Bài 10 : ĐỨC GIÊ-SU RAO GIẢNG TIN MỪNG BẰNG PHÉP LẠ
(Lc 5,1-39)
Câu 1. Chương 5 của Tin Mừng Lu-ca có thể được phân chia thành mấy phân đoạn
Thưa: Trong chương 5 này, tác giả trình bày 6 sự kiện chính, độc giả có thể chia làm hai phần chính. Ba trình thuật đầu kể về các phép lạ của Đức Giê-su. Ba trình thuật tiếp theo Đức Giê-su kêu gọi ông Lê-vi và những điều liên quan tới bữa tiệc thiết đãi tại nhà ông.
Câu 2. Trước khi gọi ông Phê-rô trở thành tông đồ, Đức Giê-su đã làm gì ?
Thưa: 1 Một hôm, Đức Giê-su đang đứng ở bờ hồ Ghen-nê-xa-rét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa. 2 Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới.3 Đức Giê-su xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Si-môn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông (x. Lc 4,1-3).
Câu 3. Đâu là những thái độ của những người ở bờ hồ Ghen-nê-xa-rét ?
Thưa: Thánh sử Lu-ca đã khéo léo trình bày cho độc giả thấy nhiều thái độ khác nhau trước lời giảng của Đức Giê-su. “Đám đông dân chúng thì chen lấn đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa”, trong khi đó những người đánh bắt cá thì lại chẳng quan tâm gì, họ chỉ quan tâm việc giặt lưới sau một đêm vất vả. Tuy nhiên những người ngư phủ này lại sẵn lòng cho Đức Giê-su mượn thuyền để Ngài giảng dạy đám đông và cũng vâng lời Ngài sau đó để đi thả lưới mặc dù họ đã thất bại cả đêm.
Câu 4. Việc Đức Giê-su ngồi trên thuyền của Phê-rô để giảng dạy cho đám đông nói lên điều gì?
Thưa: Hành động của Đức Giê-su ngồi trên thuyền để giảng dạy cho đám đông dân chúng chỉ ra rằng Ngài là Đấng được Thần Khí thúc đẩy (x. Lc 4,14) đến giảng dạy Tin Mừng nước Thiên Chúa (x. Lc 4,43) và chữa lành cho toàn dân (x. Lc 4,31-41) để khai mở một triều đại mới – triều đại nước Thiên Chúa.
Câu 5. Sau khi giảng xong cho đám đông dân chúng, Đức Giê-su đã làm gì?
Thưa: Sau khi « 4 Giảng xong, Người bảo ông Si-môn: "Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá."5 Ông Si-môn đáp: "Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới."6 Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. 7 Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm ». (Lc 5,4-7).
Câu 6: Trình thuật về “mẻ cả lạ” nhằm muốn nói lên điều gì?
Thưa: Phép lạ này nhằm muốn nói lên trước hết là Si-môn và các bạn của ông đã thất bại hoàn toàn dù vất vả cả đêm mà không bắt được con cá nào. Tuy nhiên chính việc vâng lời Đức Giê-su mà họ đã thu lượm được hài thuyền đầy cá. Mẻ cá lạ này chỉ sảy đến sau khi họ đã vâng nghe lời Đức Giê-su. Và xa hơn nữa là qua mẻ cá lạ này, Phê-rô và các bạn của ông đã tin theo Chúa.
Câu 7: Trước mẻ cá lạ lùng, Phê-rô và những người bạn đã phản ứng như thế nào?
Thưa: 8 Thấy vậy, ông Si-môn Phê-rô sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói: "Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi! " 9 Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Si-môn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc.10 Cả hai người con ông Dê-bê-đê, là Gia-cô-bê và Gio-an, bạn chài với ông Si-môn, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giê-su bảo ông Si-môn: "Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta."11 Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người. (Lc 4,8-11).
Câu 8: Thái độ của ông Phê-rô và lời mời gọi của Đức Giê-su sau mẻ cá lạ nói lên điều gì?
Thưa: ngang qua mẻ cả lạ lùng, Phê-rô đã tin và nhận ra được quyền năng của Đức Giê-su bằng cách «sấp mặt dưới chân Ngài». Đồng thời ông cũng nhận ra mình chỉ là người tội lỗi. Nhưng Đức Giê-su đã đi bước trước để mời gọi ông cùng đi vào cộng tác với sứ vụ của Ngài là ra đi để «thu phục người ta».
Câu 9. Phép lạ về mẻ cá lạ trong Tin Mừng Lu-ca dạy chúng ta điều gì?
Thưa: Ngang qua phép lạ này, Đức Giê-su muốn chỉ cho chúng ta biết cần phải có một thái độ yêu mến lắng nghe lời Thiên Chúa như đám đông dân chúng, họ chen lấn đến để nghe lời Thiên Chúa. Đông thời cũng phải đem ra thực hành như cách Si-môn và các bạn của ông đã vâng lời Đức Giê-su mặc dù đối diện với nhiều khó khăn thử thách trong đời sống đức tin.
Câu 10. Sau mẻ cá lạ, Đức Giê-su tiếp tục sứ mạng của Ngài như thế nào ?
Thưa: 12 Khi ấy, Đức Giê-su đang ở trong một thành kia; có một người đầy phong hủi vừa thấy Người, liền sấp mặt xuống, xin Người rằng: "Thưa Ngài, nếu Ngài muốn, Ngài có thể làm cho tôi được sạch."13 Người giơ tay đụng vào anh ta và bảo: "Tôi muốn, anh sạch đi." Lập tức, chứng phong hủi biến khỏi anh.14 Rồi Người truyền anh ta không được nói với ai, và Người bảo: "Hãy đi trình diện tư tế, và vì anh đã được sạch, thì hãy dâng của lễ như ông Mô-sê đã truyền, để làm chứng cho người ta biết." (Lc 4,12-14)
Câu 11: Hành động « giơ tay đụng vào anh ta » và bảo « Tôi muốn, anh sạch đi » của Đức Giê-su đối với anh mắc bệnh phong cùi nói lên điều gì?
Thưa: Hành động giơ tay chạm vào anh mắc bệnh phong cùi là điều cấm kị đối với người dân, chỉ có các vị tư tế sau khi đã chứng thực là người phong cùi được khỏi bệnh mới có quyền lấy dầu thoa lên người bệnh để làm lễ xá tội trước Thiên Chúa (x. Lv 14,18), và chỉ Thiên Chúa mới có quyền tha tội. Do đó hành động và lời nói của Đức Giê-su tỏ ra rằng Ngài là người chữa lành và có quyền tha tội cho anh ta.
Câu 12. Tại sao Đức Giê-su lại yêu cầu anh phong cùi đi trình diện các vị tư tế?
Thưa: Theo luật thanh sạch trong sách Lê-vi (x. Lv 13,18-23), thì những người bị mặc bệnh phong cùi phải ở riêng, nếu như họ được lành bệnh thì buộc phải đi trình các vị tư tế để các vị này khám. Sau khi khám, nếu như đã được lành bệnh thì họ được phép trở lại cuộc sống thường nhật của người Do Thái.
Câu 13. Đức Giê-su đã phản ứng như thế nào khi người ta nghe biết về các phép lạ Ngài làm?
Thưa: Thánh sử Lu-ca miêu tả là « 15tiếng đồn về Đức Giê-su ngày càng lan rộng; đám đông lũ lượt tuôn đến để nghe Người và để được chữa bệnh.16 Nhưng Người lui vào nơi hoang vắng mà cầu nguyện » (Lc 4,15-16).
Câu 14. Trình thuật Đức Giê-su chữa người bại liệt nằm trên giường (5,17-26) diễn ra như thế nào?
Thưa: 17 Một hôm, khi Đức Giê-su giảng dạy, có mấy người Pha-ri-sêu và luật sĩ ngồi đó; họ từ khắp các làng mạc miền Ga-li-lê, Giu-đê và từ Giê-ru-sa-lem mà đến. Quyền năng Chúa ở với Người, khiến Người chữa lành các bệnh tật.18 Bỗng có mấy người khiêng đến một bệnh nhân bị bại liệt nằm trên giường, họ tìm cách đem vào đặt trước mặt Người.19 Nhưng vì có đám đông, họ không tìm được lối đem người ấy vào, nên họ mới lên mái nhà, dỡ ngói ra, thả người ấy cùng với cái giường xuống ngay chính giữa, trước mặt Đức Giê-su.20 Thấy họ có lòng tin như vậy, Người bảo: "Này anh, anh đã được tha tội rồi." (Lc 4,17-20)
Câu 15: Đâu là thái độ của các ông Pha-ri-sêu đối với Đức Giê-su khi Ngài chữa người bệnh này?
Thưa: 21 Các kinh sư và các người Pha-ri-sêu bắt đầu suy nghĩ: "Ông này là ai mà nói phạm thượng như thế? Ai có quyền tha tội, ngoài một mình Thiên Chúa? "22 Nhưng Đức Giê-su thấu biết họ đang suy nghĩ như thế, nên Người lên tiếng bảo họ rằng: "Các ông đang nghĩ gì trong bụng vậy? 23 Trong hai điều: một là bảo: "Anh đã được tha tội rồi", hai là bảo: "Đứng dậy mà đi", điều nào dễ hơn? 24 Vậy, để các ông biết: ở dưới đất này, Con Người có quyền tha tội - Đức Giê-su bảo người bại liệt -: tôi truyền cho anh: Hãy đứng dậy, vác lấy giường của anh mà đi về nhà! " 25 Ngay lúc ấy, người bại liệt trỗi dậy trước mặt họ, vác cái anh đã dùng để nằm, vừa đi về nhà vừa tôn vinh Thiên Chúa. (Lc 4,21-25)
Câu 16: Ngoài thái độ của các ông Pha-ri-sêu, còn có thái độ nào nữa?
Thưa: Còn có thái độ của đám đông, 26 Mọi người đều sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa. Họ kinh hãi bảo nhau: "Hôm nay, chúng ta đã thấy những chuyện lạ kỳ! " (Lc 4,26).
Câu 17: Phép lạ Đức Giê-su chữa người bại liệt này dạy chúng ta điều gì?
Thưa: Qua phép lạ này, thánh sử Lu-ca trình bày cho chúng ta thấy về sứ mạng của Đấng Messia (x. Lc 4,18). Ngài đến để chữa lành những người bệnh tật và công bố năm hồng ân. Đặc biệt tác giả giới thiệu Đức Giê-su là Người có quyền tha tội như Thiên Chúa. Đây chính là điều đặc biệt trong năm toàn xá khi tất cả mọi người đều được sống trong tự do và không còn bị các án phạt đè nặng.
Câu 18: Ngoài thái độ chống đối của các ông Pha-ri-sêu, đâu là thái độ của những người bên cạnh Đức Giê-su và anh bại liệt?
Thưa: Trước tiên là thái độ nhiệt thành của những người khiêng anh bại liệt, họ đã vượt qua khó khăn để đưa anh bại liệt tới gặp Đức Giê-su. Chính điều này đã được Đức Giê-su khen ngợi «thấy lòng tin của họ» (Lc 5,20) và đi tới chưa lành anh bại liệt. Thứ hai là thái độ của đám đông, họ sửng sốt và tôn vinh Thiên Chúa vì họ nhìn thấy nơi Đức Giê-su quyền năng và lòng thương xót của Thiên Chúa.
Câu 19: Phép lạ Đức Giê-su chữa anh bị bệnh phong cùi (4,12-16) và anh bại liệt (4,17-26) dạy chúng ta điều gì?
Thưa: Thứ nhất, qua các phép lạ này, một lần nữa thánh sử Lu-ca muốn nhấn mạnh rằng quyền năng của Thiên Chúa ở với Đức Giê-su (x. Lc 4,14; 6,17), Đức Giê-su đã dùng chính quyền năng này để chữa lành các bệnh tật. Thứ hai, quyền năng của Thiên Chúa còn được Đức Giê-su thể hiện qua việc Ngài có quyền tha tội (x. Lc 4,32; 5,20). Thứ ba, qua phép lạ này Đức Giê-su đã diễn tả lòng thương xót của Thiên Chúa và của chính Ngài cho dân chúng (x. Lc 5,13). Qua những điều đó giúp chúng ta thêm tin tưởng vào quyền năng của Thiên Chúa và hy vọng vào sự tha thứ tội lỗi của Ngài cho mỗi người chúng ta.
BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN GPTB
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 79 | Tổng lượt truy cập: 5,061,521