Chúa Nhật XII TN Năm B - Lm Giuse Trần Xuân Chiêu

  • 20/06/2024
  • Chủ đề: Sóng gió cuộc đời

     

    LOẠT BÀI

    DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG

    CN XII THƯỜNG NIÊN NĂM B

    LM. Giuse M. Trần Xuân Chiêu

    Tin Mừng (Mc. 4, 35-40)

         Ngày ấy, khi chiều đến, Chúa Giêsu phán cùng các môn đệ rằng: "Chúng ta hãy sang bên kia biển hồ". Các ông giải tán đám đông; vì Người đang ở dưới thuyền, nên các ông chở Người đi. Cũng có nhiều thuyền khác theo Người. Chợt có một cơn bão lớn và những lớp sóng ùa vào thuyền đến nỗi sắp đầy nước. Và Người thì ở đàng lái dựa gối mà ngủ. Các ông đánh thức Người và nói: "Thưa Thầy, chúng con chết mất mà Thầy không quan tâm đến sao?" Chỗi dậy, Người đe gió và phán với biển rằng: "Hãy im đi, hãy lặng đi". Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ. Rồi Người nói với các ông: "Sao các con sợ hãi thế? Các con không có đức tin ư?" Bấy giờ các ông kinh hãi và nói với nhau rằng: "Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?"

    QUYỀN NĂNG CHÚA

    Dàn ý

    1. Quyền năng

    - Năng lực tự nhiên, nature: Là thiên nhiên, vật chất, vũ trụ, nguyên tử, để phân biệt nhân tạo và siêu nhiên.

    - Năng lực siêu phàm: Là khả năng siêu phàm của con người. Vd: Ben Underwood có thể nhìn bằng tai.

    - Năng lực siêu nhiên: Là sức mạnh siêu nhiên, vô hình, không bắt nguồn từ sinh vật hay quy luật tự nhiên.

    - Quyền năng Thiên Chúa: Là quyền năng Tạo Hóa, tạo dựng mọi loài từ không, quyền uy trên mọi tạo vật.

    2. Phụng vụ hôm nay nói về quyền năng Thiên Chúa

    - Giop kể về uy quyền Chúa: “Ta lấy mây làm áo che nó, lấy u tối che phủ nó như khăn bọc trẻ? Ta vạch biên giới quanh nó,… ngươi chảy đến đó thôi” (G 38, 1,9).

    - Đức Giêsu ra lệnh cho sóng gió im lặng: “Người đe gió và phán với biển rằng: Hãy im đi, hãy lặng đi. Tức thì gió ngừng biển lặng như tờ” (Mc 4, 39).

    - Các Tông Đồ kinh hãi thốt lên: “Người là ai mà cả gió lẫn biển cũng đều vâng lệnh Người?” (Mc 4,41)

    3. Thiên Chúa tỏ quyền năng

    - Thiên Chúa tỏ quyền năng, mạc khải Ngài là Thiên Chúa. Chúa làm phép lạ thể hiện quyền năng Người: “Người này là ai, mà cả đến gió biển cũng tuân lệnh?” Con người thích bình an, nhưng bất lực, vì cuộc đời luôn có ‘bão táp.’ Nhờ phép lạ, các môn đệ nhận ra Thầy là Thiên Chúa, có quyền trên gió và biển, quyền năng trên mọi tạo vật.

    - Thiên Chúa tỏ quyền năng trên trật tự thiên nhiên. Dù tài giỏi thế nào, người ta vẫn ‘chẳng làm được gì trước sự ra đi vĩnh viễn của người thân.’ Các môn đệ tự hàocó kinh nghiệm nghề sông lưới, nhưng khi thấy thuyền sắp chìm, liền khiếp sợ la lên: “Chúng con chết mất.” Chúa đã đe gió bão, sóng yên biển lặng. 

    - Thiên Chúa tỏ quyền năng để bảo vệ con người. Nhiều người, vỗ ngực muốn ‘thay trời làm mưa,’ tự hào với những phát minh khoa học, sáng chế ra vắcxin, cuối cùng vẫn không thể bảo đảm cho cuộc sống con người. Các Tông đồ nhát đảm yếu đuối, lo sợ trước giông tố. Chúa đã dẹp yên sóng gió, đem lại bình an, vìmọi sợi tóc trên đầu các con cũng đã được đếm cả rồi.’

    - Thiên Chúa tỏ quyền năng thể hiện tình yêu với con người. Nhiều lần Chúa giả vờ, như lúc đi Emmau với môn đệ. Cũng như bà mẹ đôi khi giả vờ khuất mặt để đứa con cảm nghiệm nỗi vắng mẹ là thế nào, Chúa cũng ngủ trong cuộc thương khó, trong cơn bão cuộc đời. Chúa dựa đàng lái, dựa vào thập giá và dựa vào nấm mộ để thể hiện tình yêu với con người.

    - Truyện: bà đi tàu từ Buffalo thăm con gái Cleveland (Mĩ). Ra giữa biển thì bão to, ai cũng sợ, còncứ nguyện cầu. Bão qua, hỏi sao bà không sợ?Bà đáp: Tôi có hai con gái, một đứa đã về với Chúa, một đứa hiện ở Cleveland. Trong cơn bão, tôi không biết sắp gặp con nào. Nếu chết, tôi sẽ gặp đứa ở Thiên đàng, còn bình an, tôi sẽ gặp đứa Cleveland. Gặp con nào tôi cũng vui sướng cả(ST).

    - Cuộc sống đòi hỏi con người phải chèo chống qua biển cả ngợp sóng. Hãy cộng tác với Chúa, mở rộng tấm lòng, thực hành tình yêu tha nhân và sống phó thác, Chúa sẽ dùng quyền năng để bảo vệ con người.

    SÓNG GIÓ CUỘC ĐỜI

    Suy Niệm

    Thánh Mac-cô thuật lại câu truyện Đức Giêsu dẹp yên sóng gió, ngay chính nơi các Tông đồ đã từng tác nghiệp với nghề thuyền chài. Chúa đã đánh thức niềm tin yếu kém của các ông, sau những giây phút sợ hãi với sóng gió.

    Người ta thắc mắc tại sao đoạn tường thuật gọi là biển, trong khi, đó chỉ là một cái hồ ở nội địa? Tại sao Chúa lại ngủ, trong khi các Tông đồ chèo chống phong ba? Tại sao Chúa ngủ mệt, đến mức không biết gì về những tiếng gào thét của sóng gió, cũng như tiếng la hét của các Tông đồ? Tại sao Chúa để cho con người gặp nhiều thử thách trong cuộc sống như vậy?

    1. Tại Biển Hồ Ga-li-lê

    Đoạn Tin Mừng nêu địa danh biển hồ thuộc xứ Ga-li-lê. Nó cũng có tên là Ghen-na-sa-ret hay Ti-bê-ri-a. Hồ này có chiều dài 21km, rộng 12m, mặt hồ thấp hơn mặt nước biển 208m. Biển hồ dựa vào rặng núi Hec-mon, nên thường xảy ra những cơn sóng lớn trên hồ. Nơi đây là nguồn khai thác hải sản của các tay thuyền chài. Hầu hết các Tông đồ làm nghề chài lưới trên hồ này. Nơi đây cũng là địa bàn hoạt động chính của Đức Giê-su và các Tông đồ của Người.

    Đức Giê-su chọn thời điểm làm phép lạ trên biển, sau khi Người dùng một loạt dụ ngôn để giảng dạy dân chúng, như là một minh hoạ bằng hành động cho Lời Người. Sau khi giải tán dân chúng, Chúa sai các Tông đồ chèo thuyền sang bờ bên kia. Khi thuyền đang đi, một trận cuồng phong ập đến làm thuyền của các ông chao đảo, đầy nước, có nguy cơ chìm đắm, trong khi Chúa vẫn giả vờ bất động trong cơn ngủ say, không nghĩ ngợi những gì đang xảy ra bên ngoài.

    Các Tông đồ trải nghiệm một cuộc chống đỡ, con thuyền đang chao đảo giữa biển sóng và nước tràn vào. Mặc dù là những tay chèo thuyền chuyên nghiệp, nhưng các Tông đồ đã phải trải qua một phen hú vía, những diễn tiến xảy ra ngoài sự điều khiển của họ. Các ông sợ "chiều tối đến," các ông sợ thuyền chìm xuống, và các ông cảm nghiệm được sự đối diện "bờ bên kia" của thế giới sự chết. Niềm tin của các ông tích lũy bấy lâu nay biến mất. Lúc này các ông chỉ còn biết kêu cứu với một Người còn "đang ngủ." Các ông đánh thức Chúa dạy để cứu các ông.

    2. Đức Ki-tô làm chủ thiên nhiên

    Đức Giê-su ngủ kĩ hay giả vờ ngủ trong khi cuồng phong dữ dội: Con thuyền đảo lộn với những tiếng gào thét của các môn đệ, nhưng tất cả cứ như không có chuyện gì xảy ra đối với Chúa. Trong Thánh Kinh, giấc ngủ thường được diễn tả việc Chúa vắng mặt, Chúa dường như ngủ trong những cơn bão tố của cuộc đời con người. Giấc ngủ còn ám chỉ về sự chết, một Thiên Chúa nằm ngủ trong khi quyền lực thần chết đang hành động, Đây là hình ảnh cuộc thương khó và tử nạn của Đức Giê-su; việc Đức Giê-su ngủ đồng nghĩa với việc bão tố, dù có tung hoành cũng không ăn nhằm gì với Chúa. Một khi các ông cầu xin Chúa, Người sẽ ra tay giúp các ông. Đức Ki-tô sẽ trải qua cái chết như một giấc ngủ để rồi chỗi dậy làm sống lại tất cả, để hưởng vinh quang Phục Sinh với Người.

    Đức Giê-su tỏ uy quyền qua việc ra lệnh sóng gió yên lặng: Trong nỗi khiếp sợ của những tay chèo thuyền lúc cơn cuồng phong đe doạ, Đức Giê-su đã quở trách sự nhát gan của các môn đệ, và chỉ một lời phán, sóng gió yên lặng tức thì. Biển cả và gió bão mà Thánh Kinh xem như sức mạnh của sự ác, những thử thách nặng nề, mà chỉ có quyền năng Chúa mới giúp con người vượt qua.

    Đức Giê-su là Đấng quan phòng của loài người: Thiên Chúa điều khiển vũ trụ, làm chủ thời tiết gió mưa, nắm giữ vận mạng con người. Trước thiên nhiên hùng vĩ, con người không thể cao ngạo coi thường. Một chút kiến thức về thiên nhiên, cũng chỉ là những khám phá những quy luật sẵn có của vũ trụ, mà không thể đổi thay được nó, ngoài Thiên Chúa. Loài không được sống tiêu cực, mê tín dị đoan, tôn thờ thần biển, thần gió... tất cả chỉ là giả tạo. Chỉ có Chúa là Đấng làm chủ thiên nhiên, Người luôn dùng ánh mắt quan phòng tới mọi tạo vật của Người.

    3. Đi ra biển cả

    Con người luôn phải đối đầu với sóng gió của cuộc đời: Đức Giê-su muốn cho các môn đệ cảm nghiệm được cuồng phong để các ông thấy được những bão tố sẽ dồn dập tấn công. Đời sống con người như một cuộc hành trình vượt biển, đầy dẫy những giông tố từ mọi phía đổ vào làm cho họ khiếp đảm; những rủi ro, bệnh tật, cô đơn, nghèo đói luôn rình rập làm cho họ chán nản; những nổi loạn của lòng người làm cho họ rối loạn. Con người cảm thấy bất lực vì ngu dốt, yếu kém; họ bị rối loạn vì những ảo tưởng; họ cảm thấy bất lực vì Thiên Chúa cứ im lặng. Cơn bão tử nạn đã làm chao đảo con thuyền các Tông đồ; mỗi người cũng đang ở con thuyền nhân loại đang bị dìm té, họ phải biết "đánh thức Chúa dạy" để kiên nhẫn chèo chống, chắc chắn họ sẽ tới bến đỗ với ơn cứu độ.

    Giáo hội của Chúa Ki-tô cũng sẽ phải đối diện với cơn lốc của cuộc đời: Đức Giê-su muốn cho những người cầm lái Giáo hội sau này cảm nghiệm thử thách. Thuyền của Giáo hội bị sóng gió đánh nghiêng ngửa, đi ra ngoài tầm kiểm soát, công việc điều khiển Giáo hội dường như ngoài tầm tay, quá sức. Người ta đang chứng kiến những nhóm người thích sống gấp, bành trướng, phong trào vô thần, người ta tục hoá Giáo hội, những sa đọa của giáo sĩ, những xâu xé trong nội bộ Giáo hội, những chiến lược tàn phá Giáo hội từ bên ngoài. Tuy nhiên Giáo hội vẫn tồn tại, vì đằng sau tay lái, Đức Giê-su vẫn giả vờ ngủ, chờ đợi sẵn sàng bảo vệ Giáo Hội.

    Các Ki-tô hữu hãy phó thác vào Thiên Chúa quan phòng: Nhìn thấy con thuyền sắp chìm, các Tông đồ cảm nghiệm sự yếu đuối của mình. Qua cơn giông tố cuộc đời, con người nhận thấy mình có hạn. Những thử thách giúp con người biết rõ về mình hơn. Trước những hoạt động của thiên nhiên hùng vĩ, con người chỉ biết hoàn toàn cậy trông vào quyền năng của Thiên Chúa, Đấng có thể làm được mọi sự, có thể làm cho bông sen mọc giữa đầm lầy đẹp hơn những chiếc áo sang trọng do những thợ tài ba nhất làm nên.  

    Lạy Chúa, như chiếc thuyền cứu hộ trên biển cả khi gặp nạn, Chúa luôn có mặt trong cơn khủng hoảng để bảo vệ chúng con. Xin giúp chúng con hiểu rằng, thử thách là rèn luyện chúng con sẵn sàng xông pha vào biển cả của cuộc đời.

    LM Giuse M. Trần Xuân Chiêu

    Bài viết liên quan