Chúa Nhật IV Mùa Chay - Lm Giu-se Trần Xuân Chiêu

  • 27/03/2025
  • Chủ đề: Người Cha nhân hậu

     

    LOẠT BÀI

    DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG NĂM C

    Chúa Nhật IV Mùa Chay

    Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu

    Phúc Âm (Lc 15,1-3.11-32)

          Khi ấy, những người thu thuế và những kẻ tội lỗi đến gần Chúa Giêsu để nghe Người giảng; thấy vậy, những người biệt phái và luật sĩ lẩm bẩm rằng: "Ông này đón tiếp những kẻ tội lỗi và cùng ngồi ăn uống với chúng." Bấy giờ Người phán bảo họ dụ ngôn này: "Người kia có hai con trai. Ðứa em thưa với cha rằng: "Thưa cha, xin cha cho con phần gia tài thuộc về con." Người cha liền chia gia tài cho các con. Ít ngày sau, người em thu nhặt tất cả của mình, trẩy đi miền xa và ở đó ăn chơi xa xỉ phung phí hết tiền của. Khi nó tiêu hết tiền của thì vừa gặp nạn đói lớn trong miền đó, và nó bắt đầu cảm thấy túng thiếu. Nó vào giúp việc cho một người trong miền, người này sai nó ra đồng chăn heo. Nó muốn ăn những đồ cặn bã heo ăn cho đầy bụng, nhưng cũng không ai cho. Bấy giờ nó hồi tâm lại và tự nhủ: "Biết bao người làm công ở nhà cha tôi được ăn uống dư dật, còn tôi, tôi ở đây phải chết đói. Tôi muốn ra đi trở về với cha tôi và thưa người rằng: "Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như một người làm công của cha." Vậy nó ra đi và trở về với cha nó. Khi nó còn ở đàng xa, cha nó chợt trông thấy, liền động lòng thương; ông chạy ra ôm choàng lấy cổ nó và hôn nó hồi lâu... Người con trai lúc đó thưa rằng: "Thưa cha, con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa". Nhưng người cha bảo đầy tớ: "Mau mang áo đẹp nhất ra đây và mặc cho cậu, hãy đeo nhẫn vào ngón tay cậu, và xỏ giầy vào chân cậu. Hãy bắt con bê béo làm thịt để chúng ta ăn mừng: vì con ta đây đã chết, nay sống lại, đã mất, nay lại tìm thấy." Và người ta bắt đầu ăn uống linh đình.

              "Người con cả đang ở ngoài đồng. Khi về gần đến nhà, nghe tiếng đàn hát và nhảy múa, anh gọi một tên đầy tớ để hỏi xem có chuyện gì. Tên đầy tớ nói: "Ðó là em cậu đã trở về, và cha cậu đã giết bê béo, vì thấy cậu ấy về mạnh khoẻ." Anh liền nổi giận và quyết định không vào nhà. Cha anh ra xin anh vào. Nhưng anh trả lời: "Cha coi, đã bao năm con hầu hạ cha, không hề trái lệnh cha một điều nào, mà không bao giờ cha cho riêng con một con bê nhỏ để ăn mừng với chúng bạn. Còn thằng con của cha kia, sau khi phung phí hết tài sản của cha với bọn đàng điếm, nay trở về thì cha lại sai làm thịt bê béo ăn mừng nó." Nhưng người cha bảo: "Hỡi con, con luôn ở với cha, và mọi sự của cha đều là của con. Nhưng phải ăn tiệc và vui mừng, vì em con đã chết nay sống lại, đã mất nay lại tìm thấy."

    TRỞ VỀ

    Dàn Ý

    1. Trở về

    - Trở: Quay ngược lại, cản trở, buồn chán, bàn cờ.

    - Vềchết. đích, Đi về chỗ của mình, quê hương, chỗ cũ, :

    - Trở về, return: Quay về, quay lại nơi bắt đầu, nơi xuất phát chuyển về trạng thái, tính chất ban đầu, trở lại nơi bắt đầu.

    Cuộc đời này bao người xa cha mẹ

    Để mải mê trong cơm áo, gạo tiền

              Rồi bổng chốc khi quay đầu nhìn lại

    Cũng khát thèm mái ấm thủa bình yên(Phan Quang Phóng)

    2. Lời Chúa hôm nay nói đến trở về

     - Phaolô kêu gọi trở về với Chúa: “Chúng tôi van nài anh em hãy giao hoà với Thiên Chúa. Đấng không hề biết tội, thì Chúa làm nên thân tội vì chúng ta, để trong Ngài, chúng ta trở nên sự công chính của Thiên Chúa” (2 Cr 5, 20).

    - Luca kể con thứ trở về và nói: “Con đã lỗi phạm đến trời và đến cha, con không đáng được gọi là con cha nữa, xin cha đối xử với con như người làm công của cha” (Lc 15,18).

    3. Thực hành trở về

    - Trở về là dứt khoát với quá khứ. Đó là ‘chết’ cho chính mình. Chúa muốn nhắn gửi con người phải cảnh giác qua những đau khổ hay thất bại. Hãy loại bỏ đam mê tiền bạc, địa vị, lạc thú, đặc biệt phải can đảm dứt khoát với quá khứ kiêu căng, ích kỷ, gian dối, để đón nhận lòng Chúa thương xót.

    - Trở về là hồi sinh. Lịch sử cứu độ nhiều chuyện trở về: Itraen thoát khỏi nô lệ Ai Cập, triều đại Đavít tồn tại sau sa ngã, phụ nữ tội lỗi thay đổi lối sống. Thân xác cần kế hoạch phục hồi sức khỏe, như ăn kiêng, thể thao, Yoga… Tinh thần con người càng cần được hồi tâm hơn. Phaolô nói: “Những gì là cũ đã qua đi, nay mọi sự trở thành mới.”

    - Trở về là hoán cải. Người cha phấn khởi khi thấy con nhận ra lỗi lầm và hối hận trở về: “Xin cha đối xử với con như một người làm công của cha.” Nhiều người tối tăm ngu muội, chỉ biết ‘lẩm bẩm’ kêu ca. Hoán cải là từ bỏ sai phạm để trở về với Chúa, trở lại bản chất đích thực của con người.

    - Trở về là tin vào lòng Chúa thương xót. Thiên Chúa yêu thương và đi tìm con người trước khi họ yêu Người và đi tìm Người; Thiên Chúa tha thứ cho con người trước khi họ trở về. Tình yêu tha thứ, giúp cho con người tràn đầy sức mạnh. Phaolô giao hòa lại với Chúa, đã thành tông đồ đắc lực.

    - Truyện: Cụ già kể: Đêm qua Chúa hiện ra. Cha xứ: “Nếu Chúa lại hiện ra, bà hỏi: ‘Cha xứ có tội gì nặng nhất.” Tuần sau, bà trở lại: “Tối qua Chúa lại hiện ra.” “Bà có hỏi Ngài không?”“Có.” Cha xứ hồi hộp: “Bà hỏi thế nào?” “Con hỏi như cha bảo. Cha xứ càng hồi hộp: “Chúa có trả lời không?”“Có.” Cha xứ lo lắng:“Chúa nói sao?” “Chúa nói: ‘Ta đã quên hết rồi.” Cha xứ thở phào.

    - Trở về làm cho cuộc sống ý nghĩa. Khi một người thành đạt, họ sẽ về vinh quy bái tổ. Hai người con trong dụ ngôn đều ở ngoài nhà cha, dù bị đói. Cả hai đều cần trở vào nhà để được ăn tiệc và cuộc sống nên tốt đẹp trở lại. Trở về với Thiên Chúa giúp cho Kitô hữu hạnh phúc trong hành trình về Nhà Cha.

    NGƯỜI CHA NHÂN HẬU

    Suy Niệm

    Trong khi mọi lớp người, kể cả người tội lỗi, người thu thuế đến nghe Đức Giê-su giảng, các ông Kinh sư lại xét nét việc Người đón tiếp những người tội lỗi. Đức Giê-su giáo dục họ bằng những dụ ngôn về lòng thương xót, điển hình nhất là dụ ngôn đứa con hoang đàng và người cha nhân hậu.

    Tuy nhiên, liệu trong thực tế có đứa con nào quá đáng như vậy không? Liệu có ai chưa có gia đình nghề nghiệp mà dám đòi chia gia tài như vậy không, liệu có người cha nào lại dại dột chia của cho đứa con chưa trưởng thành đầy đủ không? Có nên kết án người con cả không, dù anh chịu khó tiết kiệm trung thành? Anh có lí không, khi người cha đón đứa con hoang đàng trở về, mà không được góp ý chia sẻ, cho rằng người con thứ ra đi phạm tội, cần phải trừng phạt để anh hối cải?

    1. Những đứa con

              Dụ ngôn đưa ra câu truyện người cha có hai người con, mỗi đứa mỗi tính nết:

              Người con thứ vô trách nhiệm: Ít ai đọc xong câu chuyện, lại không có một kết luận tiêu cực về người con phung phá này. Anh để lại trong lòng người nghe những phản ứng không tốt: người con hư hốt, người con phung phí, bất hiếu, trác táng, người con đốn mạt, dại dột. Là người con thứ được nuông chiều, anh cảm thấy trước mặt chỉ toàn là hoa hồng, hấp dẫn. Anh nhìn thấy tài sản trong gia đình, do lao động tằn tiện của người cha, đã bắt đầu khá giả; anh nhìn thấy tương lai đầy hào nhoáng, có tiền mua tiên cũng được. Anh tự hào vì những gì anh nắm bắt được trong cuộc sống, anh muốn được tận hưởng. Anh quyết định xin cha mình chia gia tài để anh mặc sức tung hoành. Tuy nhiên đời đâu có đơn giản như anh nghĩ, người ta thân cận với anh chỉ khi anh có của. Tiền mà đốt vào vui chơi giải trí thì núi cũng đổ, nhất là bài bạc, tửu, sắc; và cái gì phải đến sẽ đến, anh bị bỏ rơi, mặc rách và đói ăn. Không còn ai thèm nhìn đến anh, đến nỗi anh phải làm cái nghề không người It-ra-en dám nghĩ tới: nghề chăn lợn. Còn hơn thế nữa, anh thèm khát cả những đồ ăn của lợn cũng bị chủ nhân rình rập đe phạt. Anh đã bước xuống nấc thang cuối cùng của cuộc sống! Việc anh tiêu xài hết phần của anh và những hành vi tội lỗi làm bàn dân chế nhạo, nhưng vì bị dồn đến chân tường, anh vẫn quyết trở về với cha, anh mau chóng được tha thứ và hưởng lại mọi quyền lợi của người con.

     Người con cả ích kỉ: Mặc dù phần đông dành con mắt thiện chí hơn với  anh, bởi anh ta cần cù chịu khó, tiết kiệm. Có lẽ cũng do anh một phần, mà gia đình trở nên khá giả, anh không hề có phạm lỗi gì trong ngoài xã hội. Thực ra, xét về mặt tình cảm,  anh cũng chẳng hơn gì người con thứ, cũng cạn tàu ráo máng với người cha và với đứa em ruột thịt của mình. Thay vì vui mừng khi em mình “chết đi nay sống lại”(Lc 15,24), anh lại nỡ tâm táng tận một người em dại dột, mà không thèm để ý, cứu vớt; anh mặc kệ nó với tất cả những đau khổ thử thách và khi cố gắng vùng dậy được, anh làm cho nó chết luôn. Anh đối xử với người cha cũng chẳng hơn gì; anh có mối quan hệ với cha như là bổn phận hơn là mối giây tình yêu, anh không bao giờ “trái lệnh cha” chỉ là để cầu lợi. Anh hăng say làm việc cũng chỉ nghĩ đến một tài sản kế thừa, “mọi sự của cha là của con”(Lc 15,31). Anh trung thành với cha, cũng chỉ là đối phó ích kỉ, làm để hưởng thụ, "mơ con bê béo vì bạn bè riêng mình."

    2. Người cha nhân hậu

    Người ta thường ca ngợi tình thương của cha mẹ đối với con cái,“công cha như núi Thái Sơn, nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra.” Tuy vậy trong thực tế rất ít có được người cha nào như trong dụ ngôn này, sẵn sàng chia gia tài, tha thứ, đón nhận và ăn mừng một đứa con hư hỗn trở về:

    Người cha không tính toán hơn thiệt và đã chia gia tài do chính mình chắt chiu nhiều năm. Dù ông biết như vậy là không đúng và còn nguy hiểm cho nó nữa, nhưng ông vẫn thương, để quyền tự do chọn lựa cho con, mong sao cho con mình vui vẻ. Ông hy vọng nó sẽ chịu khó làm ăn và gặp nhiều may mắn; một người cha không quá chú trọng của cải, mà chỉ vì nhu cầu hạnh phúc của con.

    Người cha đã nhận ra ngay, trước khi nó nhận ra ông, khi ông chợt nhìn thấy đứa con từ xa tiến lại. Khi đứa con xa nhà, chắc ông nhớ mong nó đêm ngày. Ông hiểu ra ngay tình trạng con của ông, với dáng đi thất thiểu, quần áo tả tơi. Tình thương trào dâng trong ông, làm ông quên đi hết, không đưa ra lời chất vấn nào: rằng của cải ông cho để đâu? Tại sao lại đến nông nỗi này? Ông chỉ xúc động và vì quá yêu thương mà tha thứ tất cả.

    Người cha chạy vội ra để ôm con: Người ta ngạc nhiên với một người cha nhân hậu dễ tha thứ đến thế. Hãy tưởng tượng, một người cha già ôm đứa con trai không còn nhỏ bé gì, nhưng lại rất giản dị chân thành như hành động của đứa trẻ. Cử chỉ hôn lấy hôn để, chỉ có thể dành để diễn tả đôi trai gái đang tuần trăng mặt, vậy mà ông đã hôn và ôm chặt như không muốn để nó ra đi lần nữa.

    Chưa hết, ông còn ăn mừng: Bấy giờ đến lượt ông phung phí tiền của, mở tiệc tùng thết đãi bạn bè hàng xóm và mua sắm đồ đạc cho con; nào áo mới, giầy mới, nào bê béo, đàn hát nhảy múa. Ông không hề mặc cảm làm như vậy, chỉ để bàn dân thiên hạ biết nhiều chuyện xấu hơn về gia đình ông. Vì yêu mà ông làm tất cả.

    Lại nữa, ông bỏ dở bàn ăn đi tìm đứa con cả ích kỉ, khi nó giận dỗi ra đi. Giờ đây ông lại phải thuyết phục đứa con hoang đàng về tinh thần này trở lại, ông nhẹ nhàng an ủi, tha thứ, bao dung: “Mọi sự của cha là của con”(Lc 15,31). Ông thể hiện tất cả lòng quảng đại, yêu thương và tha thứ, để dành được tình cảm của người con cả của ông.

    3. Con đường trọn lành

    Hãy trở về:  Đời người có ai không một lần vấp ngã! Kinh nghiệm của đứa con hoang đàng là một bài học quý giá. Từ bỏ cuộc sống êm đềm trong gia đình, mà anh cho là chán ngắt, anh đi tìm lối sống tự do, anh có biết đâu anh sẽ bị cô đơn quỵ ngã bởi thiếu người thân trong gia đình; tuy nhiên điều quan trọng, khi vấp ngã anh đã biết quay trở về. Bỏ qua tính tự mãn ngày nào, cho rằng mình đã trưởng thành và có quyền tự do chọn lựa cuộc sống cho mình; bỏ qua những xô xát có thể xảy ra, khi anh xin cha anh chia gia tài và đi xa; bỏ qua sự miệt thị của dân làng là ra đi mà trở về tay không như đồ vô dụng, nhưng trong tư thế khiêm nhường, với bước chân rón rén, hai mắt ngó ngang ngó dọc, lòng hồi hộp, anh nhẩm đi nhắc lại điệp khúc: “Con đã lỗi phạm đến Trời và đến cha”(Lc 15,21); anh đã nhận ra chính mình và anh trở về với thành công ngoài mong đợi, cha anh tha thứ cho anh tất cả.

    Hãy tha thứ: Loài người thấy rõ hình ảnh Thiên Chúa, qua người cha nhân hậu trong đoạn Tin Mừng. Thiên Chúa luôn yêu thương rộng mở, tha thứ lỗi lầm loài người. Thế gian từng kinh nghiệm những vụ nổi loạn trong gia đình, những điều chẳng ai muốn, nhưng vẫn bất ngờ nẩy sinh; tuy nhiên nếu biết nhận ra giá trị của sự tha thứ, mọi thành quả sẽ đến. Chính trong cử chỉ hào hiệp và sự tha thứ, mà người cha có lại được đứa con yêu quí. Người cha cũng thành công, chạy đi tìm người con cả, khi anh từ chối bữa tiệc mừng. Tâm hồn quảng đại của người cha một lần nữa giữ được đứa con hoang đàng về tinh thần này trở lại mái ấm gia đình. Nếu người cha trần thế ở đây, còn biết đón nhận những đứa con hư hỏng như vậy, phương chi Người Cha trên Trời, sẽ sẵn sàng đón nhận con cái trở về.

    Lạy Chúa, chúng con đã được yêu thương và được tha thứ nhiều. Chúa luôn bao dung giang tay đón tiếp chúng con. Xin Chúa tiếp tục giúp chúng con thể hiện lòng khoan dung này với hết mọi người.

    Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu

    Bài viết liên quan