Chúa Nhật XVII TN Năm B - Lm Giuse Trần Xuân Chiêu

  • 26/07/2024
  • Chủ đề: Lương thực loài người

     

     

    LOẠT BÀI

    DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG

    CN XVII THƯỜNG NIÊN NĂM B

    Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu

    Tin Mừng (Ga 6,1-15)

    Khi ấy, Chúa Giêsu đi sang bên kia biển Galilêa, cũng gọi là Tibêria. Có đám đông dân chúng theo Người, vì họ đã thấy những phép lạ Người làm cho những kẻ bệnh tật. Chúa Giêsu lên núi và ngồi đó với các môn đệ. Lễ Vượt Qua là đại lễ của người Do-thái đã gần tới. Chúa Giêsu ngước mắt lên và thấy đám rất đông dân chúng đến với Người. Người hỏi Philipphê: "Ta mua đâu được bánh cho những người này ăn?" Người hỏi như vậy có ý thử ông, vì chính Người đã biết việc Người sắp làm. Philipphê thưa: "Hai trăm bạc bánh cũng không đủ để mỗi người được một chút". Một trong các môn đệ, tên là Anrê, em ông Simon Phêrô, thưa cùng Người rằng: "Ở đây có một bé trai có năm chiếc bánh lúa mạch và hai con cá, nhưng bấy nhiêu thì thấm vào đâu cho từng ấy người". Chúa Giêsu nói: "Cứ bảo người ta ngồi xuống". Nơi đó có nhiều cỏ, người ta ngồi xuống, số đàn ông độ năm ngàn.

    Bấy giờ Chúa Giêsu cầm lấy bánh, và khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn, và cá cũng được phân phát như thế, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích. Khi họ đã ăn no nê, Người bảo các môn đệ: "Hãy thu lấy những miếng còn lại, kẻo phí đi". Họ thu lại được mười hai thúng đầy bánh vụn do năm chiếc bánh lúa mạch người ta đã ăn mà còn dư.

        Thấy phép lạ Chúa Giêsu đã làm, người ta đều nói rằng: "Thật ông này là Ðấng tiên tri phải đến trong thế gian". Vì Chúa Giêsu biết rằng người ta sẽ đến bắt Người để tôn làm vua, nên Người lại trốn lên núi một mình.

    CN 17 TN – BÁNH HÓA NHIỀU

    Dàn Ý

    1. Bánh ăn

    - Ăn uống là nhu cầu quan trọng, cung cấp năng lượng cho con người trong sinh hoạt, học hành và làm việc.

    - Bánh gạo là loại món ăn làm bằng bột hay gạo có chất mặn, ngọt, béo; có thể rán, nướng, hấp, nấu sôi.

    - Bánh mì, bread: Là bánh làm từ các nguyên liệu cơ bản: bột mì, muối, men và các vật liệu tạo xốp, dai, giòn.

    2. Lời Chúa hôm nay nói về bánh hóa nhiều

    - Sách Các Vua thuật truyện bánh hóa nhiều từ hai mươi chiếc bánh: “Đoạn người dọn cho họ ăn mà còn dư đúng như lời Chúa phán” (2 V 4,44).

    - Gioan kể Đức Giêsu cho dân ăn từ năm chiếc bánh và hai con cá: “Cứ bảo người ta ngồi xuống.” Nơi đó có nhiều cỏ, số đàn ông độ năm ngàn (Ga 6, 10).

    - Đức Giêsu cho bánh hóa nhiều: “Khi đã tạ ơn, Người phân phát cho các kẻ ngồi ăn và cá cũng được phân phát như thế, ai muốn bao nhiêu tuỳ thích” (Ga 6, 11).

    3. Ý nghĩa phép lạ

    - Phép lạ bánh hóa nhiều cho thấy thực tế thiếu đói vật chất.  Người ta đối mặt với cái đói thể xác: Đói ăn, đói vật chất, tiện nghi, thuốc thang. Nạn thiếu lương thực làm hàng triệu người chết đói mỗi ngày. Đức Giêsu chứng kiến dân chúng bị đói, mệt mỏi, nên hướng dẫn các môn đệ giải quyết nạn đói bụng: “Ta mua đâu ra bánh cho họ ăn đây.”

    - Phép lạ bánh hóa nhiều cho thấy thực tế đói khát tinh thần. Vật chất cần cho cuộc sống của con người, nhưng không phải là tất cả. Người ta còn đối đầu với nhiều thứ đói khác: Đói nhân cách, tình yêu, đói kinh nghiệm, đói thông tin, đói lương thực thiêng liêng. Đáp ứng đời sống tinh thần giúp người ta thăng tiến về mọi mặt.

    - Phép lạ bánh hóa nhiều dạy phải biết quan tâm tha nhân. ‘Có thực mới vực được đạo.’ Là lãnh đạo khi thấy dân bị chà đạp mà chỉ tặng họ bằng khen, là giáo sĩ thấy người ta đói rách mà chỉ tặng họ sách Kinh thôi sao? Đức Giêsu chạnh lòng thương với những ai bất hạnh, để nhấn mạnh tình yêu biết quan tâm và hy sinh thực sự, đem lại thăng bằng cho đời sống.

    - Truyện: Hai đứa trẻ bới rác, bỗng reo lên khi thấy cái bánh kem của bé trên xe hơi vất xuống. Đứa lớn vội nhặt cái bánh lấm bụi. Bé gái nói: “Anh hai thổi sạch rồi mình ăn.” Bé trai phùng má thổi, bụi chẳng đi. Bé gái sốt ruột cũng ghé mồm thổi, làm bánh rơi xuống cống. Con bé khóc: “Ai bảo anh thổi mạnh.” Anh bùi ngùi: “Ừ, tại anh! Mà kem còn dính tay nè. Cho em liếm ba ngón, anh chỉ liếm hai ngón thôi!”

    - Phép lạ bánh hóa nhiều cho thấy tình thương Thiên Chúa.  Đức Giêsu thương dân bị đói. Kitô hữu phải là dấu chỉ tình yêu của Chúa giữa thế gian. Đã có tình thương thì ‘chiếc bánh cũng bẻ đôi.’ Đám đông được ăn no nhờ tấm lòng của em bé. Nhờ sự đóng góp của mỗi người, dù ít ỏi, cũng sẽ làm cho Thiên Chúa tình thương ban thêm gấp bội.

    - Giới trẻ ngày nay được học biết nhiều, nhưng lại kém ứng xử. Lãnh đạo trần thế dùng quyền làm giàu cho cá nhân; nhưng, ‘quan nhất thời, dân vạn đại.’ Tin Mừng hôm nay giới thiệu Đức Giêsu chăm sóc con người cả thể xác lẫn tinh thần. Đức Giêsu chỉ muốn làm thỏa mãn cơn đói của loài người. Hãy tạ ơn chúa vì tất cả những hồng ân Chúa ban dồi dào cho suốt cuộc đời chung con

    LƯƠNG THỰC LOÀI NGƯỜI

    Suy Niệm

              Đoạn Tin Mừng thánh Gio-an thuật lại phép lạ bánh hoá nhiều tại khu vực biển hồ Ti-be-ri-a. Từ 5 chiếc bánh và 2 con cá của một bé trai mang theo, Đức Giê-su đã làm thành ra nhiều, cho 5.000 người đàn ông ăn no, không kể đàn bà trẻ con, và còn thừa 12 thúng bánh vụn dư. Phép lạ bánh hoá nhiều này chuẩn bị cho phép lạ Thánh Thể Đức Giê-su sẽ thiết lập sau này.

               Người ta không hiểu tại sao đám quần chúng vô tâm đến thế, không ai chuẩn bị đồ ăn, trời tối, lại ở trong khu rừng vắng không có hàng quán? Chúa có thể làm phép lạ bánh hoá nhiều, tại sao Chúa để quá nhiều người sống trong cảnh nghèo khổ đói ăn, thiếu dinh dưỡng khắp nơi trên trái đất?

              1. Phép lạ bánh hóa nhiều

              Đức Giê-su sang bờ bên kia Biển hồ: Trong dịp chuẩn bị lễ Vượt qua của người It-ra-en, Đức Giê-su lên núi cùng với các môn đệ của Người. Những việc Chúa Giê-su làm đã ảnh hưởng lớn đối với quần chúng. Họ tìm ra dấu vết nơi Chúa ở, và lũ lượt kéo theo để được tận mắt nhìn Người và để nghe Người giảng. Sự kiện này làm cho các môn đệ lo ngại, nhất là trời gần tối, mà xung quanh không có hàng quán, dân chúng sẽ phải đói, nếu không tìm cách nào để giải quyết vụ việc.

              Đức Giê-su chuẩn bị cho phép lạ bánh hoá nhiều: Các Tông đồ muốn giải tán đám đông để họ tự giải quyết nhu cầu cái bụng. Thực ra đây là giải pháp hợp lý, vì các ông "lấy đâu ra bánh cho từng ấy người ăn," và các ông cũng không muốn nhìn họ đói khổ, đôi khi còn gây rắc rối nữa. Đức Giê-su đã hiểu hết tất cả và Người đã tận dụng cơ hội này, để làm phép lạ từ 5 chiếc bánh và 2 con cá của một em bé mang theo, để nhân lên nhiều đủ cho 5.000 người đàn ông ăn no không kể đàn bà con trẻ.

              Đức Giê-su trốn lên núi, vì sợ đám quần chúng tôn người làm Vua. Sau khi được chứng kiến phép lạ rất ấn tượng, dân chúng tin theo Đức Giê-su; nếu Người này làm vua theo ý họ, từ nay cái bụng chắc chắn sẽ không còn phải đói nữa; họ còn hi vọng Người sẽ là vị cứu tinh, để giải thoát dân It-ra-en khỏi lệ thuộc người Rô-ma. Đức Giê-su không bị cơn cám dỗ chính trị lôi kéo, Người bỏ trốn lên núi một mình. Chính trong việc "bỏ trốn," lại là một dấu chỉ về Đấng Ki-tô. Người không phải là nhà giải phóng chính trị, mà là Đấng cứu độ tinh thần, không phải là người cung cấp lương thực vật chất, mà là Đấng đem lại bình an đời đời cho nhân loại.

              2. Những dấu ấn tình yêu

              Đức Giê-su làm phép lạ bánh hoá nhiều cho dân chúng đang đói được ăn no nê, Chúa đang thực thi kế hoạch tình thương của Người đối với nhân loại:

              Đức Giê-su tỏ quyền năng Thiên Chúa: Con người không thể làm được gì ngoài việc tuân theo những quy luật thiên nhiên sẵn có. Thế giới hiện đại vẫn chứng kiến cảnh đói khát thiếu thốn, cho dù người ta cố gắng kêu gọi sự chia sẻ của người dư thừa cho người thiếu thốn. Đức Giê-su không lấy của người có, cho người không có, Người làm phép lạ cho bánh hoá nhiều, nhân lên từ 5 chiếc bánh và 2 con cá cho 5.000 người đàn ông ăn no. Chúa không can thiệp vào sự giàu nghèo đang diễn ra, nhưng Chúa vẫn có thể, trong từng trường hợp, đưa ra một dấu chỉ để làm chứng cho Lời giảng và củng cố chương trình của Người.

              Đức Giê-su tỏ tình thương của Người khi làm phép lạ bánh hoá nhiều: Thế gian ngày nay kêu gọi hợp nhất yêu thương, tuy nhiên, con người mới chỉ thực hành trên môi miệng, quảng cáo, phô trương; chiến tranh nối tiếp chiến tranh, bóc lột, cạnh tranh vẫn diễn ra trên mặt đất. Đức Giê-su không những chạnh lòng thương khi nhìn đám quần chúng khó khăn, mà Người còn hành động cụ thể, làm phép lạ bánh hoá nhiều đáp ứng cái đói của nhân loại. Ngày nay Thiên Chúa vẫn tiếp tục thể hiện tình thương bằng nhiều hình thức khác nhau, con người phải lấy con mắt Đức tin để nhận ra tình yêu của Người.

              Đức Giê-su chuẩn bị lập phép Thánh Thể, khi làm phép lạ bánh hoá nhiều: Dân It-ra-en thường nhắc lại thứ Man-na, xưa đã nuôi cha ông họ trên đường về Đất hứa. Đức Giê-su làm phép lạ trong dịp người It-ra-en mừng lễ Vượt qua, Người muốn hướng tới một phép lạ vĩ đại hơn, đó là phép lạ Mình Máu Chúa trở thành của ăn nuôi sống con người trong sự sống đời đời. Thánh Gio-an dùng những cụm từ "tạ ơn," "phân phát," là những cử chỉ trong Bí tích Thánh Thể. Đức Giê-su muốn nuôi con người bằng Mình và Máu Chúa, để họ được sống đời đời.

              3. Gương thực hành

              Qua đoạn Tin Mừng, Đức Giê-su thông chuyển cho mỗi người bài học thực hành sống động:

              Hãy cộng tác: Đức Giê-su không làm phép lạ từ không ra có, mà Người lấy 5 chiếc bánh và 2 con cá của một bé trai, Người muốn sự cộng tác của con người vào công việc của Người. Chúa cần những tình nguyện viên, để phân phát lương thực cho dân, Chúa cần những Tông đồ hăng say nhiệt tình, tiếp nối sứ vụ của Chúa. Con người vinh dự được Chúa cho cộng tác vào kế hoạch của Người, để mỗi hành động của mình trở nên quà tặng ý nghĩa cho người khác. Chia sẻ là chiếc cầu nối giữa con người với nhau và giữa con người với Thiên Chúa.

              Hãy tạ ơn: Sau khi đã sẵn sàng, Đức Giê-su cầm lấy bánh, "dâng lời tạ ơn" rồi trao cho các môn đệ, để họ phân phát cho dân chúng. Đức Giê-su thể hiện nghĩa cử tạ ơn với Chúa Cha. Người đáp ứng nhu cầu thể xác của con người, dưới ánh mắt tình yêu của Thiên Chúa. Mỗi ngày trong cuộc đời con người, là mỗi ngày phải tạ ơn Chúa với bao nhiêu hồng ân nhận được. Việc tạ ơn đồng nghĩa với việc chia sẻ ơn Chúa; người ta không thể tạ ơn Chúa đầy đủ, nếu họ không thể hiện trách nhiệm với tha nhân, đối tượng chăm sóc của Chúa. Người ta không thể làm phép lạ nhân lên nhiều, nhưng người ta có thể nhân việc lành bằng việc nhân số lần chia sẻ với anh em.

              Hãy tiết kiệm: Người ta có cảm nghiệm thế nào khi được chứng kiến những môn đệ đi thu gom những mẩu bánh vụn thành từng rổ, sau phép lạ bánh hóa nhiều. Những ai chứng kiến các thùng rác chạy dọc theo các dãy phố ở Nhật bản, những thứ đồ đắt tiền bị người ta quăng bỏ; những đồ ăn đủ loại bị đổ đi sau những bữa ăn hội hè, người ta mới cảm nhận được bài học tiết kiệm. Biết tiết kiệm là biết trân trọng ơn Chúa, tiết kiệm là "Quốc sách," tiết kiệm là phương pháp hữu hiệu để giúp người nghèo và làm giàu cho nhân loại.

              Xin Đức Trinh Nữ Ma-ri-a giúp chúng con luôn thực hành theo mẫu gương của Mẹ để biết cộng tác với Chúa và luôn dùng lời tạ ơn Thiên Chúa Đấng đã ban dồi dào Hồng ân cho con người.

    Lm Giuse M. Trần Xuân Chiêu

    Bài viết liên quan