Chương trình
“Học hỏi Tin Mừng theo Thánh Lu-ca”
BÀI 1:
DẪN NHẬP
Câu 1: Tác giả của Tin Mừng thứ ba là ai?
Thưa: Truyền thống Giáo Hội cho rằng Tin Mừng này được viết bởi thánh Lu-ca, một người dân ngoại theo văn hóa Hy Lạp, xuất thân từ An-ti-ô-ki-a, thuộc xứ Sy-ri-a. Ngài là môn đệ và cũng là người bạn đồng hành của thánh Phao-lô trên hành trình truyền giáo (Plm 24; 2 Tm 4,11).
Câu 2: Độc giả của Tin Mừng Lu-ca là ai?
Thưa: Trong lời tựa của mình, tác giả viết cho người có tên là “Thê-ô-phi-lô”, có lẽ là một nhân vật có thế giá trong xã hội thời bấy giờ đã trở lại đạo. Tuy nhiên, “Thê-ô-phi-lô” còn có nghĩa là người mến yêu Thiên Chúa, nên danh xưng đó có thể ám chỉ những người đã tin vào Thiên Chúa. Độc giả của Tin Mừng Lu-ca là những Ki-tô hữu gốc dân ngoại.
Câu 3: Tin Mừng Lu-ca được soạn thảo khi nào và ở đâu?
Thưa: Theo truyền thống, thì Tin Mừng Lu-ca phải được soạn thảo sau biến cố phá hủy đền thờ vào năm 70, do đó nhiều học giả cho rằng Tin Mừng này được soạn thảo vào khoảng năm 80-90. Về nơi soạn thảo, cho tới ngày nay cũng chưa có một sự chắc chắn, vì thế đã có rất nhiều nơi được đưa ra như: Hy Lạp, A-khai-a hay Rô-ma.
Câu 4: Mục đích của Tin Mừng Lu-ca là gì?
Thưa: Tin Mừng Lu-ca được viết dành cho những Ki-tô hữu đang phải đối diện với những thử thách đức tin. Một mặt, họ đang chứng kiến và phải đối mặt với nguy cơ mất tính mạng do những cuộc bách hại đức tin khốc liệt. Mặt khác, họ đang phải đối diện với những xung đột trong cộng đoàn giữa các Ki-tô hữu gốc Do-thái và những Ki-tô hữu gốc dân ngoại.
Câu 5: Tin Mừng Lu-ca có bố cục như thế nào?
Thưa: Lu-ca bao gồm 24 chương, được viết theo lược đồ giống với lược đồ của Tin Mừng Mác-cô và Tin Mừng Mát-thêu, bao gồm:
- Lời tựa (Lc 1,1-4)
- Thời thơ ấu của Đức Giê-su và Gio-an an tẩy giả (Lc 1,5-2,52).
- Chuẩn bị cho sứ vụ (Lc 3,1-4,13).
- Sứ vụ của Đức Giê-su tại Ga-li-lê (Lc 4,14-9,50).
- Hành trình của Đức Giê-su lên Giê-ru-sa-lem (Lc 9,51-19,27).
- Sứ vụ của Đức Giê-su tại Giê-ru-sa-lem (Lc 19,28-21,38).
- Tường thuật Thương khó của Đức Giê-su (Lc 22,1-23,56)
- Phục sinh và Thăng thiên (Lc 24,1-53)
Câu 6: Tư tưởng thần học chủ đạo của Tin Mừng Lu-ca là gì?
Thưa: Tư tưởng thần học chủ đạo của Tin Mừng Lu-ca bao gồm các chủ đề về: Ki-tô học; Ơn cứu độ phổ quát; Lòng thương xót và ơn tha thứ của Thiên Chúa; Niềm vui ơn cứu độ; Chúa Thánh Thần và Cầu nguyện.
Câu 7: Theo Tin Mừng Lu-ca, Đức Giê-su là ai?
Thưa: Tác giả Tin Mừng Lu-ca trình bày Đức Giê-su như vị ngôn sứ mà Thiên Chúa đã hứa ban nhân loại (Đnl 18,15-18) nhưng lại bị “người nhà” từ chối, như đấng Ki-tô con vua Đa-vít, đấng phải chịu đau khổ trước khi bước vào vinh quang (24, 26) và là Con Thiên Chúa (23, 46) đến cứu độ chúng ta .
Câu 8: Chủ đề “Ơn cứu độ phổ quát” được Lu-ca trình bày như thế nào?
Thưa: Lu-ca muốn trình bày rằng ơn cứu độ không chỉ dành riêng cho dân Do-thái, nhưng được trao ban cho tất cả mọi người (Lc 2, 30-32; 3,6).
Câu 9: Chủ đề “Lòng thương xót và ơn tha thứ” được Lu-ca trình bày như thế nào?
Thưa: Lu-ca trình bày Chúa Giê-su luôn quan tâm đến người nghèo, các tội nhân và những người bị gạt ra bên ngoài xã hội. Đồng thời, Chúa đón tiếp những người tội lỗi nhưng có lòng ăn năn thống hối (Lc 7,36-50). Tin Mừng Lu-ca cũng trình bày khuôn mặt của Thiên Chúa Cha đầy lòng thương xót và mời gọi các môn đệ và mọi người có cách cư xử nhân hậu.
Câu 10: Chủ đề “Niềm vui cứu độ” được Lu-ca trình bày như thế nào?
Thưa: Trong Tin Mừng Lu-ca, niềm vui cứu độ được thể hiện trong giáo huấn của Chúa Giê-su, khơi nguồn từ sự xác tín vào tình yêu và lòng thương xót của Thiên Chúa. Niềm vui ấy được diễn tả qua biến cố Giáng Sinh của Chúa Giê-su và sự ra đời của Gio-an Tẩy Giả (Lc 1,14; 2,10). Niềm vui ấy cũng được diễn tả trong chương 15, khi tìm thấy con chiên lạc (Lc 15,4-7), tìm được đồng tiền mất (Lc 15, 8-10) và gặp lại người con hoang đàng trở về (Lc 15,11-32). Niềm vui còn thể hiện qua sự hoán cải của tội nhân và hình ảnh các môn đệ trở về Giê-ru-sa-lem với lòng tràn ngập niềm vui sau khi Chúa Giê-su thăng thiên (Lc 24,52)
Câu 11: Tin Mừng Luca trình bày như thế nào về Chúa Thánh Thần?
Thưa: Tác giả Tin Mừng trình bày hoạt động của Chúa Thánh Thần ngay ở những trang đầu của Tin Mừng như trong biến cố Truyền tin (Lc 1,41) và hoạt động của Ngài nơi ông Si-mê-ôn (Lc 2,26). Ngoài ra, Thánh Thần còn can thiệp cách đặc biệt trong cuộc đời của Đức Giêsu: chính Thánh Thần ngự xuống trên Đức Giêsu dưới hình chim bồ câu khi Ngài chịu phép rửa (Lc 3,21-22) và dẫn Ngài vào trong hoang địa để chịu ma quỷ cám dỗ (Lc 4,1-2) . Đặc biệt, khi bắt đầu công khai đi rao giảng, Đức Giêsu đã đọc đoạn sách Is 61,1-2 nói về việc Thần khí Đức Chúa tấn phong và sai đi. Chính Đức Giêsu cũng khẳng định ân huệ cao quý nhất mà Thiên Chúa ban các môn đệ là Thánh Thần (Lc 11,13). Cuối cùng, chính Thánh Thần hoạt động trong các tông đồ và dạy họ biết phải nói gì (12,11-12). Điều này cho thấy rằng Chúa Thánh Thần rất quan trọng trong Tin Mừng Luca (và trong sách Công vụ Tông đồ nữa).
Câu 12: Tin Mừng Luca trình bày về cầu nguyện như thế nào?
Thưa: Đức Giêsu của Tin Mừng Luca là mẫu gương cho các môn đệ và các tín hữu trong việc cầu nguyện liên lỉ, nhất là trong những thời khắc quan trọng trong sứ vụ của Ngài. Đặc biệt, chỉ trong Tin Mừng Luca chúng ta mới được nghe kể về bảy lần Đức Giêsu cầu nguyện sau đây:
- Đức Giêsu cầu nguyện khi chịu phép rửa (Lc 3,21)
- Đức Giêsu vào nơi hoang vắng cầu nguyện (Lc 5,16)
- Đức Giêsu cầu nguyện trước khi chọn Mười hai tông đồ (Lc 6,12)
- Đức Giêsu cầu nguyện trước khi Phêrô tuyên xưng đức tin (Lc 9,18)
- Đức Giêsu cầu nguyện trước khi biến hình trên núi (Lc 9,28-29)
- Đức Giêsu cầu nguyện trước khi dạy các tông đồ kinh « Lạy Cha » (Lc 11,1)
- Đức Giêsu cầu nguyện với Chúa Cha trên cậy thập giá và xin tha cho những kẻ thì hành bản án (Lc 23,24)
BAN GIÁO LÝ ĐỨC TIN GPTB
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 81 | Tổng lượt truy cập: 4,731,718