Suy niệm Tin Mừng: Chúa Nhật II Mùa Vọng – Năm B

  • 08/12/2023
  • Dọn đường Chúa đến

    LOẠT BÀI

    DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT MÙA VỌNG

    NĂM B

    LM. Giuse M. Trần Xuân Chiêu

    DỌN ĐƯỜNG CHÚA ĐẾN

    Chúa Nhật II Mùa Vọng

    Tin Mừng (Mc. 1, 1-8)

    Khởi đầu Phúc Âm của Ðức Giêsu Kitô Con Thiên Chúa. Như có lời Tiên tri Isaia chép rằng: Ðây Ta sai Thiên Thần của Ta đến trước mặt ngươi để dọn đường cho ngươi. Có tiếng kêu trong hoang địa rằng." Gioan Tẩy Giả xuất hiện trong hoang địa, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội. Dân cả miền Giuđêa và Giêrusalem tuôn đến với người, thú tội và chịu phép rửa trong sông Giođan. Lúc đó Gioan mặc áo lông lạc đà, thắt lưng bằng dây da thú, ăn châu chấu và uống mật ong rừng. Người rao giảng rằng: "Ðấng đến sau tôi, quyền năng hơn tôi, tôi không đáng cúi xuống cởi dây giày Người. Phần tôi, tôi lấy nước mà rửa các ngươi, còn Ngài, Ngài sẽ rửa các ngươi trong Chúa Thánh Thần."

    Suy Niệm

    Đoạn Tin Mừng theo thánh Mac-cô nhấn mạnh vai trò của người dọn đường, đặc biệt thánh Gio-an Tẩy giả, chuẩn bị cho Đấng Cứu Thế đến với nhân loại như lời Chúa hứa.

    Tại sao Chúa không chọn người tiền hô từ những nhân vật có uy tín, địa vị, như các Tư tế, Kinh sư, hay những người Biệt phái mà là một người cứng nhắc quê mùa như Gio-an? Tại sao Gio-an không rao giảng ở thành phố đông người mà lại ở nơi hoang địa heo hút?

    1. Đấng Tiền hô

    Gio-an xuất thân từ một gia đình có họ hàng với Đức Giê-su, đó là ông bà Gia-ca-ri-a và E-li-da-bet. Gio-an đã sớm từ bỏ cha mẹ để lên hoang địa tu thân, chuẩn bị cho sứ vụ tiền hô của Đấng Cứu thế. Gio-an sống một cuộc đời khổ hạnh: đồ ăn tạm bợ, phụ thuộc vào việc tìm kiếm được ở trong rừng như châu chấu và mật ong, không nếm một giọt rượu trong đời; đồ mặc là mảnh áo choàng bằng da lạc đà, kiểu áo nói lên sự hãm mình giống như các Ngôn sứ ngày xưa thường dùng; ngang lưng còn thắt thêm một chiếc dây da để giữ chiếc áo choàng. Gio-an đã dành hầu hết thời gian cho tĩnh tâm và cầu nguyện để hoàn thiện mình.

    Gio-an là "tiếng kêu trong hoang địa" mà tiên tri I-sa-i-a đã thông báo trước(Is 40,3). Gioan là người sửa đường dọn lối cho Đấng Cứu Thế đến. Chúa chọn Gioan, chứ không phải các nhân vật quan trọng trong It-ra-en, để lời các Ngôn sứ nên trọn. Gio-an đã chọn rừng vắng để làm nhiệm vụ. Núi rừng  từng là nơi lí tưởng cho các nhà cách mạng vĩ đại nhất, rừng vắng cũng là nơi đã từng diễn ra những cuộc gặp gỡ giữa Thiên Chúa và loài người.

    Gioan là vị Ngôn sứ cuối cùng của Cựu Uớc. Chính Gio-an cũng dẫn lại lời các Ngôn sứ, đặc biệt của I-sa-i-a để loan truyền Đấng Cứu Độ. Gio-an là chứng tá tuyên sấm về Đức Ki-tô, Đấng sẽ hoàn tất mọi điều Thánh Kinh viết về Người. Gioan là vị ngôn sứ ở giao điểm của hai thời Cựu Ước và Tân Ước để giới thiệu về Đấng Cứu Thế.

    Gio-an được mệnh danh là Tẩy giả: Gio-an làm phép rửa tại sông Gio-đan, mọi lớp người đến nơi heo hút của ông lĩnh phép rửa. Gio-an chuẩn bị cho toàn dân đón nhận phép Rửa mới, bởi Chúa Thánh Thần do Đức Ki-tô hoàn thiện. Chính Gio-an là người đã làm phép rửa cho Đức Giê-su Ki-tô, Đấng đến để thánh hóa nước và thanh tẩy lỗi lầm, trang bị cho Bí tích Rửa tội mà Chúa thiết lập để xóa tội nhân loại.

    Gio-an là nhân vật điển hình cho tinh thần đổi mới: Gio-an rao giảng về việc ăn năn sám hối, thức tỉnh dân chúng từ bỏ lối sống tôn thờ vật chất, cảnh giác với lối sống hình thức của người It-ra-en, biết sống khiêm nhường để nhận ra bản thân mình, chuẩn bị đón ngày Đấng Cứu Thế đến. Trong một xã hội buông thả, người ta lo tìm nhu cầu vật chất, tự mãn với cái tôi, lời mời gọi hãy thay đổi cuộc sống là luôn khẩn thiết. Bao lâu xã hội con người còn tồn tại, còn chiến tranh, tội lỗi, thì tinh thần đổi mới vẫn còn giá trị.

    2. Vai trò Đức Giê-su

    Thánh Mac-cô đã giới thiệu "Tin Mừng của Chúa:" Người ta thực sự hạnh phúc mỗi khi nghe tin vui, một người anh em Việt kiều về nước, một cô con gái xin được việc làm chẳng hạn! Đoạn Tin Mừng đem những tin vui đến từ Thiên Chúa, mà đối tượng chính là Đức Giê-su Ki-tô. Đó là Tin Mừng Thiên Chúa nhập thể làm người và cứu độ nhân loại. Đó là những Tin Mừng mà Đức Ki-tô loan báo, đó là Tin Mừng mà các thánh Tông đồ, các thánh Sử và những Ki-tô hữu đã đón nhận để loan báo cho người khác.

    Mac-cô giới thiệu Đức Ki-tô là Con Thiên Chúa: Gio-an đã làm tròn bổn phận của người chuẩn bị dọn đường và làm chứng Đức Ki-tô là Con Thiên Chúa. Gio-an tự động rút lui để nhường chỗ cho Người đến sau là Đấng Cứu Thế. Tin Mừng mà Mac-cô viết ra là những mạc khải mầu nhiệm về bản tính Thiên sai của Con Thiên Chúa, Đấng mang xác thịt loài người

    Gio-an giới thiệu phép Rửa bởi Chúa Thánh Thần: Không như phép rửa của Gioan chỉ là phép rửa chuẩn bị, kêu gọi mọi người đổi thay, sám hối tội lỗi, còn phép Rửa của Chúa Giê-su mới có sức thánh hoá, thanh tẩy tội lỗi, là phép Rửa bởi Chúa Thánh Thần, phép Rửa có sức cứu độ. Đức Ki-tô là Đấng Cứu thế uy quyền, Người đến từ Trời, giải phóng cho nhân loại.

    3. Nối dài sứ vụ

    Gio-an đã làm phận sự của một người chuẩn bị, sửa đường dọn lối cho Chúa. Ông nhắc bảo mọi người tiếp tục làm nhiệm vụ của ông để đón Đấng Thiên sai:

    Hãy dọn đường Chúa: Điều gì xảy đến nếu cuộc sống con người không có đường để đi. Con đường là phương tiện để nối kết hai miền, nối kết con người lại với nhau. Có thể là đường đất, hoặc đường sông, đường biển, có thể là đường hàng không. Ngoài ra còn có con đường trí thức, đường tinh thần, đường tâm hồn, đường tình yêu. Con đường quanh co sẽ làm gia tăng thời gian cho cuộc hành trình; người ta phải đào đắp, san lấp, chỉnh nắn để con đường trở nên bằng phẳng, thẳng thắn giúp đi lại nhanh hơn. Con đường liên đới với Chúa nhiều khi quanh co, khúc khửu, bởi tham lam, lừa đảo, bởi ham vui, hưởng thụ, hoặc bởi tăm tối làm giảm tầm nhìn; người ta phải uốn nắn, san lấp để có được con đường thẳng thắn, nối kết mật thiết giữa Thiên Chúa và loài người.

    Hãy lắng nghe: Thiên Chúa đã truyền đạt mệnh lệnh qua các Ngôn sứ tới Dân riêng của Người, nhưng họ không chịu lắng nghe, lại còn lên án và giết các Sứ giả. Ngày nay cũng có rất nhiều tiếng nói bên ngoài lấn át tiếng nói của Chúa. Có thể là giọng nói nhẹ nhàng quyến rũ của ái tình, có thể là tiếng nói om sòm rầm rộ trên các phương tiện truyền thông; cũng có thể là tiếng nói hận thù, mù quáng, chia rẽ, phân biệt. Mỗi người hãy noi gương Gio-an, vào trong hoang địa tinh thần, tĩnh dưỡng tâm hồn để có thể nghe được tiếng Chúa.

    Hãy canh tân: Thánh Gio-an Tiền hô đã kêu gọi các tầng lớp It-ra-en hãy cải thiện đời sống, thay đổi cách suy nghĩ. Vật chất luôn biến đổi không ngừng, thế giới cũng luôn biến động, những vụ động đất ở Trung Quốc, Nhật Bản làm hàng ngàn người dân bị chết. Lòng người cũng luôn đổi thay. Tuy nhiên con người phải luôn biết biến đổi để trở nên tốt hơn, biến lòng người nên hoàn thiện hơn. Khi người ta thay đổi thực sự, cuộc sống của họ sẽ tiến gần đến Chúa hơn.

    Hãy cầu nguyện: Thánh Gio-an lên rừng cầu nguyện và hô hào mọi tầng lớp, từ vùng quê hẻo lánh, đến những người trong đền đài cung điện, phải tham gia cầu nguyện. Cầu nguyện là phương tiện giản dị nhất, ai cũng có thể làm được và cũng là việc làm hiệu quả nhất vì có Chúa và các Thánh đồng hành. Khi cầu nguyện người ta được nối kết với Chúa và họ sẽ biết được mình sẽ phải làm gì. Đôi khi người ta cảm thấy mệt mỏi vì phải lặp đi lặp lại việc đọc kinh dự lễ, đó là trường hợp của những kẻ cầu nguyện thiếu ý thức, thiếu lòng tôn kính. Một khi người ta sốt sáng cầu nguyện, Thiên Chúa sẽ giúp họ vươn lên để hoàn thiện hơn.

    Xin Chúa Ki-tô và Mẹ Ma-ri-a giúp chúng con can đảm làm chứng cho Đức Ki-tô qua cuộc sống gương mẫu và tinh thần cầu nguyện như thánh Gio-an.

     

    CN II MV (Bài 3) – SÁM HỐI

    1. Sám hối

    - Sám hối, tiếng Hy lạp là thay đổi não trạng; tiếng Itraen là quay trở về; theo Phật giáo, sám là ăn năn lỗi trước, còn hối là chừa bỏ lỗi sau, nghĩa là hối hận vì lỗi lầm quá khứ.

    - Kitô giáo coi sám hối là ăn năn chừa lỗi, trở về với Chúa, với Giao Ước của Chúa. Sám hối là sự đổi mới toàn diện,  trong tư tưởng, hành động cũng như sửa đổi đời sống.

    2. Lời Chúa hôm nay nói về sám hối

    - Isaia kêu gọi sám hối: “Hãy nói với Giêrusalem, và kêu gọi rằng: Thời nô lệ đã chấm dứt, tội lỗi đã được ân xá, Chúa ban ơn nhiều gấp hai lần tội lỗi” (Is 40,2).

    - Phêrô kêu gọi sám hối theo ý Chúa: “Người hành động nhẫn nại, Người không muốn ai phải hư mất, nhưng muốn mọi người ăn năn sám hối” (2 Pr 3,9).

    - Tin Mừng giới thiệu phép rửa Sám hối của Gioan: “Gioan Tẩy Giả xuất hiện trong hoang địa, rao giảng phép rửa sám hối cầu ơn tha tội” (Mc 1,4).

    3. Thực hành Sám hối

    - Sám hối là phải khiêm nhường. Nhiều kẻ mang tâm hồn tự tôn ngất ngưởng, chỉ biết đổ thừa lầm lỗi cho người khác. Gioan coi sám hối là khiêm nhường. Ngài tự nhận là không đáng cởi giây giầy cho Đấng Cứu thế. Trong cuộc sống, kiêu ngạo luôn làm cho người ta khinh thường. Khiêm nhường giúp người ta thành thực sám hối, xứng đáng lãnh nhận ơn tha thứ.

    - Sám hối là nhìn nhận tội lỗi. Gioan đã làm phép rửa sám hối, nhắc nhở mọi tầng lớp người từ bỏ tội lỗi. Thánh Lễ cũng mở đầu bằng nghi thức Thống hối để nhắc nhở con người từ bỏ cái tôi và quá khứ lỗi lầm của mình. Tội lỗi làm cho con người xa Chúa. Chỉ những ai nhận ra khuyết điểm lỗi lầm của mình và thực lòng ăn năn sám hối thì mới được Chúa tha thứ.

    - Sám hối là sống chân thành: Gioan coi việc sám hối là thực hành công bằng với gia đình, bạn bè, xã hội; là từ bỏ tham lam, độc ác; là thành thật với anh em. Nhiều người ‘miệng nam mô, bụng bồ giao găm;’ dạy người khác thương yêu nhau, nhưng mình thì chuyên môn nói xấu người khác lúc vắng mặt. Sống thiếu chân thành sẽ làm cho cuộc sống trở nên tồi tệ.

    - Sám hối là phải đổi thay. Khi con người yếu đuối còn vương nhiều tội lỗi thì những tệ nạn sai lầm vẫn tiếp tục xảy ra. Muốn tồn tại thì con người còn phải tập tành, huấn luyện và canh tân lối sống, dứt khoát với tội lỗi. Gioan đòi hỏi phải bạt núi đồi, uốn lại đường vòng vèo, san phẳng đường gồ ghề. Mỗi người cần biết sám hối và thay đổi để cuộc sống trở nên tốt hơn.

    - Truyện: Giáo sư xin thiền sư tư vấn: Phải làm gì để hạnh phúc. Con đã học Thánh Kinh, và học hỏi với các bậc đại sư, chưa thấy câu trả lời, xin chỉ con cách nào? Thiền sư rót nước trà mời khách, rót tràn cả ra ngoài. Giáo sư bèn nói lớn: “Đầy quá rồi!” Thiền sư nói. Ông đã đổ đầy những suy nghĩ và ý kiến của ông vào rồi, làm sao chỉ cách nào nữa, trừ phi ông làm rỗng cái tách của ông đã(ST).

    - Sám hối để hướng về tình thương của Thiên Chúa. Hành trình trở về Nhà Cha như chiếc thuyền bơi ngược dòng sông. Chiếc thuyền phải luôn tiến tới, nếu không, nó sẽ bị dòng nước cuốn ngược trở lại. Phải luôn hướng về Thiên Chúa và thực hành sám hối theo chủ trương của Gioan, để đi đến một tương lai tốt đẹp hơn.

    Lm. Giuse M. Trần Xuân Chiêu

     

    Bài viết liên quan