Bài 4: Gio-an Tẩy Giả chào đời (Lc 1,57-80)

  • 29/12/2024
  • Người Do-thái thực hiện nghi thức cắt bì cho trẻ nam sau khi sinh được tám ngày vì trong sách Lê-vi, Thiên Chúa đã phán với Mô-sê để ông truyền lại cho dân thực hiện nghi thức này khi đứa trẻ sinh ra được đủ thời gian theo quy định (x. Lv 12,2-4).

    BÀI 4: GIO-AN TẨY GIẢ CHÀO ĐỜI

    (Lc 1,57-80)

    Câu 1: Khi Gio-an Tẩy Giả chào đời, mọi người tỏ ra thế nào?

    Thưa: 57Tới ngày mãn nguyệt khai hoa, bà Ê-li-sa-bét sinh hạ một con trai. 58Nghe biết Chúa đã quá thương bà như vậy, láng giềng và thân thích đều chia vui với bà.

    Câu 2: Việc đặt tên cho Gio-an diễn ra thế nào?

    Thưa:  59Khi con trẻ được tám ngày, họ đến làm phép cắt bì, và tính lấy tên cha là Da-ca-ri-a mà đặt cho em. 60Nhưng bà mẹ lên tiếng nói: “Không, phải đặt tên cháu là Gio-an.” 61Họ bảo bà: “Trong họ hàng của bà, chẳng ai có tên như vậy cả.” 62Rồi họ làm hiệu hỏi người cha, xem ông muốn đặt tên cho em bé là gì. 63Ông xin một tấm bảng nhỏ và viết: “Tên cháu là Gio-an.” Ai nấy đều bỡ ngỡ. 64Ngay lúc ấy, miệng lưỡi ông lại mở ra, ông nói được, và chúc tụng Thiên Chúa. 65Láng giềng ai nấy đều kinh sợ. Và các sự việc ấy được đồn ra khắp miền núi Giu-đê. 66Ai nghe cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?” Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em.

    Câu 3. Tại sao phải thực hiện nghi thức cắt bì cho con trẻ vào ngày thứ tám?

    Thưa: Người Do-thái thực hiện nghi thức cắt bì cho trẻ nam sau khi sinh được tám ngày vì trong sách Lê-vi, Thiên Chúa đã phán với Mô-sê để ông truyền lại cho dân thực hiện nghi thức này khi đứa trẻ sinh ra được đủ thời gian theo quy định (x. Lv 12,2-4).

    Câu 4: Tại sao người ta lại muốn lấy tên Da-ca-ri-a mà đặt tên cho con của ông?

    Thưa: Vì người Do-thái thời đó thường đặt tên của con cháu theo tên của cha ông. (x.1 Mc 1:1-2; Josephus Life 15; Antiquities 14.1.3 10; 20.9.1 197; Jubilees 11:15).

    Câu 5: Việc hạ sinh và đặt tên cho Gio-an có ý nghĩa gì?

    Thưa: Những sự việc này có hai ý nghĩa sau:

    • Thứ nhất, tên gọi “Gio-an” có nghĩa là “Thiên Chúa đã ban ân sủng”. Gio-an chính là một hồng ân lớn lao mà Chúa đã thương ban cho ông Da-ca-ri-a và Ê-li-sa-bét trong tuổi già, đặc biệt để giúp bà xóa đi nỗi tủi hổ vô sinh (Lc 1,25).
    • Thứ hai, “Gio-an” chính là tên mà Thiên Chúa, qua thiên thần Gáp-ri-en, truyền cho Da-ca-ri-a đặt cho con mình, và ông đã vâng lời. Việc Thiên Chúa đặt tên cho Gio-an cho thấy cậu có một vai trò quan trọng trong kế hoạch cứu độ và thương ban hồng ân của Ngài.

    Câu 6: Tại sao ai nghe về Gio-an cũng để tâm suy nghĩ và tự hỏi: “Đứa trẻ này rồi ra sẽ thế nào đây?” Và quả thật, có bàn tay Chúa phù hộ em”?

    Thưa: Vì người ta thấy có ba điều lạ lùng đã xảy ra với Gio-an. Thứ nhất, Gio-an được sinh ra từ hai ông bà già không còn khả năng sinh con nữa (Lc 1,18). Thứ hai, đứa trẻ có một cái tên lạ lẫm đến bất thường (Lc 1,60.63). Thứ ba, tự nhiên Da-ca-ri-a bị câm (Lc 1,20), nhưng sau khi đặt tên cho cậu, ông lại tự nhiên nói được và ngợi ca Thiên Chúa (Lc 1,64). Những điều trên cho thấy có bàn tay Chúa đã ở với Gio-an; và người ta đoán rằng cậu sẽ là người được Thiên Chúa dùng cách đặc biệt.

    Câu 7: Những điểm đặc biệt trên còn cho chúng ta thấy gì nữa về Thiên Chúa?

    Thưa: Những điều trên cho thấy: với Gio-an, Thiên Chúa đã bắt đầu chuẩn bị thực hiện kế hoạch cứu độ như Ngài đã hứa. Nhưng, cách thức hành động của Thiên Chúa đôi khi khác với những gì là truyền thống, văn hóa, và vượt qua những suy nghĩ thông thường của con người. Vì vậy, chúng ta cần phải có “con tim biết lắng nghe” (x. 1V 3,9) mới nhận ra sự hiện diện và hoạt động của Thiên Chúa.

    Câu 8: Sau khi đặt tên cho con trẻ là Gio-an, ông Da-ca-ri-a đã làm gì?

    Thưa: 67Bấy giờ,… ông Da-ca-ri-a, được đầy Thánh Thần, liền nói tiên tri rằng:

    68Chúc tụng Đức Chúa

    là Thiên Chúa Ít-ra-en

    đã viếng thăm cứu chuộc dân Người.

    69Từ dòng dõi trung thần Đa-vít,

    Người đã cho xuất hiện

    Vị Cứu Tinh quyền thế để giúp ta,

    70như Người đã dùng miệng

    các vị thánh ngôn sứ

    mà phán hứa tự ngàn xưa:

    71sẽ cứu ta thoát khỏi địch thù,

    thoát tay mọi kẻ hằng ghen ghét;

    72sẽ trọn bề nhân nghĩa với tổ tiên

    nhớ lại lời xưa giao ước;

    73Chúa đã thề với tổ phụ Áp-ra-ham

    rằng sẽ giải phóng ta khỏi tay địch thù,

    74và cho ta chẳng còn sợ hãi,

    75để ta sống thánh thiện

    công chính trước nhan Người,

    mà phụng thờ Người suốt cả đời ta.

    76Hài Nhi hỡi, con sẽ mang tước hiệu

    là ngôn sứ của Đấng Tối Cao:

    con sẽ đi trước Chúa,

    mở lối cho Người,

    77bảo cho dân Chúa biết:

    Người sẽ cứu độ

    là tha cho họ hết mọi tội khiên.

    78Thiên Chúa ta đầy lòng trắc ẩn,

    cho Vầng Đông

    tự chốn cao vời viếng thăm ta,

    79soi sáng những ai ngồi nơi tăm tối

    và trong bóng tử thần,

    dẫn ta bước vào đường nẻo bình an.

    Câu 9: Nội dung chính của bài ca này là gì?

    Thưa: (Lc 1,68). Những phần khác giải thích và mở rộng chủ đề này.Chúc tụng Đức Chúa là Thiên Chúa Ít-ra-en đã viếng thăm cứu chuộc dân Người.” Ý chính của bài thánh ca này là: “

    Câu 10: Bài ca “Chúc Tụng” có thể được chia làm mấy phần?

    Thưa: Ngoài phần mở đầu (Lc 1,67) và kết luận tóm tắt (Lc 1,78-79), bài ca này có thể được chia làm ba phần chính:

    • Phần chính thứ nhất (Lc 1,68b-71b) chúc tụng Thiên Chúa đã đến thăm viếng dân Ngài, mang đến cho họ sự cứu rỗi bằng cách ban cho họ một vị cứu tinh xuất thân từ nhà Đa-vít. Vị này chính là Chúa Giêsu, người là Đấng Mê-si-a.
    • Phần thứ hai (Lc 1,72a-75b) mô tả những gì Chúa sẽ làm theo đúng với lời Ngài đã hứa với Áp-ra-ham (Lc 1,73; cf. St 12,1-3) và tiên báo qua các vị ngôn sứ. Nói cách khác, phần này liên kết quá khứ với tương lai, cho thấy Thiên Chúa là Đấng yêu thương và trung thành.
    • Phần thứ ba (Lc 1,76-77) liên kết vai trò của Gio-an với việc Chúa thăm viếng dân Ngài. Đoạn này cũng là câu trả lời cho câu hỏi “con trẻ này sẽ ra sao” (Lc 1,66). Gio-an sẽ trở thành tiên tri của Đấng Tối Cao, sẽ đi trước Đức Chúa để mở lối cho Người.

    Câu 11: Những gì diễn ra với ông Da-ca-ri-a cho chúng ta gợi ý gì?

    Thưa: Lúc đầu, ông Da-ca-ri-a là người không tin vào thánh ý Thiên Chúa được tỏ lộ cho ông qua sứ thần, vì điều đó vượt quá sự hiểu biết của ông. Nhưng, dần dần ông nhận ra rằng chính Thiên Chúa, Đấng luôn yêu thương và trung thành, đã thực hiện kế hoạch cứu độ của Ngài với cách thức không ai ngờ. Và ông đã tin vào Thiên Chúa và dâng lời chúc tụng Ngài.

    Cũng vậy, thay vì tìm mọi cách kiểm soát cuộc sống và mọi sự theo ý mình, chúng ta cần nhìn mọi sự bằng con mắt đức tin để nhận ra rằng chính Thiên Chúa đang hướng dẫn thế giới và mỗi chúng ta theo cách thức của Ngài. Và chúng ta cần sẵn sàng bước theo ơn Ngài hướng dẫn trong tâm tình hoan ca tạ ơn.

    BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN GPTB

    Bài viết liên quan