Suy niệm Tin Mừng: Chúa Nhật Kính Mình Máu Thánh Chúa - Lm Giuse Trần Xuân Chiêu

  • 01/06/2024
  • Chủ đề: Bánh từ Trời

     

    LOẠT BÀI

    DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG CN XIX THƯỜNG NIÊN NĂM B

    LỄ MÌNH MÁU THÁNH CHÚA

    Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu

    Tin Mừng (Mc 14, 12-16.22-26)

    Ngày thứ nhất trong tuần lễ ăn bánh không men là ngày giết chiên mừng lễ Vượt Qua, các môn đệ thưa Chúa Giêsu rằng: "Thầy muốn chúng con đi dọn cho Thầy ăn Lễ Vượt Qua tại đâu?" Người liền sai hai môn đệ đi và dặn rằng: "Các con hãy vào thành, và nếu gặp một người mang vò nước thì hãy đi theo người đó. Hễ người ấy vào nhà nào thì các con hãy nói với chủ nhà rằng: Thầy sai chúng tôi hỏi: 'Căn phòng Ta sẽ ăn Lễ Vượt Qua với các môn đệ ở đâu?' Và chủ nhà sẽ chỉ cho các con một căn phòng rộng rãi dọn sẵn sàng và các con hãy sửa soạn cho chúng ta ở đó". Hai môn đệ đi vào thành và thấy mọi sự như Người đã bảo và hai ông dọn Lễ Vượt Qua.

         Ðang khi họ ăn, Chúa Giêsu cầm lấy bánh, đọc lời chúc tụng, bẻ ra và trao cho các ông mà phán: "Các con hãy cầm lấy, này là Mình Ta". Rồi Người cầm lấy chén, tạ ơn, trao cho các ông và mọi người đều uống. Và Người bảo các ông: "Này là Máu Ta, Máu tân ước sẽ đổ ra cho nhiều người. Ta bảo thật các con: Ta sẽ chẳng còn uống rượu nho này nữa cho đến ngày Ta sẽ uống rượu mới trong nước Thiên Chúa." Sau khi hát Thánh Vịnh, Thầy trò đi lên núi Cây Dầu.

    BÁNH TỪ TRỜI

    Dàn Ý

    1. Bánh ăn

    - Lúa mì: Thời tộc trưởng trồng lúa mì emmer, loại có hạt khó tách khỏi trấu, phải đưa vào cối giã hay nghiền.

    - Xay bột: Phụ nữ thường làm bột gia công, hạt lúa mì phải làm ẩm, rồi giã, phơi khô và sàng trước khi xay.

    - Nướng bánh: Bột được nhào với nước, rồi nướng trên các hòn đá nung, hoặc dùng các lò nướng nhỏ.

    - Pharaôn có thợ làm bánh riêng; thời Giêrêmi, có ‘phố hàng bánh’ ở Giêrusalem; thời Nêhêmi, có ‘tháp các Lò.’

    2. Lời Chúa hôm nay nói về bánh từ Trời

    - Sách các Vua thuật Elia ăn bánh từ trời: “Có Thiên sứ đụng vào người ông và nói : “Dậy mà ăn!” Ông ăn bánh, uống nước, rồi lại nằm xuống” (1 V 19,5).

    - Đức Giêsu nói về mana từ trời: “Tổ tiên các ông đã ăn manna trong sa mạc, nhưng đã chết”( Ga 6, 49).

    - Đức Giêsu nói về bánh do Ngài ban: “Còn bánh này là bánh từ trời xuống, ai ăn khỏi phải chết” (Ga 6, 50).

    3. Bánh thiêng từ trời

    - Bánh từ Trời là Bánh Chúa ban. Người ta phải ăn để duy trì sự sống; đứa bé cũng được nuôi dưỡng từ ‘bánh’ của mẹ, là sữa mẹ và tình thương. Dân Itrael qua hoang địa không có gì ăn, Chúa ban manna. Êlia bị truy sát, nên bỏ đi, đói, mệt và ngủ thiếp đi, Thiên sứ gọi: “Dậy mà ăn. Ông ăn rồi đi 40 ngày đêm. Chúa luôn yêu thương và tìm mọi cách để ban lương thực nuôi sống con người.

    - Bánh từ Trời là Bánh do phép lạ Chúa làm. Người ta cần bánh ăn để sống hàng ngày. Ngài cũng sẽ trao ban lương thực cách đặc biệt cho những ai cần tới. Đức Giêsu đã hai lần làm phép lạ bánh hóa nhiều, lần cho 5.000 người, lần 4.000 người ăn no còn dư. Đó là bánh từ Trời, do phép lạ Chúa làm, không do con người làm ra.

    - Bánh từ Trời là Mình và Máu Đức Giêsu. Ngài ban chính Thánh Thể Ngài cho thế gian được sống: “Và ai ăn bánh này sẽ không phải chết bao giờ.” Dân Itrael không tin và xì xèo: “Ông này không phải là Giêsu, con Giuse sao; cha mẹ ông, chúng ta biết, sao dám nói: Từ trời xuống?” Thánh Thể giúp con người đi trọn con đường dẫn đến Nước Trời.

    - Bánh từ Trời là bánh ăn tinh thần. Đó là hồng ân, là tình thương của Thiên Chúa, là bánh thiêng liêng nuôi dưỡng tinh thần con người. Đức Giêsu sống không phụ thuộc vào vật chất hay danh vọng trần thế. Giáo Hội có nghi thức ‘Viaticum,’ là của ăn tinh thần cho người đi đường. Trong hành trình trần thế, Đức Giêsu là bánh phục sinh, đem lại hi vọng thực sự cho nhân loại.

    - Truyện: Tại Paris, sinh viên gốc Nhật, giết cô gái, chặt từng khúc, bỏ tủ lạnh định ăn dần đến hết. Khi bị bắt, anh nói: Cô ấy là người yêu tôi. Tôi yêu cô đến độ muốn biến cô ấy thành máu thịt tôi, cho nên đã giết đi và ăn thịt cô ấy. Chỉ tiếc là, mới ăn được có vài ngày thì bị phát giác(ST).

    - Hãy siêng năng tham dự Thánh Lễ. Khi rước lễ là con người đã thực hiện lệnh truyền yêu thương của Chúa. Người ta có thể nhàm chán vì được ăn ba bữa mỗi ngày và dễ quên việc tạ ơn. Tuy nhiên, đời người là Thánh lễ nối dài, hãy tham dự mỗi ngày để đáp lại tình yêu cao cả Chúa dành cho nhân loại.

    BỮA TIỆC THÁNH THỂ

    Suy Niệm

    Đoạn Tin Mừng Thánh Ma-thêu thuật lại câu truyện Đức Giê-su ăn lễ Vượt qua với các môn đệ. Cũng tại bữa tiệc cuối cùng này, Đức Giê-su đã trao ban Thánh Thể làm của ăn cho loài người?

    Nhưng tại sao Chúa đổ máu vì nhiều người mà không cho tất cả? Vậy phải chăng còn nhiều người không được cứu rỗi?

    1. Bữa ăn Vượt Qua

    Người It-ra-en mừng lễ Vượt qua kỉ niệm cuộc giải phóng: Thiên Chúa đã giải thoát dân riêng của Người khỏi kiếp nô lệ người Ai Cập, để được sống tự do nơi miền Đất hứa. Các bữa ăn cổ truyền gồm thịt chiên, rau diếp đắng, cùng với bánh rượu được dọn sẵn. Trong đó còn các nghi thức cầu nguyện và đọc sách Thánh vịnh. Mỗi gia đình thường tổ chức bữa ăn này, để nhắc nhớ thế hệ sau tưởng nhớ biến cố tái lập Tổ quốc, khi cha ông họ đã được Chúa giải thoát. Lễ này thường tổ chức vào đầu mùa Xuân. Bữa ăn thường có 4 chầu rượu, sau mỗi chầu uống, họ lại nghe đọc sách Thánh và hát Thánh vịnh.

    Đức Giê-su thường dự bữa tiệc Vượt qua này với thánh Giu-se và Đức Ma-ri-a tại Na-da-ret, với đầy đủ các nghi thức của người It-ra-en. Tuy nhiên trong dịp cuối cùng này, Đức Giê-su đã làm cho bữa ăn một ý nghĩa mới mẻ: đó là việc giải phóng do chính Người. Đức Giê-su chuẩn bị bữa ăn này khác thường, với những chi tiết ngạc nhiên: "Người liền sai hai môn đệ đi mà dặn họ, các con hãy đi vào thành, rồi sẽ gặp một người mang vò nước, cứ đi theo người đó và người đó sẽ chỉ cho các con một phòng rộng rãi trên lầu, sẵn sàng đầy đủ tiện nghi. Các con dọn cho chúng ta ăn ở đó"(Mc 14,13-16). Đức Giê-su đã sắp xếp chu đáo, để bữa tiệc được diễn ra long trọng, chuẩn bị cho những dự định của Người.

    2. Giao Ước mới

    Đức Giê-su thiết lập Bí tích Thánh Thể: Đang bữa ăn, khoảng chầu rượu thứ tư, Đức Giê-su cầm lấy bánh, dâng lời chúc tụng, rồi bẻ ra, trao cho các ông mà nói: "Các con hãy cầm lấy mà ăn, đây là Mình Thầy"(Mc 14,22). Qua Thánh Thể, Đức Giê-su trao tặng cho con người của ăn vô giá, có sức đem lại sự sống đời đời. Đức Giêsu muốn trở thành người đồng hành với nhân loại qua việc chia sẻ bữa ăn Thánh Thể vào tâm hồn họ. Đức Giê-su cũng trao chức tư tế cho các Tông đồ và những vị kế tiếp: "Các con hãy làm việc này mà nhớ đến Thầy."

    Phép Thánh Thể chính là Giao Ước mới, được kí kết bằng Máu của Đức Giê-su, Người phán: "Đây là mình Thầy, máu Giao Ước mới, sẽ đổ ra vì muôn người." Máu Giao Ước này nhắc nhớ lại Giao Ước Thiên Chúa đã kí kết với Mô-sê, qua việc rẩy máu con vật hiến tế trên bàn thờ và dân chúng. Nói đến Giao Ước là nói đến cam kết hợp đồng, chính vì thế nhiều lần Đức Giê-su nói về mối quan hệ giữa Thiên Chúa và con người, như mối liên hệ vợ chồng, họ phải trung thành với những lời đã cam kết. Thiên Chúa đầy quyền năng đã hạ mình kí Giao Ước với con người và trung thành với những cam kết đó. Giờ đây Giao Ước mới giá trị hơn nhiều, vì được kí kết bằng chính Máu Đức Giê-su, Máu có sức tha tội cho loài người, không phải vẩy bên ngoài, mà vẩy vào trong linh hồn, để giải thoát con người khỏi tội và được giao hoà với Thiên Chúa.

    Thánh Thể Giao Ước mới là biểu hiện tình yêu: Đức Giê-su lấy cái chết của mình để làm chứng tình yêu đối với nhân loại. Người dâng hiến cả Mình và Máu Người làm lương thực, Người kí Giao Ước trong tình yêu cao cả nồng cháy, Người trao ban chính bản thân mình là biểu hiện sự hiệp thông trọn vẹn giữa Thiên Chúa và loài người. Vì tình yêu mà Đức Giê-su muốn ở lại với loài người mãi mãi qua Thánh Thể, để nuôi dưỡng, yên ủi và nâng đỡ con người. Chính trong tình yêu này, con người tìm lại ý nghĩa mới cho cuộc sống của mình, giúp con người phấn đấu để đạt tới cõi vĩnh hằng.

    3. Tôn sùng Thánh Thể

    Mỗi người được kêu gọi để đáp trả tình yêu Thiên Chúa qua việc tôn sùng Bí tích Thánh Thể:

    Hãy tin: Đức Giê-su kí kết Giao Ước mới bằng việc trao ban Thánh Thể Người cho nhân loại. Tuy nhiên đây vẫn là màu nhiệm. Các Tông đồ cũng đã từng phản ứng về những lời hứa ban thịt và máu cho con người được ăn uống. Điều này dễ hiểu vì họ chưa từng thấy ai làm như vậy; hơn nữa việc ăn thịt máu người còn được coi là điều cấm kị trong luật It-ra-en. Nhưng với quyền năng của Thiên Chúa, Đức Giê-su đã làm nhiều phép lạ để chuẩn bị cho sự kiện này. Các Tông đồ cuối cùng đã tin và thực hiện qua các cuộc cử hành phụng vụ Thánh Thể được tiếp diễn mãi mãi. Mỗi khi truyền phép Thánh Thể từ rượu nho và bánh miến, phụng vụ kêu gọi mọi người tuyên xưng: "Đây là màu nhiệm Đức tin." Người Ki-tô tuyên xưng niềm tin của mình qua phép Bí tích Thánh Thể Chúa đã trao tặng, để được sống đời đời.

    Hãy tham dự Thánh lễ: Khi tham dự Thánh lễ, mọi người được tham dự bữa tiệc Thánh Thể, người ta sẽ được nối kết với nhau và hiệp nhất với Đức Giê-su. Như vậy người ta không thể tham dự bữa tiệc Thánh Thể một mình, mà phải hiệp thông với người khác trong Thánh lễ cộng đồng. Trong Thánh lễ, chính Đức Giê-su là chủ tế qua linh mục. Lễ vật chính là Đức Giê-su, dưới hình bánh rượu, tượng trưng cho sự đóng góp công sức của con người, để dâng lên Chúa Cha. Phép Thánh Thể là bữa ăn, mà mỗi người phải chia sẻ cho nhau. Như vậy, khi dự Thánh lễ, người ta được lãnh nhận ân sủng, hi sinh đóng góp và tình thương chia sẻ.

    Xin Chúa giúp chúng con ý thức rằng, Thánh lễ là điểm hẹn lí tưởng cho mọi người, không phân biệt chủng tộc, giai cấp, tuổi tác. Thánh lễ phải là của ăn hàng ngày trong đời sống của mỗi người chúng con.

    Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu

    Bài viết liên quan