Chúa Nhật IV MV - Năm C - Lm Giu-se Trần Xuân Chiêu

  • 21/12/2024
  • Chủ đề: "Những cuộc viếng thăm"

     

    LOẠT BÀI

    DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG NĂM C

    Chúa nhật IV Mùa Vọng

    Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu

    Phúc Âm (Lc. 1,39-45)

              Ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giu-đê-a. Bà vào nhà ông Giacaria và chào bà Elisabeth, và khi bà Elisabeth nghe lời chào của Maria, thì hài nhi nhảy mừng trong lòng bà, và bà Elisabeth được đầy Chúa Thánh Thần, bà kêu lớn tiếng rằng: Bà được chúc phúc giữa các người phụ nữ và con lòng bà được chúc phúc. Bởi đâu tôi được Mẹ Thiên Chúa đến viếng thăm tôi ? Vì này tai tôi vừa nghe lời bà chào, hài nhi liền nhảy mừng trong lòng tôi. Phúc cho bà là kẻ đã tin rằng lời Chúa phán cùng bà sẽ được thực hiện.

    PHỤC VỤ

    1. Phục vụ

    - Phục: Áp mặt, nấp, phục dịch, kính, cúi, phục hồi.

    - Vụ: Công việc, làm, sương mù.

    - Phục vụ, service: Phụng sự, hầu hạ, làm chức việc của mình phải làm, làm việc nhằm giúp ích trực tiếp cho cái gì.

    - Chúa Giêsu nêu gương phục vụ: “Ngài đổ Nước vào chậu và rửa chân môn đệ, lấy khăn mà lau chân họ”(Ga 13,5).

    2. Lời Chúa hôm nay nói về gương phục vụ

    - Mikha nói về Đấng chăn dắt Itraen: “Người sẽ đứng vững và chăn dắt trong sức mạnh của Chúa, trong thánh danh cao cả của Chúa là Thiên Chúa của Người” (Mk 5,3).

    - Đức Maria bất chấp gian khổ, vượt núi rừng, đến thăm chị họ Elisabeth: “Ngày ấy, Maria chỗi dậy, vội vã ra đi tiến lên miền núi, đến một thành xứ Giuđêa” (Lc 1,39). Và ‘Maria ở lại với Êlisabéth độ ba tháng,’ để chăm sóc bà chị.

    3. Thực hành phục vụ lẫn nhau

    - Hãy phục vụ người khác như cho chính mình: Người ta sẽ hạnh phúc khi biết đáp ứng được nhu cầu anh em. Nếu không biết hi sinh bản thân, sống kiêu kì đòi hỏi, thì dòng chảy tình yêu chắc chắn sẽ bị cạn kiệt. Hãy noi gương phục vụ của Mẹ: Dù có phúc hơn mọi phụ nữ, nhưng Mẹ đã nêu cao gương bác ái và đời sống phục vụ.

    - Chuyện: Tại Na Uy, một chiều đông, tuyết rơi nặng hạt. Một ông say rượu lảo đảo đi trên tuyết. Con trai 10 tuổi, cũng lẽo đẽo theo bố về. Cậu đặt bàn chân của mình lên các dấu chân trên tuyết mà bố để lại. Bất chợt bố quay lại thấy con bước thấp bước cao, như người say rượu, quát: Mày đi kiểu gì vậy? Cậu bé: Con đi theo bước chân của bố nè!

    - Hãy phục vụ trong tình yêu. Một người có trái tim trống rỗng, thì họ thường gây ra nhiều tiếng ồn. Tình yêu phục vụ là cánh cửa mở ra bí quyết của cuộc sống. Những thứ mà người ta cho là đặc biệt, có tiếng tăm, thì cũng chỉ là không trước mặt Chúa. Kitô hữu hãy phục vụ tha nhân bằng cả tấm lòng, để làm chứng cho tình yêu của Thiên Chúa.

    - Hãy phục vụ cách vô tư. Thế gian cho đi có điều kiện, ‘có đi có lại mới toại lòng nhau.’ Mẹ Maria không đặt giới hạn nào cho tình yêu Chúa, hay bất cứ ngăn cách nào cho tình yêu tha nhân. Yêu là phải can đảm, không so đo tính toán, hi sinh phục vụ anh chị em để tình yêu được thăng tiến toàn diện.

    - Hãy phục vụ trong khiêm nhường. Nhiều người cao ngạo chỉ thích ban ơn mà không muốn chịu ơn. Mẹ Maria là Mẹ Thiên Chúa cao sang, nhưng lại làm công việc phục vụ bà chị già Elizabet. Đức Kitô cũng dạy bài học phục vụ: Ai lớn nhất hãy làm người nhỏ nhất, ai làm đầu phải hầu người khác. Bác ái, khiêm nhường được kết tinh ở thái độ phục vụ.

    - Mùa Vọng, mỗi người hãy tích cực trang trí, làm hang đá, ca hát, diễn nguyện; cộng tác với nhau phục vụ cộng đoàn, sửa lại con đường và đón Chúa đến với mọi người.

    NHỮNG CUỘC VIẾNG THĂM

    Suy Niệm

    Được sứ thần Gabriel báo tin E-li-za-bet mang thai, Ma-ri-a vội vã lên đường viếng thăm người bà con mang thai trong tuổi già. Bà E-li-za-bet cũng nhận ra Đấng Cứu Thế đang ở với người em mình, ngay khi nghe lời chào đầu tiên. Ma-ri-a đã ở lại đây phục vụ người bà con của mình.

              Người ta ngạc nhiên khi thấy Ma-ri-a có thể bỏ nhà cả ba tháng trời, để phục vụ người khác không phải chị em ruột thịt trong lúc chính mình cũng mang thai? Người ta ngạc nhiên làm sao Ma-ri-a có thể đi đoạn đường 150km, mà không có những phương tiện giao thông như hiện nay, nhất là qua đoạn đường nguy hiểm, trộm cướp luôn rình rập tấn công bất cứ lúc nào? Tại sao ông Gia-ca-ri-a lại bị câm một thời gian?

    1. Những dấu ấn

    Các nhân vật và những hành động liên quan đến cuộc viếng thăm của Ma-ri-a, là những dấu chỉ về Chúa Cứu Thế:

    Cuộc hành trình của Ma-ri-a vuợt qua đoạn đường dài 150 km, để thăm viếng người họ hàng, là dấu ấn trong kế hoạch cứu độ của Thiên Chúa. Cuộc hành trình cứu độ của dân It-ra-en, đón chờ Đấng Cứu Thế được thực hiện qua cuộc hành trình của Đức Ma-ri-a. Mẹ là Hòm bia Giáo ước mới, người họ hàng E-li-za-bet là dân It-ra-en và là tất cả nhân loại. Đức Ma-ri-a là gương mẫu vâng lời, khiêm nhường, hi sinh, bác ái và tinh thần phục vụ tha nhân cao cả, minh hoạ rõ nét nhất cho kế hoạch cứu thế của Chúa đối với dân Người.

              Dấu ấn cũng được thể hiện qua Gia-ca-ri-a, người đã bị câm, và rồi được phát ngôn trở lại khi Đấng Cứu Thế đến giải phóng tội lỗi và đau khổ của nhân loại. Gia-ca-ri-a buồn vì không có con, dù tuổi đã cao; Gia-ca-ri-a còn buồn vì chờ đợi đã lâu, mà Đấng Cứu Thế mọi người hi vọng vẫn chưa đến; ông bị câm vì thời gian chưa tới, nhưng cuối cùng ông nói được khi dấu chỉ này đến lúc được thực hiện.

    Con trẻ trong lòng E-li-za-bet nhảy mừng khi nghe tiếng chào của Đức Ma-ria: Hạnh phúc biết bao khi một người mẹ cảm nghiệm được giây phút đứa con cử động lần đầu tiên trong bụng mình; nhưng đây không chỉ là tác động bình thường, mà đứa trẻ đã "nhảy lên" vui sướng! Chính vì dấu chỉ này mà người ta thấy Gio-an sau này sẽ xuất hiện như một nhân vật vĩ đại, một tiền hô dọn đường sửa lối cho Đấng Cứu Thế, một dấu ấn hay một chứng nhân quan trọng của Người.

    Lịch sử cứu độ diễn lại bằng những cuộc viếng thăm giữa Thiên Chúa và nhân loại: Đó là những cuộc đối thoại giữa Thiên Chúa và tổ phụ A-dam-E-và, giữa Đức Gia-vê và A-bra-ham, Moi-sê và các Ngôn sứ, với những Giao ước và Lời hứa. Tiếp đến là cuộc gặp gỡ trong ngày sứ thần Gabri-en truyền tin cho Maria làm Mẹ Đấng Cứu Thế; rồi giữa Maria và E-li-zabet, giữa Gioan và Chúa Giêsu; Gioan đã làm chứng về Chúa và hoàn thành sứ vụ tiền hô dọn đường cho Người.

              2. Theo Mẹ Maria

    Mỗi người hãy thực hiện những cuộc viếng thăm: Lịch sử đã sang trang sau cuộc gặp gỡ vĩ đại giữa Sứ thần và Maria; Chúa đến với nhân loại qua những cuộc viếng thăm quan trọng này. Viếng thăm là biểu lộ tình thương; vì yêu thương, Chúa đã nhiều lần trao đổi với con người qua các cuộc gặp gỡ; vì yêu thương, Ma-ri-a đã viếng thăm bà E-li-za-bet. Các Tông đồ cũng đã thực hiện những cuộc hành trình rất xa, hay Gio-an Phao-lô II đã hơn 100 lần đến các vùng khác nhau để thăm viếng và làm chứng cho Chúa. Mỗi người hãy thể hiện tình thương bằng những cuộc viếng thăm chăm sóc và phục vụ những nạn nhân, những người bệnh và mọi đối tượng khác nhau; họ là hiện thân của Chúa.

    Mỗi người hãy biết phục vụ trong khiêm nhường: Ma-ri-a đến nhà bà E-li-za-bet không phải để thăm viếng chiếu lệ, nhưng còn nêu cao bài học khiêm nhường, qua lời thốt lên vì quá vui mừng của E-li-za-bet trước hồng ân lớn lao này: “Bởi đâu tôi được Thân Mẫu Thiên Chúa tôi đến viếng thăm tôi”(Lc 1,43); Ma-ri-a tận tụy hi sinh để phục vụ người họ hàng trong lúc khó khăn. Thực tế trong cuộc sống, người ta cảm thấy hạnh phúc khi có một người thân quen đến thăm, chúc mừng và phục vụ khi gia đình họ có công việc đại sự.

    Mỗi người hãy thể hiện nghĩa cử bác ái với tha nhân: Hãy luôn đứng về phía khách quan nhìn xem người khác đang cần gì ở mình, một cuộc gặp gỡ, một cái bắt tay, một lời chúc tụng. Nhưng chưa đủ, theo Đức Ma-ri-a, họ còn phải quan tâm hoàn cảnh, nhu cầu gia đình của người khác. Bác ái là công việc quan trọng nhất để đem Chúa đến với họ. Không phải chỉ bằng đầu môi chóp lưỡi, mà bằng việc làm cụ thể, biết chia sẻ hồng ân đã lãnh nhận cho anh chị em mình.

    Xin Đức Trinh Nữ Ma-ri-a dạy chúng con biết vâng lời và mau mắn lên đường phục vụ tha nhân như ý Chúa muốn.

    Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu

    Bài viết liên quan