Chúa Nhật XV TN Năm B - Lm Giuse Trần Xuân Chiêu

  • 11/07/2024
  • Chủ đề: Sứ giả Tin Mừng

     

    LOẠT BÀI

    DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG

    CN XV THƯỜNG NIÊN NĂM B

    Lm Giuse M. Trần Xuân Chiêu

    Tin Mừng (Mc 6,7- 13)

          Khi ấy, Chúa Giêsu gọi mười hai tông đồ và sai từng hai người đi, Người ban cho các ông có quyền trên các thần ô uế. Và Người truyền các ông đi đường, đừng mang gì, ngoài cây gậy, không mang bị mang bánh, không mang tiền trong túi, nhưng chân đi dép, và đừng mặc hai áo. Người lại bảo: "Ðến đâu, các con vào nhà nào, thì ở lại đó cho đến khi ra đi. Ai không đón tiếp các con, cũng không nghe lời các con, thì hãy ra khỏi đó, phủi bụi chân để làm chứng tố cáo họ." Các ông ra đi rao giảng sự thống hối. Các ông trừ nhiều quỷ, xức dầu chữa lành nhiều bệnh nhân.

    SỨ GIẢ TIN MỪNG

    1. Sứ giả Tin Mừng

    - Sứ: Sai, cử, sứ mệnh, sứ giả, sứ quân, đại sứ, sứ đồ.

    - Giả: Người, kí giả, sứ giả; ví, nếu; giả sử, giả mạo.

    - Sứ giả, herald: Người được sai đi sứ, lo việc ở xa.

    - Sứ giả Tin Mừng: Là người tiếp nối sứ vụ của Đức Giêsu: “Đức Giêsu rao giảng khắp các thành, các làng, giảng dạy trong các hội đường của họ và loan Tin mừng về Nước Trời và chữa lành mọi tật nguyền bện hoạn” (Mt 9,35).

    2. Lời Chúa hôm nay nói về sứ giả của Chúa

    - Amot được Đức Chúa truyền đi làm sứ giả cho Ngài: “Hãy đi tuyên sấm cho Ítraen dân Ta” (Am 7, 15).

    - Phaolô nói về sứ giả của Chúa: “Đấng làm nên mọi sự theo quyết định và ý muốn của Người, đã tiền định cho chúng tôi

    làm cơ nghiệp riêng theo kế hoạch của Người” (Ep 1,9).

    - Tin Mừng kể về kết quả sứ vụ: “Các ông đi rao giảng, kêu gọi ăn năn sám hối, trừ được nhiều quỷ, xức dầu cho nhiều người đau ốm và chữa họ khỏi bệnh” (Mc 6,12).

    3. Sứ mạng Kitô hữu   

    - Sứ giả của Chúa phải đi loan Tin Mừng. Sứ mạng của Đức Giêsu là cứu thế: “Và để cứu độ chúng ta, Người đã từ trời xuống thế.” Sứ giả Tin Mừng phải công bố tinh thần sám hối và lòng Chúa thương xót. Kitô hữu có nghĩa vụ phải ra đi loan Tin Mừng đến muôn dân, như lời thánh Phaolô: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin mừng” (1Cr.9,16).

    - Sứ giả phải sống gương mẫu. Sứ vụ của các môn đệ không phải là ‘dạy ra sao,’ mà phải ‘noi gương Chúa thế nào,’ phải lên núi, ra khơi, ở trong nhà thờ hay ra ngoài đời. Sứ giả Chúa không buộc phải có tài ba, lí lịch tốt; nhưng là tinh thần siêu thoát, ‘lời nói như gió lung lay, việc làm như tay lôi kéo.’

    - Truyện: Dương Bố, đi thăm bạn bè, mặc đồ trắng, nhưng đi đường, gặp cơn mưa, áo quần ướt đẫm, phải mượn tạm bộ đồ đen để mặc. Khi về nhà, bị con chó xổ ra sủa và đớp, khiến anh ta bực tức định đập chết. Nhiều người có trí khôn, cũng đánh giá người khác theo dáng vẻ bề ngoài như vậy.

    - Sứ giả Tin Mừng phải can đảm nói thật. Đức Giêsu đến công bố tin vui: “Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban chính con một Ngài.” Kitô hữu không lợi dụng sứ vụ cho mục đích cá nhân, không xu nịnh để được yên thân, mà phải mạnh mẽ nói lên sự thật, loại bỏ việc xấu và thi thố tình thuơng, chấp nhận cuộc đời ‘ba chìm bảy nổi, chín cái lênh đênh.’

    - Sứ giả được sai đi phải nhân danh cộng đoàn. Đức Giêsu không sai các môn đệ đi đơn lẻ và Ngài cũng không đi một mình, nhưng luôn có Thánh Thần đồng hành. Nhiều người thoái thác nhiệm vụ, cho rằng đó là nghĩa vụ của hàng giáo sĩ, tu sĩ. Người ta chia rẽ cá nhân với tập thể, chia rẽ con người với Chúa. Mọi tín hữu tùy theo khả năng và hoàn cảnh, phải thực thi sứ vụ nhân danh đoàn thể là Giáo Hội Chúa Kitô.

    - Sứ giả Tin Mừng không ỷ nại vào sức mạnh trần thế, hay ‘mạnh vì gạo, bạo vì tiền.’ Chúa ban quyền rao giảng, chữa lành, trừ quỷ, không để thành nổi tiếng, giàu có, giúp hoàn tất sứ vụ. Thập giá Đức Kitô là dấu chỉ rất rõ nét về tình yêu Chúa. Xin cho mỗi người trở nên khí cụ đắc lực cho Tin mừng.

    SAI ĐI

    Suy Niệm

              Đoạn Tin Mừng thánh Mac-cô thuật lại việc Đức Giê-su sai nhóm 12 Tông đồ đi rao giảng, tiếp nối sứ vụ của Người. Chúa ban những quyền năng cần thiết để củng cố sứ vụ của các ông, nhưng Người cũng đòi các ông tuân theo những điều kiện Người đặt ra.

              Người ta thắc mắc, đoạn Tin Mừng không thấy nói, Chúa sai các Tông đồ đi rao giảng ở đâu? Tại sao Chúa chỉ chọn nhóm 12 để truyền giảng cho cả thế giới? Tại sao Chúa không sai nhiều người đi loan Tin Mừng để nhanh chóng đến với hết mọi nơi? Tại sao Chúa không chọn tầng lớp giới trí thức, quyền chức, giầu có, để việc rao giảng có chất lượng hơn không? Tại sao trong đoạn Tin Mừng, Chúa chỉ sai các ông đi làm sứ vụ ở It-ra-en, những người ngoại có được nghe Tin Mừng không?

              1. Trao sứ vụ

              Sau một thời gian rao giảng Tin Mừng và đã gặt hái được những kết quả ban đầu, giờ đây Đức Giê-su lại trao sứ vụ đó cho các môn đệ nữa, như một dịp tập vụ cho tương lai của họ sau này:

              Đức Giê-su huấn luyện các môn đệ thực hành sứ vụ: Sau những năm sống bên cạnh Thầy, được huấn luyện, được chứng kiến những việc Người làm, được hiểu biết về mối quan tâm của Thiên Chúa đối với con người, đặc biệt là những người nghèo, thiệt phận, giờ đây các ông phải thực tập để rao giảng và làm chứng cho Thầy mình. Tuy nhiên, vì đây mới là thực tập, nên Đức Giê-su đã dặn dò tỉ mỉ và chỉ sai các ông đi vào các làng xóm lân cận để rao giảng.

              Đức Giê-su sai các môn đệ thành nhóm, đầu tiên là nhóm mười hai, rồi nhóm 72, phân ra từng hai người một. Phải chăng Đức Giê-su muốn hai người đi chung để giúp đỡ và tập làm việc chung với nhau, như luật của một số nhà dòng, mỗi khi để ai ra ngoài, họ thường cho hai người đi với nhau để đồng hành và bảo vệ nhau? Trong cuộc sống, có nhiều người thích sống độc lập, không muốn bị ai dòm ngó, có nhiều linh mục không thích có cha phó, cha phụ tá, thầy xứ. Đức Giê-su muốn nhấn mạnh tình huynh đệ, là mẫu sống chuẩn mực cho lời giảng; người ta chỉ nghe lời giảng khi nhìn thấy những dấu chỉ qua thái độ yêu thương nhau. Khi có thêm người khác, chứng lý của lời giảng thêm sống động, vì họ sẽ là chỗ dựa của nhau trong sứ vụ Tông đồ.

              Đức Giê-su truyền các môn đệ giũ bụi chân, nếu nơi nào họ không nghe lời các ngài. Chúa không ép buộc, làm mất quyền tự do của con người. Chúa không muốn các môn đệ phí thời gian với những người không sẵn sàng đón nhận, chỉ uổng công vô ích. Chúa muốn các môn đệ tranh thủ thời gian, để dành cho những ai có thiện chí nghe lời các ngài, mà thực hành để được cứu độ. Đồng thời Chúa muốn thông qua việc làm thực tế, để cảnh cáo những sai lầm bất kính, những kẻ cố chấp, họ không xứng đáng đón nhận Tin Mừng.

              2. Hành trang Tông Đồ

              Con người không thể hoàn thành nhiệm vụ nếu không được chuẩn bị chu đáo, Đức Giê-su đòi hỏi các môn đệ phải hành trang đầy đủ cho sứ vụ truyền giảng Tin mừng:

              Người Tông đồ phải nói không với vật chất: Đức Giê-su không chia tài sản cho các môn đệ khi đi rao giảng, và chính bản thân Người cũng "không có nơi tựa đầu." Tiền của, vật chất làm phân tán tư tưởng, hành trang cồng kềnh làm ảnh hưởng đến công việc. Của cải vật chất là hiểm họa những cuộc tranh chấp, chia rẽ, chiến tranh. Thành công đầu tiên khi đi rao giảng Tin Mừng, chính là các ông đã chiến thắng sự tham lam của con người. Một khi con người đã ít dính líu vật chất, chính họ đã làm nghĩa cử bác ái, để dành phần vật chất đó cho những người nghèo. Phải biết từ bỏ người thân, gia đình, tiện nghi, kể cả từ bỏ chính bản thân mình để làm môn đệ Chúa.

              Người Tông đồ phải có tư cách chuẩn mực: Đức Ki-tô không dạy các ông giảng dài, nói nhiều, mà Chúa muốn các ông đi làm chứng cho Chúa bằng chính đời sống của mình. Đời sống là sứ điệp, là phát ngôn viên của Chúa gửi đến người khác. Đời sống mang dấu ấn của tình yêu, là chìa khoá của thành công, đó chính là lí do Chúa để các ông đi từng nhóm. Thiếu tình yêu, lời nói của các ông trở nên trống rỗng vô vị. Một gia đình Ki-tô hữu chỉ biết nghiện ngập, bài bạc, đánh lừa bạn bè, vay tiền không biết ngày trả, ngày ngày cãi lộn, thì dù có nói hay thế nào, đi lễ đọc kinh nhiều bao nhiêu, cũng chỉ càng làm lu mờ giá trị của Tin Mừng.

              Người Tông đồ phải biết phó thác vào Chúa: Đây là hành trang tốt nhất, vì không ai hơn Chúa có thể giúp người môn đệ trong sứ vụ rao giảng Tin Mừng. Phó thác là khi làm việc gì, người ta không nên cậy sức riêng mình, phó thác là người ta dành thời gian để cầu nguyện, phó thác là không nản chí trước khó khăn, phó thác là người ta biết nối kết tình nghĩa anh em, hỗ trợ cảm thông của bạn bè, phó thác là biết khiêm nhường để đưa Chúa vào cuộc sống và vào sứ vụ mình đang thi hành. Có Chúa quan phòng, mọi việc chắc thành công.

              3. Sứ vụ Tin Mừng

              Sau khi được Đức Giê-su sai đi và chuẩn bị hành trang cần thiết cho sứ vụ, mỗi người có thể bắt đầu rao giảng Tin Mừng Nước Chúa:

              Trước hết, hãy kêu gọi ăn năn sám hối: Để đón nhận Tin Mừng, con người phải đổi mới chính mình, từ bỏ quá khứ, nói không với tội lỗi. Từ bỏ thói quen là không dễ. Người ta thường không thích đổi thay cách sống, người ta muốn yên vị trong cái lối mòn của thói qưen, người ta không muốn bị người khác can thiệp vào. Những nhà truyền giáo phải đương đầu với nhiều đổi thay, phải liều mình, chạm trán với những đối tượng khác nhau; họ phải làm nhiệm vụ phát ngôn trung trực của nhà truyền giáo. Thế gian kết án các ngài là gieo rắc lí thuyết mơ hồ, không thực tế, là liều thuốc phiện, là chạm vào quyền lợi của họ, là vi phạm tự do. Tuy nhiên các ngài không thể làm khác được, sám hối đổi đời là lời kêu gọi bắt buộc để được đón nhận Tin Mừng.

              Chúa dạy môn đệ hãy đi chữa lành: Trong khi rao giảng Tin mừng, Chúa muốn các môn đệ chữa lành tâm hồn và thể xác, xua trừ ma quỷ, đưa con người ra khỏi ảnh hưởng xấu, tội lỗi. Chúa ban quyền làm phép lạ, quyền trừ quỷ, nói tiếng mới lạ, để củng cố sức mạnh cho lời giảng. Tin Mừng, với Chúa, không phải chỉ dùng thuyết pháp, mà là cuộc giải thoát thực sự.

              Hãy là chứng nhân cho Đức Ki-tô bằng sự can đảm và chân thành. Người chứng nhân không có gì để phô trương, ngoài những chân lí Chúa đã truyền đạt. Một hôm có người khen cha xứ giảng hay. Ngài hỏi anh hay ở chỗ nào, anh nói anh quên mất rồi! Anh thú thật, ở nhà không thể ngủ được, nhưng cứ vào nhà thờ là ngủ được ngay, nhất là khi nghe cha giảng, càng dài càng tốt. Trước mặt Chúa, linh mục chỉ là công cụ Chúa sai đi để làm chứng nhân cho Người bằng cả cuộc sống gương mẫu, chứ không chỉ bằng những lí lẽ hay lệnh truyền.

              Xin Đức Trinh Nữ Ma-ri-a là Nữ vương các thánh Tông Đồ luôn nâng đỡ cuộc sống chứng tá của mỗi người chúng con.

    Lm Giuse M. Trần Xuân Chiêu

    Bài viết liên quan