Suy niệm Tin Mừng: Chúa Nhật III Mùa Chay - Lm Giuse Trần Xuân Chiêu

  • 01/03/2024
  • Thanh tẩy Đền thờ

     

    LOẠT BÀI

    DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT III MÙA CHAY

    NĂM B

    LM. Giuse M. Trần Xuân Chiêu

    THANH TẨY ĐỀN THỜ

    Tin Mừng (Ga 2, 13-25)

    Lễ Vượt Qua của dân Do-thái gần đến, Chúa Giêsu lên Giêru-salem. Người thấy ở trong Ðền thờ có những người bán bò, chiên, chim câu và cả những người ngồi đổi tiền bạc, người chắp dây thừng làm roi, đánh đuổi tất cả bọn cùng với chiên bò ra khỏi đền thờ. Người hất tung tiền của những người đổi bạc, xô đổ bàn ghế của họ và bảo những người bán chim câu rằng: "Hãy đem những thứ này đi khỏi đây, và đừng làm nhà Cha Ta thành nơi buôn bán". Môn đệ liền nhớ lại câu Kinh Thánh: "Sự nhiệt thành vì nhà Chúa sẽ thiêu đốt tôi."

    Bấy giờ người Do-thái bảo Người rằng: "Ông hãy tỏ cho chúng tôi thấy dấu gì là ông có quyền làm như vậy". Chúa Giêsu trả lời: "Các ông cứ phá huỷ đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ dựng lại". Người Do-thái đáp lại: "Phải bốn mươi sáu năm mới xây được đền thờ này, mà Ông, Ông sẽ dựng lại trong ba ngày ư?" Nhưng Người, Người có ý nói đền thờ là thân thể Người. Vì thế, khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, các môn đệ mới nhớ lời đó, nên đã tin Kinh Thánh và tin lời Người đã nói.

    Trong thời gian Người ở lại Giêrusalem mừng lễ Vượt qua, nhiều kẻ tin danh Người, vì mục kích những phép lạ Người làm. Nhưng chính Chúa Giêsu không tin tưởng họ, vì Người biết tất cả mọi người, và không cần ai làm chứng về người nào; Người biết rõ mọi điều trong lòng người ta.

    Suy Niệm

    Đoạn Tin Mừng Thánh Gio-an thuật lại câu truyện Đức Giê-su vào đền thờ Giêrusalem trong ngày lễ Vượt qua. Người đánh đuổi những người buôn bán trong Đền thờ, giúp nơi này trở nên nơi thờ đúng nghĩa: là nơi thờ phượng Thiên Chúa.

    Nhưng tại sao lại có chuyện buôn bán trong đền thờ Giê-ru-sa-lem, nơi mà người It-ra-en coi là thiêng thánh? Tại sao Đức Giê-su nổi giận, một thái độ không giống như tính cách thường ngày của Người là hiền lành và khiêm nhường? Tại sao các thủ lãnh Đền thờ lại phản ứng việc làm đúng đắn của Đức Giê-su? Phải chăng Đức Giê-su điên rồ, khi đụng đến đền thánh Giê-ru-sa-lem, nơi kết tinh mọi tình cảm, đức tin và niềm kiêu hãnh của Người It-ra-en?

    1. Tại Đền thánh Giê-ru-sa-lem

    Giê-ru-sa-lem là đền thờ duy nhất của người It-ra-en. Họ có thói quen lên Đền thờ vào các dịp đại lễ Vượt Qua, lễ Ngũ Tuần. Đức Giê-su cũng giữ tập tục này như mọi người It-ra-en khác. Thánh Gioan ghi lại bẩy lần Đức Giê-su lên đền thờ Giê-ru-sa-lem dự lễ. Dịp lễ Vượt Qua, Đức Giê-su lại tiếp tục hoà nhập đoàn hành hương để cầu nguyện, để chiêm ngưỡng Đền thờ, tham dự phụng vụ và chỉnh đốn lại thứ tự, Luật lệ đã bị người It-ra-en làm biến tướng:

    Đức Giê-su nổi giận, khi thấy những người buôn bán biến Đền thờ thành hang trộm cướp: "Người thấy trong đền thờ có những kẻ bán chiên, bò, bồ câu và những người đang ngồi đổi tiền. Người bèn lấy dây làm roi và xua đuổi tất cả bọn họ..."(Ga 2,14-15). Trước sự phản ứng kịch kiệt của bọn lái buôn và những nhà chức trách It-ra-en, Đức Giê-su không nhượng bộ, Người thịnh nộ: "Còn tiền bạc của những người đổi bạc, người đổ tung ra và lật nhào bàn ghế của họ." Khác hẳn với đức tính hiền lành thường có nơi Đức Giê-su, Người đã nổi giận vì họ biến nhà Cha Người thành nơi buôn bán, tôn thờ tiền bạc.

    Việc làm của Đức Giê-su đụng chạm tới người It-ra-en: Trước hết, những chức trách It-ra-en cho rằng, chỉ có họ hay những người họ sai đi, mới có quyền làm công việc liên quan đến Đền thờ như phong tục, tổ chức, nghi lễ, trật tự... Khi thấy Đức Giê-su tự động làm như vậy, họ thắc mắc: "Ông hãy tỏ cho chúng tôi dấu gì là Ông có quyền làm như vậy?"(Ga 2,18). Thứ hai, việc Đức Giê-su làm, ảnh hưởng quyền lợi của các Tư tế, chức sắc; họ đã lợi dụng luật dùng đồng tiền It-ra-en và luật dâng lễ vật thánh, thành những món lợi nhuận béo bở, khi người dân hành hương từ xa đến mua bán đổi chác. Thứ ba, người It-ra-en coi Đền thờ là nơi thiêng thánh, là niềm kiêu hãnh của họ và phải mất 40 năm mới xây dựng xong, vậy mà Đức Giê-su tuyên bố: "Cứ phá huỷ Đền thờ này đi, nội trong ba ngày Ta sẽ xây dựng lại"(Ga 2,19). Quả là điên rồ, nếu ai nghĩ rằng Chúa định tấn công thành thánh, đối tượng tôn sùng của dân Chúa. Đây cũng là lí do họ quyết định kết án tử Đức Giê-su.

    2. Những động cơ thanh tẩy Đền thờ

    Trước con mắt người It-ra-en, Đức Giê-su là kẻ xúc phạm đền thánh Giê-ru-sa-lem. Tuy nhiên, Chúa đã ra tay hành động để làm sạch lại Đền thờ:

    Vì tình yêu Thiên Chúa: Tình yêu Chúa Cha luôn thiêu đốt trong lòng Đức Giê-su, Người muốn làm mọi sự để làm đẹp lòng Cha Người: "Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà Tôi đây sẽ phải thiệt thân"(Ga 2,17). Khi thấy những việc làm sai trái của người It-ra-en, khác với sự hiền lành thường lệ, Người nổi nóng, bất chấp nguy hiểm, bất chấp sự trả thù của người It-ra-en, Đức Giê-su dấn thân để bảo vệ sự trong sạch của Đền thờ. Đền thánh được coi là nơi Thiên Chúa ngự, nơi mọi người quy tụ để làm nhiệm vụ thờ phượng Thiên Chúa, Đức Giê-su không thể không làm gì để thể hiện tình yêu của Người đối với nhà Cha Người.

    Để trọn lời các Ngôn sứ: Đức Giê-su làm đúng như chương trình của Thiên Chúa đã ấn định. Người kiện toàn những lời các Tiên tri nói về Người. Người không ngần ngại dùng bạo lực để làm tròn sứ vụ như lời tiên tri Giê-rê-mi-a đã nói: "Ngày ấy sẽ không còn phường lái buôn trong Đền thờ của Gia-vê nữa." Sự nguy hiểm do sự giận dữ của Người cũng được Kinh Thánh báo trước, Ngôn sứ Ma-la-ki nói: Đừng biến Nhà Cha Ta thành một cái chợ(Mal. 3, 1-3). Đức Giê-su đang đi đúng con đường mà Thiên Chúa Cha đã vạch ra.

    Để phá "hang trộm cướp" làm ô nhiễm Đền thờ. Thử tưởng tượng xem, một chợ súc vật, nơi đó có bàn mổ, có lông, da, phân... mùi hôi nồng nặc, người ta đua hơn bán thiệt, thách giá, cạnh tranh; nơi đó người ta om xòm cãi vã, con buôn thách giá, đầu cơ; nơi đó đồng tiền và súc vật ngạo nghễ ngự trị. Còn gì là âm thanh êm dịu của phụng vụ, còn gì là mùi thơm của hương khói, còn gì là thiêng thánh của Đền thờ? Nơi thờ phượng đã biến thành nơi dơ bẩn ồn ào. Đức Giê-su thể hiện tình yêu với Chúa Cha, Người không thể ngồi yên hay đứng nhìn cảnh tượng ghê tởm đó diễn ra.

    Để lên án hành động tôn thờ ngẫu tượng: Người It-ra-en đã biến Đền thờ thành nơi trục lợi. Họ tôn sùng tiền bạc, họ tranh thủ luật dâng lễ vật để thương mại, họ lợi dụng đồng tiền It-ra-en để ép giá, đổi chác, cứ như là Thiên Chúa chỉ thích tiền của họ. Họ lợi dụng Đền thờ, lấy danh Chúa làm bình phong để làm giàu. Đức Giê-su không thể chấp nhận những loại người lợi dụng tôn giáo để làm lợi cá nhân.

    3. Đền thờ đích thực

    Đền thờ Thân Xác Đức Giê-su: Người It-ra-en cho là phạm thượng, khoác lác khi nghe Đức Giê-su nói: "Cứ phá Đền thờ này đi, nội trong ba ngày, Ta sẽ xây dựng lại." Người ta sẽ không hiểu nổi, nếu chỉ hiểu nghĩa đen về đền thờ Giê-ru-sa-lem, nơi phụng tự chung nhất của It-ra-en, nơi mỗi năm hàng triệu người đến viếng thăm cầu nguyện. Đức Giê-su muốn loan báo về Thân Xác Người, sẽ bị hành hạ cho đến chết, nhưng ngày thứ ba Người sẽ sống lại. Đức Giê-su quả quyết, chính Người là nơi Thiên Chúa hiện diện, chính Người là Đền thờ, với những hình thức phụng tự hoàn toàn mới, mà Ki-tô giáo chỉ được thể hiện qua Thân Xác này.

    Đền thờ là Giáo hội: Đức Ki-tô thiết lập Giáo hội là nhiệm thể của Người. Giáo hội là Giê-ru-sa-lem mới, không chỉ là của Người It-ra-en thôi, mà cho tất cả mọi người trên thế gian này, họ thuộc đủ mọi tiếng nói màu da, đến làm việc phụng tự, tôn vinh Thiên Chúa. Giáo hội là nơi chuyển tải các ơn xuống cho nhân loại, Giáo hội là nơi con người nối kết với Thiên Chúa. Cũng có nhiều tư tưởng cho rằng, đạo tại tâm là đủ, cần gì Giáo hội, cần gì nhà thờ. Câu truyện một chàng thanh niên không đến nhà thờ đi lễ. Để bảo đảm giữ lễ ngày Chúa nhật, anh ta mượn một cái ti vi và xem lễ trên vô tuyến. Lúc chết, đến trước cửa Thiên đàng, thánh Phê-rô không cho anh vào, lí do anh không bao giờ dự lễ ngày Chúa nhật, anh ta cự lại: "Tuần nào con cũng dự lễ qua chiếc tivi." Thánh Phê-rô trả lời: "Vậy anh về Hoả ngục mà xem tivi về Thiên Đàng."

    Đền thờ tâm hồn: Mỗi người sau khi được chịu phép Rửa tội, trở thành Ki-tô hữu, thành Đền thờ sống động của Thiên Chúa. Điều này được Thánh Phao-lô xác minh với các tín hữu Cô-rin-tô: "Anh em là thân mình Đức Ki-tô"(1 Cr. 12, 27). Người ta có ý muốn ấn định "nơi ở cho Thiên Chúa," bằng những ngôi nhà thờ bóng bẩy bề ngoài, mà quên rằng mỗi người Ki-tô chính là "Đền thờ Chúa Thánh Thần."

    Xin Chúa giúp mỗi người chúng con, phải luôn biết thanh tẩy tâm hồn, để người khác có thể qua đó, mà nhìn thấy Chúa vô hình và quy tụ lại để gặp gỡ Thiên Chúa.

     

    CHÚA NHẬT III MÙA CHAY NĂM B

    Chủ đề: Bổn phận thờ phượng

    DÀN Ý

    1. Thờ phượng trong Kitô giáo

    - Thờ phượng là hành vi biểu lộ niềm tin, tôn kính, mến yêu và biết ơn Chúa, Đấng Tạo Hóa quyền năng.

    - Thờ phượng là hành vi đáp trả tình yêu Chúa dành cho tạo vật, con người và tuân phục các Thánh ý Ngài.

    - Thờ phượng gồm các hình thức: Cầu nguyện, xin ơn, chúc tụng, ngợi khen, tôn vinh và tạ ơn.

    - Thờ phượng biểu hiện qua Phụng vụ, ngoài phụng vụ, cầu nguyện, Bí tích, khấn, dự lễ, giữ chay, thời gian.

    - Thờ phượng có thể thực hiện bất cứ đâu: Nhà nguyện, nhà thờ, nghĩa trang hay tại gia đình.

    2. Lời Chúa hôm nay nói về bổn phận với Chúa

    - Sách Xuất hành nói về bổn phận với Chúa: “Ta là Chúa của ngươi, đã đưa người ra khỏi Ai Cập. Ngươi không được có thần nào khác đối nghịch với Ta” (Xh 20,1).

    - Phaolô rao giảng về Đức Kitô: “Chúng tôi rao giảng một Đấng Kitô bị đóng đinh, điều mà người Do Thái coi là ô nhục và dân ngoại cho là điên rồ” (1 Cr 1,23).

    - Các môn đệ nhớ lại lời đã chép trong Kinh Thánh nói về bổn phận với nhà Chúa: “Vì nhiệt tâm lo việc nhà Chúa, mà tôi đây sẽ phải thiệt thân” (Ga 2,17).

    3. Bổn phận Kitô hữu

    - Hãy trung thành với nhà Chúa. Người ta dùng nhà thờ vào lợi ích cá nhân. Có người cho rằng ‘đạo tại tâm,’ có người đi nhà thờ vì bị bắt buộc hay đi theo người khác. Họ đi xem lễ chứ không đi dự lễ. Nhưng ‘vải thưa không che được mắt thánh,’ Chúa biết ai thờ phượng cách đối phó như vậy: “Đừng biến nhà Cha Ta thành nơi buôn bán.”

    - Hãy thay đổi cách thờ phượng. Đức Giêsu đã đến thay đổi cách thờ phượng. Lễ vật dùng để tế lễ không còn là chiên, bò, chim câu như thói quen trước đây, mà Đức Giêsu mong muốn là chính con người của mình, sau khi họ đã biết loại bỏ ý riêng, đam mê tội lỗi, tham lam, kiêu ngạo và tất cả những gì đi ngược lại với thánh ý của Thiên Chúa.

    - Truyện: Có người mơ được thiên thần dẫn đi lễ Chúa nhật, thấy nhạc công say mê chơi phong cầm, nhưng không có tiếng đàn hay lời hát; môi linh mục mấp máy, nhưng không có lời nói. Hỏi tại sao, thiên thần nói: “Không có tiếng đàn, hát hay lời giảng nào thực phát ra. Họ dự lễ nhưng trí lại nghĩ chuyện khác. Họ chỉ tôn thờ Chúa ngoài môi ngoài miệng, còn lòng họ thì ở xa Chuá!(ST)

    - Hãy nhiệt thành yêu mến nhà Chúa. Đền thờ bị người ta làm ra hỗn loạn, với tiếng chiên kêu bò rống, tiếng rao bán, cãi lộn, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cầu nguyện. Người ta biến nơi cầu nguyện thành ra phố chợ. Chúa Giêsu giận dữ quát: “Hãy đem những thứ nầy đi khỏi đây.” Noi gương Ngài, hãy dành trọn tình yêu cho nhà Chúa.

    - Hãy thờ phượng Thiên Chúa trong sự thật. Thờ phượng là phải thể hiện đúng tâm tư của con người với thực tế. Thờ Chúa cách giả dối là mâu thuẫn giữa lời cầu xin và thực tế. Khi cầu nguyện mà lòng chia trí, thì họ chỉ là thây ma, có xác không có hồn. Cầu nguyện như thế sẽ không mang lại giá trị gì, mà còn mang thêm tội nữa.

    - Hãy thờ phượng Chúa qua tha nhân. Người ta hay tách rời bổn phận với Chúa và với anh em. Thờ phượng Chúa là phải có trách nhiệm với người nghèo khổ, cô đơn, bệnh tật. Nhà thờ phải là nơi gặp gỡ giữa Thiên Chúa và đồng loại, được xây dựng trên tình liên đới và yêu thương.

    LM. Giuse M. Trần Xuân Chiêu

    Bài viết liên quan