Chúa Nhật XVIII TN Năm B - Lm Giuse Trần Xuân Chiêu

  • 03/08/2024
  • Chủ đề: Bánh Trường Sinh

     

    LOẠT BÀI

    DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG

    CN XVIII THƯỜNG NIÊN NĂM B

    Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu

    Tin Mừng (Ga 6,24-35)

    Khi ấy, lúc đám đông thấy không có Chúa Giêsu ở đó, và môn đệ cũng không, họ liền xuống các thuyền và đến Caphar-naum tìm Chúa Giêsu. Khi gặp Người ở bờ biển bên kia, họ nói với Người rằng: "Thưa Thầy, Thầy đến đây bao giờ?" Chúa Giê-su đáp: "Thật, Ta bảo thật các ngươi, các ngươi tìm Ta, không phải vì các ngươi đã thấy những dấu lạ, nhưng vì các ngươi đã được ăn bánh no nê. Các ngươi hãy ra công làm việc không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến cuộc sống muôn đời, là của ăn Con Người sẽ ban cho các ngươi. Người là Ðấng mà Thiên Chúa Cha đã ghi dấu".

    Họ liền thưa lại rằng: "Chúng tôi phải làm gì để gọi là làm việc của Thiên Chúa?" Chúa Giêsu đáp: "Ðây là công việc của Thiên Chúa là các ngươi hãy tin vào Ðấng Ngài sai đến." Họ thưa Chúa Giêsu: "Ngài sẽ làm dấu lạ gì để chúng tôi thấy mà tin Ngài? Ngài làm được việc gì? Cha ông chúng tôi đã ăn manna trong sa mạc, như đã chép rằng: "Người đã ban cho họ ăn bánh bởi trời". Chúa Giêsu đáp: "Thật, Ta bảo thật các ngươi, không phải Môsê đã ban cho các ngươi bánh bởi trời, mà chính Cha Ta mới ban cho các ngươi bánh bởi trời đích thực. Vì bánh của Thiên Chúa phải là vật tự trời xuống, và ban sự sống cho thế gian".

         Họ liền thưa Người rằng: "Thưa Ngài, xin cho chúng tôi bánh đó luôn mãi". Chúa Giêsu nói: "Chính Ta là bánh ban sự sống. Ai đến với Ta, sẽ không hề đói; ai tin vào Ta, sẽ không hề khát bao giờ."

    LÀM VIỆC

    Dàn Ý

    1. Làm việc

    - Làm: Là hành vi trực tiếp gây ra hoặc không may xảy ra.
    - Việc: Là cái, điều phải làm, công sức phải bỏ ra.
    - Làm việc: Là hoạt động, thực hiện chức năng cụ thể, hay tiến hành giải quyết công việc nào đó. Ca dao: ‘Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ đem phần cho ta.’

    2. ‘Làm việc’ trong đoạn TM Gioan (Ga 6,24-35)

    - Đức Giêsu dạy phải làm việc: “Hãy ra công làm việc không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn” (Ga 6,27).

    - Đức Giêsu nhấn mạnh làm việc là tin vào Đức Giêsu: “Việc Thiên Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người đã sai đến” (Ga 6,29).

    3. Giá trị việc làm

    - Làm việc là cộng tác với Tạo Hóa, phát triển thế giới. Người ta đói thì đòi ăn, thằng Bờm đói có nắm xôi là cười! Tục ngữ Việt Nam: “Muốn ăn thì lăn vào bếp.” La Fontain cũng cho rằng: “Cái bụng đói không thể nghe.” Thiên Chúa đã làm việc, con người cũng phải làm việc để duy trì sự sống, phát triển xã hội.

    - Làm việc để phát triển đời sống tâm linh. Vì đời sống vật chất, người ta lao vào công việc, ‘lòng tham không đáy,’ ‘được voi đòi tiên.’ Nếu chỉ cắm đầu vào công việc thể xác, mà đánh mất mục đích của đời người là hạnh phúc đời đời, là mất tất cả. Đức Giêsu xác định: “Các ông hãy ra công làm việc, không phải vì lương thực mau hư nát, nhưng để có lương thực thường tồn.”

    - Truyện: Bố muốn trao cơ ngơi cho con giỏi nhất. Ông cho mỗi con 2.000đ đi mua cái gì có thể lấp đầy phòng ông. Anh cả mua  bó rơm. Con thứ mua bao lông vịt. Con thứ ba mua cây nến. Cả ba đến với bố. Bó rơm con cả không đủ phủ kín góc nhà. Giỏ lông vịt chỉ phủ một phần căn phòng. Em út thắp nến và căn phòng phủ đầy ánh sáng. Ông bố cười đắc ý về sự thông minh của con út và trao cho anh phần lớn gia tài (ST).

    - Làm việc để thể hiện lòng biết ơn Chúa. Itrael quên nguyên nhân việc ban bánh và quên người cho họ ăn? Họ nghĩ Đức Giêsu cũng như Moisê, cho manna để dễ bề lãnh đạo: “Ai sẽ cho chúng ta có thịt ăn đây?” Đức Giêsu trách họ đi tìm Ngài chỉ để được ăn bánh. Người ta phải làm việc, thực hành bác ái, tha thứ cho nhau, để đáp trả tất cả những gì Chúa đã ban cho mình.

    - Làm việc là củng cố niềm tin vào Chúa. Đức Giêsu không muốn đám dân theo Ngài chỉ để được ăn no, không nghĩ việc trả ơn hay trách nhiệm của mình, ‘nhàn cư vi bất thiện.’ Chúa muốn họ có hiểu rõ, làm việc là tin vào Đức Giêsu, để đạt được Nước Trời: “Việc Chúa muốn cho các ông làm, là tin vào Đấng Người sai đến” (Ga 6,24-35).

    - Mỗi người hãy đặt câu hỏi: “Chúng tôi làm gì để thực hiện việc Chúa muốn?” Hãy noi gương Đức Giêsu làm việc, không chỉ để nuôi sự sống thể xác, mà để phát triển đời sống tinh thần. Tâm hồn càng được nâng lên thì con người càng cách biệt với loài vật và càng gần Thiên Chúa hơn.

    BÁNH TRƯỜNG SINH

    Suy Niệm

              Đoạn Tin Mừng tiếp sau câu chuyện Chúa làm phép lạ bánh hoá nhiều. Thấy dân chúng tiếp tục tin theo, Đức Giê-su đã nhấn mạnh đến thứ lương thực thiêng liêng, đó là Mình Máu Chúa, có sức nuôi sống con người trong cuộc sống đời đời.

              Người ta ngạc nhiên, những người đã cất công tìm Đức Giê-su vì những dấu lạ Chúa làm, như phép lạ bánh hoá nhiều, tại sao họ còn đòi Chúa làm phép lạ mới tin? Tường thuật Gio-an trong đoạn Tin Mừng này rất khác với ba tác giả Tin Mừng khác, phải chăng thánh Gioan mạo ra?

              1. Tái gặp gỡ

              Đức Giê-su bỏ trốn dân chúng lên núi một mình, để tránh sự phấn khích của đám dân chúng. Vì được Chúa cho ăn no, lại được chứng kiến những bài giảng chí lí, khác hẳn với những bài thuyết pháp của các Tư tế trong đền thờ, dân chúng muốn suy tôn Đức Giê-su lên làm vua. Đức Giê-su đã một mình trốn lên núi cầu nguyện, trong khi bảo các môn đệ chèo thuyền sang bờ bên kia Biển hồ trước. Đến nửa đêm, Đức Giê-su đi trên mặt nước biển, và sau khi dẹp yên sóng gió, Người đi lên thuyền với các môn đệ, cập bến rồi vào thành Ca-pha-na-um.

              Dân chúng gặp lại Đức Giê-su và các môn đệ ở Ca-pha-na-um với nét mặt vui vẻ họ nói : "Thưa thầy, Thầy đến đây bao giờ vậy?"(Ga 6,25). Đám quần chúng đang đói đủ thứ: đói bụng, đói cơm ăn, đói tinh thần, đói tình yêu. Đức Giê-su đã làm cho họ thoả mãn những cơn khát, bằng những bữa ăn, bằng những phép lạ phi thường, bằng những bài giảng hấp dẫn. Họ tìm đến với Chúa bằng mọi giá, và họ đã được gặp Người.

              Người It-ra-en đòi dấu lạ: Họ không nhận ra phép lạ Đức Giê-su làm là dấu chỉ của Đấng Thiên Sai, mà họ tìm Chúa vì lợi lộc vật chất, Chúa nói: "Tôi nói thật với các ông, không phải vì các ông đã thấy dấu lạ nhưng vì các ông đã được ăn bánh no nê." Đức Giê-su không mãi mãi làm phép lạ bánh hoá nhiều, để giải quyết cái đói tức thời, mà Người muốn qua đó để chuẩn bị thực hiện ý định của Người về của ăn đời đời, là Thánh Thể Người. Người It-ra-en không thể tin nổi có thứ bánh nuôi sống đời đời, họ cũng không thể tin nổi, Người đứng trước mặt họ đây chính là Thiên Chúa, họ đòi dấu lạ, họ so sánh với dấu lạ man-na từ trời rơi xuống sa mạc. Họ có biết đâu chính Đức Giê-su là Bánh trường sinh để ai ăn sẽ không còn chết nữa.

              2. Bánh hằng sống

              Con người cần cơm bánh để duy trì sự sống: Đức Giê-su rất đúng khi cho rằng, đám người cố gắng đi tìm Chúa là được ăn bánh no. Đám quần chúng cũng rất đúng khi đi tìm lương thực để ăn, nhất là khi họ dễ dàng có bánh, mà không phải vất vả, cực khổ lao công dưới trời nắng thiêu đốt, dày công vun tưới, bới đất nhặt cỏ... Người nông dân dù đã phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, nhưng vẫn còn lo những vụ mùa thất bát, bởi thiên tai, lũ lụt, hạn hán rình rập. Tình trạng thiếu lương thực vẫn xảy ra đây đó. Nạn đói vẫn là nỗi khủng khiếp của con người ngày nay, nhất là ở Phi châu, Á châu hay ở châu Mĩ La Tinh. Con người vẫn phải vất vả để có lương thực nuôi sống thân xác.

              Người It-ra-en ăn man-na cho đỡ đói trên đường về Đất hứa: Man-na cũng là thứ bánh bởi trời, nhưng vẫn chỉ là bánh vật chất để giúp dân It-ra-en đi đường. Người It-ra-en tin vào sự can thiệp của Chúa, tin vào sự dẫn dắt của Mô-sê và coi đó là dấu chỉ từ Trời. Đức Gi-êsu dùng câu chuyện lịch sử do chính họ đưa ra, để nhấn mạnh man-na là hình ảnh chỉ về thứ Bánh sau này mà Người sẽ ban cho nhân loại.

              Loài người cần ăn Bánh bởi Trời để được sống đời đời: Người ta ăn bánh, nhưng tất cả đều phải chết, kể cả những người ăn man-na trên đường về Đất hứa cũng sẽ phải chết. Chỉ có Bánh mà Đức Giê-su hứa ban, mới đảm bảo cho con người khỏi chết: "Chính Tôi là bánh trường sinh. Ai đến với Tôi không hề phải đói, ai tin vào Tôi, chẳng khát bao giờ"(Ga 6,35). Con người được Chúa dựng nên để làm vinh danh Chúa và được hạnh phúc đời đời. Chúa đã nuôi con người bằng tình yêu của Người, bằng Lời mạc khải, và giờ đây là Thân Thể Người làm lương thực để con người được hạnh phúc trường sinh.

              3. Để được ăn Bánh Trường Sinh

              Đức Giê-su hứa ban Bánh trường sinh và người It-ra-en muốn được ăn thứ Bánh đó, Người dạy họ phải tuân giữ những điều kiện:

              Hãy làm việc, "không phải vì của ăn hay hư nát, nhưng vì của ăn tồn tại cho đến sự sống đời đời"(Ga 6,27). Con người phải làm việc để nuôi sống mình và nuôi sống người khác. Mọi người phải tham gia lao động, ở nông thôn hay thành thị, ở nhà máy, công sở, hoặc người trí thức, người ít học, người làm thuê, người quản lí, tất cả đều làm việc không ngừng. Đức Giê-su dạy làm việc là phải có mục đích, của ăn hư nát không đảm bảo đời sống lâu dài, của ăn vật chất dù có mùi vị thơm ngon đến đâu cũng không thể làm thoả mãn cơn khát. Người ta phải làm việc, để biến những sản phẩm lao công, thành của ăn nuôi con người trong cuộc sống, theo ý Thiên Chúa.

              Hãy đến với Chúa: Đức Giê-su khẳng định với người It-ra-en, Bánh trường sinh chính là Người và kêu gọi mọi người hãy đến với Chúa: "Chính Tôi là bánh trường sinh ai đến với Tôi không hề phải đói"(Ga 6,35). Người It-ra-en cảm thấy khó tin và đòi điều kiện. Thiên Chúa ban cho con người quyền tự do chọn lựa; tuy nhiên, tự do cũng có cái giá của nó. Người It-ra-en được tự do lựa chọn, ở lại làm nô lệ Ai cập hay về sống tự do miền đất Hứa. Họ đã chọn về đất Hứa, nhưng khi gặp hoạn nạn, họ lại muốn trở lại làm kiếp nô lệ. Con người đuợc tự do chọn lựa, thì cũng phải chấp nhận trách nhiệm và tuân theo kỉ luật. Người ta từ bỏ kiếp nô lệ để theo Chúa, thì phải vâng theo Lời Chúa và hoàn toàn phó thác vào Người.

              Lạy Chúa Giê-su, Chúa đã ban man-na giúp người It-ra-en mới về được đất Hứa. Giờ đây Chúa cũng tiếp tục ban man-na, đó là Bánh trường sinh; xin Chúa giúp chúng con đón nhận tất cả với lòng tri ân, cảm mến, hi vọng vào một cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu.

    Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu

    Bài viết liên quan