LOẠT BÀI
DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG NĂM C
Chúa nhật I Mùa Vọng
Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu
Tin Mừng (Lc.21,25-28.34-36)
Khi ấy, Chúa Giê-su phán cùng các môn đệ rằng: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các ngôi sao: dưới đất, các dân tộc buồn sầu lo lắng, vì biển gầm sóng vỗ. Người ta sợ hãi kinh hồn chờ đợi những gì sẽ xảy đến trong vũ trụ, vì các tầng trời sẽ rung chuyển. Lúc đó, người ta sẽ thấy trên đám mây, Con Người hiện đến đầy quyền năng và uy nghi cao cả. Khi những điều đó bắt đầu xảy đến, chúng con hãy đứng dậy và ngẩng đầu lên, vì giờ cứu rỗi chúng con đã gần đến. Chúng con hãy giữ mình, kẻo lòng chúng con ra nặng nề, vì chè chén say sưa và lo lắng việc đời mà ngày đó thình lình đến với chúng con, như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất. Vậy chúng con hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, để có thể thoát khỏi những việc sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người!
Dàn Ý
1. Gặp gỡ
- Gặp gỡ, meeting: Gặp nhau, bắt gặp, tình cờ nhìn thấy, tìm thấy, gặp mặt và trao đổi; gặp gỡ chuyện trò, gặp bạn bè.
- Tin Mừng kể chuyện anh em Anrê gặp Chúa: “Chúng tôi đã gặp Đấng Messia.”
- Mùa Vọng là mùa Phụng vụ chuẩn bị gặp gỡ Chúa Cứu Thế. Vọng ở đây là chuẩn bị, khác đợi chờ. Chờ là khổ. Yêu nhau mà không được gần nhau thì rất đau khổ, ‘Chờ anh em ráng sức chờ. Chờ hồi mười bẩy bây giờ ba mươi.’
2. Lời Chúa hôm nay nói về gặp gỡ
- Giêrêmia kể về gặp Chúa: “Đây là tên người ta sẽ gọi Ngài: “Thiên Chúa, Đấng Công Chính của chúng tôi” (Gr 33,16).
- Phaolô mời gọi sống yêu thương: “Để lòng anh em được bền vững trên đường thánh thiện, không có gì đáng trách trước mặt Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta, ngự đến cùng với các Thánh” (1 Tx 3,13).
- Đức Giêsu nói ngày gặp gỡ sẽ đến bất ngờ: “Ngày đó thình lình đến với các con, như chiếc lưới chụp xuống mọi người sống trên mặt đất” (Lc 21,35).
3. Sẵn sàng gặp gỡ
- Gặp gỡ là phải chờ đợi. Cuộc sống luôn có những chờ đợi. Vợ chờ chồng làm ăn xa trở về, con trẻ chờ mẹ đi chợ về có quà. Con người chờ đợi hồng ân Chúa, nhất là chờ ngày Chúa đến. Chờ đợi không phải là chỉ ngồi yên kêu ca, đổ lỗi cho số phận, nhưng phải chủ động đi tìm, lắng nghe và thực hành ý Chúa và phục vụ tha nhân để đạt được mục tiêu.
- Gặp gỡ là phải biết mình. Dù được chứng kiến những cái chết bất ngờ, lúc đang ngủ hay đi chơi, người ta vẫn mất thời giờ vào rượu chè, bài bạc, phim ảnh hay buôn dưa lê. Ngày Chúa đến, mọi bí ẩn sẽ bị phanh phui, phân xử công minh. Mọi người phải tự kiểm điểm mình sống thế nào, đúng hay sai, mà quyết tâm điều chỉnh cuộc sống chờ ngày gặp Chúa.
- Truyện: Có ba xác chết đều cười, đặt ở Trung tâm điều tra hình sự. Quản lý trả lời nhà báo: Đây là ông A, chết ngay khi biết tin trúng 10 tờ độc đắc. Đến xác II: Đây là Bo, chết khi nghe tin toà án cho ly dị vợ mà không chia gia sản. Xác thứ ba: Đây là Tom, chết vì bị sét đánh. Hai ông trước có thể cười, còn ông này cười cái gì? Ồng này say rượu, khi thấy tia sét đánh mà ông cứ ngỡ đang được chụp hình nên vẫn cười(St)!
- Gặp gỡ đòi phải có niềm tin. Loài vật gặp nguy thường ẩn nấp, nằm rạp, tàng hình, ẩn màu hay tan biến. Con người hạnh phúc được Chúa thương yêu và bảo vệ: “Đừng khom lưng cúi mọp, hãy hiên ngang ngẩng đầu lên.” Hãy đứng vững vì Thiên Chúa đến đem lại bình an cho cuộc sống của mình.
- Gặp gỡ luôn đem lại niềm vui. Người ta trang trí, ánh sáng, tiệc tùng để mừng vui chuẩn bị được gặp Con Chúa giáng trần trong tâm hồn dịp Noen. Người ta sẽ càng vui hơn, vì sẽ được gặp Đấng Chí Công, Ngài sẽ xem các việc lành họ đã thực hiện trong cuộc sống để ban hạnh phúc vĩnh cửu.
- Kitô hữu hãy sống mùa Vọng, luôn nhận ra sự hiện diện của Chúa giữa chúng ta. Không xao lãng với bổn phận, không ngủ mê, không để kẻ thù lợi dụng, mà phải sẵn sàng chờ Chúa đến bất ngờ và ban thưởng hạnh phúc muôn đời.
Suy Niệm
Mùa Vọng lại đến, một khởi đầu mới của năm Phụng vụ; mùa Vọng đưa con người vào lịch sử cứu độ và chuẩn bị đón mừng ngày Chúa Giáng Sinh. Các bài đọc nhấn mạnh việc Thiên Chúa thực hiện lời hứa, ban Đấng cứu độ cho trần gian là Đức Giê-su Ki-tô; đồng thời cũng nhắc lại lời hứa của chính Đức Giê-su: Người sẽ đến lần thứ Hai trong vinh quang.
Mỗi người hãy đi tìm ý Chúa qua những nghịch lí, không phải chỉ là những câu hỏi gợi ý, mà những thắc mắc thực sự, có thể là những cái nhìn một chiều, những hiểu biết còn hạn chế, những ý kiến phản diện hay những quan điểm đối nghịch, kể cả những suy nghĩ ngô nghê ngộ nghĩnh, những phản ứng rất 'người':
Người ta đặt vấn đề: tại sao Phụng vụ lại nhắc đến những biến cố hãi hùng, những tai hoạ khủng khiếp, thay vì những sứ điệp vui mừng về ngày Chúa đến? Các hình ảnh mặt trời, mặt trăng không còn chiếu sáng, tầng trời rung chuyển và những tai hoạ…, phải chăng để gây sức ép, đe doạ? Có phải đó là đường lối Giáo hội dùng để phát triển đạo Chúa Kitô? Phải chăng Thiên Chúa hay báo thù?
1. Ngày Chúa đến
Những định lý vạn vật: Những gì Chúa nói ở đây không ngoài những qui luật sẵn có của vũ trụ. Hằng ngày con người được chứng kiến những thực tại khắc nghiệt diễn ra. Con người ngày càng khám phá được nhiều điều kì diệu trên bầu trời, nhưng vẫn còn quá nhỏ bé trước một không gian vĩ đại luôn đổi thay: sao chổi thỉnh thoảng xuất hiện, bầu trời đốt nóng giận dữ, cuồng phong gào thét, những mảnh sao băng đáp xuống bề mặt trái đất. Chính vì những điều huyền bí của không gian nảy sinh ra những nhà chiêm tinh, thầy bói. Môn tử vi ngày nay vẫn còn đắt khách! Người ta đang sống trên một trái đất chao đảo như con tàu Ti-ta-nic kiêu hãnh trên biển cả mà con người từng lầm tưởng rằng ai lên con tàu vĩ đại đó thì hoàn toàn an tâm hơn cả khi ở trong những đền đài sang trọng! Nhưng, như mọi người biết, con tàu đã va vào đá ngầm và hầu hết những ai ở trên tàu đều chết chìm lỉm dưới lòng Đại dương. Trái đất đối với vũ trụ còn nhỏ bé hơn nhiều, những gì người ta biết về Đại dương, với hàng ngàn sinh linh lớn có, bé có, đang vùng vẫy sinh sống ở đó, với những tài sản, khoáng sản quí giá, những mỏ dầu đang được khám phá… Cũng ở Đại dương đó, có biết bao lần con người đã phải ngập chìm trong dòng nước sâu. Những cơn sóng thần đã cuốn đi hàng trăm ngàn mạng sống, nhà cửa, tài sản của con người. Những vụ đắm đò ngay tại Việt Nam đã làm mấy chục em học sinh, không bao giờ còn được nhìn thấy cha mẹ gia đình mình nữa.
Những tiềm ẩn nơi con người: Người ta không thể nắm bắt hết được vũ trụ bao la vĩ đại; người ta cũng chẳng biết hết những gì diễn ra ngay trái đất hay nơi mỗi con người đang sống, nếu không, tại sao chiến tranh vẫn còn diễn ra xung quanh ta, ở Trung Đông, Irắc, ở Phi-lip-pin? Ai có thể ngờ được trên một cái máy bay hiền lành, trong đó là những hành khách vô tội đi làm công vụ, thăm bạn bè hay đi thưởng ngoạn, lại có thể biến thành quả bom có sức phá khủng khiếp, làm sụp đổ cả tòa nhà cao nhất thế giới lúc đó ở Niu-joc!
2. Diễn từ của Đức Giêsu
Đức Giêsu nói đến ngày thế mạt: Con người có thể hiểu được lí do tại sao Chúa đưa ra những thực tế đang diễn ra ngay xung quanh, mà người ta không thể biết hết được, để nhắc họ luôn sẵn sàng chờ ngày kết thúc toàn thể vũ trụ con người. Chúa là chủ vũ trụ, có nghĩa là tất cả vạn vật đều phải tuân theo đường lối của Người. Một khi không còn là mục tiêu của Người nữa, nó sẽ lỗi hàng thất thứ, mặt trăng không còn chiếu sáng. Ai chống lại là tự lên án cho chính mình mà thôi.
Đức Giêsu nói đến ngày Người Quang lâm: Sẽ có những điềm lạ trên trời, dưới đất, dưới biển, các tầng trời bị lay chuyển, nhưng sau đó là đến ngày của Con Người. Tiên tri Đaniel nhìn thấy Con Người trong thị kiến: "Này đây xuất hiện trên đám mây một kẻ có khuôn mặt con người. Người được long trọng trao ban vinh quang và vương quyền, mọi dân nước và ngôn ngữ đều tùng phục Người"(Dn 7,13-14). Chính Đức Giêsu cũng nói việc Người lại đến: "Và bây giờ người ta sẽ thấy Con Người đến trong đám mây với quyền năng và vinh quang cao cả."
3. Hãy sẵn sàng
Ngày thế gian sẽ kết thúc, Đức Kitô sẽ quang lâm, mỗi người được nhắc nhở sống theo ơn gọi của mình:
Người Kitô hữu hãy luôn sống trong hi vọng: Cảnh đổ vỡ tan hoang sẽ nhường chỗ cho Đấng ngự trên mây, là Đức Giêsu quang lâm, một trời mới, đất mới, vinh hiển muôn đời. Đó chính là chương trình tái sáng tạo diệu kì của Tạo Hoá, chương trình cứu độ Thiên Chúa dành cho loài người, đó là niềm vui, vinh quang; những ai tin vào Chúa sẽ không còn sợ hãi.
Người Kitô hữu phải luôn sẵn sàng: Để đạt được những hi vọng trên, người ta phải ở trong tư thế chuẩn bị. Ngày phán xét theo Kinh Thánh chắc chắn sẽ đến, mà ngoài Chúa, con người không thể biết được giờ nào, ngày nào. Đó là ngày của Chúa, ngày mà Chúa sẽ phán xét mọi người, mọi giai cấp, tôn giáo, chế độ; mọi bí mật sẽ bị tiết lộ phanh phui. Con người phải tỉnh thức và sống xứng với nhân phẩm của mình. Đừng để đam mê, tiền bạc, quyền lực quyến rũ, mà quên thân phận con người. Khi biết có kẻ trộm đến nhà, liệu người ta có đề cao cảnh giác mà canh chừng đêm ngày không? Hay là để mặc cho “lũ trẻ” trông coi, mặc cho vận may, để rồi chấp nhận hậu quả là mất tất cả.
Chúng ta đừng dại dột, liều mình với canh bạc của cuộc sống đời đời; canh bạc đời này còn có thời cơ bù lại, canh bạc đời sau là kết thúc tất cả!
Lm Giuse M. Trần Xuân Chiêu
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 58 | Tổng lượt truy cập: 4,258,354