DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG
Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu
Khi ấy, có những kẻ thuật lại cho Chúa Giêsu về việc quan Philatô giết mấy người Galilê, làm cho máu họ hoà lẫn với máu các vật họ tế sinh. Ngài lên tiếng bảo: "Các ngươi tưởng rằng mấy người xứ Galilê bị ngược đãi như vậy là những người tội lỗi hơn tất cả những người khác ở xứ Galilê ư? Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nhưng nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy. Cũng như mười tám người bị tháp Silôe đổ xuống đè chết, các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những người khác ở Giêrusalem ư?Ta bảo các ngươi: không phải thế. Nếu các ngươi không ăn năn hối cải, thì tất cả các ngươi cũng sẽ bị huỷ diệt như vậy."Ngài nói với họ dụ ngôn này: "Có người trồng một cây vả trong vườn nho mình. Ông đến tìm quả ở cây đó mà không thấy, ông liền bảo người làm vườn rằng: "Kìa, ba năm nay ta đến tìm quả cây vả này mà không thấy có. Anh hãy chặt nó đi, còn để nó choán đất làm gì!" Nhưng anh ta đáp rằng: "Thưa ông, xin để cho nó một năm nay nữa, tôi sẽ đào đất chung quanh và bón phân; may ra nó có quả chăng, bằng không năm tới ông sẽ chặt nó đi."
DẤU CHỈ
Dàn Ý
1. Dấu chỉ
- Dấu: Dấu hiệu, vết, thuốc dấu, yêu, dấu câu, dấu cất.
- Chỉ: Ngón, trỏ, ý chỉ, dấu vết, chỉ dụ, tôn chỉ, gõ, mỗi một.
- Dấu chỉ: Là dấu hiệu ẩn một ý nghĩa. Có dấu chỉ nhân tạo, có dấu chỉ thiên nhiên tạo: Khói là dấu chỉ của lửa…
- Dấu chỉ thời đại: Theo Cha Chenu: Là những hiện tượng diến tả những khát vọng và nhu cầu con người hiện tại.
- Đức Giêsu là Dấu Chỉ giữa mọi dấu chỉ, vì Người nói với con người về Chúa mà chưa ai đã nói như thế bao giờ.
2. Lời Chúa hôm nay nói về dấu chỉ
- Moisê thấy các dấu chỉ của Chúa: “Ta hãy lại xem cảnh tượng kỳ lạ này, vì sao bụi gai không bị thiêu rụi” (Xh 3,3).
- Phaolô xác nhận tảng đá Đức Kitô: “Tất cả đã uống nước phát xuất từ tảng đá thiêng liêng đi theo họ: tảng đá ấy chính là Chúa Kitô” (1 Cr 10,4).
- Đức Giêsu nói về dấu chỉ những người bị tháp Silôe đè chết: “Các ngươi tưởng họ tội lỗi hơn những kẻ khác ở Giêrusalem ư? Ta bảo ngươi: không phải thế” (Lc 13,4).
3. Biết nhìn các dấu chỉ
- Dụ ngôn dạy thay đổi cách nhìn. Đừng nhìn thiển cận, ‘suy bụng ta ra bụng người.’ Ở đâu cũng có oan sai, bởi chính lề luật hay do kẻ thi hành luật hoặc do áp lực. Itraen coi 18 người bị tháp Siloê đè chết là dấu hiệu của tội bị Đức Giêsu lên án. Nghĩ mình vô tội, dẫn đến an toàn giả tạo. Kết án ai bị tai họa là bởi tội, trong khi thực tế hậu quả là do kẻ khác.
- Truyện: Nhà thiên văn hoàn chỉnh viễn vọng kính, rồi đặt trên sân thượng. Một đêm, ông khám phá có rồng xanh ở mặt trăng. Mọi người kéo đến xem con vật lạ. Nhà bác học già lắc đầu, vì khám phá ra sợi chỉ xanh vướng vào ống kính: Này, trước khi quan sát, hãy coi lại ống kính đã.
- Dụ ngôn dạy phải nhìn lại mình. Người ta hay kết tội và đổ lỗi cho anh em: Lỗi tại ông, tại bà; hay đổ lỗi cho Chúa: sao Chúa để vậy? Đừng đấm ngực ai. Hãy nhìn vào bản thân mình. Đức Giêsu không kết án người mù bẩm sinh, phụ nữ ngoại tình, mà cảnh báo mấy ông là kẻ tội lỗi: “Nếu không ăn năn hối cải, các ông sẽ bị hủy diệt như vậy” (Lc.13,6).
- Dụ ngôn dạy nhìn dấu hiệu bên ngoài: Tai ương, dịch bệnh, thương đau, là dấu chỉ nhắc con người thoát ra và vươn lên. Sấm sét, tội ác, bất công, báo động con người phải thay đổi và canh tân phù hợp để cuộc sống tốt lành hơn; đừng gây ra khổ đau và chết chóc cho người khác, để mình khỏi phải nhận hậu quả và nhất là khỏi phải án phạt đời đời.
- Dụ ngôn dạy hãy nhìn thực tế: Đức Giêsu dẫn dụ ngôn cây đã sử dụng đất vả không sinh quả, dù không độc hại gì đến môi trường. Đừng mơ các dự án lớn, lấp biển vá trời, đổi mới thế giới, mà hãy nhận ra thực tế, là mình đã hi sinh đóng góp cho xã hội thế nào? Tục ngữ Tàu: Nếu mỗi người trồng hoa trước cửa nhà, cả thế giới sẽ có vườn hoa.
- Mỗi người sẽ thu được những gì mình đã gieo vào thế giới, nếu họ vượt ra khỏi cuộc đời nô lệ vật chất, ma quỉ và tội lỗi. Những ai gieo quả tốt sẽ được Chúa ban thưởng đời đời.
Suy Niệm
Đức Giê-su kể lại mấy mẩu truyện thời sự: một là về cuộc tàn sát vừa mới xảy ra ở Giê-ru-sa-lem, cũng như một số người bị tháp Si-lo-e đổ xuống đè chết và chuyện kia là dụ ngôn cây vả, dạy cho con người bài học về cái nhìn khách quan về mình, về người khác, đồng thời nhắc mỗi người luôn biết sám hối về bản thân mình.
Tuy nhiên người ta vẫn cho rằng, mọi việc diễn ra là do Thiên định, vậy tai nạn có phải do ý Chúa không? Có thực là do tội lỗi con người không? Nếu không thì do ai?
1. Những mẩu thời sự và dụ ngôn cây vả
Vụ sát hại những người Ga-li-lê đang là câu chuyện thời sự nóng bỏng, người It-ra-en đang bị người Rô-ma đô hộ và nhiều lần họ đứng lên chống đối chính quyền đế quốc. Người It-ra-en muốn đưa câu chuyện thời sự này để gài bẫy Chúa, hoặc là Người lên án Phi-la-tô và bọn cảnh sát giết hại người Do Thái, hay là lên án những người It-ra-en nổi dậy. Thay vì trả lời lập trường chính trị, Đức Giê-su dạy cho họ bài học, là hãy nhìn lại chính mình, không nên kết án ai hết: “Các ông tưởng mấy người Ga-li-lê có tội lỗi hơn mọi người khác ư…?”(Lc 13,2)
Tháp Si-loe là một câu chuyện thời sự khác, cũng được Đức Giê-su đưa ra để nhấn mạnh lời dạy của Người, đó là vụ tháp Siloe đổ xuống làm 18 người chết. Tháp Si-lô-e là một lô cốt, được xây cao để canh phòng biên giới, gần hồ nước Si-lo-e. Người It-ra-en cho đó là những người có tội mới bị Chúa phạt để răn đe người khác; người Việt Nam cũng thường đổ tại số mệnh; giáo dân thường cho là Chúa định như vậy.
Dụ ngôn cây vả: Để phá vỡ thành kiến của người It-ra-en về vấn đề này, Đức Giê-su lại đưa ra dụ ngôn cây vả. Đã lâu năm cây vả không sinh quả, nhưng chủ vườn cố để gia hạn thêm năm nữa, hy vọng nó có trái trước khi đốn đi. Thiên Chúa cũng kiên nhẫn trước sự nghèo đói ân sủng, thiếu việc lành của con người. Chúa hy vọng họ sẽ ăn năn sám hối trước khi bị huỷ diệt.
2. Quan điểm của Đức Ki-tô
Đức Giê-su hoàn toàn bác bỏ suy nghĩ của người It-ra-en, không hề có liên lạc nào giữa tai họa và tội lỗi, “không phải anh ta, cũng không phải do cha mẹ anh đã phạm tội…”(Ga 9,3). Chúa đã đưa ra mấy nguyên nhân dẫn đến những sự kiện trên:
Nguyên nhân tai hoạ ở trong những người còn sống, người chết chỉ là nạn nhân. Đó là cuộc xung đột ý thức hệ chính trị giữa người Rô-ma và người It-ra-en; đó cũng là những cuộc xung đột ý thức hệ tôn giáo, giữa người Do Thái và người ngoại giáo. Trong khi quân Rôma tôn thờ hoàng đế, người It-ra-en cuồng tín độc quyền chiếm hữu Thiên Chúa; những cuồng loạn trong xã hội và tôn giáo lúc bấy giờ đã gây ra bao đau khổ cho dân chúng.
Nguyên nhân khác là do tệ đoan của con người. Do tham lam, hối lộ, bớt xén, giả dối vô lương tâm, thiếu trách nhiệm của con người, khiến nhiều công trình bị sụp đổ, chết người. Người ta thường được chứng kiến bao nhiêu người chết, do mua thức ăn có chất độc, cầu đường bị sập, bao toà nhà bị hư hoại do rút xén vật liệu diễn ra hàng ngày.
Nguyên nhân nữa là để việc Thiên Chúa được bày tỏ nơi anh. Mặc dù đôi khi Chúa phạt những kẻ có tội để răn đe, nhưng thường Chúa vẫn chờ đợi để họ ăn năn. Thiên Chúa là Đấng từ bi hay thương xót, luôn kiên nhẫn với tội nhân trở lại. Lịch sử Giáo hội luôn trải nghiệm với những cây vả cằn cỗi, nhưng rồi sẽ sinh hoa kết quả tốt lành.
Đau khổ còn do hậu quả của quy luật vạn vật: Có thể do sức hút của trái đất, sự dòn mỏng của đồ vật, sự khiếm khuyết của con người. Chúa muốn mọi người phải chiến đấu, vượt qua thử thách. Truyện một cậu bé có tính nóng, cha cậu đưa cho cậu một túi đinh và bảo: Mỗi khi nổi nóng con hãy đóng một cái đinh vào cột; ngay ngày đầu tiên cậu đóng được 37 cái, hôm sau cậu kìm bớt nóng giận và số đinh đóng vào cột ngày càng ít đi. Đến một ngày, cậu không còn nổi giận nữa, cậu khoe với cha, cha cậu bảo cậu: Bây giờ nếu một ngày con không nổi giận với ai, con hãy nhổ một cái đinh khỏi cột; cuối cùng không còn một cái đinh nào nữa, cậu hãnh diện khoe với Cha cậu việc này. Cha cậu khen: “Tốt, nhưng dù sao vẫn còn lỗ đinh trên cột, nhớ chiến đấu đừng để xảy ra nữa.”
3. Thực hành
Đừng xét đoán: Đức Giêsu dạy đừng xét đoán người khác “Chỉ có một Đấng ra lề luật đó là Đấng có quyền cứu thoát và tiêu diệt, còn anh là ai mà dám xét đoán người khác?”(Gc 4, 12). Rất nhiều người bề ngoài có vẻ ngoan đạo, vẫn đi lễ, nhà thờ và còn rước lễ mỗi ngày, nhưng nay lôi người này ra xét tội, mai lôi người kia ra phê bình. Xét đoán sẽ dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng: Trước hết nó sẽ lên án chính bản thân mình: “Anh em xét đoán thế nào, Thiên Chúa cũng sẽ xét đoán anh em như vậy.” Xét đoán là kiêu ngạo, cướp quyền Thiên Chúa xét xử người khác, trong khi không ai trao cho họ quyền đó. Xét đoán còn dẫn đến đổ vỡ quan hệ, vì khi nghĩ về ai thế nào, thì mình cũng đối xử với họ như vậy, mắt xanh thì nhìn gì cũng ra màu xanh, nó làm cho người ta khó xử với nhau; kết án như đổ dầu vào lửa, nạn nhân đã ngã lại càng bị đau thêm. Xét đoán cũng dễ làm cho người khác nhận ra nết xấu của mình: ai có tâm hồn xấu thì thường thể hiện ra bên ngoài, người ta cứ theo cách cư xử bên ngoài của họ sẽ biết trong lòng họ.
Hãy sám hối: Bài Phúc Âm cũng đưa ra phương án tối ưu để con người sống đạo bằng ăn năn sám hối. Để đạt được mục tiêu của cuộc sống, người khôn ngoan phải biết nhìn lại chính mình, nhận ra yếu đuối mỏng dòn của con người. Họ phải luôn biết từ bỏ cái tôi để tiến lên. Đừng sống như cây vả không trái, sẽ bị đốn đi và bỏ vào lửa: “Các ông sẽ chết hết nếu các ông không thay đổi.” Không phải cái chết thể lý mà là cái chết tinh thần do tội lỗi đưa đến.
Thiên Chúa vẫn chờ đợi chúng ta như ông chủ vườn nho chờ trái vả. Đừng bao giờ chủ quan về thời gian còn dài, hãy khẩn trương gặt hái việc lành do chính mình làm ra.
Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 181 | Tổng lượt truy cập: 5,619,810