LOẠT BÀI
DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG NĂM C
Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu
Phúc Âm (Lc 4,1-13)
Khi ấy, Chúa Giêsu được đầy Thánh Thần, liền rời vùng sông Giođan và được Thánh Thần đưa vào hoang địa ở đó suốt bốn mươi ngày, và chịu ma quỷ cám dỗ. Trong những ngày ấy, Người không ăn gì và sau thời gian đó, Người đói. Vì thế, ma quỷ đến thưa Người: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy truyền cho đá này biến thành bánh đi." Chúa Giêsu đáp: "Có lời chép rằng: Người ta không phải chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng lời Chúa nữa."
Rồi ma quỷ lại đem Người lên cao hơn cho xem ngay một lúc tất cả các nước thiên hạ và nói với Người rằng: "Tôi sẽ cho ông hết thảy quyền hành và vinh quang của các nước này, vì tất cả đó là của tôi và tôi muốn cho ai tuỳ ý. Vậy nếu ông sấp mình thờ lạy tôi, thì mọi sự ấy sẽ thuộc về ông!" Nhưng Chúa Giêsu đáp lại: "Có lời chép rằng: Ngươi phải thờ lạy Chúa là Thiên Chúa ngươi và chỉ phụng thờ một mình Người thôi."
Rồi ma quỷ lại đưa Người lên Giêrusalem, để Người trên góc tường cao đền thờ và bảo rằng: "Nếu ông là Con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình xuống, vì có lời chép rằng: "Chúa sẽ truyền cho Thiên Thần gìn giữ ông!" Và còn thêm rằng: "Các vị đó sẽ giơ tay nâng đỡ ông khỏi vấp phải đá." Chúa Giêsu đáp lại: "Có lời chép rằng: Ngươi đừng thử thách Chúa là Thiên Chúa ngươi!" Sau khi làm đủ cách cám dỗ, ma quỷ rút lui để chờ dịp khác.
CN I MC – VÀO SA MẠC
Dàn Ý
1. Sa mạc
- Sa: Cát, lụa, khàn, đục, cõi trần, xoa, rơi, sa bàn.
- Mạc: Sa mạc, thờ ơ, cái bạt, màng da, cúng, mạng che mặt,
- Sa mạc ‘Jehsimmon,’ nghĩa là ‘sự tàn phá.’ Nắng ở đó nóng như lò lửa, sườn núi dựng đứng 400m đổ xuống Biển Chết.
- Abraham đi về ‘sa mạc’ phía trước với rất nhiều thử thách. Israel 40 năm lang thang nơi sa mạc, thách của cuộc lữ hành.
- Đức Giêsu muốn sống lại kinh nghiệm 40 năm sa mạc, ăn chay, cầu nguyện và chịu cám dỗ, và chiến thắng.
2. Lời Chúa hôm nay nói về sa mạc
- Đức Giêsu lên hoang địa ăn chay: “Chúa Giêsu được đầy Thánh Thần, liền rời vùng sông Giođan và được Thánh Thần đưa vào hoang địa ở đó suốt bốn mươi ngày” (Lc 4,1).
- Đức Giêsu đói, ma quỷ đến cám dỗ: “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy truyền cho đá này biến thành bánh đi”( Lc 4, 3).
- Đức Giêsu lên án ma quỉ: “Có lời chép: Người ta không chỉ sống bằng cơm bánh, mà còn bằng lời Chúa nữa” (Lc 4,4).
3. Vào hoang mạc
- Vào hoang để cảm nghiệm. Sa mạc là vùng đất lớn, hoang vắng, không cỏ cây, nhà cửa, không người, vật; nơi mà con người thường trải nghiệm để chuẩn bị cho công việc. Giáo Hội muốn con người sống lại ‘trải nghiệm sa mạc’ của Đức Giêsu, giúp họ có kinh nghiệm trong cuộc lữ hành.
- Vào hoang mạc để vượt thử thách. Chúa không cứu Itraen như phù thủy quăng đũa thần, trong nháy mắt biến đau khổ thành hạnh phúc. Chúa đã cứu họ bằng 40 năm tôi luyện trong sa mạc, để về đất Hứa. Nhờ cầu nguyện và chay tịnh trong ‘tinh thần sa mạc,’ người ta tập được nhiều thói quen tốt, sẵn sàng vượt qua những gian nan trong cuộc sống.
- Vào hoang mạc để chiến thắng cám dỗ. Người ta khó có thể sống hoàn hảo, giữa thế gian ngập tràn tội lỗi, khó có thể sốt sáng kinh lễ khi phải tần tảo kiếm sống, khó có thể thực hành công bình giữa giữa thế giới đầy chia rẽ, gìành giật. Chỉ khi người ta vào hoang mạc để xa lánh bụi trần, đến gần Chúa hơn để vượt trên tất cả.
- Chuyện: Tần Huệ vương muốn chiếm Thục, nhưng khe núi hiểm trở, nên sai lấy đá tạc hình con trâu để gần địa giới Thục, mỗi ngày bỏ vàng sau đuôi trâu và phao tin: “Trâu đãi ra vàng.” Tiếng đồn đến tai vua Thục. Ông liền sai xẻ núi lấp khe và cho 5 lực sĩ vào rừng kéo trâu đá về. Huệ vương nhờ đó có lối đi, đem quân đánh, cướp nước Thục. Vua Thục vừa mất nước, vừa hại cả mình, vừa để lại trò cười cho thiên hạ.
- Vào hoang mạc để từ bỏ. Người ta thượng tôn tiền bạc, ‘có tiền mua tiên cũng được;’ nó chi phối đời sống, coi thường tha nhân, thù nghịch cả cha mẹ, vợ chồng, con cái. Vào sa mạc là dứt khoát với cái tôi ngạo mạn, loại bỏ lệch lạc, tránh lười biếng, dứt khoát với lối sống buông thả, hưởng thụ.
- Người ta cần vào hoang mạc để gần gũi Chúa. Con người hiểu rằng họ sẽ không còn phải chiến đấu một mình. Đức Giêsu luôn đồng hành, giúp con người vượt qua, nếu họ biết phó thác hoàn toàn cho Người.
Suy Niệm
Đoạn Tin Mừng dẫn mỗi người vào hoang địa với Đức Giê-su để chứng kiến ma quỷ cám dỗ. Bằng những thủ đoạn mưu mô và bằng những kinh nghiệm, qua thực tế cuộc sống yếu đuối đam mê của con người, về ăn uống, về danh vọng, về tiền bạc, mà ma quỷ đã sử dụng để thử Chúa. Thay vì bị sập cạm bẫy, Đức Giêsu đã làm cho lũ quỷ biến chạy khỏi Người.
Tuy nhiên người ta không khỏi thắc mắc, làm sao mà Đức Giê-su có thể nhịn đói 40 ngày, người ta không ăn chỉ vài ngày là có thể chết? Tại sao Người lại để cám dỗ xảy ra? Hiểu thế nào về câu nói "đợi dịp" trong câu kết thúc đoạn Tin Mừng? Phải chăng Đức Giê-su vào hoang địa để cầu nguyện ăn chay, hay để "bị ma quỉ cám dỗ" như trình thuật kể lại?
1. Trong hoang địa
Đức Giê-su cầu nguyện: Hình dung hình ảnh Đức Giê-su sau khi chịu phép Rửa, đang dần từ bỏ đám đông quần chúng, tiến xa vào nơi hoang địa heo hút, vắng vẻ. Trước khi thực hiện sứ vụ công khai, Người đã chuẩn bị rao giảng, bằng việc lánh xa nơi ồn ào để tĩnh tâm, cầu nguyện. Chúa Giêsu đã theo hướng dẫn của Thánh Thần chọn lối sống hiến dâng cho Chúa Cha. Khác với thói quen con người trần tục, họ chuẩn bị cho sứ vụ bằng những cuộc họp ồn ào náo nhiệt, những quảng cáo hấp dẫn, bằng sự cạnh tranh sát phạt, Đức Giê-su sống từ bỏ, khiêm nhường nhìn lại mình, để vào cuộc với tất cả hành trang cần thiết, cùng với sự đồng hành của Thiên Chúa.
Đức Giê-su ăn chay: Mặc dù là Con Thiên Chúa, Đức Giê-su có thể làm phép lạ cho bánh hoá nhiều, nhưng Người muốn cảm nghiệm cơn đói khát trong sa mạc, để chia sẻ cái đói của biết bao người nghèo khổ, đồng thời cũng dạy cho mọi người bài học, "người ta sống không nguyên bởi cơm bánh" thôi. Việc Đức Giê-su "bị ma quỉ cám dỗ" cũng là kết quả của việc cầu nguyện và ăn chay và loan báo Nước Thiên Chúa, khiến thù địch ghen tương và vào cuộc, tìm cách phá huỷ chương trình của Người.
2. Đức Giê-su "bị ma quỉ cám dỗ"
Ma quỷ chờ sẵn thời cơ, sau khi Chúa Giê-su ăn chay 40 đêm ngày, chắc chắn Người đói và cô đơn trống rỗng, ma quỷ đến cám dỗ Chúa:
Đức Giê-su bị ma quỉ cám dỗ về ăn uống: Con người thường muốn ăn ngon, quần áo thời trang, đồ trang sức đắt tiền. Khi thấy Chúa đói, ma quỷ thách Chúa làm phép lạ, biến đá thành bánh để ăn. Thực ra Chúa Giê-su có thể làm phép lạ hoá bánh ra nhiều, phục vụ cho nhu cầu cuộc sống tự nhiên; ăn uống khi đói khi khát là điều hợp lí, nhưng Đức Giê-su không làm như thế để dạy cho ma quỷ bài học: “Con người sống không phải vì cơm bánh, nhưng bởi mọi lời do miệng Thiên Chúa phán ra.”
Đức Giê-su bị cám dỗ về đam mê quyền lực: Cám dỗ Chúa thoả mãn nhu cầu ăn uống không được, ma quỷ lại đưa ra chiêu bài rất hấp dẫn và quen thuộc, mà người ta thường mắc phải, đó là đam mê danh vọng. Con người thường chạy theo cái tôi bản ngã, tôi là tôi, tôi là cộng đoàn, tôi là tất cả. Kể ra ma quỷ cũng có lí, khi cám dỗ Chúa về tiền của và quyền lực; vì nếu có nhiều tiền của, Chúa có thể thống trị trần gian và bảo gì ai cũng tuân theo; có tiền mua tiên cũng được, có tiền có thể xây nhà thờ, làm việc truyền giáo, làm việc bác ái. Tổ chức nào cũng muốn cho mình là lớn hơn, mạnh hơn, siêu hơn, vũ khí hiện đại hơn, ảnh hưởng danh dự cao hơn, để làm bá chủ người khác. Tôn giáo cũng không loại trừ, nhiều nơi thi nhau tổ chức lễ hội linh đình, rầm rộ, có hội trống lớn, đoàn kèn hoành tráng, có nhà thờ to hơn, tháp chuông cao nhất. Người ta muốn mình có chức quyền, người ta muốn ra oai trong sắc phục, người ta muốn trở thành đại gia trong xã hội, người ta muốn được tôn sùng trong các địa vị tôn giáo, đi tu để được làm sơ, làm cha. Hăng say đạo đức nhiều khi cũng chỉ để được bầu làm trùm, làm chánh trương, làm trưởng ban. Chúa Giêsu đã chiến thắng ma quỷ và dạy cho con người bài học là: “Tôn thờ mình Chúa thôi.” Họ chỉ được chọn một hoặc xấu hoặc tốt. Họ cũng được lựa chọn hoặc quyền lực của Chúa, hoặc là danh vọng hão huyền nơi con người.
Ma quỷ cám dỗ Đức Giê-su về tôn giáo: Ma quỉ không phải là kẻ vừa, chúng có thừa mưu mô để cám dỗ người khác. Sau hai lần thất bại, chúng tiếp tục cám dỗ Chúa về ma lực thần thánh; ma quỷ thử thách Chúa làm một phép lạ siêu nhiên, một ảo thuật mê hoặc quần chúng. Nhiều người đến nhà thờ chỉ được giầu có, buôn bán gặp may, xin điều gì mà được thì sẵn sàng dâng cúng rất nhiều, nhưng nếu không được thì sẵn sàng chạy đến thần khác 'thiêng' hơn; đi đạo đi lễ là để mặc cả với Chúa. Đức Giê-su đã chiến thắng cạm bẫy của quỷ dữ và dạy con người phải luôn biết lắng nghe ý Chúa và đừng bao giờ thử thách Người. Thập Giá là con đường Chúa chọn, giúp con người trưởng thành.
3. Thực hành
Hãy cảnh giác với những cám dỗ: Việc Đức Giê-su chịu cám dỗ nhắc mọi người là sẽ có những cám dỗ thường xuyên. Có rất nhiều quyến rũ từ xác thịt, vật chất làm mê hoặc con người. Ma quỷ từng thành công trong việc lừa dối Adong-Eva; mặc dù thất bại với Chúa Giêsu và rút lui, nhưng nó vẫn chờ dịp thuận lợi khác. Như vậy, Đức Kitô còn tiếp tục bị cám dỗ. Chúa dạy mọi người phải luôn tỉnh thức đề phòng. Miếng ăn như là một đam mê mãn tính; sự quyến rũ của giác quan đã làm bao gia đình tan cửa nát nhà. Adong-Eva đã mất hạnh phúc trong vườn Địa đàng, sắc đẹp đã làm Samson dũng mạnh phải chết oan, những lời tán tỉnh ngọt ngào “anh yêu em”của mấy chàng trai, đã làm cho bao nhiêu cô gái phải ngậm đắng nuốt cay suốt đời. Truyện kể một thầy tu muốn trắc nghiệm luân lí với ba người bạn; ông hỏi: Nếu bắt gặp cái túi đầy tiền thì làm sao? Người thứ nhất trả lời: Tôi sẽ trả lại cho chủ nó. Thầy tu lên án: anh là thằng điên. Người thứ hai trả lời: Dại gì mà không lấy của Trời cho. Thầy tu kết luận: Anh là đồ vô lại. Người thứ ba trả lời: Tôi không thể hiểu chính bản thân mình có thể giải quyết trong trường hợp này, vì tôi cảm thấy mình yếu đuối, lúc này tôi chỉ biết khiêm nhường để cầu xin mình khỏi vấp ngã lòng tham lam; thầy tu khen anh là người khôn ngoan. Người sống khiêm nhường là người đắc đạo nhất!
Hãy chọn Chúa: Trong cái ồn ào náo nhiệt của cuộc sống, người ta phải biết chọn lựa điều tốt. Con người cần sự cô tịch trong sa mạc, trong phòng vắng, để nhìn ra chính mình và để tìm Chúa. Mỗi người cần phải biết chắc là Chúa kêu gọi mình, kể cả những lúc như bị bỏ rơi. Chỉ có Chúa mới có thể giải thoát con người khỏi vòng vây của quyến rũ. Chúa Giêsu đã quyết liệt xua đuổi: “Sa-tan, hãy lui đi, vì ngươi phải thờ lạy một mình Thiên Chúa là Thiên Chúa ngươi và thờ lạy một mình Người mà thôi.”
Lạy Chúa, mặc dù có đôi lúc chúng con sa ngã do yếu đuối, nhưng xin cho chúng con luôn khiêm nhường và quyết tâm từ bỏ, nhất là phải luôn cầu nguyện và sám hối, để Chúa tiếp sức cho chúng con kịp thời.
Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 146 | Tổng lượt truy cập: 6,010,224