Chia sẻ Lời Chúa - Lễ Kính Mình Máu Thánh Chúa - Năm A
“Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh”
Ga 6, 51-58
“Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng ĐỨC CHÚA phán ra” (Dnl 8,13). Đây là lời khẳng định của Chúa Giêsu trong sa mạc sau khi Ngài ăn chay 40 đêm ngày và bị ma quỷ cám dỗ biến đá thành bánh để ăn (x.Lc 4,4). Thực ra, đây là câu mà Chúa Giêsu đã trích từ sách Đệ Nhị Luật mà chúng ta vừa nghe trong bài đọc thứ I.
Cùng lần trở lại bối cảnh của dân Thiên Chúa, chúng ta biết rằng, Đệ Nhị Luật là một trong những cuốn sách quan trọng và có tầm ảnh hưởng lớn trong Kinh Thánh Cựu Ước. Nội dung chính của sách là ba diễn từ của Môsê nói với dân Israel trước khi họ qua sông Giođan tiến vào Đất Hứa. Mục đích là củng cố niềm tin của dân vào Thiên Chúa và kêu gọi họ trung thành với giao ước đã ký kết với Thiên Chúa. Qua đây, Môsê cũng muốn nhấn mạnh đến việc “nhớ lại” những hành động yêu thương của Thiên Chúa: “Anh em phải nhớ lại tất cả con đường mà ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, đã dẫn anh em đi suốt bốn mươi năm nay trong sa mạc” (Dnl 8,2).
Nhớ lại hành động giải thoát của Chúa khi đưa dân khỏi Ai cập. Nhớ lại những thử thách phải chịu cũng như sự quan phòng của Thiên Chúa trong suốt hành trình sa mạc. Nhớ lại như thế là điều tối quan trọng, vì nhờ đó, dân mới cảm nhận tình thương của Chúa và gắn bó với Người, vâng phục Người. Ngược lại, nếu quên đi những hồng ân đó, dân sẽ dần bất tuân và bất tín với Thiên Chúa: “Suy nghĩ lại, anh em phải nhận biết rằng ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, giáo dục anh em, như một người giáo dục con mình. Anh em phải giữ các mệnh lệnh của ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, mà đi theo đường lối của Người và kính sợ Người” (Dnl 8,5-6).
Kinh nghiệm sa mạc giúp cho Israel thấy rõ cuộc sống của họ hoàn toàn lệ thuộc vào một mình Thiên Chúa. Kinh nghiệm về sự thiếu thốn và đói khát đến độ chỉ có thể sống nhờ manna, kinh nghiệm đó giúp dân thấy rõ họ sống được là nhờ Chúa: “Người đã bắt anh em phải cùng cực, phải đói, rồi đã cho anh em ăn man-na là của ăn anh em chưa từng biết và cha ông anh em cũng chưa từng biết, ngõ hầu làm cho anh em nhận biết rằng người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng ĐỨC CHÚA phán ra” (Dnl 8,3).
***
Trong bài Tin Mừng hôm nay, khi tranh luận với những người Do Thái, Chúa Giêsu tự nhận mình là bánh trường sinh, khác hẳn với thứ bánh mà cha ông họ đã ăn và đã chết. Ngài khẳng định rằng, ai ăn thứ bánh Ngài ban, sẽ không bao giờ phải chết, nhưng được sống muôn đời (x.Ga 6, 58).
Đây là điều không dễ chấp nhận đối với người Do Thái, bởi lẽ, theo sách Lêvi, người ta không được phép ăn tiết cũng như thịt của động vật chết ngạt (x.Lv 11). Thêm vào đó, từ trước tới nay, chưa từng nghe thấy người nào lấy thịt mình cho người khác ăn bao giờ. Thế nên, họ xầm xì bàn tán và đi đến kết luận rằng: “Lời này chói tai quá, ai mà nghe được” (Ga 6,60).
Không chỉ những người Do Thái, mà ngay cả các môn đệ của Chúa Giêsu cũng không hiểu được giáo lý này, nên họ cũng lần lượt bỏ Ngài mà đi, ngoại trừ Nhóm 12 là còn ở lại (x.Ga 6,66).
Một người nào đó tự nguyện lấy thịt máu mình trở nên của ăn của uống cho người khác là điều thật khó chấp nhận. Nhưng trên lĩnh vực tình yêu, thì điều này hoàn toàn có thể lý giải được.
Ngay từ thuở còn trong thai bào, chúng ta đã được nuôi sống bởi dòng máu của người mẹ. Trong những tháng năm đầu đời, dòng sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng nuôi chúng ta. Lịch sử nhân loại đã chứng minh, hầu hết những người cha, người mẹ đều sẵn sàng đánh đổi cả cuộc đời vì hạnh phúc của những đứa con. Trong trận động đất xảy ra hồi tháng 12 năm 1987 tại Ácmênia, cảnh sát vô cùng ngạc nhiên khi phát hiện ra hai mẹ con vẫn còn sống sót sau một thời gian khá dài nằm vùi sâu dưới đống đổ nát. Theo lời kể của người mẹ trẻ này, khi đứa con của chị khóc vì đói và khát, chị đã không ngần ngại cắn ngón tay của mình đến chảy máu để cho đứa con bú cho tới khi chị lịm đi vì kiệt sức.
Hình ảnh những người cha, người mẹ hy sinh đến quên mạng sống mình vì những đứa con đã phần nào phản chiếu tình yêu vô bờ bến mà Thiên Chúa đã dành cho nhân loại khi Ngài tự nguyện lấy chính máu thịt mình làm của ăn của uống nuôi chúng ta.
Thật là trớ trêu khi người Do Thái chỉ chú ý đến thứ bánh vật chất, thì Chúa Giêsu lại hướng họ đến một thứ bánh khác – đó chính là Bí Tích Thánh Thể mà Ngài sẽ thiết lập sau này. Khi người Do Thái chỉ chú ý đến làm sao để được ăn no nê, thì lời Chúa lại bảo: “Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh, nhưng còn sống nhờ mọi lời miệng ĐỨC CHÚA phán ra” (Dnl 8,13).
***
Lời Chúa hôm nay cảnh tỉnh cho những người Dothái, nhưng đồng thời cũng là lời nhắc nhở mỗi người chúng ta. Khi có được một cuộc sống sung túc, với lương thực đầy đủ, với mọi tiện nghi tối tân… người ta dễ cho rằng, sự phong phú đó là do nỗ lực của con người chứ không phải bởi Thiên Chúa. Cho nên Môsê nhấn mạnh: “Anh em hãy ý tứ đừng quên ĐỨC CHÚA… Khi anh em được ăn, được no nê, khi anh em xây nhà đẹp để ở, khi anh em có nhiều bò và chiên dê, nhiều vàng bạc và nhiều mọi thứ của cải, thì lòng anh em đừng kiêu ngạo mà quên ĐỨC CHÚA, Thiên Chúa của anh em, Đấng đã đưa anh em ra khỏi đất Ai-cập, khỏi cảnh nô lệ” (Dnl 8,11-14).
Qua Bí Tích Thánh Thể, Lời Chúa cũng nhắc nhở chúng ta rằng, sự giàu sang phú quý ở đời này không phải là cùng đích của con người. Của cải, tiền tài… nó không thể thỏa mãn mọi khát mong của nhân loại, nhưng đúng hơn, con người muốn được trở nên phong phú hơn còn cần nhờ đến một thứ lương thực khác đó chính là Lời Chúa và Mình Máu Thánh Chúa.
Thánh Thể cũng chính là mẫu gương của một tình yêu tự hiến mà Thiên Chúa đã để lại cho loài người khi dâng trao chính Con Một của mình cho nhân loại. Chớ gì, mỗi lần đến với Chúa Giêsu Thánh Thể sẽ giúp chúng ta cảm nghiệm được tình yêu Chúa đã dành cho chúng ta, để từ đó, mỗi người cũng biết quảng đại trao ban và sẵn sàng trở nên tấm bánh bẻ ra cho tha nhân.
Lm. Jos. Nguyễn Văn Tuyên
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 67 | Tổng lượt truy cập: 4,045,535