DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT V THƯỜNG NIÊN
NĂM B
LM. Giuse M. Trần Xuân Chiêu
Tin Mừng (Mc 1,29-39)
Khi ấy, Chúa Giêsu ra khỏi hội đường, Người cùng với Giacôbê và Gioan đến nhà Simon và Anrê. Lúc ấy bà nhạc gia của Simon cảm sốt nằm trên giường, lập tức người ta nói cho Người biết bệnh tình của bà. Tiến lại gần, Người cầm tay bà, và nâng đỡ dậy. Bà liền khỏi cảm sốt và đi tiếp đãi các ngài.
Chiều đến, lúc mặt trời đã lặn, người ta dẫn đến Người tất cả những bệnh nhân, tất cả những người bị quỷ ám: và cả thành tụ họp trước cửa nhà. Người chữa nhiều người đau ốm những chứng bệnh khác nhau, xua trừ nhiều quỷ, và không cho chúng nói, vì chúng biết Người.
Sáng sớm tinh sương, Người chỗi dậy, ra khỏi nhà, đi đến một nơi thanh vắng và cầu nguyện tại đó. Simon và các bạn chạy đi tìm Người. Khi tìm thấy Người, các ông nói cùng Người rằng: "Mọi người đều đi tìm Thầy". Nhưng Người đáp: "Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa". Và Người đi rao giảng trong các hội đường, trong khắp xứ Galilêa và xua trừ ma quỷ.
Suy Niệm
Đoạn Tin Mừng Thánh Mac-cô thuật lại những hoạt động trong sứ vụ của Đức Giê-su như chữa lành bệnh tật, trừ ma quỷ và rao giảng Tin mừng cứu độ cho nhân loại.
Người ta thắc mắc tại sao Chúa đau khổ? Tại sao Chúa gieo rắc bệnh tật để rồi Người phải đi cứu chữa? Người ta không hiểu tại sao người It-ra-en phản ứng thay vì kính phục trước phép lạ Đức Giê-su làm trong Hội đường của họ?
1. Sứ vụ chữa lành của Đức Giê-su
Đức Giê-su cứu chữa bệnh tật thân xác: Rời hội đường Ca-pha-na-um, Đức Giê-su và các môn đệ đi đến nhà ông Si-mon, để chữa bệnh sốt cho bà mẹ vợ của ông. Bệnh tật là nỗi khắc khổ của nhân loại, nó luôn đeo đẳng với cuộc sống con người. Trong thế gian văn minh ngày nay, người ta càng phải đối đầu với những bệnh dịch nguy hiểm hơn, có những chứng bệnh mà người ta sợ không dám nhắc đến tên như bệnh sars, bệnh sida, cúm gia cầm, cúm heo... nó thường mang đến rủi ro, nghèo đói, tử thần. Đức Giê-su tiếp tục "chữa đủ thứ bệnh" mà người ta đem đến, để chứng tỏ quyền năng của Người, đồng thời cũng để nhấn mạnh sứ vụ của Người, là biến Nước Trời thành công cụ xoá bỏ bất công, tội lỗi, chữa lành bệnh tật. Tuy nhiên, Chúa không đến để tiêu diệt đau khổ, xóa hết mọi thứ bệnh tật, nhưng Người đem lại sự đau khổ một ý nghĩa siêu nhiên.
Đức Giê-su cứu chữa đời sống tinh thần con người: Thánh Mac-cô tiếp tục kể những câu chuyện trừ quỷ khác. Ma quỷ luôn hoạt động để kiềm tỏa, trói buộc con người làm nô lệ cho nó, với rất nhiều chiêu bài làm cho con người mù quáng, mất hết nghị lực. Đức Giê-su xua đuổi ma quỷ ra khỏi con người và hướng dẫn họ vượt ra vòng xoáy của cám dỗ. Có điều ở đây Đức Giê-su "không cho ma quỷ nói sự thật về Người." Đây là bí mật Thiên Sai, Đức Giê-su không muốn chương trình của Người bị đổi thay; công bố quá sớm về vai trò Thiên tính của Người, mà chưa được chứng kiến những đau khổ và cái chết của Người sẽ có nguy cơ chối bỏ Đức Ki-tô. Đó cũng là lí do tại sao người It-ra-en lại phản ứng với những việc Chúa làm trong hội đường, dù đó là những phép lạ.
Đức Giê-su cứu chữa linh hồn con người: Sau khi chữa bệnh, trừ quỷ, Đức Giê-su tìm nơi vắng vẻ cầu nguyện, rồi cùng các môn đệ tiếp tục đi rao giảng: "Chúng ta hãy đi nơi khác, đến các làng xã xung quanh để Thầy còn rao giảng ở đó nữa, vì Thầy ra đi cốt để làm việc đó"(Mc 1,38). Đức Giê-su tuyên bố sứ vụ chính yếu của Người là đi loan báo Tin Mừng, và để củng cố cho lời giảng, Người đã làm các phép lạ và cầu nguyện. Đức Giê-su muốn mọi người nhận biết Tin Mừng để thực hiện Lời Chúa và để đạt được chân lí. Lời Chúa hướng dẫn con người tới sự sống đời đời.
2. Sứ vụ của con người
Đức Giê-su đã đến giữa thế gian, loan báo Tin mừng, chữa bệnh và nêu gương sáng cho tất cả mọi người phải noi theo:
Hãy dấn thân phục vụ: Cuộc sống con người phải đối mặt với rất nhiều phức tạp, cạm bẫy, đau khổ. Con người phải trải nghiệm đói nghèo, cô đơn, bệnh tật, bất công, tai nạn, tội lỗi. Họ rất cần sự nâng đỡ của những bàn tay nhân ái, với tinh thần phục vụ hết mình. Đức Giê-su chia sẻ cuộc sống của con người bằng nhiều hình thức. Chúa dành thời gian để rao giảng, chữa lành, phục vụ: "Con người đến không phải để được kẻ hầu người hạ, nhưng là để hầu hạ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người"(Mt 20,28). Đức Giê-su vất vả từ sáng đến tối, để xoa dịu nỗi đau của những người thất vọng, sợ hãi. Người Ki-tô không có thể làm phép lạ như Chúa, nhưng họ có những món quà quý giá bằng tinh thần phục vụ, qua cái nhìn thiện cảm, qua những cuộc thăm viếng chia sẻ công việc và những lời nói thân tình. Hãy đến với người bệnh, những nạn nhân, họ đang chờ sự dấn thân phục vụ của mỗi người.
Hãy cầu nguyện: Mặc dù đã làm việc từ sáng đến tối, nhưng Đức Giê-su vẫn dành thời gian cầu nguyện: "Sáng sớm, lúc trời còn tối mịt, Người đã dạy, đi ra một nơi hoang vắng để cầu nguyện ở đó"(Mc 1,35). Đức Giê-su vào nơi hoang vắng để cầu nguyện. Dù ở đâu cũng có Chúa, nhưng đến một nơi yên tĩnh, người ta sẽ có thời gian an bình, sẽ cảm thấy gần gũi với Chúa hơn. Cầu nguyện giúp người ta nạp thêm nguyên liệu, tạo cho con người phục hồi năng lực đã bị tiêu hao để có sức mạnh đi tiếp. Cầu nguyện còn là những lời cảm tạ Thiên Chúa, là nguồn Ân sủng giúp con người tiếp tục làm vinh danh Chúa và phục vụ tha nhân.
Hãy là chính mình: Con người phải gìn giữ bản chất của mình, mà Thiên Chúa đã tạo dựng nên giống hình ảnh Người. Đức Giê-su đã vâng theo ý Chúa Cha hoàn toàn, để loan báo Tin Mừng và phục vụ con người, bất chấp sự chống đối của ma quỷ, cũng như của người It-ra-en. Do tội Tổ tông mà con người phải đương đầu với khó khăn của cuộc sống và phải đấu tranh để vươn lên. Mỗi người có nỗi đau khổ riêng, mỗi giây qua đi là mỗi thập giá sẽ đến, người ta chỉ có thể dẹp bớt đau khổ bằng cách nhận ra thân phận của mình, bằng sự chấp nhận trong vui vẻ, bằng nụ cười trao tặng, bằng tình thương chia sẻ.
Cuộc đời con người như một màn kịch, được xây dựng và thực hiện bởi các diễn viên. Mỗi diễn viên đều có nhiệm vụ của mình. Con người sẽ đạt tới vinh quang khi đã hoàn thành diễn xuất trong cuộc đời ngắn ngủi của họ. Xin Chúa giúp mỗi người chúng ta hoàn thành nghĩa vụ hằng ngày của một diễn viên trong sân khấu Nước Chúa.
1. Tình liên đới
- Liên đới là nghĩa vụ do nhiều người cùng thực hiện và bên có quyền có thể đòi kẻ có nghĩa vụ thực hiện.
- Con người liên đới nhau, thế giới sẽ không còn sống trong cô đơn, không còn tranh giành lẫn nhau.
- Con người học sự liên đới từ thiên nhiên: Đất bồi đắp nhau tạo nên núi rừng. Tim bơm máu nuôi phổi, gan…
- Người Việt nói: “Tối lửa tắt đèn có nhau,” “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ,” hay “Bầu ơi thương lấy bí cùng.”
2. Lời Chúa hôm nay nói về tình liên đới
- Gióp nói về sự khổ dịch là số phận chung đời người: “Khổ dịch là đời sống của con người trên trái đất, ngày của họ giống như ngày của người làm công” (G 7,1).
- Phaolô nêu gương tình liên đới: “Tôi đã nên mọi sự đối với tất cả mọi người, để làm cho mọi người được cứu rỗi. Tất cả các việc đó, tôi làm vì Tin Mừng” (1 Cr 9,22).
- Đức Giêsu rao giảng mọi nơi và phục vụ mọi người: “Chúng ta hãy đi đến những làng, những thành lân cận, để Ta cũng rao giảng ở đó nữa” (Mc 1,38).
3. Thực hành tình liên đới theo gương Đức Giêsu
- Hãy noi gương Đức Giêsu sống liên đới. Cuộc sống con người rất cần sự quan tâm lẫn nhau. Đức Giêsu giảng dạy kết hợp với chữa bệnh, cho mẹ vợ Phêrô hết sốt. Bệnh viện nổi tiếng, công cụ hiện đại, thuốc đắt tiền, bác sĩ cao tay cũng không bằng tình yêu liên đới. Giống như tim, gan, phổi, thận, nếu lúc nào mà nó dừng nuôi cơ thể thì cũng là lúc nó không tồn tại nữa.
- Tin mạng: Ngày 3-11-2011, chàng có nick name ‘kẹo mút’ khoe‘chiến tích’ tông xe làm chết người trên Face-book, làm dấy lên làn sóng giận dữ của dân mạng.
- Hãy noi gương Đức Giêsu phục vụ lẫn nhau. Chúa nói về vai trò của Người: “Con Người đến để phục vụ và hiến dâng mạng sống làm giá chuộc muôn người.” Tuy nhiên thế gian chỉ thích được người khác phục vụ, thích ‘ngồi chỗ mát ăn bát vàng.’ Kitô hữu hay noi gương Đức Giêsu không quản mệt mỏi, để phục vụ mọi nhu cầu nhân loại.
- Hãy noi gương Đức Giêsu chia sẻ cuộc sống xã hội. Cuộc sống vật chất đã làm người ta loại trừ nhau, cướp đoạt, ‘cá lớn nuốt cá bé.’ Con người vẫn còn khoảng cách với nhau, khó có thể cùng chung xây dựng xã hội tốt đẹp. Đức Giêsu không làm phép lạ để hù dọa hay phô diễn tài năng, mà để dạy con người hãy quan tâm và chia sẻ đời sống cho nhau.
- Hãy noi gương Đức Giêsu chia sẻ đời sống tinh thần. Tin Mừng nhấn mạnh đến việc chữa bệnh ‘vô cảm’ nơi con người. Lao động kiếm sống là tốt và cần thiết, nhưng một khi họ đã coi vật chất, tiền bạc là tối thượng, thì đó là lối sống vô ơn. Khi người ta bỏ rơi tha nhân và quên ơn Tạo Hóa là họ đã phản bội lại với chính Đấng đã làm ơn cho mình.
- Truyện: Vở kịch dựng lên hai nhân vật, ông và bà ngồi cạnh nhau, nhưng rất xa lạ. Họ bắt đầu câu chuyện, với các sự trùng hợp kì lạ: Họ đều sinh ra cùng nơi, có con gái cùng tên, cùng sống một thành phố, cùng con đường, cùng một nhà, cùng chung cư, họ là chồng và vợ. Mục đích vở kịch nói về đôi vợ chồng tuy sống chung một nhà và đã có con với nhau, nhưng trong thâm tâm họ xa lạ với nhau(ST).
- Xin Chúa giúp chúng con biết chạnh lòng thương trước những đau khổ của anh em. Đừng sống vô cảm. Tin Mừng đòi hỏi phải phục vụ tha nhân cả thể chất lẫn tinh thần.
LM. Giuse M. Trần Xuân Chiêu
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 136 | Tổng lượt truy cập: 3,906,220