DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG
Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu
Phúc Âm (Lc 6,17.20-26)
Khi ấy, Chúa Giêsu từ trên núi xuống với mười hai tông đồ, và dừng lại trên một khoảng đất bằng; ở đó có đông môn đệ và một đám đông dân chúng từ Giuđêa, Giêrusalem, miền duyên hải Tyrô và Siđon kéo đến để nghe Người giảng và xin Người chữa bệnh tật. Bấy giờ Người đưa mắt nhìn các môn đệ và nói: “Phúc cho các ngươi là những kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đói khát, vì các ngươi sẽ được no đầy. Phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì các ngươi sẽ được vui cười. Phúc cho các ngươi, nếu vì Con Người mà Người ta thù ghét, trục xuất và phỉ báng các ngươi, và loại trừ tên các ngươi như kẻ bất lương. Ngày ấy, các ngươi hãy hân hoan và reo mừng, vì như thế, phần thưởng các ngươi sẽ bội hậu trên trời. Chính cha ông họ cũng đã đối xử với các tiên tri y như thế. Nhưng khốn cho các ngươi là kẻ giàu có, vì các ngươi hiện đã được phần an ủi rồi. Khốn cho các ngươi là kẻ đã được no nê đầy đủ, vì các ngươi sẽ phải đói khát. Khốn cho các ngươi là kẻ hiện đang vui cười, vì các ngươi sẽ ưu sầu khóc lóc. Khốn cho các ngươi khi mọi người đều ca tụng các ngươi, vì cha ông họ cũng đối xử như vậy với các tiên tri giả.
HIẾN CHƯƠNG NƯỚC TRỜI
Dàn Ý
1. Hiến Chương
- Hiến: Pháp luật, hiến pháp, tặng, đóng góp., vi hiến văn hiến,
- Chương: Chương, điều, dấu, bố chồng, cây chương.
- Hiến chương Nước Trời: Đó là bài giảng trên núi, bài giảng ra mắt cho sứ vụ của Đức Giêsu, giúp hoán cải cuộc sống, thoát khỏi vòng nô lệ, nhờ vào lòng Chúa khoan dung.
2. Lời Chúa hôm nay nói về hiến chương Nước Trời
- Ðức Giêsu công bố Hiến chương Nước Trời: “Có đông môn đệ và đám đông dân chúng từ Giuđêa, Giêrusalem, miền duyên hải Tyrô và Siđon đến nghe Người giảng” (Lc 6,17).
- Đức Giêsu giảng về các Phúc thật: “Phúc cho các ngươi là kẻ nghèo khó, vì nước Thiên Chúa là của các ngươi. Phúc cho kẻ bây giờ đói khát, vì họ sẽ được no đầy. Phúc cho kẻ bây giờ phải khóc lóc, vì họ sẽ được vui cười. Phúc cho ai vì Con Người mà người ta thù ghét, trục xuất” (Lc 6, 20-23).
3. Thực hành Hiến chương Nước Trời
- Nước Trời dành cho những ai được chúc phúc. Những ngày kỉ niệm, lễ, tết, người ta thường chúc may lành hạnh phúc. Nước Trời không dành cho những ai bị chúc dữ, mà dành cho kẻ được được chúc lành: “Hỡi anh em là những kẻ nghèo khó, anh em có phúc, vì Nước Chúa là của anh em.”
- Nước Trời dành cho những ai tin và thực hành ý Chúa. Đức Giêsu đã trình bày các mối phúc giúp người ta thực hành để đạt hạnh phúc thực sự. Phải chăng là nghịch lý, khi Chúa chỉ ra con đường hạnh phúc cho những ai đang bị bách hại, thù ghét, bỏ rơi. Chỉ khỉ đi qua mầu nhiệm Thập giá, người ta mới hiểu được những điều nghịch lí trong đoạn Tin mừng.
- Nước Trời dành cho những ai thực hành công lí tình thương. Chúa không khuyến khích nghèo khổ, hay trây lười mà trở nên nghèo. Chúa chỉ đề cao những ai tự nguyện sống nghèo vì Nước Trời. Như bà góa nghèo bỏ tiền vào thùng, hay cô giáo sẵn sàng thôi dạy thêm có thu nhập cao vì quyền lợi của học sinh nghèo. Họ đang thực hành các mối phúc thật.
- Nước Trời dành cho những ai sống siêu thoát. Khi nghèo khổ, người ta sốt sáng kinh lễ, nhưng khi giàu có thì cao ngạo, rời xa Chúa. Khổng Tử từ chức quan đại thần: “Ăn cơm thô, uống nước lã, co cánh tay gối đầu, lòng đầy hoan lạc(Ln.7,15). Đức Phật từ bỏ cung điện, lên rừng tìm đường cứu nhân độ thế. Đức Kitô nói về cuộc sống của Người, ‘con chồn có hang, chim trời có tổ, nhưng Con Người không có chỗ tựa đầu.’
- Truyện: Quốc vương Abdurahman III, Thổ nhĩ kỳ, giàu nhất thế giới 49 năm, thế kỷ X. Lợi tức tới 336 triệu US. Vua có 6.321 vợ được tuyển trong cả vương quốc và sinh được 618 con. Tài sản vua trị giá 3 tỷ đô la. Nhưng khi chết, nhật ký vua ghi: “Trong đời dài đầy danh vọng, tôi đã đếm được những ngày tôi hạnh phúc chỉ vỏn vẹn có 14 ngày mà thôi.”
- Kitô hữu hãy sống theo những giá trị các mối Phúc thật? Quá nhiều người sống đày đủ tiện nghi trong khi nhiều người sống khốn khổ. Hãy thực hành 8 mối phúc của Hiến chương Nước Trời, để cuộc sống trở nên tốt đẹp hơn.
Suy Niệm
Người ta thường chúc nhau sống lâu, mạnh khoẻ, giầu có, may mắn dịp Đầu Năm. Trong bản Hiến Chương Nước Trời, Đức Giê-su cũng chúc phúc cho con người hạnh phúc thực sự, có điều Chúa đặt loài người đối diện với một chọn lựa quan trọng: hoặc giá trị vật chất, hoặc giá trị tinh thần.
Người ta thắc mắc thế nào là hạnh phúc thật? Liệu Đức Giê-su có “khùng” không, khi chúc hạnh phúc cho người nghèo, người đau khổ trong khi mọi người cho rằng, giầu có mới là hạnh phúc? Ai cũng thích tiền, Giáo hội cũng cần tiền, vậy tại sao Chúa lại lên án tiền bạc? Nếu giầu là bất hạnh, tại sao Chúa lại còn hứa ban giầu có cho Áp-ra-ham?
1. Hiến chương Nước Trời
Đức Giê-su cảnh báo mọi người phải thận trọng với các thứ hạnh phúc trần tục: Hạnh phúc là ước mơ, là khát vọng, là mục tiêu phấn đấu của con người trên trái đất này. Ước mơ hạnh phúc hàng đầu là sự giầu có; người ta muốn có một quốc gia hùng mạnh, một gia đình giầu có; một xứ đạo muốn có nhiều tiền để xây dựng nhà thờ, một người muốn có nhiều tiền để thực hiện ước mơ, có tiền mua tiên cũng được. Nhưng, tất cả những ước mơ đó lại trở thành lí do để Chúa lên án: “Khốn cho các ngươi là kẻ giầu có, no nê, vui cười…”(Lc 6,24). Cái họa của người giầu là tham lam, ích kỷ, tự mãn; họ quên sự đau khổ của người khác, họ quên Đấng ban giầu có; họ sử dụng nó cho những đam mê dục vọng. Những hiểm hoạ của áp bức chiến tranh, là do kết quả những tham vọng của kẻ lớn, các nước đế quốc, những ông vua tham quyền. Tiền của làm cho bao cảnh tan cửa nát nhà, nghiện ngập.
Đức Giê-su chúc cho nhân loại hạnh phúc thật: Người lớn tiếng nói về đề tài này trong bài giảng đầu tiên của Người: Tám mối phúc thật; có điều lời chúc của Chúa ngược lại với quan điểm của con người về hạnh phúc. Nhiều người có thể khó chịu khi nghe những lời chúc phúc của Đức Giê-su: phúc cho người nghèo khó, người khóc lóc, người đói rách, người bị bách hại. Tuy nhiên người ta phải luôn ý thức, không phải Chúa ghét kẻ giầu, Chúa không cấm con người dùng tiền để sử dụng vào công ích. Đức Giêsu cũng đã lấy tiền để nộp thuế cho Cê-sa-rê. Chúa yêu thương mọi người, giầu cũng như nghèo. Chúa cứu độ hết thảy.
2. Hạnh Phúc Thật
Người ta có thể hiểu được dụng ý của Đức Giêsu qua những lời chúc trong Bản Hiến Chương Nước Trời:
Đức Giê-su muốn công bằng: Nghèo nàn, đau khổ luôn là nỗi khiếp sợ của con người; đói nghèo sinh trộm cắp, tham ô; không tiền, con cái không được đến trường học; không tiền, đâu có thể làm từ thiện, không tiền bệnh nhân chỉ nằm chờ chết, vì không thể trả viện phí. Người ta có tiền là có mọi sự, người nghèo chịu thiệt thòi quá nhiều. Đức Giê-su muốn những người nghèo khó đau khổ phải được đền bù, do những mất mát mà người giầu có quyền thế cướp mất của họ, đầy đọa họ; La-za-rô được đền bù xứng đáng, vì những thiệt thòi của ông khi còn sống.
Chúa muốn lấp đầy chỗ trống của người nghèo: Khi họ trở nên trống rỗng trước mặt Chúa, Người sẽ đổ tràn ơn giầu có sung mãn vào đó, như "nước chảy vào chỗ trũng" vậy. Không cha mẹ nào muốn thấy con cái đói ăn, thiếu dinh dưỡng; không một cộng đoàn nào muốn nhìn cảnh ngao ngán vì thiếu tiền điều khiển tổ chức. Ở đây Đức Giê-su nhấn mạnh sự nghèo khó trong tinh thần; sự nghèo khó vẫn theo con người cả trên Thiên đàng nữa; đó chính là việc mình đã đánh giá đúng và hành động đúng như cái nghèo trước mặt Chúa.
Nghèo khó còn giúp con người có kinh nghiệm, lướt thắng cám dỗ. Nghèo khó giúp con người bớt dính vướng bận bịu với của cải vật chất và những vinh hoa thế tục. Trải nghiệm được cái nghèo, người ta mới dễ dàng thông cảm để chia sẻ nỗi bất hạnh của người khác. Mọi người ước mong con đường mình đang đi là dẫn tới đích điểm hạnh phúc. Muốn đạt được, người ta phải ra sức gieo cấy, vun trồng. Ai gieo nhân nào thì gặt quả đó, gieo ít gặt ít, gieo nhiều gặt nhiều.
3. Thực hành
Mỗi người phải biết chọn lựa đúng: Nếu ai có dịp 'du ngoạn' qua cửa Thiên đàng, người ta sẽ được chứng kiến những gì mà Kinh Thánh viết lại: Ở đó có những La-da-rô khốn khổ, có bà goá nghèo, có Ve-ro-ni-ca trao khăn thấm máu Chúa hay Si-mon vác Thánh Giá. Nếu qua Địa ngục người ta sẽ thấy những kẻ tham ô hối lộ, những phú hộ giầu có, những Kinh sư móc túi tiền bà goá, những Hê-rô-đê ngạo nghễ. Mỗi việc đều có giá của nó, có trồng thì có gặt hái. Thú vui trần gian chỉ là tạm bợ, nay còn mai mất; nhà lầu xe hơi, tiền bạc chất đống cũng không thể đảm bảo hạnh phúc đời đời cho con người. Người khôn ngoan biết chọn điều tốt hơn; chẳng ai muốn mình là ngu cả, nhưng hãy coi chừng, vì mình có nhận ra mình ngu đâu. Một khách hàng lần kia nói với phó nháy: Tôi không thích mấy tấm ảnh kia chút nào, trông cứ như là con khỉ đột ấy. Phó nháy trả lời: Lẽ ra anh phải nghĩ tới điều đó trước khi anh nhờ tôi chụp ảnh anh chứ? Mình xấu mà không nhận ra mình xấu mới là người dại dột!
Mỗi người hãy theo gương Chúa Giê-su: Người đứng về phía người nghèo, yêu thương họ và bênh vực cho họ. Để chứng minh cho lời giảng, Đức Giê-su đến với họ, chữa bệnh cho họ, loan Tin Mừng và làm phép lạ cho họ; đặc biệt hơn nữa, chính Chúa cũng sống khó nghèo, sinh ra nơi hang đá Be-lem và chết không có nơi gối đầu. Giầu nghèo nói đây là ở trong tinh thần; giầu nghèo đều được Chúa chúc phúc, nếu họ sống theo đúng Tám mối phúc thật của Chúa chỉ dạy, họ sẽ đạt được mục tiêu của đời người.
Thế gian đang rất cần những tình nguyện viên đứng về phía người nghèo, Giáo hội trong các sứ điệp luôn lớn tiếng bênh vực người nghèo. Hãy hành động như Đức Ki-tô đã làm, để hàng ngày hàng giờ đem lại hạnh phúc cho mọi người và cho chính mình.
Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 53 | Tổng lượt truy cập: 5,084,856