DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG
CN XXIV THƯỜNG NIÊN NĂM B
Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu
Tin Mừng(Mc. 8,27-35)
Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Cêsarê thuộc quyền Philipphê. Dọc đường, Người hỏi các ông rằng: "Người ta bảo Thầy là ai?" Các ông đáp lại rằng: "Thưa là Gioan tẩy giả. Một số bảo là Êlia, một số khác lại cho là một trong các vị tiên tri". Bấy giờ Người hỏi: "Còn các con, các con bảo Thầy là ai?" Phêrô lên tiếng đáp: "Thầy là Ðấng Kitô". Người liền nghiêm cấm các ông không được nói về Người với ai cả.
Và Người bắt đầu dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ chối bỏ và giết đi, rồi sau ba ngày sẽ sống lại. Người công khai tuyên bố các điều đó. Bấy giờ Phêrô kéo Người lui ra mà can trách Người. Nhưng Người quay lại nhìn các môn đệ và quở trách Phêrô rằng: "Satan, hãy lui đi! vì ngươi không biết việc Thiên Chúa, mà chỉ biết việc loài người".
Người tập họp dân chúng cùng các môn đệ lại, và phán: "Ai muốn theo Ta, hãy từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo Ta. Quả thật, ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta và vì Tin Mừng, thì sẽ cứu được mạng sống mình."
THEO ĐƯỜNG CHÚA ĐI
Dàn Ý
1. Đường
- Đường là lối đi nối liền hai nơi lại với nhau.
- Đường là đàng, là khoảng không gian phải vượt qua.
- Đường là vạch, hình tạo nên do một vật chuyển động.
- Đường là cơ quan có nhiệm vụ dẫn vào hay ra cơ thể.
- Đường là cách thức hoạt động để đạt mục đích.
- Đường là mặt, phương diện trong đời sống con người.
2. ‘Đường Chúa đi’ trong đoạn TM Maccô (Mc 8, 27-35)
- Marcô thuật truyện môn đệ theo đường Chúa đi: “Khi ấy, Chúa Giêsu cùng các môn đệ đi về phía những làng nhỏ miền Xêsarê thuộc quyền Philipphê” (Mc 8, 27).
- Đức Giêsu nói về đường khổ đau: “Người dạy các ông biết Con Người sẽ phải chịu đau khổ nhiều, sẽ bị các kỳ lão, các trưởng tế, các luật sĩ giết đi” (Mc 8, 31).
- Đức Giêsu nói về đường cứu độ: “Ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất. Còn ai chịu mất mạng sống mình vì Ta, thì cứu được mạng sống mình (Mc 8, 35).
3. Thực hành con đường Giêsu
- Theo đường Chúa là phải sống theo gương Đức Giêsu. Đám đông xưa nghĩ Đức Giêsu là Gioan, Êlia hay ngôn sứ. Giới trẻ ngày nay chạy theo thần tượng, như nghệ sĩ, cầu thủ. Kitô hữu cảnh giác với những ai thán phục Đức Giêsu, nhưng không sống theo gương Ngài, chỉ vì không mang lại tiền bạc, tiện nghi, địa vị; họ cho rằng, nhiều người vô đạo vẫn sống hạnh phúc, giầu có.
- Theo đường Chúa là phải từ bỏ. Đức Giêsu nói: “Con Người sẽ phải chịu nhiều đau khổ, sẽ bị các kỳ lão, tư tế, các luật sĩ chối bỏ, giết đi.” Kitô hữu hãy từ bỏ mình, từ bỏ những suy nghĩ, lời nói và hành động ngược lại ý Thiên Chúa; từ bỏ đam mê, ích kỉ, thù hằn, tội lỗi để sống theo gương Đức Giêsu.
- Theo đường Chúa là chấp nhận con đường thập giá. Đức Giêsu nói với môn đệ: “Muốn theo tôi, thì từ bỏ mình, vác thập giá mình mà theo.” Ngài cũng chỉ hứa cho Gioan và Giacôbê uống chén đắng, thay vì được ngồi bên tả hữu Chúa. Ngài vẫn tiếp tục đòi hỏi mỗi người phải vác thập giá theo Ngài thay vì những lời hứa được thành đạt hay giàu có vật chất.
- Theo đường Chúa là đi theo con đường khiêm hạ. Itraen chờ một Đấng cứu thế bách chiến bách thắng, bá chủ thế giới, nhưng Người lại tự nhận lấy thất bại, chịu bắt bớ, sỉ nhục và chịu treo trên thập giá như tên tội phạm. Kitô hữu phải noi gương Đức Giêsu, Đấng đến thế gian không phải như ông vua có kẻ hầu người hạ, mà Người lại quỳ xuống rửa chân cho môn đệ.
- Thần thoại Hy Lạp kể: Narcise là chàng trai đẹp lí tưởng. Anh nghĩ không ai xứng đáng để anh kết bạn. Anh chỉ còn cách là yêu chính mình, ngày đêm ngắm mình. Một hôm, Narcise soi mình dưới lòng giếng sâu. Vì không kiềm chế được sự say mê vẻ đẹp của mình, anh đã lao xuống giếng để ôm lấy mình. Khốn thay, anh đã chết chìm(ST).
- Con đường Đức Kitô là con đường sự thật đưa đến tới hạnh phúc viên mãn. Thế gian xảo trá đã tạo cho mình và cho người khác biết bao khổ đau. Trong một thế giới đang thiếu sự thành thật, Kitô hữu phải luôn cố gắng đi theo đúng con đường mà Chúa đã đi, để dẫn tới hạnh phúc muôn đời.
Suy Niệm
Đoạn Tin Mừng thánh Mac-cô thuật lại cuộc phỏng vấn của Đức Giê-su với các môn đệ về Danh Tính của Mình. Sau khi ngăn cấm các môn đệ không được tiết lộ bí mật Thiên sai, Đức Giê-su đã tiên báo những đau khổ Người sẽ phải chịu, cũng như những ai theo Người sẽ phải bước theo.
Mỗi người hãy tự đặt câu hỏi, đối với tôi, Đức Giê-su là ai? Đối với mọi người tôi là ai? Tại sao Đức Ki-tô lại gọi Phê-rô là Sa-tan, khi ông chỉ có ý định tốt là ngăn cản Thầy mình khỏi bị xúc phạm?
1. Thăm dò dư luận
Sứ vụ công khai của Đức Giê-su chuẩn bị đến hồi kết. Đức Giê-su muốn chuẩn bị tinh thần cho các môn đệ đón nhận những biến cố lớn sẽ xảy ra với Người cũng như với các ông. Thập giá là màu nhiệm khó hiểu với con người, vì thế Chúa muốn các ông phải tin trước đã. Đức Giê-su làm cuộc trắc nghiệm, qua cuộc thăm dò dư luận mà Người tiến hành đối với các môn đệ:
Đức Giê-su đặt câu hỏi: người ta bảo Thầy là ai? Các tổ chức lớn trên thế giới cũng thường tổ chức các cuộc thăm dò dư luận để lắng nghe ý kiến của dân; từ nhà trường đến thương trường, từ các tổ chức chính trị, xã hội, đến tôn giáo, người ta muốn biết ý kiến của đại đa số. Đức Giêsu dạy các Tông đồ phương pháp làm việc qua việc nắm bắt được quan điểm và thái độ quần chúng.
Người ta không thống nhất ý kiến, trong cuộc thăm dò dư luận, người thì cho Đức Giê-su là Gio-an Tẩy giả, kẻ thì bảo là E-li-a, kẻ khác lại cho là một Ngôn sứ nào đó. Còn Phê-rô đại diện cho anh em cho rằng, "Thầy là Đấng Ki-tô, là con Thiên Chúa hằng sống"(Mt 16,16). Họ chưa hiểu hết về Đức Ki-tô, mặc dù tất cả đều thống nhất: Đức Ki-tô là nhân vật quan trọng, là Đấng giảng dạy có uy quyền; họ vẫn đợi chờ một Đấng cứu thế xuất chúng, một vị anh hùng, có thể lấy lại quyền thống trị từ ngoại bang, làm chủ thế giới. Họ cũng không chấp nhận một Đấng Cứu Thế, đi vào con đường thập giá. Đó cũng chính là lí do khiến Người cấm các môn đệ, không được nói với ai về Người, làm ảnh hưởng đến kế hoạch Thiên Sai của Người.
2. Màu nhiệm Thương Khó
Đây là chủ đề trọng tâm của cuộc phỏng vấn với những câu trả lời cốt lõi, Thầy là Đức Ki-tô, nhưng Người phải bước vào màu nhiệm Thương Khó:
Đức Ki-tô chịu đau khổ: Người định hướng cho các môn đệ, đau khổ luôn gắn liền với cuộc sống con người. Sau khi A-dong, E-và đánh mất hạnh phúc Địa đàng, tội lỗi và sự chết đã lẻn vào thế gian. Khi sinh ra, con người đã cất tiếng khóc để chào đời. Mỗi ngày có biết bao nhiêu tiếng khóc và biết bao nhiêu người chết đi. Phật Thích Ca cho đời là bể khổ, còn Thánh Kinh coi đời là "thung lũng nước mắt." Mỗi người đau khổ mỗi cách, giàu sang nghèo hèn, già trẻ trai gái, đau khổ đều đến gõ cửa làm người ta trăn trở, đau đầu. Loài người mãi chưa có câu trả lời đau khổ là thế nào?
Đức Giê-su chọn cây thập giá để cứu chuộc loài người: Trong khi con người khiếp sợ trốn chạy đau khổ, thì Đức Giê-su lại chọn con đường khó hiểu: cây thập giá, một thứ nhục hình khủng khiếp nhất trong lịch sử loài người. Chấp nhận thập giá đồng nghĩa với việc bị kết án như một tên tử tội nặng nề nhất, bị người ta khinh chê, chế diễu, cũng như việc đưa tới pháp trường, bị đóng đinh trên đó cho đến chết. Đức Giê-su thấy trước việc Người bị người It-ra-en ruồng bỏ, bị kết án, bị bắt, bị đánh đập, bị chế giễu; Người thấy trước được cái chết đang chờ Người ở núi Sọ. Đức Giê-su định hướng cho các môn đệ và đập tan những quan niệm sai lầm về thân phận Đức Giê-su của người It-ra-en.
Đức Giê-su quở trách những ai ngăn cản ý định của Người: Trong cái đầu của Phê-rô và các Tông đồ, họ không muốn để Thầy mình bị xỉ nhục, coi khinh, bị người khác hành hạ; họ thương Thầy và can ngăn Thầy mình, và bị Chúa quở trách nặng lời: "Đồ quỷ Sa tan, xéo đi!"(Mt 4,10). Phê-rô vốn đã không hiểu gì về con đường đau khổ, Phê-rô càng ngẩn người ra khi thấy Thầy rủa mình là Sa-tan và còn bị đuổi đi nữa. Đức Giê-su từng xua đuổi quỷ ở hoang địa, khi nó dám trơ trẽn đến cám dỗ Người. Đức Giê-su coi việc can ngăn Người đến với con đường thương khó là một cám dỗ nguy hiểm. Phê-rô và các môn đệ hiểu ra tầm quan trọng của màu nhiệm Thương Khó mà Chúa trải nghiệm và chính các ông sẽ đi qua.
3. Tôi là ai?
Đức Giê-su mở một cuộc phỏng vấn để biết dư luận nhận biết Người là ai, mỗi người cũng đặt ra câu hỏi: Đối với Đức Kitô, tôi là ai?
Với Đức Ki-tô tôi là một tín đồ: Đức tin là căn tính Ki-tô giáo. Đức Giê-su chất vấn môn đệ về niềm tin. Phê-rô thể hiện niềm tin vào căn tính của Đức Giê-su: Người là Đấng Cứu thế Con Thiên Chúa. Có nhiều thứ niềm tin: có niềm tin do thừa hưởng, từ khi con người được sinh ra đã được là tín đồ của Chúa, có thứ niềm tin qua tìm hiểu, có thứ niềm tin thể hiện trong lời nói và cũng có niềm tin thể hiện qua việc làm. Người ta tự loại mình ra khỏi hàng ngũ tín đồ Đức Ki-tô, nếu họ không tuyên xưng Đức tin của mình và thực hành niềm tin ấy như thánh Phêrô và các môn đệ xưa.
Với Đức Giê-su, tôi là một môn đệ: không chỉ tin Đức Ki-tô, mà người ta còn phải thực hành Lời Chúa để tiếp nối sứ vụ của Chúa đi làm chứng cho Người. Môn đệ Đức Ki-tô là phải từ bỏ: từ bỏ nghề nghiệp, người thân, từ bỏ tiện nghi vật chất. Người môn đệ còn phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mà theo Đức Ki-tô. Các môn đệ Đức Ki-tô đã từ bỏ mọi sự theo Chúa, nhưng họ vẫn bị cám dỗ để được vị trí này quyền lợi khác, vẫn bị cám dỗ để tự suy tôn mình là họ đã rất nhiệt tình trung tín với Chúa, hoặc bị cám dỗ là thấy mình trở nên quan trọng; họ chưa dám từ bỏ chính mình. Là môn đệ Đức Ki-tô, mỗi người phải bước theo con đường Thập giá của Người.
Với Đức Ki-tô, tôi là Ki-tô hữu: Khi chịu phép Rửa tội, con người vinh dự mang tên Kitô; tuy nhiên, là người Ki-tô, không chỉ là người đã được lãnh phép Thanh tẩy, để vỗ ngực giới thiệu tôi đây là Ki-tô hữu; điều quan trọng là người khác có nhận ra mình là Ki-tô hữu không? Đừng để người khác hiểu lầm về người Ki-tô, rằng họ quan trọng, họ vĩ đại, hoành tráng. Hãy chứng minh cho họ thấy mình là người Ki-tô hiền lành, khiêm ngường, chấp nhận thua thiệt, một Kitô hữu luôn trân trọng tình yêu thương, một Ki-tô hữu luôn xả thân vì chân lý và sự công bình cho nhân loại.
Lạy Chúa, chúng con xin Chúa giúp chúng con trở nên những hạt muối ướp mặn cho đời khỏi thối, là nắm men để làm cho toàn thể khối bột nhân loại dậy men.
Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 85 | Tổng lượt truy cập: 3,553,059