúa Giêsu vừa lên đường, thì một người chạy lại quỳ gối trước Người và hỏi: "Lạy Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sống đời đời?" Chúa Giêsu trả lời: "Sao ngươi gọi Ta là nhân lành? Chẳng có ai là nhân lành, trừ một mình Thiên Chúa. Ngươi đã biết các giới răn: đừng ngoại tình, đừng giết người, đừng trộm cắp, đừng làm chứng gian, đừng lường gạt; hãy thảo kính cha mẹ". Người ấy thưa: "Lạy Thầy, những điều đó tôi đã giữ từ thuở nhỏ".

    Bấy giờ Chúa Giêsu chăm chú nhìn người ấy và đem lòng thương mà bảo rằng: "Ngươi chỉ thiếu một điều, là ngươi hãy đi bán tất cả gia tài, đem bố thí cho người nghèo khó và ngươi sẽ có một kho báu trên trời, rồi đến theo Ta". Nhưng người ấy nghe những lời đó, thì sụ nét mặt và buồn rầu bỏ đi, vì anh ta có nhiều của cải. Lúc đó Chúa Giêsu nhìn chung quanh và bảo các môn đệ rằng: "Những người giàu có vào nước Thiên Chúa khó biết bao!" Các môn đệ kinh ngạc vì những lời đó. Nhưng Chúa Giêsu lại nói tiếp và bảo các ông rằng: "Hỡi các con, những kẻ cậy dựa vào tiền bạc, thật khó mà vào nước Thiên Chúa biết bao! Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào nước Thiên Chúa". Các ông càng kinh ngạc hỏi nhau rằng: "Như vậy thì ai có thể được cứu độ?" Chúa Giêsu chăm chú nhìn các ông, và nói: "Ðối với loài người thì không thể được, nhưng không phải đối với Thiên Chúa, vì Thiên Chúa làm được mọi sự".

    {Phêrô thưa cùng Chúa Giêsu rằng: "Ðây chúng con đã bỏ mọi sự mà theo Thầy". Chúa Giêsu trả lời rằng: "Thầy bảo thật các con, chẳng ai bỏ nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái, đồng ruộng vì Thầy và vì Tin Mừng, mà ngay bây giờ lại không được gấp trăm ở đời này về nhà cửa, anh em, chị em, cha mẹ, con cái và ruộng nương, cùng với sự bắt bớ, và ở đời sau được sự sống vĩnh cửu. Nhưng có nhiều kẻ trước nhất sẽ nên rốt hết, và những kẻ rốt hết sẽ nên trước nhất".}

    NHÂN LÀNH

    Dàn Ý

    1. Nhân lành

    - Nhân: Là người, giữa, nhân đức, nhân từ, dịp.

    - Lành: Là hiền, nguyên vẹn; không giập, sứt, vỡ, rách.
    - Nhân lành: Là hiền hậu, nhân đức, nhân từ; không làm hại ai hay vật gì; luôn quan tâm, yêu thương, tha thứ.

    - Đức Giêsu là mục tử nhân lành, Ngài cũng cần những mục tử nhân lành để săn sóc đàn chiên của Ngài.

    2. Lời Chúa hôm nay nói về nhân lành

    - Phaolô viết về người sống tốt lành: “Tất cả đều trần trụi và phơi bày trước Đấng có quyền đòi ta trả lẽ” (Dt 4, 13).

    - Đức Giêsu khẳng định, chỉ có Thiên Chúa là Đấng nhân lành: “Sao anh nói tôi là nhân lành? Không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa” (Mc 10, 18).

    - Đức Giêsu dạy, muốn nên trọn lành thì phải làm bác ái: “Hãy đi bán những gì anh có cho người nghèo, anh sẽ có kho tàng trên trời. Rồi đến theo tôi” (Mc 10, 21).

    3. Hãy nên nhân lành

    - Nhân lành là biết thực hành Lề luật Chúa. Người thanh niên trẻ muốn nên trọn lành, thay vì ham chơi. Anh sống đàng hoàng, không giết người, ngoại tình, trộm cắp, gian dối và chu toàn bổn phận với gia đình, không có gì đáng trách. Chúa không khen anh học giỏi, đẹp trai, con nhà giàu, mà khen anh đã chu toàn luật lệ, đến nỗi Chúa đem lòng thương anh.

    - Nhân lành là biết sống tình người. Đoạn Tin Mừng không dẫn dụ ngôn, không có phép lạ nào, nhưng chỉ nhấn mạnh giới luật yêu thương. Người thanh niên đã nhận định chính xác về Thày nhân lành. Tuy nhiên, chàng thanh niên giàu, dù bắt đầu khá suôn sẻ, nhưng lại kết thúc chưa được như ý, vì anh chưa thực hành trọn vẹn giới luật yêu thương.

    - Nhân lành là người sống độ lượng. Người ta có đôi tay để nhận về, thì cũng có đôi tay để trao đi. Chàng thanh niên có tất cả, nhưng thiếu tinh thần bác ái. Anh có mọi thứ cho cả ngày để ăn chơi, làm việc, ngủ nghỉ, nhưng ‘còn thiếu một điều,’ là chưa dám cho đi tất cả. Kitô hữu phải sống độ lượng, bác ái, vị tha. Tình và nghĩa phải luôn song hành với nhau.

    - Nhân lành là sống theo gương Đức Giêsu. Chúa dạy chàng thanh niên cách sống để nên trọn lành: Hãy nên trọn lành như Cha trên Trời là Đấng trọn lành. Đó là từ bỏ con người cũ để nhận lấy sự sống mới từ nơi Thiên Chúa. Người nhân lành luôn biết sống theo Lời dạy và việc làm của Chúa, để sinh lợi ích cho cộng đồng, cho gia đình và cho chính mình.

    - Truyện : Nhà tỷ phú nọ có lần đi taxi, khi xuống xe, nhìn đồng hồ báo trên xe và đếm đúng số tiền trả cho tài xế. Tài xế tỏ vẻ thất vọng: “Hôm qua, tôi chở con trai ông. Anh ta đã ‘tip’ cho tôi 100 đô!” Nhà tỷ phú cười lặng lẽ: “Tôi làm sao sánh được với nó. Ba của nó là tỷ phú mà! Tôi là người dành dụm mới có, còn nó chỉ biết chi tiêu thôi”(ST).

    - Đức Giêsu là Đấng nhân lành. Người đến dạy con đường dẫn đến trọn lành và Ngài sẽ ban phát dồi dào cho những ai biết đón nhận và thực hành ý Ngài trong hành trình dương thế, để đạt sự sống đời đời.

    ĐỂ ĐƯỢC SỐNG ĐỜI ĐỜI

    Suy Niệm

              Đức Giê-su đáp trả người thanh niên giàu có đến xin tham vấn Chúa: phải làm gì để được sống đời đời. Người đưa ra những phương pháp căn bản: phải chu toàn bổn phận một công dân Nước Chúa, tức là tuân giữ các giới răn, đồng thời phải có nghĩa vụ với những người nghèo khó với tất cả khả năng của mình.

              Nhưng, người ta không hiểu tại sao Đức Giê-su lại từ chối khi người ta gọi Chúa là ''Thầy tốt lành?'' Người ta cũng thắc mắc, một người đã chu toàn bổn phận với Lề luật mà Chúa vẫn từ chối ban sự sống đời đời?

              1. Đức Giê-su và người thanh niên giàu có

              Có một thanh niên gặp Đức Giê-su để xin được thụ huấn. Anh ta có nhiều của cải và anh ta ý thức được trách nhiệm của một con người là sống đúng nhân cách, không để xảy ra điều gì hối hận. Anh ta còn đi xa hơn, anh muốn sống thế nào để được sống đời đời. Biết được Đức Giê-su là con người nhân lành, uy tín, giảng dạy khôn ngoan, anh tranh thủ cơ hội để xin Chúa chỉ đường cho anh. Anh quỳ gối trước mặt Chúa và hỏi: ''Thưa Thầy nhân lành, tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?''(Mc 10,17).

              Đức Giê-su có cảm giác vui khi thấy một người trai trẻ trăn trở và khao khát làm việc, nhất là khao khát cuộc sống đời đời. Điều này được chứng tỏ khi Đức Giê-su đòi anh phải tuân giữ Lề luật, anh trả lời là đã hằng giữ nghiêm chỉnh các luật đó từ thủa nhỏ. Anh nói đúng, chính Đức Giê-su cũng công nhận, nên Người đem lòng yêu mến anh. Anh đi đúng con đường dẫn tới sự sống đời đời, anh đã dùng những khối tài sản một cách có trách nhiệm cho tương lai của anh. Có điều là anh làm chưa đủ, anh ngạc nhiên khi Chúa bảo về bán hết tài sản gia tài của anh đã tích góp vất vả chính đáng, để rồi phân phát cho người nghèo khó, anh ta "sụ mặt lại.'' Anh chưa thể đi xa hơn để đến với sự sống đời đời.

              2. Để là công dân Nước Trời

              Thông qua chàng thanh niên, Đức Giê-su đưa ra những tiêu chí cho những ai muốn là công dân Nước Trời:

              Đức Giê-su dạy phải tuân giữ Lề luật để được sống đời đời: Lề luật là biểu hiện thánh ý Chúa. Tôn trọng Lề luật là làm theo kế hoạch của Chúa và sẽ đạt được Lời hứa của Chúa, là hạnh phúc vĩnh cửu. Những ý định của Chúa được thể hiện qua các giới răn, qua Lời Chúa, qua lương tâm và qua những dấu hiệu bên ngoài trong cuộc sống con người. Lề luật là ánh sáng, là đường đi giúp con người khỏi lỡ bước. Đức Giê-su nêu cụ thể những giới răn cần thiết mà chàng thanh niên phải tuân theo. Những giới răn này toát lên nội dung căn bản là yêu thương: yêu Chúa, yêu cha mẹ, yêu tha nhân và không được làm thiệt hại bất cứ ai.

              Đức Giêsu dạy phải từ bỏ tất cả để đạt được hạnh phúc vĩnh cửu: Đối với Chúa, giữ luật là đã chọn đúng hướng, nhưng chưa đủ, con người cần phải hoàn thiện hơn. Chúa đòi người thanh niên từ bỏ mọi sự, ''bán tất cả tài sản để bố thí cho người nghèo, rồi theo Người.'' Chàng thanh niên chưng hửng, các môn đệ Chúa cũng sững sờ. Phải chăng Chúa quá khắt khe, người thanh niên đó có đời sống mà ít người sánh kịp mà vẫn bị từ chối? Theo Chúa là phải từ bỏ của cải, nhưng anh ta lại giàu có, đàng hoàng, nhiều người nhờ vả và kính nể anh ta. Anh ta đành chấp nhận còn "thiếu một điều kiện" của Chúa. Chúa để con người tự do chọn lựa, và Chúa cũng có quyền tự do ban sự sống đời đời cho những ai chọn Chúa.

              Đức Giê-su hứa ban sự sống đời đời cho những ai làm cuộc phiêu lưu vĩ đại, là từ bỏ tiền của và từ bỏ chính mình nữa. Chúa muốn con người biết rằng, hạnh phúc Nước Trời là do lòng thương xót Chúa, chứ không do khả năng của họ, cũng không có gì trên thế gian này, sánh với Thiên Chúa và hạnh phúc đời đời. Tuy nhiên, Thiên Chúa nhân lành đầy lòng thương xót, muốn cứu độ con người và thực tế Chúa đã ban gấp trăm ngay ở đời này, những gì mà người ta đã từ bỏ.

             

              3. Hãy hành động khôn ngoan

              Để được Nước Trời, Đức Giê-su khuyên người ta cần phải cảnh giác và khôn ngoan:

              Trước hết là đừng ngộ nhận: Chàng thanh niên chào Đức Giê-su là ''Thầy nhân lành.'' Có thể nói, anh chưa nhận ra Đức Giê-su là ''Con Thiên Chúa.'' Ngay chính các Tông đồ cũng chưa phải là hiểu biết hết về sứ vụ của Đức Giêsu, nên nhiều khi vẫn bị Người quở trách. Vậy tại sao anh có thể gọi một người là nhân lành? Đức Giê-su cảnh cáo thái độ tăng bốc sáo rỗng của anh, và Người cũng khẳng định rằng chỉ có Thiên Chúa là Đấng tốt lành. Đức Giê-su không muốn người ta đồng hóa Thiên Chúa với con người, đồng thời Chúa cũng dạy mọi người phải khiêm nhường, Đức Giê-su tự cho mình là thấp kém hơn Thiên Chúa Cha của Người. Nịnh hót nhau vẫn tồn tại trong thế giới ngày nay, ngay cả trong lòng Giáo hội. Người ta nâng đối tượng lên tận mây xanh, người ta dùng những từ quá tuyệt vời để xu nịnh bề trên, người ta đi bằng đầu gối để lấy lòng thượng cấp. Chúa không chấp nhận và cũng không ai chấp nhận những việc làm ngộ nhận như vậy.

              Hãy nhìn lại chính mình: Chàng thanh niên tự hào vì đã chu toàn bổn phận. Tất cả những luật Chúa đưa ra, anh không bỏ sót, anh tự nhận: ''Tôi không làm cho ai bị thiệt hại.'' Đức Giê-su chỉ ra rằng, anh chưa phải là người hoàn hảo, anh chưa can đảm để bán hết gia tài để cho người nghèo khó; anh không thể đi xa hơn, anh trở về với tiện nghi, với lối mòn cũ mà anh theo đuổi. Đây cũng là lối suy nghĩ của nhiều người Ki-tô, cho rằng mình đã chu toàn Lề luật, không sai phạm đến ai, vẫn đi lễ đi thờ, đôi khi cũng bỏ một chút đồng vặt vào vợt... và lớn tiếng lên án người khác chưa làm được như họ. Cẩn thận, hãy nhìn lại trường hợp người thanh niên trong Tin Mừng để nhận ra mình.

              Hãy cảnh giác với tiền bạc: Con người thường cho tiền bạc, của cải, địa vị, tài giỏi là bảo đảm cho cuộc sống, là niềm kiêu hãnh với bạn bè. Đức Giê-su cảnh cáo, tiền bạc, giàu có là vật cản con người đến với Chúa, với Nước Trời: ''Con lạc đà chui qua lỗ kim còn dễ hơn người giàu có vào Nước Trời.'' Tiền bạc của cải làm chao đảo nền luân lí, vì tiền người ta sẵn sàng chà đạp lên nhau, vì tiền người ta có thể dễ dàng sa vào những tệ nạn xã hội, vì tiền người ta lánh xa Chúa, đánh mất phần thưởng đời đời. Tất cả mọi thứ trên trần gian này như ''cha mẹ, nhà cửa, ruộng vườn," cũng không thể so sánh được với Nước Trời.

              Xin Chúa ban cho chúng con ơn khôn ngoan sống theo Lời Chúa dạy dỗ, lánh xa cạm bẫy ngọt mật của thế gian dụ dỗ, để đạt tới sự sống đời đời.

    Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu

    Bài viết liên quan