Chúa Nhật II MV - Năm C - Lm Giu-se Trần Xuân Chiêu

  • 07/12/2024
  • Chủ đề: Hãy dọn đường Chúa

     

    LOẠT BÀI

    DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG NĂM C

    Chúa nhật II Mùa Vọng

    Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu

    Phúc Âm: Lc 3, 1-6

              Đời hoàng đế Ti-bê-ri-ô năm thứ mười lăm, Phong-xi-ô Phi-la-tô làm toàn quyền xứ Giu-đê-a, Hê-rô-đê làm thủ hiến xứ Ga-li-lê-a, còn em là Phi-lip-phê làm thủ hiến xứ I-tu-ri-a và Tra-cô-ni-tê-đê; Ly-sa-ni-a làm thủ hiến xứ A-bi-lê-na; An-na và Cai-pha làm thượng tế, có lời Chúa đã kêu gọi Gio-an, con Gia-ca-ri-a, trong hoang địa. Ông liền đi khắp miền sông Gio-đan, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội, như lời chép trong sách Tiên tri I-sa-i-a rằng: Có tiếng kêu trong hoang địa, hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng, hãy lấp mọi hố sâu và hãy bạt mọi núi đồi; con đường cong queo hãy làm cho ngay thẳng, con đường gồ ghề hãy san cho bằng. và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa.

    CON ĐƯỜNG

    1. Con đường

    - Có nhiều loại đường: Đường làng, đường phố, đường cái, đường mòn, đường tắt, đường phẳng.

    - Có đường đất, đá, nhựa, bê tông, biển, hàng không.

    - Có ‘đường đời’ là con đường người ta bước vào từ lúc ‘mở mắt chào đời’ cho tới lúc ‘nhắm mắt lìa đời.’

    - Có ‘đường thiêng liêng’ không thấy, dẫn tới cứu độ.

    - Có đường tâm lý, đường tinh thần, đường ni tâm.

    - Có đường là Đạo. Đạo Công giáo không phải là pháo đài Luật lệ, mà là đường để con người đến gặp Chúa và anh em.

    2. Lời Chúa hôm nay nói về con đường

    - Baruc nói về con đường đi lưu đày và trở về của Itraen: “Họ bị quân thù dẫn đi xa ngươi, nhưng Chúa đã đem họ về cho ngươi trong vinh dự như các hoàng tử” (Br 5,6).

    - Phaolô dạy con đường đến với Đức Giêsu làm việc lành: “Đấng đã khởi đầu việc lành đó trong anh em, cũng sẽ hoàn tất cho đến ngày của Đức Giêsu Kitô” (Pl 1,6).

    - Gioan kêu gọi dọn đường Chúa để đón ơn cứu độ: “Hãy dọn đường Chúa, hãy sửa đường Chúa cho ngay thẳng. Và mọi người sẽ thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa” (Lc 3,4-6).

    3. Con đường đưa tới giải thoát

    - Trước hết là con đường tinh thần. Đây không phải là đường được nhựa, bê tông, đường vật chất đầy dãy gian tham, lừa lọc. Đây là con đường tinh thần giúp phân biệt con người với mọi loài vật. Họ dùng thần trí để vượt lên trên những lạc thú xác thịt, những cạm bẫy của tiền tài, danh vọng; sống trong niềm tin, hi vọng, công bình, bác ái, vị tha.

    - Đó con đường niềm tin. Con người sẽ được nối kết với Đấng dựng nên mình bằng niềm tin yêu. Đức Giêsu đã mở ra con đường để gặp gỡ Thiên Chúa và anh em: “Ta là đường, là sự thật và là sự sống” (Ga 14,6). Đây là con đường quan trọng trên hành trình Đức tin đưa tới hạnh phúc vĩnh cửu.

    - Đó là con đường thiêng liêng. Trong một xã hội chỉ biết hưởng thụ, nhiều cạm bẫy, người ta phải cậy nhờ vào ơn Chúa để vượt thử thách và cám dỗ.  Các Bí tích, nhất là Bí tích Giải tội và Thánh Thể, là con đường con đường thiêng liêng hoàn hảo nhất giúp con người vươn tới đích. 

    - Đó là con đường vào sa mạc. Người ta phải từ bỏ con đường rộng để đi đường hẹp là vào sa mạc, nơi gió cuốn, đất khô cằn, nắng đổ lửa. Người ta vào sa mạc tâm hồn để sống nội tâm, yên bình; từ bỏ tiện nghi, loại bỏ thói cao ngạo, ích kỷ, tham lam, để có thể lắng nghe tiếng Chúa.

    - Truyện: Một người Ảrập có thói quen nằm sát đất, úp tai trên cát rất lâu. Có người hỏi, anh giải thích: “Tôi nghe sa mạc khóc vì nó muốn được làm một ngôi vườn xinh tươi.”

    - Đường đưa tới giải thoát cònđường tình thương. Đó là con đường tâm hồn được mở đến với tha nhân, sống bác ái, yêu thương, cảm thông và tha thứ. Hãy mang Chúa đến với người già cả, bệnh tật, cô đơn, xấu số. Hãy làm chứng cho nhân loại thấy được chân dung của Thiên Chúa đầy yêu thương.

    HÃY DỌN ĐƯỜNG CHÚA

    Suy Niệm

    Thế giới đang bước vào những ngày nhộn nhịp nhất trong năm: ngày chuẩn bị đón Đấng Thiên Sai. Những thiệp mừng luôn đắt khách, những bản nhạc Giáng Sinh thi nhau vang lên, các phố phường, đường đi lối lại bận rộn khác thường. Các bài đọc nhấn mạnh không khí của trước ngày Đức Kitô sinh ra, với những khuôn mặt khác nhau, từ các Ngôn sứ, các lãnh tụ tôn giáo, nhà cầm quyền, đến dân thường, đều thể hiện tinh thần chuẩn bị đón ngày Chúa đến.

    Tuy nhiên, qua các bài đọc, phụng vụ, người ta phen bì với Phi-la-tô, một con người tội lỗi lại có chỗ đứng trong kinh Tin Kính? Tại sao Gi-oan thực hiện sứ vụ của ông ở trong hoang địa? Ông lấy quyền gì mà đi rao giảng? Lấy quyền gì mà làm phép rửa? Tại sao Phụng vụ lại giới thiệu bản văn về ngày tận thế trong mùa Vọng?

              1. Những khuôn mặt

    Để đi sâu vào bài Phúc Âm, mỗi người có thể theo sau những nhân vật xuất hiện trong phụng vụ hôm nay:

    Cùng với Đức Ma-ri-a, Phi-la-tô là người có chỗ đứng đặc biệt trong kinh Tin Kính. Xét về mặt xã hội, Phi-la-tô là người đang nắm giữ quyền hành thay hoàng đế Rô-ma, trong đất nước đã mất chủ quyền; ông đại diện La-mã chấp chính toàn vùng Giu-đê, ông có quyền sinh quyền giết. Tuy nhiên với cương vị đó, ông đã để lại trong lịch sử một việc làm rung động mọi thời: là lên án tử Đấng Cứu Thế mà thiên hạ đợi trông; một hành động tồi tệ, xuất phát từ một đời sống tham ô, cưỡng bách, khủng bố, giết người của một ông quan tham.

    Dân riêng Chúa có vua, là Hê-rô-đê, nhưng hoàn toàn bù nhìn; mặc dầu vậy, Hê-rô-đê không cảm nhận được nỗi tủi nhục của một ông vua mất nước, mà lại nối kết với đế quốc áp bức quần chúng. Thói quen sống vương giả, vô luân, dâm dật làm ông mù tối, đến độ không nhận Đấng Cứu Thế ở giữa ông; cơ hội ngàn vàng để ông đem lại vinh dự cho quê hương, nhưng ông chỉ để lại sử sách, dấu ấn một con người hèn nhát, ngu si.

    Các nhà lãnh đạo tôn giáo như Cai-pha, Kha-nan, cũng không hơn gì những nhà chức trách phần đời. Họ để lại hậu thế mãi mãi nỗi nhục, với những tiếng nguyền rủa, do cách sống giả tạo và những tham vọng cá nhân dẫn đến sai lầm không nhận ra Đức Ki-tô. Thật mỉa mai, những người giảng dạy về Đấng Thiên Sai cho người khác, chính họ lại mù tịt!

    Trong khi đó Gio-an nổi lên như một nhân vật vĩ đại, giữa những lớp người sống thiếu trách nhiệm trong xã hội. Ông sống trong hoang mạc, không có vai trò trong xã hội, nhưng đã gây chấn động dư luận, về những việc làm can đảm phi thường của ông. Sống nơi hoang địa, thực tế là một điều chẳng ai thích: vừa xa xôi hẻo lánh, vừa lạc hậu, thiệt thòi đủ thứ. Hơn nữa Gioan còn sống khắc khổ, ăn châu chấu, uống mật ong rừng và mặc áo thô. Tuy nhiên Gio-an làm điều mà Chúa Giê-su cũng làm: là ở rừng vắng. Các triết gia, các lãnh tụ cách mạng, Đức Phật Thích Ca cũng đã từng vào rừng vắng để tu thân và cống hiến. Trên rừng hoang, Gio-an rao giảng phép rửa sám hối chuẩn bị cho phép Rửa của Đức Giê-su.

    2. Hãy đón nhận

    Mọi người đều có thể là tiền hô của Đức Ki-tô: Gioan còn có nhiệm vụ khá quan trọng, đó là làm tiền hô cho Đấng Cứu Thế: Ông là tiếng kêu trong hoang địa, ông có nhiệm vụ san phẳng núi đồi, lấp đầy thung lũng, nắn đường quanh co. Chúa giao cho Gio-an sứ vụ cao cả, một mặt là ứng nghiệm lời Kinh Thánh báo trước, mặt khác là để chuẩn bị tinh thần cho quần chúng đón nhận Đức Ki-tô đến và ông đã anh dũng hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Gio-an kêu gọi mọi người làm tiền hô cho Chúa trong môi trường mình sống, cho những anh em xung quanh.

    Mỗi người Ki-tô hữu hãy trong tư thế chuẩn bị: Nếu dân riêng Chúa đã chờ đợi hàng ngàn năm, để có ngày Đức Ki-tô đến, mỗi người cũng phải luôn sẵn sàng, chuẩn bị đón nhận ngày vô cùng ý nghĩa này. Đức Ki-tô sẽ đến thế gian lần 200..., Đức Ki-tô sẽ đến với từng người trong giờ chết, Đức Ki-tô sẽ đến với mọi người lần thứ II. Đừng để vật chất đam mê ngăn trở cuộc đón tiếp Đấng Cứu độ con người.

    Để đón Chúa, Phụng vụ kêu gọi sám hối: Gio-an đã làm phép rửa và rao giảng về sự sám hối; mọi tầng lớp đến với ông, từ các nhà lãnh đạo đến thứ dân. Trong cuộc sống, có quá nhiều lần Chúa kêu gọi con người hãy đổi mới chính mình, mỗi người hãy biết chớp thời cơ, thực hiện việc sám hối để được cứu độ như Chúa đã hứa.

              Xin Đức Trinh Nữ Ma-ri-a giúp cho mỗi người chúng con có thể làm nhiệm vụ tiền hô và chứng nhân cho Đức Ki-tô trong môi trường sống của chúng con.

    Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu

    Bài viết liên quan