LOẠT BÀI
DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG NĂM C
Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu
Khi ấy, Chúa Giêsu lên núi cây dầu. Và từ sáng sớm, Người lại vào trong đền thờ. Toàn dân đến cùng Người, nên Người ngồi xuống và bắt đầu giảng dạy. Lúc đó, luật sĩ và biệt phái dẫn đến Người một thiếu phụ bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, và họ đặt nàng đứng trước mặt mọi người. Họ hỏi Chúa Giêsu: "Thưa Thầy, thiếu phụ này bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình, mà theo luật Môsê, hạng phụ nữ này phải bị ném đá. Còn Thầy, Thầy dạy sao?" Họ nói thế có ý gài bẫy Người để có thể tố cáo Người. Nhưng Chúa Giêsu cúi xuống, bắt đầu lấy ngón tay viết trên đất. Vì họ cứ hỏi mãi, nên Người đứng lên và bảo họ: "Ai trong các ngươi sạch tội, hãy ném đá chị này trước đi." Và Người ngồi xuống và lại viết trên đất. Nghe nói thế, họ rút lui từng người một, bắt đầu là những người nhiều tuổi nhất, và còn lại một mình Chúa Giêsu với người thiếu phụ vẫn đứng đó. Bấy giờ Chúa Giêsu đứng thẳng dậy và bảo nàng: "Hỡi thiếu phụ, những người cáo chị đi đâu cả rồi? Không ai kết án chị ư?" Nàng đáp: "Thưa Thầy, không có ai." Chúa Giêsu bảo: "Ta cũng thế, Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa."
THẨM PHÁN NHÂN TỪ
Dàn Ý
1. Thẩm phán
- Thẩm: Tỉ mỉ, tra, nghĩ, xét, chìm, thận trọng.
- Phán: Phán quyết, xử kiện, chia ra, tài phán, rực rỡ.
2. Lời Chúa hôm nay nói về thẩm phán nhân từ
- Isaia nói về vị thẩm phán thương dân: “Ta làm cho hoang địa có nước và đất khô khan có sông, để dân có nước uống; Ta tác tạo dân này cho Ta, nó sẽ ca ngợi Ta” (Is 43,20).
- Phao lô nói về Đức Kitô là Đấng công chính: “Được ở trong Người, không phải do sự công chính của tôi dựa vào lề luật, nhưng do sự công chính bởi tin Đức Giêsu Kitô” (Pl 3,9).
- Đức Giêsu là thẩm phán nhân từ: “Ta không kết tội chị. Vậy chị hãy đi, và từ nay đừng phạm tội nữa” (Ga 8,11).
3. Hãy là thẩm phán nhân hậu
- Thẩm phán nhân hậu là người làm theo gương Chúa Cha: “Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người mà được cứu độ.” Đức Giêsu cũng dạy: “Hãy nhân ái như Cha các con trên trời là Đấng nhân ái.” Chúa đã giữ thinh lặng để thể hiện tình thương sâu xa đối với con người.
- Thẩm phán nhân hậu là người giàu tình thương. Ðức Giêsu là Đấng Cứu thế, có quyền phán xử; nhưng Ngài đã thực thi lòng thương xót, không muốn kẻ có tội phải án phạt đời đời, mà muốn họ thoát ra khỏi tội lỗi và được cứu sống. Tình yêu vốn có từ thời hồng hoang tới tận thế. Ở đâu có tình thương, ở đó có sự sống. Ở đâu có thứ tha ở đó có an bình.“
- Truyện: Nhà giàu dặn người nhà bỏ vào quan tài vàng bạc để khi chết, ông có cái để tiêu. Họ làm theo lời ông. Sang thế giới mới, thấy cái gì bán cũng hấp dẫn, nhất là đồ ăn, ông nghĩ tha hồ mua sắm và ăn uống thoả thích. Nhưng vừa hỏi, người bán trả lời: “Tiền của ông ở đây không sử dụng được, vì ở đây chỉ sử dụng đồng tiền cho đi, không xài tiền thu vào!”
- Thẩm phán nhân hậu là người luôn tha thứ. Đức Giêsu viết trên đất, kẻ cho rằng Chúa viết tội, kẻ nói Chúa muốn kìm hãm sự hiếu động của dân chúng, hoặc để cảnh cáo các Kinh sư, Biệt phái, hay để chị phụ nữ khỏi xấu hổ. Chúa tha thứ dễ dàng, giúp con người đóng lại quá khứ, hướng đến tương lai tốt đẹp. Mỗi người cũng phải thực hành tha thứ cho nhau.
- Thẩm phán nhân hậu là người trung thành với Chúa. Ai cũng đều phạm tội ‘ngoại tình’ chống lại Chúa, không chung thủy, dù đã hứa từ bỏ ma quỉ khi lĩnh bí tích Rửa tội. Đức Giêsu thành quan tòa xét xử họ: “Ai trong các ông sạch tội, cứ việc lấy đá mà ném trước đi.” Họ mang đá đến để Chúa ném vào tâm hồn họ, giúp họ hối hận và trở về với Chúa.
- Thẩm phán nhân hậu là không kết án ai. Chúa Giêsu không lên án phụ nữ. Ngài khiến những cái mặt nạ trên các khuôn mặt xấu xí của họ rơi xuống theo những cục đá vô cảm. Chúa ghét tội, không ghét kẻ có tội. Chúa đến không kết án ai và dạy cho con người không được mặc cảm về người khác, hầu có thể đem lại niềm vui và hạnh phúc cho cuộc sống con người.
Suy Niệm
Đoạn Tin Mừng kể lại câu chuyện một người phụ nữ, bị bắt quả tang phạm tội ngoại tình và theo luật phải ném đá chết. Tuy nhiên, đằng sau vụ án người phụ nữ này, là dự định ngấm ngầm để ném đá Đức Giê-su qua cái bẫy họ giăng. Cuối cùng, bằng lòng thương xót và khôn ngoan, vụ án lại chuyển sang kết án chính những người chuyên đi kết tội người khác: Tất cả đã bỏ trốn hết và người phụ nữ được giải thoát cả tinh thần lẫn thể xác.
Người ta đặt vấn đề liệu luật It-ra-en quá tàn ác không, ném đá chết một người chỉ vì phạm tội ngoại tình? Tại sao những người có thẩm quyền như Pha-ri-siêu, quan án, thẩm phán, công tố… không kết án và ném đá chị, mà phải nhờ vào một người "dân thường" như Đức Giêsu? Tại sao các ông lại bỏ trốn, mà theo luật, một người phụ nữ ngoại tình bắt quả tang phải ném đá chết công khai mà? Tại sao Đức Giê-su không xử án, mà cứ viết mãi trên đất? Và Chúa viết gì vậy?
1. Người phụ nữ ngoại tình và người It-ra-en
Người phụ nữ phạm tội ngoại tình: Một người đàn bà, bị dân làng bắt quả tang, bị điệu đi và làm nhục dọc đường để rồi theo luật, chị phải bị ném đá chết. Chắc chắn chị ta xấu hổ lắm, có lẽ chị chỉ muốn chết cho nhanh. Trong thời kỳ It-ra-en bị chia năm sẻ bảy, việc đưa ra những luật lệ như vậy, là để bảo đảm sự tồn tại của dân tộc và lòng trung thành đối với Thiên Chúa. Ngày nay trên thế giới vẫn còn duy trì án tử hình. Đây là vấn đề nhức nhối, bởi vì án tử hình đâu có sức răn đe, khi vẫn còn sự tồn tại của sự hận thù. Con người đâu có hoàn hảo; và người ta thấy sự bất công ngay trong chính trong thứ luật lệ này, tại sao lại chỉ kết án phụ nữ? Người đàn ông đã phạm tội với nàng đâu, tại sao anh ta không bị kết án? Có thể họ là những người đang hô hoán lên án chị như mấy ông Kinh sư, thẩm phán. Chỉ có Chúa mới có quyền lên án chết, vì chỉ có Chúa mới có thể làm cho con người được sống; trong khi Chúa luôn yêu thương con người, tại sao con người lại có thể lên án bất công với nhau như vậy?
Những người It-ra-en đắc chí, ồn ào, náo nhiệt, lôi kéo đưa đẩy một người phụ nữ, đến nhờ Đức Giê-su xử án. Có ba điều để họ huênh hoang la hét: trước hết là để làm chứng họ giữ Luật, hơn nữa họ giết đi mầm mống có thể tố cáo họ sau này và sau cùng họ lấy cớ lên án Đức Giê-su. Họ đưa ra một cái bẫy hết sức thâm độc, mà theo họ, xử kiểu nào thì Người cũng bị mắc bẫy. Nếu tha cho người phụ nữ này, họ sẽ lên án Người phạm luật Môi-sen và thông đồng với kẻ tội lỗi; còn nếu kết án chị, Người sẽ bị tố cáo là chống lại chính quyền Rô-ma đồng thời trái ngược với chính giáo lí tình thương của Chúa và chẳng ai tin Người nữa. Thật là nham hiểm và tàn ác! Tuy nhiên các ông lầm: các ông chống lại Chúa; thay vì để kết án Người qua việc kết án người phụ nữ, giờ đây chính các ông lại phải đứng trước vành móng ngựa. Bằng cử chỉ rất đơn giản, Đức Giê-su viết trên đất và các ông bắt đầu lo sợ, bởi chính các ông là người có nhiều tội nhất, chính các ông là cớ cho người phụ nữ này vấp phạm; Các ông cũng quá rõ về khả năng hiểu biết kín nhiệm của Chúa. Con đường chạy án tốt nhất bây giờ là tẩu thoát, từ người lớn nhất cho đến người nhỏ nhất! Thế gian có nhiều loại người này, họ chỉ biết lên án người khác, cứ như chỉ có họ trung thành với lề luật, nhưng đến khi họ bị kết án, họ tìm cách chạy án, bất chấp luật lệ.
2. Thái độ của Đức Giê-su
Đức Giêsu rất bình tĩnh khôn ngoan trước cái bẫy của người It-ra-en:
Trước hết Đức Giê-su tỏ thái độ im lặng: Đứng trước cái bẫy giăng bủa, Đức Giê-su đáp trả bằng những cử chỉ phi thường, khôn ngoan, bất chấp những câu hỏi mà chắc chắn họ chuẩn bị sẵn dành cho Chúa, để thực hiện mục tiêu của họ. Với tư cách quan toà ngẫu nhiên, Chúa cũng có thể đặt ra nhiều câu hỏi, điều tra về quá khứ của người phụ nữ, về hành động của chị, do cố tình hay vì trả thù, kín đáo hay công khai; tuy nhiên Chúa im lặng, Người không nói gì cả, để cho những người It-ra-en cũng phải đặt ra những câu hỏi cho chính họ.
Đức Giê-su cúi xuống và viết trên đất! Chúa viết gì đây? Chắc chắn mấy ông suy nghĩ nhiều lắm! Có thể Chúa đang viết tội của họ, về ngày giờ, về thứ tự điều răn, nơi các ông lỗi phạm và mức độ nặng nhẹ. Cũng có người cho rằng, Chúa chỉ viết nguệch ngoạc không chủ định gì, để tỏ thái độ không giây mình vào việc này, hay cũng có thể Chúa dành thời gian cho các ông nghĩ lại. Chúa bắt đầu nhìn người phụ nữ, nhìn những người tố cáo chị, nhìn đám đông và nói: “Ai trong các ông sạch tội thì cứ việc lấy đá mà ném trước đi”(Lc 8,7). Qua những từ này còn hơn là nói: Đừng ném đá chị ta nữa, bởi trước mặt Chúa, không ai là trong sạch cả và câu nói đó làm cho các ông nghĩ rằng, Người đã viết tội các ông, nếu không đi nhanh thì Chúa đọc ra ngay bây giờ, sẽ bị xấu hổ và còn bị ném đá chết nữa.
Đức Giê-su không kết tội chị: Sau cùng chỉ còn lại người đàn bà đứng đó; tình thương của Chúa làm cho người đàn bà bừng tỉnh: “Tôi không lên án chị đâu, chị về đi từ nay đừng phạm tội nữa”(Lc 8,11) Đức Ki-tô thể hiện tinh thần quả quyết với người It-ra-en, nhưng lại thể hiện lòng nhân từ cao độ với người tội lỗi, Người mở đường để người phụ nữ Sion này tránh khỏi tù tội, biết từ bỏ tội lỗi, luôn biết vui mừng ca ngợi lòng nhân lành của Chúa.
3. Hành xử của người Ki-tô hữu
Qua câu truyện, Đức Giê-su muốn dạy con người phải thận trọng khi hành xử:
Trước hết là đừng kết án để khỏi bị kết án: Những ông Kinh sư chỉ biết kết án người khác, mà không bao giờ nhìn lại chính mình; họ kết án người phụ nữ, trong khi họ quên những ai thường đi lại lui tới với chị. Đức Ki-tô từng nói: “Thiên Chúa sai Con Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng nhờ Con Người mà được cứu độ”(Ga,3,7). Chính vì sự kết án người phụ nữ này, mà một chút nữa thôi, họ bị bẽ bàng và bị kết án thế chỗ của chị; chính vì muốn kết án người khác, đến nỗi họ muốn kết án chính Chúa, Đấng Cứu Độ họ đợi trông. Mỗi người đừng bao giờ nên kết án người khác, mà thay vào đó là thể hiện lòng sám hối, hãy đấm ngực mình chứ đừng đấm ngực người khác.
Hãy tha thứ như Chúa đã tha thứ: Khi mọi người ra về hết, chỉ còn lại mình Đức Giê-su với người phụ nữ, Người không kết án mà còn tha thứ cho chị: “Tôi cũng vậy, Tôi không kết án chị, chị cứ về đi và từ nay đừng phạm tội nữa”(Lc 8,11). Đức Giê-su giải thoát cho chị khỏi cái chết rõ ràng, dù chị đã bị bắt quả tang phạm tội, Người giải thoát tâm hồn chị để được đổi mới và không phạm tội nữa. Sống bao dung tha thứ luôn đem lại thành công; một khi con người nhận ra mình yếu hèn, sai sót, sẽ dễ dàng tha thứ lỗi lầm người khác. Người ta dễ trở nên cứng nhắc, nếu cứ cho mình là hoàn hảo. Chúa thương yêu người tội lỗi, và Người dạy mọi người phải tha thứ cho nhau, không phải bảy lần mà bảy mươi lần bảy. Ngày xưa ở Ý, có người đàn bà ngoại tình bị bắt quả tang, mà theo luật nước này, sẽ bị cột dây vào cổ quăng xuống biển cho chết. Có điều khi xử án, người chồng đi vắng và cuộc xử phải hoãn nhiều lần, nhưng vì chờ chồng chị mãi không về, họ đã cột hòn đá to vào cổ chị rồi đẩy xuống biển; mấy ngày sau, mọi người ngạc nhiên thấy người đàn bà xuất hiện. Người chồng đi vắng, là vì ông cố tình ở lại ngoài khơi, chờ khi vợ ông bị xử, ông kéo lên và đưa về nhà. Tha thứ giúp vợ chồng đó sống lại hạnh phúc, nhất là khi người phụ nữ đã biết lỗi mình và sống khiêm nhường để đền bù lỗi lầm.
Lạy Chúa, Chúa dạy chúng con bài học đừng xét đoán và hãy tha thứ qua câu truyện trong đoạn Phúc Âm, xin cho chúng con luôn tỉnh thức để hành xử khôn ngoan đối với những người anh em chúng con.
Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 61 | Tổng lượt truy cập: 5,710,067