LOẠT BÀI
DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG NĂM C
Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu
Phúc Âm (Lc.1,1-4,14-15)
Vì có nhiều người khởi công chép lại những biến cố đã xảy ra giữa chúng ta. Theo như các kẻ từ đầu đã chứng kiến và phục vụ lời Chúa đã truyền lại cho chúng ta, phần tôi, thưa ngài Thêophilê, sau khi tìm hỏi cẩn thận mọi sự từ đầu, tôi quyết định viết cho ngài bài tường thuật sau đây, để ngài hiểu chân lý các giáo huấn ngài đã lãnh nhận. – Bấy giờ Chúa Giêsu trở về Galilêa trong quyền lực Thánh Thần, và danh tiếng Người lan tràn khắp cả miền chung quanh. Người giảng dạy trong các hội đường và được mọi người ca tụng. Người đến Nagiarét, nơi Người sinh trưởng, và theo thói quen của Người, thì ngày nghỉ lễ, Người vào hội đường. Người đứng dậy để đọc sách. Người ta trao cho Người sách tiên tri Isaia. Mở sách ra, Người gặp ngay đoạn chép rằng: “Thánh Thần Chúa ngự trên tôi, vì Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó, thuyên chữa những tâm hồn sám hối, loan truyền sự giải thoát cho kẻ bị giam cầm, cho người mù trông thấy, trả tự do cho những kẻ bị áp bức, công bố năm hồng ân và ngày khen thưởng.” Người gấp sách lại, trao cho thừa tác viên, và ngồi xuống. Mọi người trong hội đường đều chăm chú nhìn Người. Người bắt đầu nói với họ: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh mà tai các ngươi vừa nghe.”
1. Hông ân
- Hồng: Màu hồng, hồng thủy, lửa, đốt, lãi, hoa, chim hồng.
- Ân: Ơn huệ, đền ơn, vong ơn, lo lắng, ân cần, đầy đủ.
- Hồng ân: Là ơn huệ lớn: là tình yêu Chúa với con người, sự hiện diện của con người ở trần gian, là tình yêu gia đình.
- Hồng ân lớn nhất là Lời Chúa và Bí tích Thánh Thể.
2. Lời Chúa hôm nay nói về năm hồng ân
- Sách Nơkhemia viết về ngày hồng ân: “Hôm nay là ngày thánh hiến cho Đức Chúa là Thiên Chúa của anh em, anh em đừng sầu thương khóc lóc” (Nkm 8,9).
- Đức Giêsu lấy lời tiên tri để nói về năm hồng ân: “Người đã sai tôi đi công bố cho kẻ bị giam cầm biết họ được tha, cho người mù biết họ được sáng mắt, trả lại tự do cho người bị áp bức, công bố một năm hồng ân của Chúa” (Lc 4,18).
3. Sống trong Hồng Ân Chúa
- Năm Hồng Ân loan báo ơn cứu độ. Đức Giêsu công bố Năm Hồng Ân chính là bản thân Người: ‘Năm’ ở đây không có qui định thời gian nhất định. Thiên Chúa sẽ mãi xóa bỏ mọi thứ lỗi lầm của con người, qua Đức Kitô. Tất cả mọi năm vui mừng của Israel chỉ là báo trước cho Tin Mừng Cứu Độ.
- Vở kịch ‘Hoàng Gia đi săn mặt trời’ kể người Spain tặng trưởng bộ lạc da đỏ cuốn Thánh Kinh: “Đây là Lời Chúa. Ngài nói với chúng ta trong sách này.” Tù trưởng cầm cuốn sách áp vào một bên tai nghe ngóng nhưng mãi chẳng nghe thấy gì. Người Spain cười ồ. Tù trưởng nghĩ mấy người ngoại quốc chơi khăm, nổi giận và ném cuốn Kinh Thánh xuống bàn!
- Năm Hồng Ân của Đức Giêsu là Năm tha thứ. Thời Isaia, Iraen tổ chức Năm toàn xá 50 năm một lần để tha bổng các món nợ, xóa bỏ giai cấp, phóng thích tội nhân. Đức Giêsu được sai đi đem Tin Mừng cho người nghèo: “Ngài xức dầu cho tôi, sai tôi đi rao giảng Tin Mừng cho người nghèo khó.” Thiên Chúa muốn tha hết tội lỗi của nhân loại.
- Năm Hồng Ân là năm được giải phóng. Đức Giêsu vào hội đường, xác nhận lời Isaia nói về Năm Hồng Ân đã nghiệm nơi Ngài: “Hôm nay ứng nghiệm đoạn Kinh Thánh ngươi vừa nghe.” Đất đai sẽ được trả lại, nô lệ được tự do, người mù được thấy, trả tự do cho kẻ bị áp bức, đất nước an bình. Tự do là quà tặng quí giá nhất mà Thiên Chúa ban cho nhân loại.
- Năm Hồng Ân đem lại công bằng và hiệp nhất: Xã hội quá chênh lệch giàu nghèo. Bữa ăn sáng của một đại gia bằng người làm công làm cả năm. Họ sống trong biệt thự, săm siêu xe. Họ rửa tiền, lột da, tạo má đồng tiền. Đức Kitô đem công bình, và giá trị đích thực cho mọi lớp người để họ có thể khoe vẻ đẹp của Hồng ân Chúa trong vườn hoa nhân loại.
- Năm Hồng Ân của Đức Giêsu không phải là chương trình cải cách xã hội, chia lại tài sản, nhưng là hướng dẫn con người biết tin vào tình thương Chúa để giúp con người hạnh phúc.
Suy Niệm
Các bài đọc đưa con người vào những sự kiện được diễn ra song song trong lịch sử It-ra-en, tuy khác nhau rất xa về thời gian. Tiên tri I-sa-i-a nói hàng loạt những dấu chỉ, mà Đấng Thiên Sai sẽ phải làm, trong khi Đức Kitô đã và đang làm tất cả những gì đã được các Ngôn sứ giới thiệu. Điều kì diệu là chính Đức Ki-tô đọc lại một cách trang trọng, những
lời của tiên tri I-s-i-a trong dịp Sa-bat ở quê hương.
Thật khó hiểu, tại sao người It-ra-en đã được chứng kiến những việc Đức Ki-tô làm, đúng như Kinh Thánh báo trước, mà vẫn làm ngơ? Tại sao Đức Giê-su phải vào hội đường của người It-ra-en, trong khi Luật cũ được coi là đã chấm hết? Hôm nay cái tôi của Chúa có vẻ được nhấn mạnh, khác với những cử chỉ khiêm nhường thường có nơi Người, khi “vỗ ngực” tuyên bố về Mình: Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh quí vị vừa nghe?
Người Do Thái trung thành với Lề luật: Không ai có thể phủ nhận một thói quen tốt lành của người It-ra-en, khi họ thường xuyên tập trung trong hội đường ngày Sa-bat. Sau khi họ được giải phóng khỏi Ba-bi-lon và trở về quê hương, Et-đơ-ra khuyến khích dân chúng thánh hiến bản thân cho Chúa, bằng cách hướng dẫn dân chúng đọc và hướng dẫn sách Luật cho họ. Luật Môi-sê và các bản văn trong Kinh Thánh được người It-ra-en kính cẩn trân trọng, họ tin đó là Lời Chúa.
Người It-ra-en hiểu sai Lề luật: Những gì đã được nói đến Đấng Thiên Sai, họ hiểu lệch lạc, họ cho Đấng họ đợi trông phải đến trong uy quyền lộng lẫy; Đấng ấy sẽ đem lại quyền lợi và vinh quang cho dân Do Thái, họ sẽ làm bá chủ hoàn cầu. Đó là lí do khiến họ mù quáng, dù chứng kiến tất cả những gì Đức Kitô làm trước mặt họ, đúng như trong Kinh Thánh, mà cụ thể là đoạn sách Tiên tri đã viết được đem ra đọc hôm nay, để đến nỗi chính Chúa đã nhắc lại: “Hôm nay đã ứng nghiệm lời Kinh Thánh các ngươi vừa nghe…”(Lc 4,21), mà họ vẫn không nhận ra Người.
2. Thái độ Đức Giêsu
Đức Giêsu kiện toàn Lề luật: Mặc dù không buộc Chúa Ki-tô, nhưng Người vẫn giữ và tôn trọng lề luật Môi-sê: Người đến để kiện toàn, chứ không phải phá huỷ. Vào hội đường tại quê hương ngày Sa-bat, Chúa Giê-su được mời đọc sách Thánh; có lẽ họ biết Người am tường Kinh Thánh, vì đã chứng kiến Người giảng dạy nhiều nơi. “Bất ngờ” Người mở đúng đoạn tiên tri I-sa-i-a, thông báo về dấu chỉ của một Đấng Thiên Sai: “Thần Khí Chúa ngự trên tôi, sai tôi đi rao giảng cho người nghèo khó...”(Lc 4,18). Bất cứ ai nghe đọc đoạn sách này, không thể hiểu khác được, mặc dù phản ứng của người đồng hương Chúa có vẻ lộn xộn: Đúng rồi, Ông ấy đã làm được những điều không ai có thể làm được, Ông ấy đã làm như ngôn sứ I-sa-i-a loan báo… Tuy nhiên họ cũng rất ngạc nhiên, tại sao Đấng Cứu Độ lại có thể bình thường đến vậy, Người cũng là người bà con với họ mà!
Đức Giêsu khẳng định vai trò của Người: Chúa đã âm thầm kín đáo sống ở quê hương họ 30 năm, Chúa luôn ở bên cạnh người nghèo, người hèn kém trong xã hội. Vậy mà hôm nay, Chúa dùng chính tiên tri I-sa-i-a đã nói về Người và vai trò của Người. Đức Kitô phải nói lên một thực tế về Mình: Người là Đấng Cứu Độ mà họ đợi trông; nhưng không phải làm vua trị vì, mà là để phục vụ nhân loại. Chúa đến để giải phóng nhân loại về mọi mặt, chữa trị cả thể xác lẫn tâm linh, cá nhân cũng như tập thể xã hội loài người.
3. Thái độ của loài người
Hãy theo hướng dẫn của Chúa Thánh Thần: Chúa Giê-su nghe sự thúc đẩy của Thần Khí, vào hội đường tại quê hương để kiện toàn sứ vụ của Mình. Tất cả những hành động của Người, đều có sự hướng dẫn của Thánh Linh như việc đi rao giảng, việc chữa bệnh, trừ quỷ, vào rừng vắng ăn chay, cầu nguyện, cũng như việc tuyên bố sứ điệp về chính Người. Khi nguyên thủ quốc gia nhậm chức, thường trình diễn bài diễn văn hùng hồn về nhiệm kì của mình, Chúa Giêsu với sức mạnh Chúa Thánh Thần, đọc bài diễn văn khai mạc để thực hiện sứ vụ cứu nhân độ thế công khai của Người.
Hãy đọc và lắng nghe Lời Chúa: Chúa nêu gương cho con người việc đọc sách Thánh và lắng nghe sứ điệp trong đó. Người It-ra-en gắn bó đời sống của mình với hội đường, chính Chúa cũng tôn trọng thói quen tốt đẹp đó. Nhiều người Ki-tô hữu đi dự lễ, đến nhà thờ cho lấy lệ, họ ngại nghe đọc Lời Chúa; giảng dài một chút là xì xèo chống đối, hoặc bình phẩm chê bai, cứ như mình bị thiệt thòi điều gì đó. Mỗi người hãy có thói quen năng đọc Lời Chúa, lắng nghe và tìm hiểu xem Chúa muốn nói gì với mình.
Hãy xoa dịu vết thương cho người anh em: Thế giới còn nhiều thử thách, đau thương. Một trong những tiêu chuẩn để nhận ra Đấng Cứu Độ, là xoa dịu nỗi đau của nạn nhân, mù loà, điếc lác, què quặt, cô đơn, quỷ ám…; họ rất cần những người Kitô hữu có những bàn tay biết đấu tranh. Chúa không làm chính trị, nhưng Chúa đã lớn tiếng tranh đấu cho quyền lợi của những người thiệt phận. Giáo hội của Chúa được trao sứ mạng tiếp tục công bố năm Hồng Ân và giải phóng toàn bộ mọi người. Có một nhà truyền giáo đến một dân tộc xa lạ và tặng họ quyển Tin Mừng. Không may ông bị chết bất ngờ, không kịp trình bày những gì đã viết trong sách. Người dân địa phương bị cuốn hút bởi cuốn sách và cử người đi tìm hiểu đời sống địa phương của người chuyển cuốn sách này: “Người môn đệ của sách Thánh đó có yêu thương nhau không? Họ có hạnh phúc không? Họ có thực hành theo sách đó không?” Như vậy họ chỉ tin và đón nhận cuốn sách đó, dù rất hay, khi họ thấy những người mang cuốn sách đó có tốt lành không. Những đòi hỏi của những người thuộc dân tộc xa lạ này nhắc mọi người, để trở nên môn đệ đích thực của Đức Kitô, họ phải thực hành triệt để cho nhu cầu phục vụ tha nhân.
Chúng ta hãy cầu xin để mỗi người sống bác ái yêu thương như Đức Kitô đã thực hành trong cuộc sống của Người.
Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 87 | Tổng lượt truy cập: 5,832,151