LOẠT BÀI
DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG NĂM C
THÁNH LỄ GIÁNG SINH
Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu
Ngày ấy, có lệnh của hoàng đế Cêsarê Augustô ban ra, truyền cho khắp nơi phải làm sổ kiểm tra. Ðây là cuộc kiểm tra đầu tiên, thực hiện thời Quirinô làm thủ hiến xứ Syria. Mọi người đều lên đường trở về quê quán mình. Giuse cũng rời thị trấn Nadarét, trong xứ Galilêa, trở về quê quán của Ðavít, gọi là Bêlem, vì Giuse thuộc hoàng gia và là tôn thất dòng Ðavít, để khai kiểm tra cùng với Maria, bạn người, đang có thai.Sự việc xảy ra trong lúc ông bà đang ở đó, là Maria đã tới ngày mãn nguyệt khai hoa, và bà đã hạ sinh con trai đầu lòng. Bà bọc con trẻ trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ, vì hai ông bà không tìm được chỗ trong hàng quán.
Bấy giờ trong miền đó có những mục tử đang ở ngoài đồng và thức đêm để canh giữ đoàn vật mình. Bỗng có thiên thần Chúa hiện ra đứng gần bên họ, và ánh quang của Thiên Chúa bao toả chung quanh họ, khiến họ hết sức kinh sợ. Nhưng thiên thần Chúa đã bảo họ rằng: "Các ngươi đừng sợ, đây ta mang đến cho các ngươi một tin mừng đặc biệt, đó cũng là tin mừng cho cả toàn dân: Hôm nay Chúa Kitô, Ðấng Cứu Thế, đã giáng sinh cho các ngươi trong thành của Ðavít. Và đây là dấu hiệu để các ngươi nhận biết Người: Các ngươi sẽ thấy một hài nhi mới sinh, bọc trong khăn vải và đặt nằm trong máng cỏ."Và bỗng chốc, cùng với các thiên thần, có một số đông thuộc đạo binh thiên quốc đồng thanh hát khen Chúa rằng: "Vinh danh Thiên Chúa trên các tầng trời, và bình an dưới thế cho người thiện tâm."
HANG BELEM
1. Belem
- Belem, nơi các tiên tri nói về Đức Kitô: “Hỡi Belem, nơi ngươi sẽ xuất hiện Đấng thống trị Itraen”(Mk 5,2).
- Bêlem, nơi Thiên sứ báo Đức Kitô sinh: “Hôm nay Đấng Cứu thế sinh ra cho các người trong thành David” (Lc 2,9).
- Belem thuộc thành Đavít. César lệnh đăng ký hộ khẩu, như lời ngôn sứ báo trước: “Giuse thuộc hoàng gia, tôn thất dòng David để khai kiểm tra với Maria đang có thai” (Lc 2,3)...
- Belem là nơi người Mẹ đồng trinh sinh Con, ứng nghiệm một lời ngôn sứ 700 năm về trước: “Này, trinh nữ sẽ thụ thai và sinh hạ một con trai đặt tên là Emmanuen”(Mt 1,23).
- Belem nơi dành cho kẻ nghèo. Thông điệp tình yêu từ Belem…
2. Sứ điệp tại hang Belem
- Hài nhi Giêsu sinh ra, dạy con người không chạy trốn trần thế. Nếu ai lên rừng ẩn dật vì ghét anh em, từ chối hôn nhân, khinh phụ nữ, chê niềm vui… là khinh tạo vật của Chúa. Chúa làm người để mời gọi mọi người tôn trọng sự sống. Chúa làm người để con người được kính trọng. Chúa sinh ra trong gia đình để dạy trân trọng hạnh phúc gia đình.
- Hài nhi Giêsu nằm im không nói, dạy sống phó thác. Chúa không tranh giành quyền lợi, không gây hấn để mở rộng biên cương. Ánh mắt thơ ngây của Người là sức mạnh tình yêu và tấm thân non nớt là sức mạnh quyền uy. Đó là tình yêu khiêm hạ, âm thầm, không phô trương, cha chú, trưởng giả.
- Hài nhi Giêsu được quấn vải thô, gửi thông điệp về tự do. Dù đã hết chế đô nô lệ, nhưng con người vẫn bị trói buộc bởi: dục vọng, đam mê, địa vị, tiền tài. Thiên Chúa sinh ra trong thân phận trẻ thơ yếu ớt để nhấn mạnh tình yêu quan tâm với những người bé nhỏ, yếu hèn. Chúa sinh làm con Đức Mẹ Maria để mời gọi ta hãy biết kính trọng phụ nữ.
- Hài nhi Giêsu trần trụi, dạy con người sống vô tư. Chúa chấp nhận kiếp người, bị đối xử bất công, khinh thị, để giúp con người vươn lên, nâng đỡ người nghèo. Chúa Giáng Sinh làm người để nâng cao phẩm giá con người, vì con người đã được nâng lên làm con Thiên Chúa.
- Hài Nhi Giêsu nằm trên máng cỏ, chỉ ra thực tế cuộc sống. Con người đang bị vật chất điều khiển, tranh giành điên loạn. Thay vì sinh ra trong cung điện, Đấng Cứu Thế lại sinh ra trong hang lừa, nằm trên máng cỏ. Mỗi người hãy mở rộng con tim để đón nhận tình yêu hải hà của Thiên Chúa.
- Giáo lí viên hỏi, nếu sinh ngày nay, Chúa chọn ở đâu? Có em nói: “Ở Mỹ, nước có điều kiện để đem Tin Mừng cả thế giới.” Có em: “Phi Châu, nơi nghèo khó.” Em khác: “Ở Anh, vì có ngôn ngữ quốc tế, ai cũng hiểu Chúa.” Em khác: “Ở Tàu, nơi đông dân, nhiều hàng độc, hàng giả, hàng nhái để Chúa làm họ bớt gian!” Một số: “Ở Philipin hay Việt Nam, là 2 quốc gia có nhiều thiên tai. Số khác: “ Ở trạm không gian, không ô nhiễm, Chúa không là của riêng ai.” Nhưng, Chúa đã đến trần gian là điều có thật, chứ không phải là giấc mơ.
- Mừng Chúa Giáng sinh và sống theo gương Đức Kitô, để góp phần xây dựng thế giới tươi đẹp, ấm tình người, tạo ra những giá trị đạo đức cũng như tinh thần cho cuộc sống.
Suy Niệm
No-en lại đến, toàn thể nhân loại mừng ngày giáng sinh của Đức Giê-su Ki-tô, Ngôi Hai Thiên Chúa. No-en là ngày vĩ đại nhất trong tất cả những kỉ niệm sinh nhật của con người, đánh dấu mốc lịch sử của thế giới. No-en không còn là của riêng ai, No-en trở nên niềm vui cho tất cả mọi người trên trái đất này.
Người ta thắc mắc về ngày sinh chính thức của Đức Ki-tô? Tại sao lại lấy ngày 25/12 là ngày sinh của Người?
1. Ngàn mây đổ mưa Đấng Cứu Độ
Lời hứa ban Đấng Cứu Độ được thực hiện sau giây phút lỗi lầm của Tổ tông: Chúa không bỏ rơi mà dành tình yêu đặc biệt cho con người, Chúa hứa sẽ sai Đấng Cứu Thế để chuộc lại những gì con người đã đánh mất. Sau bao nhiêu năm mòn mỏi đợi chờ, ngày ấy đã đến, đây là giây phút con người được thăng hoa. Từ Trời cao Chúa nhìn xuống và nâng con người lên, từ ngàn mây ánh sáng công chính chiếu toả trên khắp địa cầu. Đây là ngày vĩ đại, ngày mọi con tim nhân loại hát lên những bài ca tuyệt diệu, ca ngợi tình thương của Chúa đối với con người, tung hô Đấng nhân Danh Chúa mà đến.
Ngày Noel, ngày lịch sử sang trang: Mặc dù không phải là chính xác ngày Đức Giêsu sinh ra, nhưng không ai cho rằng việc mừng ngày lễ đó lại không dành cho Người. Ngày xưa con người chưa có khả năng sản xuất ra ánh đèn, tăm tối bao phủ, nhất là vào mùa Đông; họ chỉ biết trông chờ ngày mặt trời xuất hiện để toả sáng không gian, thường là vào ngày 25/12. Giáo hội chọn dịp này để mừng ngày sinh Chúa Kitô, Đấng là ánh sáng soi cho muôn dân, như lời tiên tri Isaia đã loan báo, "dân sống trong tăm tối được nhìn thấy ánh sáng vĩ đại." Ngày Noel thực sự thành ngày của mọi người với tất cả những nghi thức kỉ niệm khác nhau trên cả thế giới, bất chấp người tin hay kẻ không tin Thiên Tính của Người. Từ đây, người ta đặt mốc lịch sử nhân loại bằng ngày sinh ra của Đức Giê-su.
Ngôi Hai Thiên Chúa nhập thể làm người trong cung lòng Trinh nữ Ma-ri-a: Thiên Chúa yêu thương con người và muốn đến ở giữa con người, mặc lấy xác thịt của loài người, nên giống hoàn toàn như con người, trừ tội lỗi. Ngôi Lời chính là nhịp cầu nối kết giữa Thiên Chúa và con người, giữa trời và đất. Toàn thể nhân loại hãy vui lên trong niềm hạnh phúc khôn tả vì được Chúa chia sẻ và đồng hành với mình. Đó là Đức Giêsu Kitô, Ngôi Hai Thiên Chúa, là Em-ma-nu-en, nghĩa là Thiên Chúa ở cùng chúng ta.
2. Những dấu chỉ
Có rất nhiều dấu chỉ liên quan đến ngày sinh của Đấng Cứu Thế đã được các Ngôn sứ thông báo trước như: sinh ra bởi dòng dõi Da-vid, bởi một người nữ đồng trinh... Người ta cũng có thể thấy những chi tiết khác xung quanh việc sinh ra của Đấng Cứu Thế trong đoạn Tin Mừng của Lu-ca:
Đức Giêsu sinh ra ở Be-lem: Khi Giu-se và Ma-ri-a mới về chung sống ở làng Na-za-ret, hoàng đế Xê-sa-rê Au-gu-tô ra chiếu chỉ tổng điều tra dân số. Vì tranh chấp quyền lực, đồng thời để dễ đánh thuế trên người dân và tài sản của họ, lệnh điều tra dân số được thực hiện nghiêm nhặt. Vì lệnh điều tra, Giuse đem bạn mình là Ma-ri-a từ Na-za-rét lên miền Giuđa để thực hiện cuộc điều tra. Thiên Chúa luôn vẽ những nét thẳng trên những đường cong, Giu-se và Ma-ri-a đến Be-lem, thành Đa-vid, cũng là lúc Ma-ri-a đến ngày sinh, Bà sinh Con Trai đầu lòng và đặt tên là Giê-su. Be-lem là nơi Đấng Cứu Thế sinh ra theo như các Ngôn sứ đã báo trước.
Đức Giêsu sinh ra trong nghèo khó và yếu đuối: Vì không tìm được quán trọ, Ma-ri-a sinh Con tại hang bò lừa, đặt "trong máng cỏ." Vốn quá nghèo nàn, bên cạnh những người nghèo nàn cùng cực khác là đám mục đồng, đó là dấu chỉ của Đấng Cứu Thế: "Anh em cứ dấu này mà nhận ra Người, anh em sẽ gặp một trẻ thơ mới sinh bọc tã nằm trong máng cỏ." Thiên Chúa làm đảo lộn dòng suy nghĩ của con người. Thiên Chúa tỏ dấu hiệu, để nói lên tình yêu của Người: Chúa yêu người nghèo khó, Chúa hiện diện qua những người bé nhỏ, những người bị thế gian khinh chê chối bỏ.
Đức Giêsu đến ban bình an cho nhân loại: "Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho người Chúa thương." Chúa đem Tin Mừng cho người nghèo, Chúa đem bình an cho toàn thể nhân loại. Thế giới mọi thời vốn khao khát bình an, các Thiên thần lớn tiếng tung hô bình an của Thiên Chúa, như là dấu chỉ để nhận ra Người. Bình an của Đức Giê-su đem đến như là quà tặng; Hồng ân Chúa trải rộng cho những ai mở rộng tâm hồn đón Người.
3. Đi tìm Đấng Cứu Thế
Chúa Cứu Thế đã đến trần gian, nhưng có nhiều người không đến với Người, hoặc đi không đúng đường nên không gặp được Chúa. Đoạn Tin Mừng Lu-ca chỉ cho con người những cách tốt nhất để được gặp Thiên Chúa:
Trước hết là đừng sợ: Những người chăn chiên, giữ súc vật được chứng kiến Chúa Cứu thế sinh ra. Trong bầu khí khác thường của ánh sao, của vinh quang Chúa toả sáng, họ khiếp sợ, nhưng họ được Thiên sứ kịp thời động viên: "Đừng sợ, này tôi báo cho anh em một Tin Mừng... hôm nay Đấng Cứu Thế đã sinh ra cho anh em." Người chăn chiên trong xã hội It-ra-en lúc đó biểu hiện sự nghèo khó, cuộc sống không ổn định, bị coi là ngoài lề xã hội, bị khinh bỉ. Họ là những người ít học, quê mùa, rất ít khi được tiếp xúc nơi công cộng, hội đường. Tuy nhiên Thiên Chúa đứng về phía họ, nhắc họ can đảm lên, vì Người đến viếng thăm họ. Ngày nay vẫn còn có những người nghèo, bị xã hội bỏ rơi coi thường, Giáo hội Chúa Ki-tô phải luôn là động lực giúp họ mạnh dạn đến với Chúa, Người dành ưu tiên cho họ.
Hãy có lòng thiện tâm: Chúa đến với nhân loại, nhưng chỉ những ai thực sự nhiệt tình đón tiếp Người, những ai có lòng thiện tâm mới xứng đáng lãnh nhận Tin Mừng: "Bình an dưới thế cho người thiện tâm." Thế gian được chứng kiến những người sống thiếu thiện chí do cuộc đời của họ đầy xáo trộn, người ta lừa gạt loại bỏ nhau, người ta gây chiến tranh lạnh, chiến tranh nóng với nhau, oán thù nhau, họ không sẵn sàng đón Chúa. Mỗi người Ki-tô hữu phải là điểm sáng qua lối sống của tình người, để xứng đáng đón nhận niềm vui của ngày Chúa đến.
Hãy đi tường thuật cho những người xung quanh: Các Thiên Thần loan báo cho các mục đồng tin vui; đến lượt các mục đồng trao đổi cho nhau Tin Mừng, khám phá ra Chúa Giê-su Hài Đồng nằm trong máng cỏ và trở về tiếp tục tường thuật cho những người xung quanh biết về Chúa Giê-su. Niềm vui Chúa giáng trần là niềm vui của tất cả mọi người, không ai có quyền giữ riêng cho mình.
Người Ki-tô hữu chúng ta phải luôn hát lên những bài ca của Thiên thần đến từng nhà, từng người trong môi trường sống của mình để làm vinh Danh Chúa.
Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 124 | Tổng lượt truy cập: 4,435,634