Chúa Nhật IV Phục Sinh Năm B - Lm Giuse Trần Xuân Chiêu

  • 21/04/2024
  • Chủ đề: Đoàn chiên

    LOẠT BÀI

    DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT IV PHỤC SINH

    NĂM B

    LM. Giuse M. Trần Xuân Chiêu

    ĐOÀN CHIÊN

    DÀN Ý

    1. Chiên

    - (Goat): 60% ăn chồi non(phá hại), 40% ăn cỏ, dê đực có râu cằm dưới; cừu 90% ăn cỏ, 10% ăn chồi non.

    - Chiên (lamp): Từ dùng gọi con cừu non dưới 1 tuổi.

    - Cừu (sheep): Danh từ chỉ chung cả loài(chiên cừu), nhưng hay dùng để gọi những con hơn 1 tuổi.

    - Chiên đem lại giá trị cho con người: Lông, thịt, sữa…

    - Chiên, bò, cừu gắn liền đời sống con người. Nó được dùng để đặt tên các đội bóng, công ty, đất nước.

    2. ‘Đoàn chiên’ trong đoạn TM Gioan (Ga 10,11-18)

    - Tin Mừng kể Đức Giêsu nhận Ngài là chủ chiên: “Tôi còn những chiên khác không thuộc ràn này. Tôi phải đưa chúng về. Chúng sẽ nghe tiếng tôi” (Ga 10,16).

    - Đức Giêsu còn nói sẽ chỉ có một đoàn chiên: “Và sẽ chỉ có một đoàn chiên và một mục tử” (Ga 10,16).

    3. Giáo hội và đoàn chiên

    - Đoàn chiên, trước hết là chỉ về dân Itrael, dân được tuyển chọn. Mục tử là hình ảnh quen thuộc của người Itraen. Thời Cựu Ước, hình ảnh người chăn chiên nói lên tương quan giữa Thiên Chúa và dân Itraen. Họ được coi như một đoàn chiên riêng của Thiên Chúa, được Người chăm sóc, nuôi dưỡng cách đặc biệt.

    - Đoàn chiên Giáo Hội. Chúa đã trao quyền: Hãy chăn dắt các chiên con Thầy.Có người nói, giáo dân có hai vai trò là quỳ gối trước bàn thờ và hướng về tòa giảng. Hồng y Gasquet hóm hỉnh thêm: Và vai trò móc ví ra. Trước đây, người ta lấy hình ảnh kim tự tháp để mô tả Giáo Hội: Chóp là giáo sĩ và đáy là giáo dân. Họ đã thực hành sai lời thánh Phaolô đã nói về một thân thể: Đức Giêsu là đầu, giáo sĩ hay giáo dân đều là chi thể.

    - Đoàn chiên phải nghe theo chủ chăn là Đức Kitô và Giáo Hội của Người. Có người thắc mắc, giáo dân bị coi thường như gia súc, đề cao cha xứ là mục tử? Thực tế chiên và nhiều con vật được người ta yêu quí, họ còn lấy con vật đặt làm biểu tượng cho cá nhân hay tập thể, thuộc nhiều tầng lớp. Ở đây, Ðức Giêsu mới là chủ đoàn chiên, mỗi thành viên có các vai trò khác nhau, không phân biệt nguồn gốc, giai cấp, địa vị.

    - Đoàn chiên‘Dân Thiên Chúa.Trên đường về Ðất Hứa, dân Itraen nhiều lần trách Môisen, rồi thờ ngẫu tượng. Giáo hội đang tiến về ‘Đất Hứa, có chiên, cũng có thú dữ. Các Tông đồ đã từng bỏ chạy, nhiều người cũng muốn rút lui để chạy theo sự quyến dũ của thần tượng và lạc thú. Kitô hữu phải trung thành với Giáo Hội đến cùng thì mới tới được Đất Hứa.

    - Juan Arias viết: “Linh mục là ai? Một số: Ông ta cô độc. Số khác: Ông ta là nhân viên bàn giấy. Khi thấy linh mục đi lại với nhà giàu, họ la: Đồ bần tiện đi xin! Giảng ngắn họ nói ông này lười không dọn bài giảng! Giảng quá 10 phút: Ông ta nói dai! Đi thăm các gia đình thì nói suốt ngày la cà, kiếm chác! Nếu ít đi thăm: Ông ta chẳng quan tâm con chiên! Còn trẻ thì kêu thiếu kinh nghiệm! Cao niên thì kêu là ông già hủ lậu!(ST)

    - Linh mục là người phàm yếu đuối, nhưng lại làm việc cao cả! Mỗi giáo dân được mời gọi cộng tác trở nên chiên ngoan như mong muốn của Chúa Kitô: “Tôi còn các chiên khác không thuộc đàn này. Tôi phải đưa chúng về. S chỉ một đoàn chiên và một mục tử.

    NGƯỜI MỤC TỬ

    Suy Niệm

    Đoạn Tin Mừng thánh Gio-an dẫn lại Lời dạy của Đức Giê-su về hình ảnh người mục tử và mối liên lạc giữa người mục tử với chiên, đặc biệt hình ảnh Người mục tử nhân lành, là Đức Giê-su, Đấng đã tự hiến mình vì đoàn chiên.

    Người ta có thể ngạc nhiên tại sao Đức Giê-su lại dùng từ "Tôi là," liệu có quá chú trọng đến cái tôi không? Những "mục tử giả hiệu" là ai? Liệu có hợp lí không, khi một người mục tử dám hi sinh cả đoàn chiên chỉ vì một con chiên bình thường gặp nạn?

    1. Người mục tử trong con mắt Đức Giê-su

    Đức Giê-su nhiều lần dùng hình ảnh người mục tử trong khi giảng dạy: Mục tử và đoàn chiên rất gần gũi, rất quen thuộc trong đời sống của Người It-ra-en, những người sống bằng nghề du mục. Trong thời Cựu Ước, tước hiệu mục tử được dùng nhiều trong tôn giáo, nó được biểu thị các vị thần, đồng thời cũng để biểu thị các vua chúa lúc bấy giờ. Ngoài ra mục tử cũng được dùng để nói về Thiên Chúa như trong sách Tiên tri E-giê-ki-en: "Như người Mục Tử chăm nom đoàn chiên mình... Ta sẽ dẫn chúng về lại đất hứa của Chúng" (Ez. 34). Đức Giê-su cũng dùng hình ảnh mục tử để giới thiệu vai trò của Người với nhân loại.

    Đức Giê-su gọi Mình là "Mục Tử nhân lành." Người phán: Tôi chính là Mục Tử nhân lành, Người chăn chiên thực sự. Đức Giê-su sử dụng từ "Tôi là" không phải để vỗ ngực tự đắc ra oai với thiên hạ, mà Người muốn dùng những hình ảnh quen thuộc gần gũi của người It-ra-en, cũng như ý nghĩa về Đấng Cứu Thế mà các Ngôn sứ đã tiên báo là chỉ đích danh về một mình Người thôi; không thể là ai khác được: không phải là một ông hoàng quyền thế, ăn trên ngồi chốc, mà là một người chăn chiên hiền lành, khiêm nhường, sẵn sàng thí mạng vì đoàn chiên. Đức Giê-su cũng nói lên sự thật, qua hình ảnh người mục tử, Người chính là Đấng cứu độ nhân loại trông chờ.

    Đức Giê-su cũng nhắc đến những mục tử giả hiệu: Người phán: "Người làm thuê, vì không phải là mục tử và không có chiên thuộc về riêng mình, nên thấy sói đến là bỏ chiên mà chạy"(Ga 10,12). Đức Giê-su mô tả những hành động không tốt nơi người mục tử này, để ám chỉ những nhà chức trách It-ra-en, đặc biệt là các thầy Tư tế, họ chỉ là những người chăn thuê, chỉ nhằm mục tiêu lợi nhuận kinh tế, họ đòi hỏi về tiền công, họ tính toán những sản phẩm từ con chiên như lông, thịt, sữa. Đức Giê-su thông cảm với những hoàn cảnh của người dân đang bị những mục tử giả hiệu, tham lam cấu xé phục vụ cho lợi ích cá nhân.

    2. Tư cách người mục tử nhân lành

    Đức Giê-su coi mình là mục tử nhân lành và Người đưa ra những tiêu chuẩn của người mục tử chăn chiên tốt lành:

    Mục tử nhân lành là người biết các chiên của mình: Cuộc sống con người là một hành trình từ nhỏ đến lớn để khám phá cái "biết." Người ta biết mọi thứ qua môi trường gia đình, xã hội, nhà trường, tôn giáo, qua tham quan du lịch. Thiếu hiểu biết người ta trở nên mặc cảm, cô đơn. Ngạn ngữ thường nói: "Khôn chết, dại cũng chết, chỉ có biết là sống." Chỉ những người chăn thuê mới miễn quan tâm đến "biết" những con chiên trong đàn, còn người chăn chiên đích thực biết rõ từng con chiên. Đức Giê-su khẳng định sự hiểu biết của Người đối với từng con chiên, cũng như hiểu biết giữa Người và Cha Người: Tôi biết chiên Tôi như Cha Tôi biết Tôi(Ga 10,14-15). Đức Giê-su, Vị Mục Tử nhân lành biết rõ đức tính, dáng mạo, hoàn cảnh, tâm tư, tình cảm, những nỗi đau và những nhu cầu của mỗi con người.

    Mục tử nhân lành là người có trách nhiệm: Tình yêu của người mục tử với đoàn chiên được thể hiện bằng sự quan tâm đến nhu cầu của mỗi con chiên. Người chăn thuê chẳng quan tâm theo dõi, để hiểu biết con chiên và bảo vệ đoàn chiên. Người chăn chiên đích thực cố gắng chu toàn nhiệm vụ hết sức của mình, với tư cách là người sở hữu đoàn chiên. Đức Giê-su hiểu biết hoàn toàn đoàn chiên của mình và Người dành trọn tình yêu với đoàn chiên. Như người mục tử chăm lo đến sức khoẻ, điều kiện sống, đồ ăn, thức uống để bảo đảm cuộc sống của từng con chiên, Đức Giê-su biểu hiện sự quan tâm cặn kẽ, cung cấp lương thực bằng Lời Chúa và Ân Sủng, để loài người phát triển niềm tin và thực hiện mệnh lệnh Chúa.

    Mục tử nhân lành là người dám hi sinh vì đoàn chiên: Thực ra Đức Giê-su không có ý so sánh giá trị vật chất, để người mục tử đổi 99 con chiên, thậm chí cả mạng sống mình với một con chiên, mà Người muốn nói đến tình yêu của người mục tử dám hy sinh tất cả để bảo vệ mọi con chiên. Đức Giêsu phán: "Không có tình yêu nào lớn hơn tình yêu của người thí mạng sống mình vì bạn hữu"(Ga 15,13). Đây là thứ tình yêu cao đẹp, tình yêu say mê, tình yêu không biên giới. Cây Thập giá là biểu tượng vĩ đại cho tình yêu của vị Mục Tử nhân lành. Đức Giê-su đã giới thiệu cho loài người một hình ảnh tuyệt vời của người Mục Tử nhân lành, là khao khát, làm cho "đoàn chiên được sống và sống dồi dào"(Ga 10,10).

    3. Ơn gọi trong Giáo Hội

    Đức Giê-su, Vị Mục Tử luôn yêu thương con chiên và Người kêu gọi mọi người đáp trả tình yêu thương của Người:

    Ơn gọi biết Chúa: Thế giới còn rất nhiều người chưa biết Thiên Chúa. Ngay cả những người mang danh Ki-tô hữu cũng chưa biết Chúa đầy đủ. Họ biết đủ thứ đam mê, họ biết hầu hết những nhân vật trong điện ảnh, ca sĩ, nhà thể thao, họ biết đủ mọi thứ món ăn, rượu xịn, nhưng họ lại rất mập mờ về Chúa. Họ càng chẳng biết nhiều về Đức Giê-su, Đấng đã sống với cuộc sống của con người trong lịch sử nhân loại. Biết Chúa giúp con người yêu Chúa và yêu thương tha nhân. Biết Chúa giúp con người phấn đấu vượt khó theo gương Đức Kitô. Biết Chúa giúp người ta được sống dồi dào.

    Ơn gọi trung thành: Biết Chúa chưa đủ, người ta phải luôn trung thành và sống theo Lời dạy của Người. Đức Giê-su đã trung thành trong tình yêu đối với nhân loại cho đến chết trên Thập giá; Người cũng đã trung thành với Cha Người cách tuyệt đối. Đây là đặc tính làm cho Đức Giê-su trở thành Mục Tử siêu việt. Con người cũng sẽ trải nghiệm lòng trung thành qua các biến cố xã hội, những cạm bẫy của quỷ ma, những khó khăn của cuộc sống: đói nghèo, bệnh tật, rủi ro, giam cầm, cô đơn. Con người được yêu thương săn sóc, họ càng phải theo guơng Đức Giê-su trung thành với Chúa Cha đến cùng để đáp trả tình yêu đó.

    Ơn gọi thiên triệu: Đây là chủ đề quan trọng trong đoạn Tin Mừng này. Muốn cho người khác biết Chúa, cần phải có nhiều ơn gọi làm tông đồ; muốn cho có nhiều mục tử tốt lành, phải quan tâm đến việc đào tạo ơn gọi. Ngày nay xã hội không quan tâm đến đàn chiên nữa, họ chỉ biết đến đoàn xe, đoàn múa, đàn nhạc, đoàn người trong các thành phố. Ơn gọi làm linh mục, trừ một vài nước như ở Việt Nam, Hàn Quốc, còn tất cả đều thiếu hụt linh mục nghiêm trọng. Tại Phi-lip-pin, một nước có trên 90% dân số là Công giáo mà mỗi linh mục xứ phải phụ trách tới 100.000 giáo dân; mỗi ngày nhà thờ xứ cử hành 10 Thánh lễ, và mỗi lễ có thể phục vụ hơn 500 người tham dự tại các nhà thờ ở đây, tổng cộng chỉ có 5.000 người tức 1/20 người Công giáo được dự lễ. Một linh mục ở Việt Nam phải phụ trách khoảng 2.000 giáo dân đã là nặng nề, vậy lấy đâu ra mục tử để phục vụ gần 80 triệu người còn lại chưa nhận biết Chúa. Ơn gọi linh mục đang và mãi là mối quan tâm hàng đầu của Giáo hội.

    Chúng ta hãy cầu xin Chúa, để Giáo hội có nhiều lớp trẻ theo ơn gọi, và có nhiều người nỗ lực giúp đỡ ơn thiên triệu nơi các gia đình Ki-tô hữu trên khắp hoàn cầu.

    Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu

    Bài viết liên quan