Lễ Thánh Gia - Lm Giu-se Trần Xuân Chiêu

  • 29/12/2024
  • Chủ đề: Gia đình Thánh

     

    LOẠT BÀI

    DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG NĂM C

    LỄ THÁNH GIA

    Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu

    Phúc Âm (Lc.2.41-52)

    Hằng năm cha mẹ Chúa Giêsu có thói quen lên Giêrusalem để mừng lễ Vượt Qua. Lúc bấy giờ Chúa Giêsu lên mười hai tuổi, cha mẹ Người đã lên Giêrusalem, theo tục lệ mừng ngày lễ Vượt Qua. Và khi những ngày lễ đã hoàn tất, hai ông bà ra về, trẻ Giêsu đã ở lại Giêrusalem mà cha mẹ Người không hay biết. Tưởng rằng Người ở trong nhóm các khách đồng hành, hai ông bà đi được một ngày đàng, mới tìm kiếm Người trong nhóm bà con và những kẻ quen biết. Nhưng không gặp thấy Người, nên hai ông bà trở lại Giêrusalem để tìm Người. Sau ba ngày, hai ông bà gặp thấy Người trong đền thờ đang ngồi giữa các thầy tiến sĩ, nghe và hỏi các ông. Tất cả những ai nghe Người nói đều ngạc nhiên trước sự hiểu biết và những câu Người đáp lại.

    Nhìn thấy Người, hai ông bà đã ngạc nhiên, và mẹ Người bảo Người rằng: "Con ơi, sao Con làm cho chúng ta như thế? Kìa cha Con và mẹ đây đã đau khổ tìm Con". Người thưa với hai ông bà rằng: "Mà tại sao cha mẹ tìm Con? Cha mẹ không biết rằng Con phải lo công việc của Cha Con ư?" Nhưng hai ông bà không hiểu lời Người nói.Bấy giờ Người theo hai ông bà trở về Nadarét, và Người vâng phục hai ông bà. Maria mẹ Người ghi nhớ những việc đó trong lòng. Còn Chúa Giêsu thì tiến tới trong sự khôn ngoan, tuổi tác và ân sủng, trước mặt Thiên Chúa và người ta.

    GIA ĐÌNH HẠNH PHÚC

    1. Gia đình Thánh Gia

    - Gia đình đầu tiên hạnh phúc được chúc phúc: “Chiều chiều Chúa tản bộ cùng con người ở vườn địa đàng”(Stk 2,8).

    - Anna và Joakim tuổi già hạnh phúc, được Chúa cho sinh con. Họ lên đền thờ tạ ơn và dâng lại cho Chúa.

    - Thánh Gia hạnh phúc, được biểu lộ ngay tại Belemđược ở bên Hài Nhi Giêsu. Có Giuse luôn trách nhiệm, lắng nghe tiếng Chúa: “Hãy dậy đem trẻ Giêsu và Mẹ ngài trốn đi Ai Cập.” Có Maria đảm đang việc gia đình, dạy dỗ trẻ Giêsu.

    - Thánh Gia hạnh phúc vì có Trẻ Giêsu ngoan ngoãn vâng lời, ‘ngày thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta’ (Lc 2,52).

    2. Gia đình Kitô hữu

    - Hãy tạ ơn Chúa, vì được sinh ra và lớn lên trong gia đình. Kitô giáo không ảo vọng, phải đầu tư, có ơn Chúa, gia đình mới hạnh phúc. Đức Kitô phải từ trời xuống thế để rao giảng, chữa lành.Thư chung Hội Đồng Giám Mục Việt Nam 2013 mời gọi: “Gia đình là cộng đoàn yêu thương bằng tình yêu hợp nhất thủy chung, xuất phát từ Thiên Chúa Tình Yêu.”

    - Một bé gái 5 tuổi. Sau khi làm dấu ăn cơm, được mẹ dậy nên em thường nói: “Lạy Chúa Giêsu, xin dùng cơm với gia đình chúng con!” Lần đó, em đột ngột nói: Mẹ ơi, con không muốn Chúa là khách nhà mình. Sao vậy con?Vì khách thỉnh thoảng mới đến. Con muốn Chúa ở luôn đây cơ!

    - Hãy bảo vệ gia đình. Người ta có thể chọn lựa nhiều thứ, nhưng không thể chọn cha mẹ hoặc nơi sinh. Nhân loại không có tương lai nếu khôngcó gia đình. Muốn có gia đình hạnh phúc, mọi người phải cùng nhau chia sẻ, tôn trọng, xây dựng và hy sinh cho nhau.

    - Hãy yêu quí gia đình. Có người than: “Nếu biết trước, tôi sẽ không kết hôn, khỏi phải ‘đổ mồ hôi sôi nước mắt,’ để lo cho gia đình. Trần Thu Miên ca: “Đêm nằm nghe vợ thở dài, chuyện nhà tan tác chuyện ngoài tả tơi. Sáng mai ngoác miệng nhìn đời, lo cơm lo áo rã rời xác thân.”Họ cho gia đình là hỏa ngục trần gian. Kitô hữu coi gia đình là tế bào xã hội, là tổ ấm, là chiếc nôi hạnh phúc.

    - Chuyện: Gia đình nọ có đứa con thấy bố gọt gáo dừa mới hỏi gọt làm gì?Ông nói: “Để cho ông nội con ăn cơm, khỏi vỡ bát!” Đứa con hôm sau đó, cũng đem gáo dừa khác ra gọt. Bố hí hởn: “Con tính giúp bố lo cho ông nội à?”Con trả lời: “Đâu có, cái này con để dành cho bố, khi bố như ông.

    - Hãy tôn trọng gia đình. Tin mạng, báo, đài, kể lắm chuyện gia đình tan nát, đánh mất tôn ti trật tự. Sự ‘vô cảm’ đang thống trị các gia đìnhvà xã hội. Gia đình hạnh phúc khi người cha được tôn trọng, mẹ được ưu ái, con cái được nhìn nhận. Tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ.’Gia đình Kitô hữu phải luôn có tình liên đới sống chan hòa.

    - Hãy noi gương Thánh Gia. Dùgặp nhiều thử thách, nhưng nếu có niềm tin vào Chúa hướng dẫn, sẽ vượt qua được hết. Gia đình Kitô hữu cần có Chúa để sống hạnh phúc thực sự.

    GIA ĐÌNH THÁNH

    Suy Niệm

              Sau sự kiện Chúa Giê-su giáng sinh, Giáo hội đưa mọi người vào một chủ đề quan trọng: Tôn vinh Thánh Gia. Đức Giêsu xuống thế qua trung gian gia đình; các bài đọc dẫn lại câu chuyện sinh hoạt trong gia đình của Giuse, Maria, Giêsu: Sau khi dự đại lễ tại Giêrusalem, trên đường về họ lạc mất con; khi quay trở lại, họ thấy Con Trẻ 12 tuổi đang ngồi tranh luận thần học với các thầy cả, các thầy Thông luật ở Đền thờ.

    Phải chăng Giu-se và Ma-ri-a quá vô tình đến nỗi sau một ngày mới quan tâm đến con, ít ra trước lúc chia tay đi về cũng phải kiểm tra xem con mình đi với ai chứ? Thấy con trẻ trổi vuợt như vậy, mà tại sao người It-ra-en không quan tâm gì, ít ra cũng phải theo dõi một thần đồng đang xuất hiện giữa họ? Tại sao Chúa Giêsu có thể im lìm 30 năm ở Na-gia-ret? Tại sao Người không bắt đầu sứ vụ sớm hơn? Phải chăng Đức Giê-su đã không tôn trọng cha mẹ, khi cố ý ở lại Đền thờ mà không cho ai hay biết?

            1. Tổ ấm gia đình

    Người ta dễ nhận thấy vai trò quan trọng của gia đình trong xã hội:

    Trước hết, gia đình là nhà giáo dục đầu tiên: Không ai phủ nhận vai trò này của gia đình. Một gia đình tốt, sẽ giáo dục được một thế hệ tốt lành cho xã hội, cho tôn giáo, cho tương lai. Mọi tệ đoan xã hội đều bắt nguồn từ nền giáo dục trong môi trường gia đình. Đức Giê-su được đào tạo trong một nền giáo dục tuyệt vời: “Hài nhi lớn lên với vóc dáng dũng mãnh, tràn đầy khôn ngoan và sức sống trước Thiên Chúa và người ta” (Lc.2,40). Một xã hội mà người ta không bị ràng buộc phải sống trong gia đình, những tiêu cực sẽ nảy sinh, và xã hội là nơi đón nhận những hậu quả. Khi người ta đi qua một số nước, không may mắn gì cho những ai chưa có gia đình, họ rất dễ bị theo dõi mỗi khi có vấn đề nảy sinh, bởi rất nhiều những tệ nạn xã hội xuất phát từ nhóm người này.

              Gia đình còn là nơi diễn tả chữ tình yêu: Có thể nói hai chữ “tình yêu” là súc tích và vĩ đại nhất với con người. Tình yêu cũng là bản chất của Thiên Chúa: Thiên Chúa tạo dựng, Thiên Chúa hoạt động, Thiên Chúa quan phòng. Còn có nguồn cảm hứng nào đối với các nhà văn, thơ, ca, kịch, ảnh, báo chí, sánh bằng tình yêu vợ chồng, có tình thương nào sánh  được với tình mẹ tình cha, dành cho những đứa con thân yêu của mình. Chính Đức Giê-su đã nói: “Có người cha nào khi thấy con mình xin bánh mà lại cho nó con cá ư?” Một khi thiếu tình yêu, gia đình sẽ trở thành địa ngục đáng khiếp sợ!

              2. Gia đình Thánh Gia.

    Bài Tin Mừng thuật lại câu chuyện hai ông bà Giu-se và Maria lạc mất Con trên đường về nhà. Từ câu chuyện lạc mất Con, đến việc Chúa ở lại Đền thờ tranh luận với các thầy tiến sĩ, cũng như việc Người vâng lời cha mẹ về Nazaret sinh sống, là những bài học rất ý nghĩa. Mỗi người hãy nhìn lại cuộc sống gia đình mình, qua các khuôn mặt trong Thánh Gia: 

    Thánh Giu-se hăng say lao động, khiêm nhường ít nói; kể cả khi con mình tự động ở lại Đền thờ, Ngài cũng không một lời kêu ca. Thánh Giu-se mạnh mẽ đủ đưa gia đình vuợt qua sóng gió cuộc đời đe dọa. Khi đem Ma-ri-a về Be-lem, lúc Hài Nhi chào đời, hoặc đem Ma-ri-a và Đức Giê-su sang Ai-cập và rồi đem về khi đã bình yên. Những ai đã đến Nagiaret, họ sẽ được hiểu biết nhiều hơn về Thánh Giu-se, đó một bác thợ mộc tài ba, chủ của một tổ thợ khá đông lao động, với sản phẩm do lao động kiếm được, không chỉ để nuôi gia đình mình, mà còn giúp đỡ các gia đình nghèo trong vùng.

    Hình ảnh Ma-ri-a mới duyên dáng và dịu dàng biết bao! Có ai biết cuộc đời phẳng lặng ấy, lại đang được trải qua những cơn thử thách cam go của cái nghèo, cái khổ của mình cũng như của bà con lối xóm. Mẹ từng chứng kiến cảnh Con mình bị đe doạ thủ tiêu, cảnh bồng Con chạy trốn; rồi sau này chứng kiến cảnh Con mình bị đánh đập, xỉ vả và bị treo trên Thập Giá. Đức Mẹ thương chồng thương con, và trở thành người phụ nữ tuyệt vời nhất trong các thụ tạo Chúa tạo dựng nên; “Con thấy không, cha Con và mẹ đây đã cực lòng tìm Con”(Lc 2,48); chỉ có mấy từ thế thôi, rất kiên nhẫn và nhỏ nhẹ, khi Maria tìm thấy Con mình trong Đền thờ. Nếu là cha mẹ khác, thì đây phải là cái roi, quắc mắt, la mắng om sòm. Người ta dễ hiểu tại sao Đức Mẹ và thánh Giu-se đã để mất Chúa trong ba ngày, bởi theo tục lệ người It-ra-en, mỗi người đi một đường, nhất là thánh Giuse luôn tôn trọng tình cảm mẹ con và trái lại, Đức Mẹ cũng tôn trọng tình cha con, ai có thể nghĩ được là cậu bé Giêsu lại ở lại Đền Thờ.

              Đức Giê-su nêu cao bài học tôn trọng gia đình, mặc dù Người là Thiên Chúa: Người đã nhập thể cứu độ qua trung gian một gia đình; sinh ra trong cảnh nghèo hèn, khổ nhục trong máng cỏ dành cho chiên bò, tại một cái túp lều tồi tàn. Lớn lên, Người vâng lời cha mẹ, lúc giúp mẹ cơm nước, lúc giúp cha nghề mộc. Mấy chục năm với cái rìu, cái đục, để nêu bài học kiên nhẫn, dù đôi lúc Người đã tỏ hiện Thiên Tính, như khi giảng giải trong Đền thờ lúc 12 tuổi. Người It-ra-en quá vô tình, Chúa đến với họ mà họ không nhận ra Người, họ đã bị đóng kín vào các quan điểm cố hữu của mình. Việc Đức Giê-su ở lại đền thờ mà cha mẹ không biết, không phải là không tôn trọng cha mẹ, mà Người phải vâng lời Thiên Chúa hơn cha mẹ trần gian.

    3. Gia Đình nhân loại

              Thánh Gia dạy loài người bài học thực hành trong cuộc sống gia đình:

              Hãy quan tâm đến nhau: Những con vật vô tri vô giác thường thiếu sự quan tâm đến nhau. Tuy nhiên, đôi khi người ta cũng được chứng kiến loài vật nhường nhịn nhau, nhiều con vật lớn nhường cho những con vật bé ăn trước. Vậy mà con người có lương tri lại hay tranh giành nhau quyết liệt: tiền bạc, miếng ăn, bon chen quyền lực, tôn vinh cái tôi. Chính vì thế mà luôn có khoảng cách giữa người giầu và người nghèo, phân biệt giai cấp, địa vị. Không thiếu người cha, thiếu tiền không cho con cái đến trường, vẫn không quên chai lớn chai bé, nhậu nhẹt say khướt; không thiếu những người mẹ ăn quà như trĩ, dù biết chồng con không đủ cơm ăn, áo mặc. Không thiếu những người con chỉ biết so đo tính toán với cha mẹ. Truyện kể, một hôm đứa con nhỏ trao cho mẹ nó tờ giấy, kê khai công việc nó làm giúp mẹ trong kì nghỉ: 4 đồng lau kính, 3 đồng thổi cơm, 3 đồng công quét nhà, để xin mẹ nó trả tiền công. Đọc xong, mẹ nó viết lại cho nó dòng chữ như: công mẹ cưu mang 9 tháng 10 ngày miễn phí, thức đêm trông con ngủ miễn phí, dọn bữa hàng ngày cho con ăn, miễn phí... tổng cộng miễn phí. Cậu bé cầm tờ giấy, nhìn mẹ với nét mặt nhăn nheo, tóc bạc phất phơ, hai má cậu bắt đầu nhỏ lệ, cậu cảm động thưa: mẹ ơi, con xin lỗi mẹ, con thương mẹ lắm, từ nay con báo ơn mẹ nhiều, con không dám tính công với mẹ nữa, vì công con chẳng đáng là gì với công trời biển mẹ đã dành cho con. Mỗi gia đình hãy như thánh Giuse, sống khiêm nhường và lao động không mệt mỏi, như Maria dịu hiền nhân từ yêu chồng thương con, như Chúa Giêsu vâng lời cha mẹ mau mắn trong cuộc sống hàng ngày.

    Hãy biết sống phó thác: Gia đình Thánh Gia dạy cho mọi người bài học tín thác nơi Thiên Chúa. Các Đấng đã triệt để tuân theo chỉ thị của Chúa và Lề luật, Thánh Giuse đã quên mình, để chỉ nghĩ đến sự an toàn của bạn mình và quyền lợi của con mình, Đức Maria cho mình chỉ “là tôi tớ Chúa,” còn Đức Giêsu lại coi Mình là bé nhỏ nhất trong gia đình, mặc dù Người là Thiên Chúa. Nếu mọi người trong gia đình biết tin tưởng và che chở giúp đỡ lẫn nhau, gia đình họ sẽ hạnh phúc biết bao. Người này sẽ là nguồn hạnh phúc của người kia, họ sẽ không thể thiếu nhau trong cuộc sống.

    Xin Chúa giúp mỗi người chúng con biết đặt trọn niềm tin nơi Thiên Chúa, qua môi trường gia đình, để có thể gặt hái thành quả mong muốn cho cuộc sống của chúng con.

    Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu

    Bài viết liên quan