Chia sẻ Lời Chúa - Lễ Chúa Ba Ngôi 2023
Ga 3,16-18
Thật ngạc nhiên khi trong ngày lễ kính mầu nhiệm một Thiên Chúa Ba Ngôi mà Phụng vụ Lời Chúa lại chẳng có vẻ gì là nói về màu nhiệm của Ba Ngôi Thiên Chúa, ngoại trừ việc nói về ưu phẩm của Ngài là Đấng nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín.
Vâng, đó là một mạc khải vô cùng quan trọng. Bởi xưa nay không ít người vẫn quan niệm rằng: Thiên Chúa của Cựu Ước là một vị thần độc đoán. Ngài đánh phạt con cháu đến ba bốn đời vì tội lỗi của cha ông họ. Thậm chí, còn sẵn sàng ra tay để trừng phạt những ai không đi theo đường lối của Ngài…
Khác hẳn với những quan niệm sai lạc đó về Thiên Chúa, Lời Chúa hôm nay diễn tả cho chúng ta thấy hình ảnh về một Thiên Chúa thật rất dễ thương. Ngài là vị Thiên Chúa hiền lành, từ bi và nhân hậu với những biểu hiện rất cụ thể của tình yêu.
Trước tiên, tình yêu của Thiên Chúa thể hiện ở việc, Ngài sẵn sàng tha thứ mọi lỗi lầm mà dân đã xúc phạm đến Ngài. Cuộc đối thoại của ông Môsê với Thiên Chúa mà bài sách Xuất Hành hôm nay thuật lại khiến chúng ta có cảm giác, đây không còn là cuộc đối thoại của một tạo vật với Đấng Tạo hóa cho bằng là cuộc đối thoại giữa hai người bạn. Sở dĩ như vậy là bởi vì, cuộc đối thoại diễn ra trong bối cảnh dân Thiên Chúa dường như đang nổi loạn. Thay vì phải phụng thờ Thiên Chúa - Đấng đã giải thoát họ khỏi ách nô lệ của Ai Cập – thì họ lại đi đúc tượng bò vàng để sụp lạy nó, trong khi chỉ trước đó ít lâu, chính dân này đã long trọng cam kết với Thiên Chúa rằng: Ngài chính là Thiên Chúa của họ, còn họ chính là dân riêng của Ngài. Trước lời thỉnh cầu của Môsê, Thiên Chúa đã mạc khải cho ông biết, Ngài sẵn sàng tha thứ cho họ, bởi Ngài là Thiên Chúa nhân hậu và từ bi, hay nén giận, giàu nhân nghĩa và thành tín. (x.Xh 34,6).
Có lẽ không một vị thần nào lại có mối liên hệ gần gũi và thân tình với dân của mình cho bằng Thiên Chúa của “Như mẹ hiền an ủi con thơ, Ta sẽ an ủi các ngươi như vậy; tại Giê-ru-sa-lem, các ngươi sẽ được an ủi vỗ về” (Is 66,13). Tình yêu Thiên Chúa không chỉ dừng lại ở việc tha thứ cho dân mà Thiên Chúa còn nhận lời “cùng đi” với con người. Khi yêu ai, người ta thường ước muốn được ở gần người đó. Cũng vậy, trong hành trình 40 năm sa mạc, Thiên Chúa luôn đồng hành cùng dân Ngài qua cột mây ban ngày và cột lửa vào ban đêm. Thiên Chúa như người Cha luôn ở bên con khi con cần đến. Với tình yêu của người Mẹ, Ngài luôn ân cần chăm sóc chở che con cái. Như lời của ngôn sứ Isaia đã diễn tả: Israel.
Sau cùng, tình yêu Thiên Chúa còn nâng lên một tầm cao mới bằng việc Ngài thương ban người Con Một duy nhất là Đức Giêsu cho nhân loại, như lời thánh Tông đồ Gioan cho chúng ta biết: “Quả vậy, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian, không phải để lên án thế gian, nhưng là để thế gian, nhờ Con của Người, mà được cứu độ”. (Ga 3,17).
Với tình yêu Thiên Chúa Cha và tình yêu dành cho nhân loại, Đức Giêsu Kitô – Ngôi Hai Thiên Chúa – đã tự nguyện xuống thế làm người. Qua những lời giảng dạy, đặc biệt là qua đời sống và cái chết của Ngài đã chứng tỏ rằng, Thiên Chúa quá yêu thương nhân loại.
Sau khi hoàn thành công trình cứu độ nhân loại theo thánh ý Chúa Cha, Đức Giêsu đã vinh hiển về trời. Nhưng không phải bỏ lại các môn đệ mồ côi, mà Ngài đã cử Chúa Thánh Thần là Ngôi Ba Thiên Chúa đến với con người trong vai trò là Đấng Bào Chữa, Thần Chân Lý, Đấng An Ủi… để tiếp tục hướng dẫn Hội Thánh bước đi trong tình yêu thương. Thế nên, có thể nói, Tình yêu Thiên Chúa vẫn không ngừng được triển nở qua sự hướng dẫn và thúc đẩy của Chúa Thánh Thần. Lịch sử Giáo Hội hơn 2000 năm qua là một minh chứng hùng hồn về điều đó.
***
Có ai đó đã nói rằng: Người ta có thể cho mà không yêu, nhưng không thể yêu mà không cho. Quả đúng như vậy. Thiên Chúa Ba Ngôi tự bản chất là Tình Yêu, thế nên tình yêu ấy không chỉ giữ lại cho riêng mình, mà hằng lan tỏa tới muôn loài thụ tạo ở mọi nơi và mọi thời. Vậy khi mừng kính mầu nhiệm một Thiên Chúa Ba Ngôi, chúng ta học được những gì?
Bài học trước tiên là sự hiệp thông trong Ba Ngôi Thiên Chúa. Sách Giáo lý Hội Thánh Công Giáo dạy rằng: Ba Ngôi tuy riêng biệt nhưng cùng một bản thể duy nhất và một uy quyền như nhau. Thế nhưng cả ba đều liên kết chặt chẽ với nhau đến nỗi trở nên một. Trong đời sống gia đình, nếu như vợ chồng biết trở nên một như lời cam kết trong ngày thành hôn thì chắc hẳn mọi trở ngại đều có thể vượt qua như lời ca dao xưa: “Thuận vợ thuận chồng, tát Biển Đông cũng cạn”. Trong đời sống xã hội, nếu như mọi người đều biết đón nhận những sự khác biệt của nhau để rồi từ đó cùng liên kết với nhau xây dựng quê hương đất nước, giúp thăng tiến bản thân, gia đình và xã hội thì hay biết mấy!
Thứ đến, Ba Ngôi Thiên Chúa dạy chúng ta bài học về sự trao ban. Chúa Cha thông truyền trọn vẹn cho Chúa Con; Chúa Con khi đón nhận tất cả lại trao lại cho Chúa Cha thông qua mối dây hiệp nhất là Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi trao ban tất cả và trọn vẹn cho nhau mà không ngôi nào giữ điều gì cho riêng mình. Như ngọn lửa, nếu như được san sẻ thành nhiều ngọn lửa khác, thì sức nóng của nó sẽ lớn dần lên. Như vậy, chẳng những việc trao ban của ngọn lửa không những không làm nó bị tan biến đi, mà trái lại, còn làm cho bản thân ngọn lửa được triển nở hơn gấp bội phần. Cũng vậy, mỗi khi chúng ta biết quảng đại trao ban cho người khác, cũng là lúc chúng ta đang làm phong phú hơn đời sống của chính mình.
Sau cùng, lời Thánh Phaolô Tông đồ trong thư thứ 2 gửi Giáo đoàn Côrintô hôm nay dạy chúng ta: “Anh em hãy vui mừng và gắng nên hoàn thiện. Hãy khuyến khích nhau, hãy đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hoà. Như vậy, Thiên Chúa là nguồn yêu thương và bình an, sẽ ở cùng anh em. (2Cr 13,11). Hạnh phúc biết bao khi được Thiên Chúa ở cùng. Nhưng để đạt được hạnh phúc đó, mỗi chúng ta cần phải biết đồng tâm nhất trí và ăn ở thuận hòa với nhau.
Nguyện xin Ba Ngôi Thiên Chúa là suối nguồn Tình Yêu, giúp mỗi người chúng ta biết ngày một trở nên hoàn thiện hơn nhờ đời sống hiệp thông và trao ban cho người khác.
Lm Jos. Nguyễn Văn Tuyên
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 71 | Tổng lượt truy cập: 4,046,120