Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật XXIII Thường Niên A

  • 14/09/2023
  • Như lòng Chúa khoan dung

    Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật XXIII Thường Niên A

    Mt 18, 15-20

    Như lòng Chúa khoan dung

    Đã làm người, ai trong chúng ta cũng có lầm lỗi. Tuy nhiên, đối với lỗi lầm của người khác, chúng ta thường có hai thái độ: hoặc là quá khắc nghiệt loại trừ, hoặc là quá thờ ơ lãnh đạm. Cả hai thái độ đó đều thiếu xây dựng. Quá khắc nghiệt loại trừ sẽ khiến ta can thiệp thô bạo vào đời tư, sẽ gây ra bất mãn, đổ vỡ. Quá thờ ơ lãnh đạm sẽ buông thả mặc cho sự xấu tràn lan, sẽ làm cho xã hội suy thoái.

    Một câu chuyện ngụ ngôn kể rằng, khi Thượng Đế tạo ra con người, Ngài đã gắn cho họ hai cái túi vô hình: một túi chứa lỗi lầm của mọi người đeo trước ngực, còn cái túi kia chứa lỗi lầm của mình thì đeo ở sau lưng. Và rồi đoàn người cứ nối đuôi nhau mà bước đi. Những chiếc túi cũng bắt đầu bốc mùi hôi thối. Không cầm lòng được, một người trong đoàn lên tiếng: Khiếp quá, này anh đi đằng trước tôi, anh nên tránh ra chỗ khác thì hơn, bởi anh đứng trước tôi, cái mùi hôi thối do tội lỗi của anh bốc ra khiến tôi không tài nào ngửi được nữa rồi. Anh ta vừa dứt lời thì người đứng đằng sau anh cũng lên tiếng mắng chửi, rằng anh ta cũng không thể chịu đựng được cái mùi bốc ra từ chiếc túi ngay trước mặt. Thế là chẳng mấy chốc cả đoàn người cãi nhau om sòm. Tuy nhiên, chẳng ai trong số họ hiểu được rằng, họ chỉ ngửi được mùi bốc ra từ chiếc túi trước mặt, trong khi chính lỗi lầm của họ thì để ở sau lưng cũng khiến người khác phải khó chịu không kém.

    ***

    Trên đây chỉ là câu chuyện ngụ ngôn, để nói lên rằng, đôi khi, chúng ta chỉ nhìn thấy lỗi lầm của anh em để lên án, để kết tội, mà không biết rằng, chính chúng ta cũng còn nhiều thiếu sót, thậm chí còn nhiều hơn họ.

    Bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu đưa ra cho chúng ta cách thức để sửa lỗi cho anh chị em mình.

    Cứ sự thường, chẳng ai lại thích sửa lỗi người khác, vì đây là một công việc vô cùng tế nhị và khó khăn. Tế nhị vì lời nói thật thường khó nghe, nên ít ai muốn nói sự thật, nếu không phải là người thực sự thân thiết với mình. Người xưa có câu: “Thuốc đắng giã tật lời thật mất lòng” là vậy.

    Về phía người được sửa lỗi thì chẳng ai lại muốn người khác biết được điểm yếu của mình, cũng không ai lại muốn “vạch áo cho người xem lưng”. Người đi sửa lỗi nếu không khéo hay vụng về cách nào đó thì anh em sẽ cho rằng mình “sửa lưng” anh em chứ không phải “sửa lỗi” anh em. Thậm chí, còn bị quy kết là miệt thị, hạ giá anh em hơn là muốn anh em mình nên tốt. Hay sẽ bị anh em mắng lại: “Chân mình thì lấm mê mê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người”. Vậy chúng ta nên hành xử thế nào cho phải ?

    Trong bài Tin Mừng hôm nay, Chúa Giêsu dạy chúng ta: Khi sửa lỗi, chúng ta phải đối xử với họ trong tình “anh em". Nếu để ý, chúng ta sẽ thấy trong đoạn Tin Mừng này, chữ "anh em" được lặp đi lặp lại rất nhiều lần. 

    Tiếp đến, việc sửa lỗi cần diễn tiến từ kín đáo đến công khai: "riêng ngươi và nó". Nếu người đó không nghe, cần “đem theo một hoặc hai người nữa”. Nếu người đó vẫn không chịu nghe, chúng ta cần “Trình với cộng đoàn”. Và sau cùng, nếu người đó vẫn còn ngoan cố, chúng ta hãy “Kể nó như người ngoại và người thu thuế”.

    Không ít người trong chúng ta hiểu rằng: hãy “Kể nó như người ngoại và người thu thuế” ở đây là buông xuôi, phó mặc, không can thiệp gì nữa, nhưng đúng ra phải hiểu câu nói này có nghĩa là: giao phó người anh em cho lòng thương xót của Thiên Chúa. Vì những người thu thuế và tội lỗi lại là những người được Chúa yêu thương cách đặc biệt, như lời người phán: “Ta đến không phải để kêu gọi người công chính, nhưng để kêu gọi người tội lỗi”.

    Chúng ta cần ý thức rằng: Sửa lỗi anh em trong đức ái không có nghĩa là dò xét bới móc, “vạch lá tìm sâu”, “bới lông tìm vết” hay “bới bèo ra bọ”. Sửa lỗi anh em cũng không phải là: kể ra lỗi lầm của anh em với bất cứ ai, nhưng là ý thức rằng tôi cũng có lỗi lầm, tôi cũng đầy khuyết điểm và tôi cũng cần người khác sửa lỗi. Thế nên, mục đích của việc sửa lỗi ở đây không phải là để kết án anh em mình, mà là để thu phục, làm cho người anh em trở lại với cộng đoàn, để cho anh em được nên hoàn thiện hơn.

    Về phía người được sửa lỗi cũng cần phải có thái độ khiêm tốn, lắng nghe một cách chân thành. Tuân Tử nói rằng: “Kẻ khen ta mà khen thật mới chỉ là bạn ta. Kẻ chê ta mà chê thật là thầy ta. Còn kẻ nịnh hót, tâng bốc ta là những kẻ chỉ làm hại đời ta mà thôi”.

    ***

    Trên phương diện lý thuyết thì như vậy, nhưng trong thực tế, để thực hành việc sửa lỗi cho nhau là điều không hề đơn giản. Chẳng nói đâu xa, việc sửa lỗi cách nào đó vẫn thường xảy ra trong gia đình hay nơi cộng đoàn chúng ta: vợ chồng sửa lỗi cho nhau, cha mẹ sửa lỗi cho con cái,… Tuy nhiên, chính chúng ta cũng thấy, khen nhau thì dễ mà sửa lỗi nhau sao lại khó khăn đến vậy ! Mặc dù vợ chồng « đầu ấp, tay kề », nhiều lúc còn chẳng dám góp ý, nói gì đến người ngoài !

    Người xưa từng nói: «Lời nói chẳng mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau». Quả vậy, góp ý, sửa lỗi là điều cần thiết, nhưng cũng phải biết tế nhị, không phải bất cứ lúc nào cũng góp ý. Thường trong gia đình hay sửa lỗi nhau trong bữa ăn, vì cho rằng chỉ có bữa cơm mới có mặt đầy đủ mọi thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, theo các nhà tâm lý, đó là điều không nên chút nào. Hãy khéo léo lựa dịp thuận tiện, hai bên cùng vui vẻ, thoải mái hãy góp ý kiến, lúc đó sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

    Cuối cùng, cùng với những lời góp ý trong xây dựng và chân thành, chúng ta cũng đừng quên cầu nguyện cho người ta muốn sửa lỗi, nhất là cầu nguyện cùng với cộng đoàn. Vì như Lời Chúa nói : “Nếu ở dưới đất, hai người trong anh em hợp lời cầu xin bất cứ điều gì, thì Cha Thầy, Đấng ngự trên trời, sẽ ban cho”.

    Hiệp dâng thánh lễ hôm nay, chúng ta hãy mặc lấy tâm tình của Chúa Giêsu - Đấng đã từng quả quyết : «Ta không muốn kẻ gian ác phải chết, nhưng muốn nó ăn năn thống hối để được sống » để nhờ đó, chúng ta cũng biết yêu thương hết thảy mọi người, nhất là những người tội lỗi. Vì họ chính là đối tượng của lòng Chúa yêu thương.

     

    Lm Jos. Nguyễn Văn Tuyên

    Bài viết liên quan