LOẠT BÀI
DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG
Lm Giuse M. Trần Xuân Chiêu
Tin Mừng (Ga 18,33b-37)
Khi ấy, Philatô hỏi Chúa Giêsu rằng: "Ông có phải là Vua dân Do-thái không?" Chúa Giêsu đáp: "Quan tự ý nói thế, hay là có người khác nói với quan về tôi?" Philatô đáp: "Ta đâu phải là người Do-thái. Nhân dân ông cùng các thượng tế đã trao nộp ông cho ta. Ông đã làm gì?" Chúa Giêsu đáp: "Nước tôi không thuộc về thế gian này. Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thì những người của tôi đã chiến đấu để tôi không bị nộp cho người Do-thái, nhưng mà nước tôi không thuộc chốn này". Philatô hỏi lại: "Vậy ông là Vua ư?" Chúa Giêsu đáp: "Quan nói đúng. Tôi là Vua. Tôi sinh ra và đến trong thế gian này là chỉ để làm chứng về Chân lý. Ai thuộc về Chân lý thì nghe tiếng Tôi."
VUA HOÀN VŨ
Dàn Ý
1. Hoàn vũ
- Hoàn: Là vùng, tận, về, suốt, tròn, thiên thể, đủ, tớ gái.
- Vũ: Là vũ trụ, múa, vũ lực, lông, cổ vũ, mưa.
- Hoàn vũ: Là toàn vũ trụ.
- Vua vũ trụ: Chúa Giêsu là vua vũ trụ: “Mọi quyền hành trên trời dưới đất đã được trao ban cho Ta.”
- Lễ Chúa Kitô Vua: Đức Piô XI lập năm 1925. Năm 1970, được chuyển đến Chủa nhật cuối cùng của Tuần Thường Niên, sớm nhất là 20/11 và muộn nhất 26/11.
2. Lời Chúa hôm nay nói về Vua hoàn vũ
- Đanien trong thị kiến đã thấy Vua vũ trụ: “Trong những thị kiến ban đêm, tôi mải nhìn thì kìa: có ai như một Con Người đang ngự giá mây trời mà đến” (Đn 7,13).
- Gioan nói về Vua có từ trước hết và sau hết. Đức Chúa phán: “Ta là Anpha và Ômêga, là Đấng hiện có, đã có và đang đến, là Đấng Toàn Năng” (Kh 1,8).
- Đức Giêsu xác nhận Ngài là vua vũ trụ: “Nếu nước tôi thuộc về thế gian này, thuộc hạ của tôi đã chiến đấu không để tôi bị nộp cho người Do Thái” (Ga 18,36).
3. Công dân Nước Trời
- Công dân Nước Chúa phải nhận ra Vua Giêsu. Đức Giêsu nhận mình là vua, nhưng không như vua chúa thế gian, không lính tráng, vương miện, cẩm bào: “Tôi sinh ra và đến thế gian để làm chứng sự thật.” Mỗi người phải sống xứng đáng là công dân Đức Giêsu Vua, Người là Vua vũ trụ, Vua Chân Lý, Vua Tình Yêu, Hoàng Tử Bình An, Chúa Càn Khôn.
- Công dân Nước Chúa phải làm chứng cho Vua Giêsu. Nhiều người là thần dân của Vua Giêsu, nhưng không dám nói thật. Chúa nói về họ: “Kẻ nộp tôi cho ông đã mắc tội nặng hơn” (Ga.19,11b). Kitô hữu phải can đảm rao truyền về Vua hoàn vũ, ‘Đấng đã lấy Máu mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, để nên vương quốc và hàng tư tế phụng sự Thiên Chúa!’
- Truyện: Vua Canut III, nước Anh đạo đức, nhưng có nhiều nịnh thần. Khi triều yết, họ tâu: “Thánh Thượng là vua trên các vua, có quyền trên mặt đất và biển cả.” Vua liền mời tất cả đi ra biển và tuyên bố: “Ta có quyền, vậy ta truyền cho sóng biển dừng lại.” Nhưng nước vẫn dâng, làm ướt áo cẩm bào vua và triều thần. Rồi vua đến trước Thánh Giá, đội vương miện lên đầu Chúa, nói: “Chỉ có Chúa là Vua trên các Vua”(ST).
- Công dân Nước Chúa phải yêu mến Vua Giêsu. Ngài yêu thương con người ngay cả khi họ chối bỏ và thù ghét Ngài. Chúa là Vua Tình yêu, nên thần dân của Ngài phải sống yêu thương. Gương yêu thương của Đức Giêsu đã nên nguồn cảm hứng phong phú cho mọi tư tưởng và hoạt động yêu thương trên thế giới qua mọi thời đại.
- Công dân Nước Chúa phải trung thành với Vua Giêsu. Nhiều người coi trọng tiền bạc, đam mê lạc thú, chức vị, nên đã phản bội Vua Giêsu. Gioan đưa hình ảnh Vua quang lâm: “Kìa, Người ngự đến giữa đám mây. Ai nấy sẽ thấy Người, cả kẻ đã đâm Người.” Thiên Chúa là Vua vũ trụ, sẽ thưởng công cho những ai trung tín với Ngài.
- Kitô hữu hãy noi gương Đức Maria, luôn thực hành Lời Chúa, yêu thương kẻ nghèo khổ bất hạnh, năng tham dự Thánh lễ, cầu nguyện cho mọi người nhận ra quyền năng vua Giêsu.
Suy Niệm
Trước toà xét xử, Đức Giê-su trả lời quan Phi-la-tô bằng giọng nói thẳng thắn, Người là vua, nhưng là vua Nước Trời, vua tình yêu, vua chân lí, vua toàn thể vũ trụ.
Liệu có lỗi thời không, khi Giáo hội tôn vinh Đức Giê-su với tước hiệu là Vua? Tại sao khi dân chúng tôn vinh Đức Giê-su làm vua thì Người từ chối, nay trước Toà án, Người lại xưng mình là Vua?
1.Tại phiên toà
Đoạn Tin Mừng thuật lại cuộc xử án tại phiên toà trong phủ đường của Phi-la-tô, tránh việc làm ô uế không khí trang nghiêm của buổi cử hành lễ Vượt qua. Sau khi Đức Giê-su bị bắt, họ đưa Người đến chỗ Khan-na, rồi đến Cai-pha và cuối cùng là dinh tổng trấn. Phiên toà là những cuộc tranh luận giữa Phi-la-tô và người It-ra-en, rồi sau đó là những cuộc đối thoại giữa Phi-la-tô và Đức Giê-su, giữa quan toà và bị cáo.
Phi-la-tô hỏi cung Đức Giê-su: ''Ông có phải là Vua dân It-ra-en không?''(Ga 18,33). Là đại diện cho đế quốc Rô-ma, trong cương vị là tổng trấn, Phi-la-tô là quan toà tối cao, có quyền định đoạt mạng sống của con người. Mặc dầu vậy, một mặt ông phải chu toàn nghĩa vụ với người Rô-ma, mặt khác ông phải chịu áp lực trước đám người It-ra-en muốn kết án Đức Giê-su, cho rằng Người đã nổi loạn tự xưng mình là Vua. Mặc dầu Phi-la-tô không nhận ra khuyết điểm gì nơi Đức Giê-su, mặc dù ông đã rửa tay chối tội, mặc dù ông nhận ra Đức Giê-su là Vua Nước vĩnh hằng, nhưng Phi-la-tô đã không làm gì để bảo vệ công lý. Ông đeo mặt nạ của kẻ thống trị, để kết tội vô cớ con người vô tội, kết tội Vua cả trời đất.
Đức Giê-su trả lời công khai với Phi-la-tô, Người là Vua, nhưng ''Nước Người không thuộc về thế gian này.'' Người ta có thể ngạc nhiên, đứng trước một quan toà có toàn quyền như Phi-la-tô, có thể giải phóng cho Đức Giê-su, nhưng Người không trả lời câu hỏi ''Ông đã làm gì?'' Người còn làm đảo lộn vị trí quan toà - bị cáo, Người hỏi Philatô: ''Ngài tự ý nói điều ấy, hay có ai khác nói với ngài về Tôi?'' Sự thật trớ trêu là những người có uy quyền như Xê-sa, như Phi-la-tô, với đạo quân hùng hậu và uy quyên, cũng chỉ là trò hề mỗi khi người ta nhắc tới họ; còn Con Người đã trở thành mẫu mực, nhân loại mãi nhắc tới như một ông Vua tinh thần, lại là một bị cáo, thấp hèn bé nhỏ. Đức Giê-su là Vua của lòng người.
2. Vua Giê-su
Đức Giê-su là vua, nhưng không phải là vua thế gian, mà là vua trên tất cả:
Đức Giê-su là vua cứu độ: Nhiều người không thích tôn vinh Đức Giê-su tước hiệu Vua. Nói đến vua, người ta thường nghĩ đến cung điện, mĩ nữ, ngai vàng; người ta nghĩ đến quyền lực thống trị, với binh lính hùng hậu, với biết bao tôi tớ, nô lệ. Thời nay người ta đã loại vua ra khỏi cuộc sống của con người. Tuy nhiên Đức Giê-su là Vua, nhưng không phải Vua để trị vì, Người không có ngai vàng tráng lệ, không có quân đội, pháp luật, vũ khí, không có tài sản; Người chỉ có tình yêu. Chúa đến để phục vụ và giải phóng những người khốn khổ, bị bỏ rơi; Chúa yêu cả những kẻ không yêu Người. Chúa yêu nhân loại đến nỗi cam lòng chịu xỉ nhục, vác Thập giá và chết để giải phóng con người khỏi chết đời đời và đưa về sống đời đời trong Nước Chúa. Ngoài Đức Giê-su, không có ai có thể cứu độ loài người khỏi án phạt đời đời.
Đức Giê-su là Vua xét xử muôn dân: Nếu Đức Ki-tô là Vua tình thương, thì Người cũng là Vua uy quyền trên toàn thể vũ trụ, Người sẽ xét xử muôn dân. Đức Giê-su đã khẳng định Người là Vua, nhưng không phải là Vua kiểu trần gian, Người là Vua vũ trụ, vì Người là Chúa tạo dựng muôn loài, Người là Vua vì Người nắm giữ vận mệnh vũ trụ và con người. Người là vua và Người nắm bắt mọi suy nghĩ thầm kín trong tâm hồn con người. Người là Vua vũ trụ vì Người có quyền xét xử tất cả mọi người. Người đã hé mở vị trí Thẩm phán của Người: là bị cáo nhưng Người đã hỏi lại quan toà. Quan Phi-la-tô không có quyền gì trên Chúa, ngoài nghĩa vụ ông được trao phó. Phi-la-tô cảm nghiệm được sự day dứt trong lương tâm, ông tìm cách chạy tội bằng việc rửa tay và đổ tội cho người It-ra-en. Đức Giê-su, vị Thẩm Phán cũng đã nhìn thấy tâm trạng của ông: ''Vì thế, kẻ nộp tôi cho ông thì mắc tội nặng hơn"(Ga 19,11b). Đức Ki-tô đã hành xử như một vị thẩm phán, Người sẽ xét xử ông, những người It-ra-en và tất cả mọi người trên thế gian này trong ngày cánh chung.
3. Nghĩa vụ thần dân
Mỗi người phải thể hiện chức năng của thần dân đối với Vua Giê-su:
Hãy đón nhận Vua Giê-su: Ngày nay, thế gian không còn vua đúng nghĩa như trước, nhưng thay vào đó là những ông ''vua'' độc quyền chẳng kém: những lãnh tụ, bí thư, chủ tịch... được coi là trung tâm cuộc sống; không ai được phép xúc phạm, dù chỉ là bằng tranh ảnh, chữ viết hoặc lời nói ảnh hưởng đến họ. Người ta đắp những pho tượng khổng lồ để tôn vinh cá nhân. Người ta còn tôn thờ các thần tượng phim ảnh, ca sĩ, người mẫu. Ngoài ra người ta còn tôn thờ các ngẫu tượng: tiền bạc, lạc thú, danh vọng. Sự tôn vinh đó đưa người ta theo đuổi cuộc sống đê hèn. Chỉ có Đức Giê-su, Đấng có thể cho người ta tự do và sự sống.
Hãy trung thành với Vua Giê-su: Đức Giê-su đã từng đấu tranh cho công lí trong suốt thời gian sứ vụ công khai của Người. Chúa đã ''làm chứng cho sự thật.'' Mọi người phải đứng về phía sự thật, thì hiểu được lời nói của Vua Giê-su và trung thành thực hiện ý muốn của Chúa. Người ta phải dứt khoát: phải trả lời không với tội lỗi, thù hằn, với đam mê, gian dối; họ phải khước từ cám dỗ của thế gian và ma quỷ; họ phải chấp nhận sự thật, trung thành với Lời dạy của Đức Giê-su và thực hành gương sáng, đặc biệt tinh thần hi sinh của Người.
Hãy tôn vinh Vua Giê-su: Làm vinh danh Vua Giê-su không phải chỉ là đọc kinh, dự lễ, dâng hương cho Chúa, mà phải làm chứng nhân cho Người trong môi trường mình sống. Là công dân của Nước Chúa, họ phải sống chuẩn mực, sống theo nhân bản, tràn đầy yêu thương, bác ái, để quảng bá Tin Mừng. Mỗi thần dân của Vua Giê-su phải làm cho đời sống của người khác tốt hơn lên. Mỗi người phải làm cho Vua Giê-su chiếm trọn trái tim mọi người, không phải là uy lực hay vị trí trên bản đồ, mà là tình thương với tất cả mọi người trên trái đất này.
Xin Mẹ Maria, Hoàng hậu hiển vinh bầu cử cho chúng con luôn xứng đáng là thần dân ngoan ngoãn của Đức Kitô.
Lm Giuse M. Trần Xuân Chiêu
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 88 | Tổng lượt truy cập: 4,056,292