Chúa Nhật VII TN C - Lm Giu-se Trần Xuân Chiêu

  • 21/02/2025
  • Chủ đề: Tình yêu cao cả

     

    LOẠT BÀI

    DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG NĂM C

    Chúa Nhật VII Quanh Năm

    Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu

    Phúc Âm (Lc 6,27-38)

              Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: “Thầy bảo các con đang nghe Thầy đây: Các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn cho những kẻ ghét mình, hãy chúc phúc cho những kẻ nguyền rủa mình, hãy cầu nguyện cho những kẻ vu khống mình. Ai vả má con bên này, thì đưa cả má bên kia; ai lột áo ngoài của con, thì con cũng đừng cản nó lấy áo trong. Ai xin, thì con hãy cho và ai lấy gì của con, thì đừng đòi lại. Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy. Nếu các con yêu những kẻ yêu các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Vì cả những người tội lỗi cũng yêu những ai yêu họ. Và nếu các con làm ơn cho những kẻ làm ơn cho các con, thì còn ân nghĩa gì nữa? Cả những người tội lỗi cũng làm như vậy. Và nếu các con cho ai vay mượn mà trông người ta trả lại, thì còn ân nghĩa gì? Cả những người tội lỗi cũng cho những kẻ tội lỗi vay mượn, để rồi được trả lại sòng phẳng. Vậy các con hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mượn mà không trông báo đền. Phần thưởng của các con bấy giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái Đấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc và những kẻ gian ác. Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ. Đừng xét đoán, thì các con sẽ khỏi bị xét đoán; đừng kết án, thì các con khỏi bị kết án; Hãy tha thứ, thì các con sẽ được tha thứ. Hãy cho, thì sẽ cho lại các con; người ta sẽ lấy đấu hảo hạng, đã dằn, đã lắc và đầy tràn mà đổ vào vạt áo các con. Vì các con đong đấu nào, thì cũng sẽ được đong trả lại bằng đấu ấy.

    ĐỐI XỬ NHÂN TỪ

    1. Nhân từ

    - Nhân: Người, nhân cách con người, hạt, lõi.

    - Từ: Tiếng, hiền, từ bi, từ giã, từ chối, từ đường, ông từ.
    - Nhân từ: Hiền, nhân đức, cảm thông, thương người.

    - Xã hội: Đừng làm ‘thánh nhân’ với kẻ khác mà độc ác với chính mình, đó thực sự là việc cực kỳ ngu ngốc!

    - Việt: Nhân từ với kẻ thù dân tộc là tàn ác với dân, nước.

    - Đức Giêsu: nhân từ trong mọi lúc, mọi nơi và đối với mọi người, với tội nhân, kẻ thù, phản bội, cả kẻ giết mình.

    2. Lời Chúa hôm nay dạy về nhân từ

    - Đavít nói với Abisai: “Chớ giết ngài, vì có ai đưa tay phạm đến Đấng Chúa xức dầu mà vô tội đâu?” Rồi Đavít lấy cây giáo và bình nước ở phía đầu Saolê và ra đi (Sm 26,9).

    - Đức Giêsu dạy: “Các con muốn người ta làm điều gì cho các con, thì hãy làm cho người ta như vậy” (Lc 6,31).

    - Đức Giêsu đòi hỏi phải đối xử nhân từ: “Vậy các con hãy ở nhân từ như Cha các con là Đấng nhân từ” (Lc 6, 36).

    3. Thực hành nhân từ

    - Đối xử nhân từ là sẵn sàng tha thứ. Đức Giêsu đòi hỏi: “Ai vả má con bên này, thì đưa cả má bên kia.” Giáo hoàng Gioan Paulô II đến thăm kẻ ám sát ngài trong nhà tù. Saul luôn tìm giết Ðavít, nhưng Ðavít không thù oán vua, mà tha thứ và tìm cách cầu hòa. Nhạc sĩ Phạm Duy viết: “Kẻ thù ta đâu có phải là người. Giết người đi thì ta ở với ai?”

    - Đối xử nhân từ là đòi hỏi của Tin mừng. Grandi còn bé chơi bời, do nghe đoạn Tin Mừng này, đã trở nên vĩ đại. Phan Bội Châu viết: “Con chim sắp chết hót tiếng bi thương, con người sắp chết nói lời tâm huyết.” Đức Giêsu rao giảng tình thương không biên cõi, vượt qua ranh giới gia đình, chủng tộc, để nối kết mọi người, cả kẻ thù, lại với nhau.

    - Đối xử nhân từ là đòi hỏi của Giáo Hội. Đức Giêsu sống nhân từ như lời Ngài dạy. Ngài yêu thương kẻ thù đã hành hạ và giết Ngài. Các tín hữu Sơ khai đã biết chia sẻ vật chất cho nhau, để không ai phải đói khổ, không phân biệt ai là kẻ thù hay người  ngoại. Chỉ có ánh sáng mới xóa tan bóng tối.

    - Đối xử nhân từ sẽ xóa bỏ hận thù. Dân gian nói: “Gieo gió gặt bão.” Có nhà tâm lý nói: “Nếu nuôi lòng thù hận thì hãy sắm sẵn hai quan tài: Một để dành cho kẻ thù sẽ bị anh giết, còn chiếc thứ hai sẽ dành cho chính anh, vì anh sẽ bị chết mòn trong thù hận.” Con người phạm tội, Chúa sai Con Một đến giải hòa, dạy con người biết sống nhân từ để dập tắt hận thù.

    - Truyện: Có Rabbi hỏi tín hữu Itraen: “Có biết khi nào đêm nhường chỗ cho ngày không?” Tín hữu trả lời: “Là khi nhận ra ánh bình minh ở chân trời, hay phân biệt được bụi cây với một người?” Rabbi lắc đầu: “Không, là khi mỗi người nhận ra gương mặt người khác là anh chị em mình.”

    - Thánh lễ là nơi giúp con người học sống nhân từ. Lòng nhân lành của Đức Giêsu dạy con người sống nhân từ theo tinh thần Tin Mừng. Đức Giêsu còn hứa phần thưởng cho người có lòng nhân hậu: “Phần thưởng các con bấy giờ sẽ lớn lao, và các con sẽ là con cái Đấng Tối Cao, vì Người nhân hậu với những kẻ bội bạc.”

    TÌNH YÊU CAO CẢ

    Suy Niệm

    Các bài đọc nhấn mạnh chủ đề tình yêu, lòng yêu thương đích thực được cụ thể hoá trong thực hành, yêu mình, yêu anh em và yêu cả kẻ thù nữa; chính giới luật này mà giáo lý tình thương của Đức Giêsu khác biệt và vượt xa các giới luật yêu thương của các nền đạo đức khác.

    Tuy nhiên, đọc qua bài Phúc Âm không ít người thắc mắc: Đức Giêsu phải chăng đi ngược lại luật Chúa trong Cựu Ước: “Mắt đền mắt răng đền răng?” Phải chăng Người bỏ qua luật công bằng? Liệu Người có đồng ý cho kẻ ngoại xâm đến phá hủy dân tộc mình mà không kháng cự lại?

    1. Luật yêu thương

    Tình yêu thương là đề tài lớn nhất của con người, bất kì tổ chức xã hội hay tôn giáo nào. Con vật có cảm xúc, cũng biết yêu thương, biết đau, biết khóc, biết giận giữ hay quyến luyến yêu thương. Con người sinh ra trên trái đất này đều biết yêu và muốn được yêu. Và một khi họ được thiết lập thành một cộng đoàn, dù nhỏ bé, thì sợi giây nối kết cộng đoàn lại là tình yêu thương, cộng đoàn càng lớn, nó càng quan trọng. Một bộ tộc, một quốc gia, xa hơn nữa là các tổ chức xã hội, tôn giáo, trong chủ trương, triết thuyết hay giáo lí đều đề cao tình yêu thương; mọi thành công đều dựa trên mức độ yêu thương.

    Luật yêu thương này, mới chỉ dựa trên luật công bằng: Người ta yêu kẻ yêu thương mình, yêu những ai yêu mình, yêu người thân họ hàng nhà mình. Mọi việc ân oán phải sòng phẳng, “có qua có lại mới toại lòng nhau.” Ngay trong giới luật yêu thương của Cựu Ước cũng chủ trương “Mắt đền mắt răng đền răng.” Như vậy ở đây, luật công bằng là nền tảng cho giới luật yêu thương.

    2. Giới luật của Đức Giê-su

    Quan điểm của Chúa về luật yêu thương không giới hạn ở chỗ công bằng. Con vật cũng yêu thương con cái của nó; những kẻ côn đồ, đĩ điếm, tội lỗi cũng biết yêu thương những ai yêu nó, những ai thuộc về nó. Đối với Đức Kitô, luật yêu thương không giới hạn ở người thân, mà phải đi xa hơn:

    Đức Giê-su dạy phải yêu cả kẻ thù: Luật công bằng phải luôn dựa vào luật yêu thương: “Anh em hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét minh…”(Lc 6,27). Tình yêu thương của Chúa phải gắn liền với lòng độ lượng, tha thứ: “Ai vả má bên này thì hãy đưa má bên kia nữa.”(Lc 6,29). Chúa dạy họ phải yêu thương nhau, như mẫu gương của Cha Người trên Trời, yêu thương hết mọi người mọi vật mà Người đã tác tạo, cả khi họ lạc đường, lỗi phạm.

    Yêu thương được hoàn thiện bằng việc làm thực tế: Sau khi ăn trái căm, Tổ tiên loài người được hứa, sẽ có Đấng Cứu Độ; người con trai hoang đàng trong dụ ngôn của Đức Giêsu, cũng được tha thứ sau nhiều năm phản bội. Chính Đức Kitô đã làm cụt hứng Phê-rô, khi ông lấy gươm chém đứt tai tên lính đến bắt Chúa; Người chấp nhận cái hôn giả dối của Giu-đa, Người chấp nhận sự hối cải của tên trộm lành, và Người còn cầu xin Chúa Cha tha tội cho những kẻ thù ghét Người: “Xin Cha tha cho chúng vì chúng không biết việc chúng làm”(Lc 23,24). Chúa Ki-tô dạy mọi người phải yêu thương hết thảy, yêu vô tư như chính tình yêu của Chúa.

    3. Thực hành

    Tránh hận thù: Thực tế cuộc sống cho thấy, sự thù hằn không phải là giải pháp để ổn định cuộc sống. Chặt chân rồi, không có nghĩa là con người sẽ không còn vấp phạm lỗi khác, cái vả thứ hai không ngăn cản những cái vả tiếp theo. Trả thù không phải là hết nợ, mà mối thù càng phình rộng ra, kéo dài hơn, nguy hiểm mãi mãi. Trả thù có thể thỏa mãn lòng hận thù trước mắt của con người, nhưng nó sẽ để lại trong tâm hồn họ nỗi day dứt lo sợ. Như vậy, yêu kẻ thù không phải là “phản bội Tổ quốc” hay sống buông xuôi, cam chịu! Hoà bình đích thực chỉ có thể tồn tại, khi  lấy tình yêu xoá bỏ hận thù như quan điểm của Chúa. Điều gì xảy ra khi thế giới toàn người cụt tay, chột mắt, cụt chân. Con người chỉ có thể hạnh phúc tại những nơi còn đầy đủ thân thể con người. Buổi sáng nọ, một ông chủ tịch Hội đồng mục vụ giáo xứ thấy một phụ nữ đến muộn, ông khó chịu và không cho bà vào dự lễ; ông đâu có biết rằng, người phụ nữ đó chưa đi lễ muộn bao giờ, hôm nay phải đưa đứa con gái khuyết tật của bà lên xe khách, để kịp đến trung tâm chữa trị, nhưng xe bus đến trễ nửa giờ đồng hồ. Thiếu cảm thông cho nhau đã gây ra bao nhiêu thiệt hại cho cuộc sống của con nguời.

    Luôn  biết tha thứ:  Lịch sử cho thấy tha thứ luôn đem lại hiệu quả: Tha thứ là đầu mối của mọi thành công, như Đa-vít đã trở nên vĩ đại, vì đã biết tha thứ cho Sao-lê, Gio-an Phao-lô II chinh phục được tâm hồn A-li A-ca, kẻ sát hại ngài. Người ta kể rằng có hai người trồng dưa, một người chăm bón nên vườn dưa tốt và thu hoạch cao; người nước Sở lười biếng nên không có thu hoạch. Anh này ghen ghét, nên ban đêm lén sang phá hoại, người kia biết vậy định trả đũa và thưa kiện với quan. Nhưng anh này nghĩ lại, cho rằng trả đũa thì cả hai bị thiệt, nên tốt nhất ban đêm hãy lén sang tưới phân cho vườn dưa của kẻ thù. Người kia thấy không bị trả đũa, mà dưa của mình lại tốt thêm, mới biết anh bạn là người tốt lành và xin lỗi. Cả hai gia đình đoàn kết và trở nên giầu có. Yêu kẻ thù làm luân lí Kitô giáo thành điểm son, điểm nhấn trong hệ thống đạo đức của con người. Người Ki-tô hữu được biết đến, là nhờ biết thực hành luật yêu thương của Chúa.

    Chúng ta cầu xin cho thế gian thực hành luật yêu thương của Chúa, để họ được sống trên một trái đất yên lành hạnh phúc.

    Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu

    Bài viết liên quan