Chúa Nhật XXXIII TN Năm B - Lễ Các Thánh Tử Đạo VN - Lm Giuse Trần Xuân Chiêu

  • 16/11/2024
  • Chủ đề: Hy sinh vì Tình Yêu

     

     

    LOẠT BÀI

    DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG

    CN XXXIII THƯỜNG NIÊN NĂM B

    LỄ CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM

    LM. Giuse M. Trần Xuân Chiêu

    Tin Mừng (Lc 9, 23-26)

         Khi ấy, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Trong những ngày ấy, sau cảnh khốn cực, mặt trời sẽ ra tối tăm, mặt trăng sẽ mất sáng, các ngôi sao sẽ từ trời rơi xuống và các sức mạnh trên trời sẽ bị lay chuyển. Bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người ngự đến trên đám mây với đầy quyền năng và vinh quang. Và bấy giờ Người sẽ sai các thiên thần của Người đi quy tụ những kẻ đã được tuyển chọn từ khắp bốn phương, từ chân trời cho đến cùng kiệt trái đất. Nhìn vào cây vả, các con hãy tìm hiểu dụ ngôn này. Khi nó đâm chồi nảy lộc, các con biết rằng mùa hè gần đến. Cũng vậy, khi các con nhìn thấy tất cả những điều đó xảy ra, thì các con hãy biết là Người đã tới gần ngoài cửa rồi. Thầy bảo thật các con: Thế hệ này sẽ chẳng qua đi trước khi mọi sự đó xảy đến. Trời đất sẽ qua đi, nhưng lời Thầy nói sẽ chẳng qua đi. "Còn về ngày đó hay giờ đó, thì không một ai biết được, dù các thiên thần trên trời, dù Con Người cũng chẳng biết, chỉ có mình Cha biết thôi"

    NGÀY PHÁN XÉT

    Dàn Ý

    1. Phán xét

    - Phán: Là phán quyết, ra lệnh, phát ngôn giọng kẻ cả.
    - Xét: Là xét hỏi, xét nét, soi, khám, cân nhắc kĩ.

    - Nhận xét là thừa nhận khách quan sự việc xảy ra, chấp nhận yếu tố có thể sai. Phán xét thì luôn cho là đúng.- Phán xét trong xã hội: Là lên án, kết tội, chỉ trích.

    - Phán xét trong luật pháp: Quyết định của thẩm phán.

    - Ngày phán xét, judgement: Theo Kinh Thánh, là ngày xử án hay ngày tận thế; Gioan nói là ngày ‘các sách thì mở ra’ và ‘kẻ chết bị xét đoán tùy công việc mình làm.’

    2. Lời Chúa hôm nay nói về ngày phán xét

    - Đaniel nói về ngày phán xét: “Thời ấy dân ngươi, hễ ai đã có ghi trong sách, sẽ được cứu. Kẻ hưởng phúc trường sinh, kẻ tủi nhục muôn đời” (Đn 12, 1).

    - Đức Giêsu nói về ngày phán xét: “Người sẽ sai các thiên thần của Người đã quy tụ các kẻ được tuyển chọn từ khắp bốn phương, từ chân trời đến cùng trái đất” (Mc 13, 27).

    3. Thưởng phạt

    - Ngày phán xét là ngày kết thúc thế giới. Ngày phán xét chung là ngày cuộc sống kết thúc. Kinh Thánh cho biết, thế giới vật chất này sẽ biến đi nhường chỗ cho thế giới mới. Chúa Giêsu còn kể nhiều dụ ngôn về việc phân xử, như việc ông chủ nọ trở lại tính sổ đầy tớ sinh lợi thế nào, để thưởng hay phạt. Kitô hữu phải luôn sẵn sàng cho ngày quan trọng này.

    - Ngày phán xét là ngày đón vị Thẩm phán chí công. Đức Giêsu phán: “Khi Con Người đến trong vinh quang, có tất cả các Thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người.” Thiên Chúa sẽ triệu tập dân thiên hạ thành hai nhóm tách biệt, ‘chiên đứng bên phải, còn dê ở bên trái.’ Mỗi người phải trả lời về những gì mình đã làm trong đời.

    - Ngày phán xét là ngày kết tội. Nhiều người đã tự lừa dối mình khi nói: Thiên Chúa nhân lành, không nỡ phạt ai. Tuy nhiên, Ngài là Người Cha nhân ái, đồng thời cũng là thẩm phán chí công. Ngày phán xét, mọi bưng bít sẽ bị lật tẩy, dù người ta dùng y phục, phấn son, quyền lực để che đậy. Đức Vua phán với người bên trái: “Hãy đi cho khuất mắt Ta mà vào lửa đời đời.” Mỗi người phải sống thế nào để tránh hậu họa sau này.

    - Truyện: Một phụ nữ vội vã về nhà, vì đêm có dạ tiệc. Cô phát hiện có anh giương tấm bảng ghi: Ngày Tận Thế Đã Đến Gần. Cô hỏi: “Ngày tận thế à?” “Dạ, thưa cô.”“Chắc  không?” “Hoàn toàn chắc.” “Gần làm sao, nói chính xác đi?” “Ngay đêm nay.” Cô suy nghĩ một lúc rồi hỏi: “Vậy tận thế sẽ xảy ra trước hay sau bữa dạ tiệc?”(ST)

    - Ngày phán xét là ngày thưởng công. Các tôn giáo đều tin có cuộc sống mai hậu: Thiên đàng, Niết bàn, cõi cực lạc, quê trời, cõi trời, trường sinh bất tử. Đức Vua phán với người bên phải: “Hãy đến hưởng Vương Quốc dọn sẵn cho các người… Vì xưa Ta đói, các ngươi cho ăn; Ta khát, các ngươi cho uống.” Kiô hữu hãy làm các việc tốt lành để được lãnh thưởng.

    - Kiô hữu hãy luôn tỉnh thức để luôn sống trong tình trạng đẹp lòng Chúa. Đừng bán quyền trưởng nam lấy bát cháo. Đừng đổi phần thưởng đời đời lấy niềm vui phút chốc. Những gì họ sống bây giờ sẽ định đoạt cho cuộc sống mai hậu.

    NGÀY QUANG LÂM

    Suy Niệm

              Thánh Mac-cô thuật lại lời tiên báo của Đức Ki-tô về ngày thế mạt, ngày Chúa đến lần II để phán xét muôn dân. Đức Giê-su cũng báo trước những điềm lạ trên trời, dưới đất, trước khi sự kiện đó xảy đến.

              Người ta không hiểu tại sao Đức Giê-su vừa thông báo cho nhân loại những điềm lạ xuất hiện báo trước ngày thế mạt, sao Chúa lại nói không ai biết được ngày giờ sẽ đến? Tại sao Chúa lại nói Con Người cũng không biết được ngày giờ, Người là Thiên Chúa mà?

              1. Những định hướng

              Giáo hội dùng đoạn Tin Mừng giúp mỗi người tìm lại mình. Chúa nhật hôm nay được coi là Chúa nhật áp Chúa nhật cuối cùng năm Phụng vụ, chuẩn bị Lễ Đức Kitô Vua. Con người đang như mơ trong một thế giới mỏng giòn, có hạn. Họ thi nhau bon chen tìm kiếm, giành giật vật chất bằng mọi giá. Họ quên rằng, tất cả là hư ảo, không tồn tại. Trong cái thế giới hư hư thực thực, kẻ thì hả hê vui sướng trong tiện nghi, nhưng cũng có người đang vất vả trong những cơn đau đủ thứ. Không thể vậy mãi được, sẽ có một ngày những bất công được bù đắp, thế gian này sẽ qua đi, cuộc sống con người sẽ kết thúc, lịch sử sẽ sang trang. Mỗi người hãy nhìn lại việc làm của mình, để chuẩn bị vững chắc cho cuộc sống kế tiếp đầy tràn hi vọng.

              Đức Giê-su cũng cảnh báo bằng những lời nói trung thực: Đối với con người, lời nói nhiều khi làm người khác tổn thương, khơi sâu thêm những vết hằn, làm nhơ nhuốc con tim, gây chia rẽ hận thù. Tuy nhiên, lời nói cũng có thể làm cho người ta trở nên thân thiện, hiểu nhau hơn, giúp họ có thêm kiến thức cuộc sống; lời nói đôi khi có giá trị lâu dài, nhưng cũng có những lời nói tan biến như bọt nước, không ai nhớ tới. Đức Giê-su khẳng định là Lời của Người sẽ vĩnh viễn tồn tại: ''Trời đất sẽ qua đi, nhưng những Lời Thầy nói sẽ chẳng qua đâu"(Mc 13,31). Không có gì có thể tồn tại, ngoài Lời Chúa, bởi vì Người là Thiên Chúa, Đấng nắm vận mệnh vũ trụ, đã mặc khải những bí quyết giúp con người đạt tới đỉnh cao của đời mình. Lời của Đức Giê-su vẫn mãi duy trì để hướng dẫn con người tìm đến giá trị đích thực của mình.

              2. Những lời cảnh báo

              Phụng vụ Giáo hội đặt cho mỗi người hướng đi, nhất là việc lắng nghe lời cảnh báo của Đức Giê-su. Lời của Chúa là kim chỉ nam dẫn đường cho con người:

              Đức Giê-su nói đến Đền thờ Giêru-sa-lem sẽ bị phá hủy: Người It-ra-en coi Đền thờ Giê-ru-sa-lem là nơi thiêng thánh vững bền, là niềm kiêu hãnh, là biểu tượng niềm tin của họ đối với Đức Gia-vê. Người It-ra-en hi vọng vào Lời hứa của Chúa, sẽ đến cứu dân Người: ''Thiên Chúa sẽ thu họp tại thánh địa, mọi người It-ra-en tha hương.'' Tuy nhiên trên thực tế, người It-ra-en đã bị khuất phục bởi đoàn quân ngoại đạo Titô, bị bắt bớ và Đền thờ cũng bị phá huỷ hoàn toàn vào năm 70. Người It-ra-en thực sự trải nghiệm nỗi đau kinh hoàng.

              Đức Giê-su nói đến ngày tận cùng của thế giới: Thiên Chúa đã tạo dựng vũ trụ theo kế hoạch của Người, và Người sẽ kết thúc thế giới này theo dự định, để thiết lập một thế giới mới. Đức Giê-su cảnh báo, sẽ có những điềm lạ dưới đất, hỗn loạn, chiến tranh, chết chóc, đói khát, bệnh tật, động đất, núi lửa, sóng thần; cũng có những xáo trộn trên bầu trời, mặt trăng mất sáng, các ngôi sao từ trời sa xuống, các quyền lực trên trời bị lay chuyển. Đức Giê-su không có ý đe doạ con người, Chúa muốn người ta hãy nhìn các dấu chỉ của thời đại mà nhận ra ý Chúa. Thực ra Đức Giê-su lấy lại hình ảnh các Ngôn sứ, đặc biệt I-sa-i-a mà cảnh báo mọi người. Chúa đã dùng hình ảnh cây vả, người ta có thể biết được thời tiết qua các thời kì phát triển sinh tồn của nó. Chúa muốn mỗi người hãy nhìn những dấu hiệu bên ngoài để sẵn sàng trong cuộc sống, nhất là những ngày tận cùng của con người.

              Đức Giêsu tiên báo về ngày Chúa lại đến: Người ta gọi ngày Chúa đến là ngày phán xét, ngày cánh chung, ngày quy tụ muôn dân nước; ngày đó còn gọi là ngày ''nghiệm thu'' việc làm của con người. Chúa sẽ đến trong uy quyền để quy tụ mọi dân, những người It-ra-en mới, hiệp thông đầy đủ với Thiên Chúa. Đức Giê-su, trong chân dung vĩ đại ''Con Người,'' sẽ phán xử, phân biệt lành dữ, đem lại sự công bằng cho loài người. Những người suốt đời sống trên mồ hôi nước mắt của người khác, sẽ phải trả giá, còn những ai đã từng sống bất hạnh, thiệt thòi, thì Chúa sẽ đền bù để sống hạnh phúc đời đời trên Nước Chúa.

              3. Những việc phải làm

              Để có thể hạnh phúc đón Chúa đến lần thứ Hai, con người phải thực hành giáo huấn của Đức Giê-su Ki-tô:

              Hãy sẵn sàng: Như Đức Giê-su nói trên, trời đất sẽ qua đi, cuộc sống con người cũng sẽ đến hồi kết thúc. Có điều ngày và giờ đó đến lúc nào, thì không ai biết được. Chúa muốn mọi người phải ở trong tư thế sẵn sàng đón nhận giờ Chúa đến, nhất là giờ chết của mỗi người. Chúa chỉ cho con người những dấu chỉ bề ngoài, để nhận biết mà chuẩn bị, Chúa nhấn mạnh: cả các Thiên sứ, cả Con Thiên Chúa cũng không biết ngày giờ đó. Đây chỉ là Lời nói nhấn mạnh, mà Chúa thường dạy trong các bài diễn giảng hay các dụ ngôn; Chúa muốn nói rằng, việc biết ngày giờ là ngoài phạm vi của con người, ngoài phạm vi của Con Thiên Chúa, Đấng chia sẻ thân phận của con người. Cuộc đời con người là một cuộc hành trình, mỗi người hãy dừng chân để lắng nghe Lời Chúa, hành trang cho chuyến đi, sẵn sàng đón Chúa đến bất kể lúc nào.

              Hãy hi vọng: Đức Giê-su nói đến ngày tận thế, nhưng không phải là ngày thất vọng, mà là ngày Chúa quang lâm. Có nhiều người xuyên tạc về sự kiện tận thế. Nhiều cá nhân, đoàn thể loan tin thất thiệt về ngày tận thế, cảnh báo ngày này, tháng kia, như năm 2000 chẳng hạn, gây ra hoảng loạn. Chúa không có ý định làm người ta rối loạn, Người chỉ muốn họ chuẩn bị sẵn sàng. Thiên Chúa nhân lành không dựng nên con người để rồi kết án, nhưng luôn thương yêu và tìm mọi cách cứu vớt họ. Ngày tận thế không phải ngày hủy diệt, mà là ngày bước sang một thế giới mới, ngày mà mọi thành quả của con người đi đến chỗ viên mãn, ngày mà con người sẽ đến nơi hạnh phúc mà Chúa đã dọn sẵn. Lịch sử hướng con người lên phía trước, một tương lai huy hoàng đang chờ đón.

              Hãy làm việc lành: Ngày tận thế là ngày mà mọi người sẽ đứng trước Vị Thẩm Phán tối cao. Mỗi người hãy chuẩn bị cho mình những hành trang cần thiết, là những việc lành để được lãnh thưởng. Một Thiên Chúa vô cùng thánh thiện và uy quyền không thể chấp nhận những ai cố tình sống tội lỗi, không trong sạch, những ai chống lại Chúa và làm điều ác với anh em mình. Thiên Chúa công bằng không thể để những kẻ cố tình sống một đời bất công, tàn ác, ngồi chung với hàng ngũ các Thiên Thần, các Thánh trên Nước Trời. Ngày đó Chúa sẽ trả công và ban triều thiên chiến thắng cho những ai chiến đấu đến cùng với sự ác.

              Lạy Chúa xin lau khô mọi giọt nước mắt những người thiếu may mắn và giúp chúng con nhận thức được rằng, dù chỉ một chén nước lã mà chúng con dành cho người nghèo, cũng sẽ được Chúa trả công bội hậu.

    TỬ ĐẠO VIỆT NAM - HI SINH VÌ TÌNH YÊU

    Dàn Ý

    1. Hi sinh

    - Hy sinh: Là chết; hi sinh còn là chịu thiệt hại, mất mát quyền lợi về vật chất, tinh thần hay phần có thể nào đó vì mục tiêu cao cả hay một lý tưởng tốt đẹp.

    - Tử vì đạo, martyr: Từ Hi lạp, martus, nghĩa là chứng nhân(witness). Đó là chết vì đạo, chịu bách hại để quyết giữ Ðức Tin Kitô giáo, minh chứng cho tình yêu Chân Lý.

    2. Các loại hành quyết

    - Bá đao (cắt thân thể trăm mảnh), có 1 vị hiển thánh.

    - Lăng trì, tùng xẻo (chặt chân tay, mổ bụng), có 4 vị.

    - Thiêu sinh (thiêu sống),6 vị hiển thánh.

    - Xử giảo (xiết cổ bằng dây), có 2 vị hiển thánh

    - Xử trảm (chém đầu), có 75 vị hiển thánh. 

    - Chết rũ tù, gông cùm, có 9 vị hiển thánh.

    3. Chứng tá tình yêu cao cả

    - Các thánh Tử đạo đã biểu lộ tình yêu thanh cao. Các Ngài yêu mến cuộc sống, bằng tinh thần cao thượng, trung thực, không bị lệ thuộc vào vật chất, không dối gian. Máu các Vị Tử đạo Việt Nam đổ ra lênh láng, nhưng không tanh tưởi, không chảy trong hờn căm. Các ngài viết nên trang sử huy hoàng, làm cho Giáo Hội Việt Nam phát triển.

    - Truyện: Cha Lựu bị giam ở nhà lao Mỹ Tho, chịu mọi cực hình. Khi quan bắt Cha bỏ đạo, Ngài tuyên bố: “Đạo thấm nhập vào xương tủy tôi, sao bỏ được; một giáo dân, một thầy giảng đã không bỏ đạo, huống gì là linh mục.” Ngày 07.04.1861, lính dẫn Cha ra khỏi thành phố Mỹ Tho, kinh Bảo Định ngày nay, rồi chém đầu Cha bên vệ đường.

    - Các thánh Tử đạo biểu lộ tình yêu với Chúa. Máu chảy hơn 3 thế kỷ truyền giáo ở Việt Nam. Các Ngài yêu Chúa khi bình an, cũng như lúc gặp thử thách. Máu các vị tử đạo Việt Nam chứng tỏ niềm tin và tình yêu Chúa mạnh mẽ của các tín hữu nơi đây, giống như thời Giáo Hội Sơ khai.

    - Hang Toại đạo: Đó là hệ thống đường hầm nhiều cây số đào sâu 3, 4 tầng dưới lòng đất, tại các khu nghĩa trang ngoại thành Rôma. Hơi lạnh từ lòng đất và nấm mồ toát ra làm cho khu hầm mộ lạnh lẽo đáng sợ. Sự chết luôn rình rập. Các tín hữu sơ khai ẩn ở đây để bảo vệ đức tin, vì cơn bách hại 3 thế kỷ. Phêrô, Phaolô cũng đã sinh hoạt ở đây.

    - Các thánh Tử Đạo Việt Nam thể hiện tình yêu tha nhân. Các Ngài dành tình yêu đặc biệt cho gia đình. Thánh Lê thị Thành an ủi dặn dò con cháu trước khi ra pháp trường. Các Ngài đã thực hiện lời Chúa dạy: Không có tình thương nào cao cả hơn tình thương của người đã hy sinh tính mạng vì bạn hữu mình.

    - Các thánh Tử đạo biểu lộ tình yêu với kẻ thù. Bất chấp bị kết án, không oán hận, còn thuyết phục lính gác, cai tù, lý hình nhận ra sự thật. Các ngài chấp nhận hi sinh mạng sống để trung thành với Chúa và đã để lại nhiều gương sáng rất thuyết phục với những kẻ đã làm hại mình, giúp họ nhận ra giá trị Tin Mừng và chân lí vĩnh cửu.

    - Truyện: Thánh Lê văn Phụng đã chữa bệnh cho cai tù, và cầu nguyện cho họ khi bị hành hình, làm cho quan quân phá lên cười: “Cầu Chúa Giêsu, xin cho các quan trị nước cho yên càng ngày càng thịnh.” Ngài nhắn nhủ con trai: Con ơi, hãy tha thứ, đừng báo thù kẻ tố giác ba nhé.

    - Kitô giáo là tôn giáo bị bách hại nhiều nhất, lâu nhất, đau thương nhất, nhưng vẫn không ngừng phát triển cả về số lượng và giá trị. Xin cho chúng con noi gương các vị anh hùng tử đạo Việt sinh để làm chứng cho tình yêu cao cả của Thiên Chúa.

    Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu

    Bài viết liên quan