Bài 6: Thời thơ ấu của Đức Giê-su (Lc 2,21-50)

  • 18/01/2025
  • Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su, có nghĩa là Thiên Chúa cứu độ. Đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ (x. Lc 2,21).

    BÀI 6: THỜI THƠ ẤU CỦA ĐỨC GIÊ-SU

    (Lc 2,21-50)

    Câu 1: Khi Đức Giê-su được đủ tám ngày, người ta làm gì cho Ngài?

    Thưa: Khi Hài Nhi được đủ tám ngày, người ta đặt tên cho Hài Nhi là Giê-su, có nghĩa là Thiên Chúa cứu độ. Đó là tên mà sứ thần đã đặt cho Người trước khi Người được thụ thai trong lòng mẹ (x. Lc 2,21).

    Câu 2: Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Mô-sê (2, 22), bà Ma-ri-a và ông Giu-se đã làm gì?

    Thưa: Các ngài đem Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem, để tiến dâng cho Chúa, 23như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”, 24và cũng để dâng của lễ theo Luật Chúa truyền, là một đôi chim gáy hay một cặp bồ câu non (Lc 2, 22-24).

    Câu 3: Dựa trên những điều luật nào của Cựu Ước mà các ngài làm những việc đó?

    Thưa: Các ngài làm những điều đó để hoàn thành hai điều luật sau:

    • Thứ nhất, vì Thiên Chúa đã cứu những con trai đầu lòng của người Do Thái khỏi bị giết chết ở Ai-cập (Xh 12, 23-29) nên mọi mọi con trai đầu lòng thuộc về Chúa và phải được dâng hiến cho Chúa (Xh 13,1 và 13,11-12), và có thể được chuộc lại (Ds 18,15-16).
    • Thứ hai là luật thanh tẩy người mẹ sau khi sinh. Sách Lê-vi 12,1-6 quy định rằng một phụ nữ sau khi sinh con khoảng 40 ngày sẽ lên Đền thờ để thực hiện nghi lễ thanh tẩy. Lễ vật cho nghi lễ này là một con chiên con và một con bồ câu non hoặc một con chim bồ câu. Nếu bà không đủ khả năng mua chiên, có thể dâng hai con bồ câu.

    Câu 4: Khi kể về điều này, Lu-ca muốn nói gì về Chúa Giê-su, Đức Mẹ và thánh Giu-se?

    Thưa: Tác giả cho thấy các ngài như những mẫu ngương cho các Ki-tô hữu: Đức Giê-su và những người thân cận với Ngài luôn là những người làm trọn lời của Thiên Chúa được ghi trong Thánh Kinh. Thực hành Lời Chúa cũng là điều mỗi Ki-tô hữu cần phải làm.

    Câu 5: Ông Si-mê-ôn là người thế nào?

    Thưa: 25Ông là người công chính và sùng đạo, ông những mong chờ niềm an ủi của Ít-ra-en, và Thánh Thần hằng ngự trên ông . 26Ông đã được Thánh Thần linh báo cho biết là ông sẽ không thấy cái chết trước khi được thấy Đấng Ki-tô của Đức Chúa.

    Câu 6: Khi Đức Mẹ và thánh Giu-se đưa Hài Nhi Giê-su lên Đền thờ, ông Si-mê-ôn đã làm gì?

    Thưa: Được Thần Khí thúc đẩy, lúc đó ông lên Đền Thờ. Ông ẵm lấy Hài Nhi trên tay, và chúc tụng Thiên Chúa rằng: 29“Muôn lạy Chúa, giờ đây theo lời Ngài đã hứa, xin để tôi tớ này được an bình ra đi. 30Vì chính mắt con được thấy ơn cứu độ 31Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: 32Đó là ánh sáng soi đường cho dân ngoại, là vinh quang của Ít-ra-en Dân Ngài.”

    Câu 7: Bài ca chúc tụng trên có ý nghĩa gì?

    Thưa: Thưa, với bài ca trên, ông Si-mê-ôn chúc tụng Thiên Chúa vì Ngài đã thực hiện lời hứa là sẽ cứu độ cho dân Ít-ra-en cũng như dân ngoại. Ơn Cứu độ và vinh quang của Ít-ra-en và ánh sáng chỉ đường cho dân ngoại (x. Is 40,5; 42,6; 46,13; 49,6; 52,9-10) chính là Hài Nhi Giê-su mà ông đang bồng ẵm trên tay. Vì đã thấy lời hứa của Thiên Chúa nên ông đã hoàn toàn mãn nguyện và sẵn sàng ra đi. Như vậy, bài ca này cũng gián tiếp chỉ ra sự vĩ đại của Đức Giê-su và công cuộc cứu chuộc của Ngài.

    Câu 8: Sau đó, ông Si-mê-ôn nói gì với cha và mẹ Hài nhi?

    Thưa: 34Ông Si-mê-ôn chúc phúc cho hai ông bà, và nói với bà Ma-ri-a, mẹ của Hài Nhi: “Thiên Chúa đã đặt cháu bé này làm duyên cớ cho nhiều người Ít-ra-en ngã xuống hay đứng lên. Cháu còn là dấu hiệu cho người đời chống báng; 35và như vậy, những ý nghĩ từ thâm tâm nhiều người sẽ lộ ra. Còn chính bà, một lưỡi gươm sẽ đâm thâu tâm hồn bà.”

    Câu 9: Những câu trên có ý nghĩa gì?

    Thưa: Đây là những lời tiên tri rằng không phải toàn bộ dân Ít-ra-en sẽ chấp nhận Đức Giê-su, nhưng họ sẽ đứng lên chống đối Ngài; và con đường thập giá của Ngài sẽ như một lưỡi gươm đâm thấu tâm hồn Mẹ Ma-ri-a.

    Câu 10: Tác giả Tin Mừng Lu-ca kể gì về nữ ngôn sứ An-na?

    Thưa: Nữ ngôn sứ An-na con ông Pơ-nu-ên, thuộc chi tộc A-se. Bà đã nhiều tuổi lắm. Từ khi xuất giá, bà đã sống với chồng được bảy năm, 37rồi ở goá, đến nay đã tám mươi tư tuổi. Bà không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa. 38Cũng vào lúc ấy, bà tiến lại gần bên, cảm tạ Thiên Chúa, và nói về Hài Nhi cho hết những ai đang mong chờ ngày Thiên Chúa cứu chuộc Giê-ru-sa-lem.

    Câu 11: Tác giả Tin Mừng Lu-ca có ý gì khi kể về sự xuất hiện của ông Si-mê-on và nữ tiên tri An-na trong đoạn này?

    Thưa: Bằng cách đặt An-na, nữ tiên tri, bên cạnh Si-mê-on, Lu-ca như giới thiệu thời cứu độ: "Trong những ngày cuối cùng, Ta sẽ đổ Thánh Linh của Ta trên mọi xác thịt, và con trai con gái của các ngươi sẽ tiên tri" (Cv 2,17). Hơn nữa, nữ tiên tri An-na xuất hiện với người công chính Si--on như hai nhân chứng cần thiết trong Do Thái giáo (Đnl 19,15) để làm chứng hay giới thiệu về Hài Nhi Giê-su như Đấng Cứu Chuộc Ít-ra-en.

    Câu 12: Chúng ta có thể học được gì từ ông Si-mê-on và bà An-na?

    Thưa: Thánh Lu-ca kể rằng “ông Si--on là người công chính…”, còn bà An-na thì “không rời bỏ Đền Thờ, những ăn chay cầu nguyện, sớm hôm thờ phượng Thiên Chúa”. Chúng ta được mời gọi sống như hai vị này: thờ phượng Thiên Chúa với cả cuộc đời mình và luôn sống một cuộc đời công chính trước mặt Thiên Chúa và người ta.

    Câu 13: Câu chuyện Đức Giê-su ngồi giữa các bậc thầy Do Thái ở Giê-ru-sa-lem diễn ra thế nào?

    Thưa: 41Hằng năm, cha mẹ Đức Giê-su trẩy hội đền Giê-ru-sa-lem mừng lễ Vượt Qua. 42Khi Người được mười hai tuổi, cả gia đình cùng lên đền, như người ta thường làm trong ngày lễ. 43Xong kỳ lễ, hai ông bà trở về, còn cậu bé Giê-su thì ở lại Giê-ru-sa-lem, mà cha mẹ chẳng hay biết. 44Ông bà cứ tưởng là cậu về chung với đoàn lữ hành, nên sau một ngày đường, mới đi tìm kiếm giữa đám bà con và người quen thuộc. 45Không thấy con đâu, hai ông bà trở lại Giê-ru-sa-lem mà tìm.

    46Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con trong Đền Thờ, đang ngồi giữa các thầy dạy, vừa nghe họ, vừa đặt câu hỏi. 47Ai nghe cậu nói cũng ngạc nhiên về trí thông minh và những lời đối đáp của cậu. 48Khi thấy con, hai ông bà sửng sốt, và mẹ Người nói với Người: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” 49Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” 50Nhưng ông bà không hiểu lời Người vừa nói. 51Sau đó, Người đi xuống cùng với cha mẹ, trở về Na-da-rét và hằng vâng phục các ngài. Riêng mẹ Người thì hằng ghi nhớ tất cả những điều ấy trong lòng. 52Còn Đức Giê-su ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta.

    Câu 14: Câu chuyện này cho thấy điều gì về Đức Giê-su?

    Thưa: Câu chuyện này cho thấy Đức Giê-su có hai bản tính. Về mặt con người, Ngài là con của Mẹ Ma-ri-a và thánh Giu-se. Tuy nhiên, Ngài còn là Con Thiên Chúa. Vì thế, khi nghe Đức Mẹ nói: “Con ơi, sao con lại xử với cha mẹ như vậy? Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” 49Người đáp: “Sao cha mẹ lại tìm con? Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?”

    Câu 15: Chúng ta rút ra được bài học gì từ câu chuyện này?

    Thưa: Đức Giê-su vừa là Thiên Chúa vừa là con người; và Ngài vừa làm tròn bổn phận của Con Thiên Chúa  (Lc 2,49) vừa vâng phục Đức Mẹ và thánh Giu-se (Lc 2,51). Cũng vậy, mỗi Ki-tô hữu vừa là công dân trần thế vừa là công dân Nước Trời, nên chúng ta cũng cần phải làm tròn trách nhiệm của cả hai thế giới này.

    BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN GPTB

    Bài viết liên quan