Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật XIV Thường Niên A

  • 08/07/2023
  • “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29).

     

    Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật XIV Thường Niên A

    Mt 11, 25-30

    “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29).

    Một triết gia nọ tìm đến một vị thiền sư nổi tiếng là đức độ và thông thái để học biết sự khôn ngoan. Vừa bước vào căn lều đơn sơ của vị thiền sư, triết gia đã thao thao bất tuyệt về tính ưu việt của nền triết học này; sự trổi vượt của triết gia kia. Ông ta nói một hồi, nói như chưa bao giờ được nói, mà chẳng cần để ý xem vị thiên sư kia phản ứng ra sao. Sau một hồi lâu, vị thiền sư mới rót chén trà mời khách. Nhưng vị triết gia lấy làm lạ là mặc dù chén trà đã đầy mà vị thiền sư vẫn cứ thản nhiên rót đến nỗi nước trà tràn cả ra ngoài. Không kiên nhẫn được nữa, triết gia mới lên tiếng: Thưa thầy, chén trà đã đầy rồi, thầy còn rót nữa làm gì! Lúc bấy giờ vị thiền sư mới ngẩng lên và nói: Cũng giống như ngài, ngài đến đây để học biết sự khôn ngoan, mà tâm hồn ngài đầy dẫy sự kiêu căng thì làm sao có thể lĩnh hội thêm được nữa.

    ***

    Phụng vụ Lời Chúa, và cách riêng là bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy các môn đệ bài học về sự khiêm nhường: “Anh em hãy mang lấy ách của tôi, và hãy học với tôi, vì tôi có lòng hiền hậu và khiêm nhường” (Mt 11,29).

    Nếu như đã từng sinh sống ở vùng quê, thì không ai lại không biết cái ách. Ách vốn là dụng cụ dùng để đặt lên cổ trâu, cổ bò, bắt con vật phải thồ hàng hoặc kéo xe. Thế nên, khi nói đến ách, người ta thường liên tưởng tới một vật khiến cho ta phải lệ thuộc. Trong Kinh Thánh, ách còn có nghĩa là Lề Luật của Thiên Chúa. Người mang ách của Chúa khi tuân phục các giới răn của Người, còn kẻ tội lỗi thì vất bỏ cái ách đó ra ngoài.

    Xưa nay, không ít người vẫn nghĩ rằng, luật lệ là một điều gì đó hà khắc, trói buộc con người, khiến con người mất đi sự tự do. Thế nhưng nếu ngồi ngẫm lại, chúng ta mới thấy lề luật là điều thật cần thiết cho cuộc sống của bất cứ cá nhân hay tổ chức xã hội nào.

    Liên tiếp mấy tuần vừa qua, cả thế giới theo dõi những trận cầu đầy kịch tính trong khuôn khổ World cup 2014 đang diễn ra tại Braxin. Những đội bóng được lọt vào vòng trong đều là những đội tuyển sáng giá. Để làm được điều đó, các đội tuyển không chỉ sở hữu những cầu thủ thuộc vào hạng “siêu sao” của thế giới, nhưng còn là một đội hình biết tuân thủ theo những kỷ luật khắt khe mà huấn luyện viên đã đưa ra. Cũng vậy, trong kỳ thi tuyển sinh, sẽ không có chỗ cho các thí sinh không có tinh thần kỷ luật, không có sự ôn luyện một cách bài bản… chúng ta có thể đưa ra hàng loạt dẫn chứng tương tự như vậy. Thế thì làm sao có thể nói, khi tuân theo những kỷ luật là chúng ta đang bị đè nén, bị o ép được!

    Thánh ý Thiên Chúa từ đời đời là muốn cứu độ con người, thế nên, Lề luật hay “ách” của Ngài không những không làm cho chúng ta bị tha hóa, mà còn giúp chúng ta trở về với chính con người thật của mình để sau cùng đạt được ơn cứu độ. Một vận động viên, sẽ cảm thấy vui khi biết mình được tập những bài tập có vẻ khắt khe nhưng sẽ giúp cho mình tiến bộ hơn trong thành tích thi đấu. Với tình yêu, con người cũng sẽ cảm nghiệm được rằng: Sống theo thánh ý Chúa sẽ mang lại nguồn an vui hơn là một sự lệ thuộc trong nhàm chán và buồn tẻ.

    ***

    Cùng với lời dạy về đức hiền lành và khiêm nhường, lời cầu nguyện của Chúa Giêsu hôm nay xem ra thật khó hiểu: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Mt 11,25).

    Mặc khải cho những người bé mọn thì còn hiểu được nhưng tại sao Chúa lại phải “giấu” không cho bậc khôn ngoan thông thái biết ?

    Thực ra, Thiên Chúa không hề giấu, cũng chẳng hề có ý chê bai những người thông thái, mà Ngài chỉ cảnh giác những kẻ kiêu căng rằng: nếu chỉ cậy dựa vào sự hiểu biết của mình, sẽ khó có thể đón nhận Thiên Chúa. Điều này thật đúng với trường hợp của các Kinh sư và Biệt phái - những người tự cho mình là thông biết mọi sự. Họ chẳng cần đến Thiên Chúa vì cho rằng tự mình có thể đạt tới ơn cứu độ. Thế nên, không phải họ bị Thiên Chúa loại bỏ cho bằng, chính họ tự loại mình ra khỏi tình thương vô bờ bến của Thiên Chúa. Trong khi đó, những người bé mọn, đơn sơ, chất phát, lại khiêm tốn đón nhận lời Thiên Chúa một cách mau mắn.

    ***

    Ai trong chúng ta cũng biết rằng, hiền lành và khiêm nhường là điều cần thiết trong cuộc sống, nhưng đó không phải là điều dễ thực hành. Xưa kia, vì thiếu khiêm nhường mà nguyên tổ loài người là Ađam và Evà sa ngã phạm tội; Vì thiếu khiêm nhường mà Cain giết em ruột của mình là Aben; Vì thiếu khiêm nhường mà các môn đệ tranh giành nhau ngôi thứ xem ai lớn hơn ai khiến Chúa phải phiền lòng vì các ông…

    Ngày hôm nay, chiến tranh giữa các quốc gia vẫn còn đó; những cuộc tấn công của những phe nhóm đối lập vẫn còn đó; những mâu thuẫn bất đồng giữa các tổ chức vẫn còn đó; những cuộc ẩu đả, cãi vã nơi các gia đình vẫn còn đó như một minh chứng rằng, con người ta vẫn chưa đủ khiêm tốn để ngồi lại với nhau cùng giải quyết vấn đề.

    Chúa Giêsu không chỉ dạy bài học hiền lành và khiêm nhường, nhưng chính Ngài đã sống lời dạy đó. Mặc dù là Thiên Chúa, Ngài đã không nhất quyết đòi cho bằng được quyền ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ; Ngài là vị vua, nhưng lại khiêm tốn ngồi trên lưng của con lừa con vẫn còn theo mẹ như lời trong sách ngôn sứ Dacaria diễn tả; Ngài là Đấng quyền năng, phép tắc, nhưng lại sống như một con người bình thường, cũng đói, cũng khát, cũng buồn, cũng vui, cũng mệt nhọc… để chia sẻ kiếp làm người của con người chúng ta.

    Chớ gì, bài học hiền lành và khiêm nhường mà Chúa Giêsu dạy hôm nay, không chỉ tồn tại nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng trở thành cung cách hành xử của mỗi người kitô hữu chúng ta với anh chị em mình. Nhờ đó, thế giới sẽ bớt đi những mâu thuẫn, bất đồng, gia đình bớt đi những cuộc đổ vỡ không đáng có... mà thay vào đó là sự bình an và niềm hoan lạc trong Chúa Thánh Thần. Amen.

     

    Lm Jos. Nguyễn Văn Tuyên

    Bài viết liên quan