Bài 9: Chức vụ giảng dạy và chữa lành của Đức Giê-su (Lc 4,14-44)

  • 13/02/2025
  • Sau khi ghi nhận chức vụ giảng dạy và chữa lành của Đức Giê-su thu hút sự chú ý của dân chúng (4,14–15), Lu-ca kể: tại hội đường ở Na-da-rét vào ngày Sa-bát, Đức Giê-su công bố bản thân và sứ mệnh của Ngài là hoàn thành của lời hứa của Thiên Chúa (4,16–30).

    Bài 9: CHỨC VỤ GIẢNG DẠY VÀ CHỮA LÀNH CỦA CHÚA GIÊ-SU

    (Lc 4,14-44)

    Câu 1: Nội dung chính của Lu-ca 4,14-44 là gì?

    Thưa: Lu-ca 4,14–44 tóm tắt chức vụ giảng dạy và chữa lành của Chúa Giê-su, có thể được chia làm 3 phân đoạn sau.

    • Đầu tiên, sau khi ghi nhận chức vụ giảng dạy và chữa lành của Đức Giê-su thu hút sự chú ý của dân chúng (4,14–15), Lu-ca kể: tại hội đường ở Na-da-rét vào ngày Sa-bát, Đức Giê-su công bố bản thân và sứ mệnh của Ngài là hoàn thành của lời hứa của Thiên Chúa (4,16–30).
    • Tiếp theo, Đức Giê-su cho thấy chính Ngài đang thực hiện lời công bố đó với một loạt việc trừ quỷ và chữa bệnh ở Ca-phác-na-um (4,31–41).
    • Cuối cùng, những người ở Ca-phác-na-um muốn Ngài ở lại, nhưng Đức Giê-su tuyên bố: sứ mệnh của Ngài là loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa (4, 43).

    Câu 2: Tin Mừng Lu-ca giới thiệu khái quát về sứ vụ rao giảng của Đức Giê-su như thế nào?

    Thưa: Tin Mừng viết: “14Được quyền năng Thần Khí thúc đẩy, Đức Giê-su trở về miền Ga-li-lê, và tiếng tăm Người đồn ra khắp vùng lân cận. 15Người giảng dạy trong các hội đường, và được mọi người tôn vinh” (Lc 4,14-15).

    Câu 3: Câu này nói cho chúng ta điều gì về Đức Giê-su?

    Thưa: Câu trên cho chúng ta biết về những điều sau:

    • Chính Thánh Linh đã đậu xuống trên Đức Giê-su khi Người chịu phép rửa (Lc 3,22) đồng hành với Người hôm nay và trong suốt sứ vụ của Người.
    • Việc đầu tiên Đức Giê-su làm trong sứ vụ công khai là giảng dạy trong các hội đường tại Ga-li-lê.
    • Lời giảng dạy của Người hấp dẫn người nghe và họ tôn vinh Người.

    Câu 4: Khi đến Na-da-rét, nơi Người sinh trưởng, Đức Giê-su đã làm gì?

    Thưa: Người vào hội đường như Người vẫn quen làm trong ngày sa-bát, và đứng lên đọc Sách Thánh. 17Họ trao cho Người cuốn sách ngôn sứ I-sai-a. Người mở ra, gặp đoạn chép rằng: 18Thần Khí Chúa ngự trên tôi, vì Chúa đã xức dầu tấn phong tôi, để tôi loan báo Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn. Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, 19công bố một năm hồng ân của Chúa. 20Đức Giê-su cuộn sách lại, trả cho người giúp việc hội đường, rồi ngồi xuống. Ai nấy trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. 21Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quý vị vừa nghe” (Lc 4,16-21).

    Câu 5: Đoạn sách Đức Giê-su đọc và lời tuyên bố của Người (Lc 4, 16-21) có ý nghĩa gì?

    Thưa: Đoạn Tin Mừng trên có ý nghĩa như sau: Đức Giê-su được xức dầu bởi Thánh Linh để đem đến kỷ nguyên mới, kỷ nguyên giải phóng và cứu độ, và hôm nay Người khai mạc kỷ nguyên đó.

    Câu 6: Khi họ bảo nhau: “Ông này không phải là con ông Giu-se đó sao?” Người nói với họ thế nào?

    Thưa: 23Người nói với họ: “Hẳn là các ông muốn nói với tôi câu tục ngữ: Thầy lang ơi, hãy chữa lấy mình! Tất cả những gì chúng tôi nghe nói ông đã làm tại Ca-phác-na-um, ông cũng hãy làm tại đây, tại quê ông xem nào!” 24Người nói tiếp: “Tôi bảo thật các ông: không một ngôn sứ nào được chấp nhận tại quê hương mình.

    Câu 7: Người còn nói với họ điều gì nữa?

    Thưa: Người còn nói: 25“Thật vậy, tôi nói cho các ông hay: vào thời ông Ê-li-a, khi trời hạn hán suốt ba năm sáu tháng, cả nước phải đói kém dữ dội, thiếu gì bà goá ở trong nước Ít-ra-en; 26thế mà ông không được sai đến giúp một bà nào cả, nhưng chỉ được sai đến giúp bà goá thành Xa-rép-ta miền Xi-đôn. 27Cũng vậy, vào thời ngôn sứ Ê-li-sa, thiếu gì người mắc bệnh phong ở trong nước Ít-ra-en, nhưng không người nào được sạch, mà chỉ có ông Na-a-man, người xứ Xy-ri thôi.”

    Câu 8: Nghe vậy, họ phản ứng thế nào?

    Thưa: 28Nghe vậy, mọi người trong hội đường đầy phẫn nộ. 29Họ đứng dậy, lôi Người ra khỏi thành – thành này được xây trên núi. Họ kéo Người lên tận đỉnh núi, để xô Người xuống vực. 30Nhưng Người băng qua giữa họ mà đi.

    Câu 9: Tại sao lúc đầu người làng Na-da-rét khen ngợi Đức Giê-su, nhưng sau đó họ lại tìm cách giết Người?

    Thưa: Đó là hậu quả của hai cách giải thích và áp dụng Lời Chúa khác nhau. Người Do Thái thì cho rằng Thiên Chúa chỉ ban hồng ân cứu độ (Lc 4,18-19; cf. Is 61,1-2) cho Ít-ra-en là dân được tuyển chọn, và sẽ phạt các dân ngoại. Nhưng, theo Đức Giê-su, Thiên Chúa ban ơn cứu độ không chỉ cho dân Ít-ra-en, nhưng cho bất cứ ai Ngài muốn. Đức Giê-su còn trưng những ví dụ, trong đó dân ngoại được ưu tiên hơn dân Do Thái (x. Lc 4,25-27). Đó là điều không thể chấp nhận được đối với họ. Chính vì thế, họ tức sôi lên và muốn giết Người.

    Câu 10: Tại sao tác giả Tin Mừng Lu-ca lại kể câu chuyện này ngay ở đoạn đầu tiên của đời sống công khai của Đức Giê-su?

    Thưa: Ngay từ đầu tác giả muốn lưu ý hai điều này:

    • Thứ nhất, ngay từ đầu, tác giả cho thấy dân làng Na-da-rét, đại diện cho người Do Thái, không đón nhận sứ điệp của Đức Giê-su, trong khi những người dân ngoại sau này, trong Lu-ca - Công Vụ Tông Đồ, lại đón nhận lời Thiên Chúa.
    • Thứ hai, câu chuyện này cho thấy số phận của Đức Giê-su. Ngài là Đấng Mê-si-a mà dân Do Thái đang mong chờ, nhưng vị Mê-si-a cứu thế này lại đến trong thân phận một vị ngôn sứ. Vì thế, Đức Giê-su chịu chung số phận “bị từ chối và bách hại” như các ngôn sứ. Cuối cùng, Ngài đã chết ở Giê-ru-sa-lem (x.Lc 13, 33).

    Câu 11: Chúng ta có thể rút ra được bài học gì từ đoạn Tin Mừng này?

    Thưa: Câu chuyện này xoay quanh việc dân Ít-ra-en đã từ chối lời của Đức Giê-su bởi vì những lời đó trái ngược với những gì họ hằng mong đợi. Làm như thế, họ không chỉ mất cơ hội hoán cải, mà còn suýt giết Đức Giê-su. Đây là bài học cho chúng ta. Đôi khi, chúng ta cứ chủ quan rằng người khác phải nghĩ như mình mới đúng, phải làm như mình với hợp ý Chúa, hoặc “chỉ những người Công giáo chúng tôi mới là những người đáng hưởng ơn cứu độ”… Đó là thái độ tự tôn giống như dân làng Na-da-rét xưa mà chúng ta cần loại bỏ. Thay vào đó, hãy mở rộng con tim để đón nhận người khác và đón nhận hồng ân Chúa đến với chúng ta theo những cách không ngờ tới.

    Câu 12: Sau khi bị từ chối ở Na-da-rét, Đức Giê-su đi đâu?

    Thưa: 31Người xuống Ca-phác-na-um, một thành miền Ga-li-lê, và ngày sa-bát, Người giảng dạy dân chúng. 32Họ sửng sốt về cách Người giảng dạy, vì lời của Người có uy quyền (Lc 4, 31-32).

    Câu 13: Khi Đức Giê-su vào hội đường, chuyện gì xảy ra?

    Thưa: 33Trong hội đường, có một người bị quỷ thần ô uế nhập, la to lên rằng: 34“Ông Giê-su Na-da-rét, chuyện chúng tôi can gì đến ông, mà ông đến tiêu diệt chúng tôi? Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” 35Nhưng Đức Giê-su quát mắng nó: “Câm đi, hãy xuất khỏi người này!” Quỷ vật người ấy ngã xuống giữa hội đường, rồi xuất khỏi anh ta, nhưng không làm hại gì anh. 36Mọi người rất đỗi kinh ngạc và nói với nhau: “Lời ấy là thế nào? Ông ấy lấy uy quyền và thế lực mà ra lệnh cho các thần ô uế, và chúng phải xuất!” 37Và tiếng đồn về Người lan ra khắp nơi trong vùng. (Lc 4,33-37).

    Câu 14: Sau khi rời khỏi hội đường, Đức Giê-su làm gì?

    Thưa: Sau đó, Ngài đi vào nhà ông Si-môn. Lúc ấy, bà mẹ vợ ông Si-môn đang bị sốt nặng. Họ xin Người chữa bà. 39Đức Giê-su cúi xuống gần bà, ra lệnh cho cơn sốt, và cơn sốt biến mất: tức khắc bà trỗi dậy phục vụ các ngài. 40Lúc mặt trời lặn, tất cả những ai có người đau yếu mắc đủ thứ bệnh hoạn, đều đưa tới Người. Người đặt tay trên từng bệnh nhân và chữa họ. 41Quỷ cũng xuất khỏi nhiều người, và la lên rằng: “Ông là Con Thiên Chúa!” Người quát mắng, không cho phép chúng nói, vì chúng biết Người là Đấng Ki-tô (Lc 4,38-41).

    Câu 15: Tại Caphacnaum, sứ vụ của Đức Giê-su được miêu tả như thế nào?

    Thưa: Trình thuật Ca-phác-na-um trình bày Người là một thầy dạy (4,31-32), một Người trừ quỷ (4,32-37.41), Người chữa lành (4,38-40) và Người rao giảng Nước Thiên Chúa (4,43). Như vậy Đức Giê-su vừa chữa bệnh vừa giảng dạy để loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa.

    Câu 16: Những việc chữa lành (38-39) và trừ quỷ (4,33–37; 40-41) của Chúa Giê-su nói lên điều gì?

    Thưa: Trước hết, những việc này cho thấy Thiên Chúa đang thực hiện lời hứa của Người qua Đức Giê-su. Thêm vào đó, những việc này bộc lộ lòng thương xót của Thiên Chúa đối với con người.

    Câu 17: Khi người Ca-phác-na-um muốn giữ Đức Giê-su ở lại, Người đã nói gì?

    Thưa: Người nói với họ: “Tôi còn phải loan báo Tin Mừng Nước Thiên Chúa cho các thành khác nữa,vì tôi được sai đi cốt để làm việc đó” (Lc 4,43). Như vậy, không gì có thể ngăn cản Đức Giê-su trung thành với sứ mạng của mình, dù đó là những khó khăn (4,28-30) hay những níu kéo ngọt ngào của con người (Lc 4,42) hay bất cứ thứ gì khác.

    BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN GPTB

    Bài viết liên quan