Bài 8: ĐỨC GIÊ-SU CHUẨN BỊ RAO GIẢNG TIN MỪNG (Lc 3,21-4,13)
Câu 1: Đoạn này (Lc 3,21-13) có thể được chia làm mấy phần nhỏ?
Thưa: Chúng ta có thể chia đoạn này thành 3 phần nhỏ:
Câu 2: Tin Mừng Lu-ca kể về việc Chúa Giê-su chịu phép rửa thế nào?
Thưa: 21Khi toàn dân đã chịu phép rửa, Đức Giê-su cũng chịu phép rửa, và đang khi Người cầu nguyện, thì trời mở ra, 22và Thánh Thần ngự xuống trên Người dưới hình dáng chim bồ câu. Lại có tiếng từ trời phán rằng: “Con là Con của Cha; ngày hôm nay, Cha đã sinh ra Con” (Lc 3,21-22).
Câu 3: Các chi tiết “trời mở ra”, “Thánh Thần ngự xuống” và “tiếng nói từ trời” có ý nghĩa gì với độc giả thời đó?
Thưa: Đối với người Do Thái thời đó, ba việc này cho thấy: đây là thời kỳ Thiên Chúa viếng thăm dân Ngài như đã hứa, thời Đấng Mê-si-a đến cứu độ dân Ngài.
Câu 4: Việc Đức Giê-su chịu phép rửa có ý nghĩa gì?
Thưa: Là “Con Đấng Tối Cao” (Lc 1,32), nên Đức Giê-su không có tội. Nhưng Ngài đã đồng hành với dân trên con đường sám hối, như sau này chính Ngài kêu gọi dân thay đổi đời sống, và cũng chính Ngài sẽ cứu dân khỏi tội lỗi qua “phép rửa” (Lc 12,49) là chính cái chết của Ngài. Quan trọng hơn nữa, biến cố này là cơ hội để Thiên Chúa Cha xác nhận Đức Giê-su chính là Con Thiên Chúa.
Câu 5: Đoạn Thánh Kinh trên là nền tảng cho niềm tin nào của chúng ta?
Thưa: Đoạn Thánh Kinh trên không chỉ cho chúng ta biết về thần tính của Đức Giê-su mà còn vén tỏ màu nhiệm Một Thiên Chúa Ba Ngôi.
Câu 6: Bản gia phả của Đức Giê-su trong Tin Mừng Lu-ca nói lên điều gì?
Thưa: Sau khi cho thấy thiên tính của Đức Giê-su, giờ đây tác giả Tin Mừng Lu-ca giới thiệu nguồn gốc nhân loại của Người qua bản gia phả. Như vậy, qua Lu-ca 3, 21-38, tác giả muốn cho thấy hai bản tính của Đức Giê-su: Ngài vừa là con nhân loại, vừa là con Thiên Chúa; là Thiên Chúa thật và cũng là người thật.
Câu 7: Chúng ta nên biết gì về những bản gia phả của người Do Thái thời xưa?
Thưa: Có hai điều chúng ta cần lưu ý. Thứ nhất, đối với người Do Thái xưa, gia phả rất quan trọng, vì nó giúp xác định dòng dõi, địa vị, và những đặc quyền của một người. Chẳng hạn, Đức Giê-su được xác định thuộc dòng dõi Đa-vít trong Lu-ca. Qua đó, tác giả giới thiệu: Đức Giê-su chính là vị Mê-si-a đến từ nhà Đa-vít mà dân đang mong đợi.
Thứ hai, các tác giả thường chú ý đến tên gọi ở đầu và tên gọi ở cuối của bản gia phả để nói lên sự kết nối giữa họ, trong khi một số tên ở giữa hai tên đó có thể lược bỏ. Trong bản gia phả của Lu-ca, người đầu tiên là Đức Giê-su, và người cuối cùng là A-đam. Làm như vậy, tác giả muốn liên kết Đức Giê-su với nguyên tổ A-đam, nhằm nhấn mạnh mối liên hệ giữa Người với toàn thể nhân loại để cứu chuộc họ.
Câu 8: Tác giả Tin Mừng Lu-ca bắt đầu kể về việc Đức Giê-su chịu cám dỗ như thế nào?
Thưa: Lu-ca kể rằng: “Đức Giê-su được đầy Thánh Thần, từ sông Gio-đan trở về. Suốt bốn mươi ngày, Người được Thánh Thần dẫn đi trong hoang địa và chịu quỷ cám dỗ” (Lc 4,1-2).
Câu 9: Tác giả có ý gì khi viết như vậy?
Thưa: Khi viết, “Đức Giê-su được đầy Thánh Thần, từ song Gio-đan trở về…”, tác giả cho thấy sự liền mạch giữa biến cố Đức Giê-su chịu phép rửa và biến cố Ngài chịu cám dỗ. Nói cách khác, Đức Giê-su chịu thử thách với tư cách là Con Thiên Chúa (Lc 3,22), và chính Thánh Thần đã dẫn Ngài vào cuộc thử thách để Ngài chứng tỏ mình xứng đáng là Con Thiên Chúa.
Câu 10: Cám dỗ thứ nhất xảy ra thế nào?
Thưa: Lu-ca kể: “Trong những ngày ấy, Người không ăn gì cả, và khi hết thời gian đó, thì Người thấy đói. 3Khi ấy quỷ nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa thì truyền cho hòn đá này hoá bánh đi!” 4Nhưng Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Người ta sống không chỉ nhờ cơm bánh.” (Lc 4,2-4).
Câu 11: Cám dỗ thứ hai xảy ra thế nào?
Thưa: Sau đó, quỷ đem Đức Giê-su lên cao, và trong giây lát, chỉ cho Người thấy tất cả các nước thiên hạ. 6Rồi nó nói với Người: “Tôi sẽ cho ông toàn quyền cai trị cùng với vinh hoa lợi lộc của các nước này, vì quyền hành ấy đã được trao cho tôi, và tôi muốn cho ai tuỳ ý. 7Vậy nếu ông bái lạy tôi, thì tất cả sẽ thuộc về ông.” 8Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời chép rằng: Ngươi phải bái lạy Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi, và phải thờ phượng một mình Người mà thôi” (4,5-8).
Câu 12: Cám dỗ thứ ba xảy ra thế nào?
Thưa: Quỷ lại đem Đức Giê-su đến Giê-ru-sa-lem và đặt Người trên nóc Đền Thờ, rồi nói với Người: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì đứng đây mà gieo mình xuống đi! 10Vì đã có lời chép rằng: Thiên Chúa sẽ truyền cho thiên sứ gìn giữ bạn. 11Lại còn chép rằng: Thiên sứ sẽ tay đỡ tay nâng, cho bạn khỏi vấp chân vào đá.” 12Bấy giờ Đức Giê-su đáp lại: “Đã có lời rằng: Ngươi chớ thử thách Đức Chúa là Thiên Chúa của ngươi.”13Sau khi đã xoay hết cách để cám dỗ Người, quỷ bỏ đi, chờ đợi thời cơ.
Câu 13: Câu chuyện về các cám dỗ có liên quan đến những gì được viết sau đó không?
Thưa: Trong câu chuyện trên, ma quỷ đã cám dỗ Đức Giê-su sử dụng bản tính và quyền năng Thiên Chúa của Ngài để phục vụ lợi ích của chính mình, từ bỏ nhiệm vụ Ngài được trao phó. Nhưng, Đức Giê-su đã từ chối những cám dỗ của ma quỷ, vì Ngài tuyệt đối trung thành với kế hoạch của Chúa Cha. Những công việc Đức Giê-su sẽ làm sau này cũng vậy: Ngài không phải tự ý mình làm việc gì; nhưng trong mọi việc, làm theo thánh ý Chúa Cha, làm với tư cách là người con trung thành của Thiên Chúa.
Câu 14: Câu chuyện Đức Giê-su chịu thử thách cho chúng ta bài học gì?
Thưa: Không ai có thể tránh được thử thách. Vấn đề là phản ứng của chúng ta trước những thử thách. Chúng ta có hướng về Thiên Chúa để được Ngài dẫn dắt để vượt qua nó không? Chúng ta tìm mọi cách khẳng định quyền kiểm soát của mình ngay cả khi không thể, hay tuyệt đối tin tưởng phó thác vào Thiên Chúa, tìm kiếm sự “nghỉ ngơi” trong Ngài? Nếu muốn đứng vững và lớn lên về mặt tâm linh, chúng ta cần hướng về Thiên Chúa giữa những thử thách đó…
BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN GPTB
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 93 | Tổng lượt truy cập: 5,061,259