Suy niệm Tin Mừng: Chúa Nhật II Mùa Chay - Lm Giuse Trần Xuân Chiêu

  • 23/02/2024
  • Trên núi Ta-bo-rê

     

    LOẠT BÀI

    DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG CHÚA NHẬT II MÙA CHAY

    NĂM B

    LM. Giuse M. Trần Xuân Chiêu

    TRÊN NÚI TA-BO-RÊ

    Tin Mừng (Mc 9,1-9)

        Khi ấy, Chúa Giêsu đưa Phêrô, Giacôbê, và Gioan đi riêng với Người lên núi cao, và Người biến hình trước mặt các ông, và áo Người trở nên chói lọi, trắng tinh như tuyết, không thợ giặt nào trên trần gian có thể giặt trắng đến thế. Rồi Êlia và Môsê hiện ra và đàm đạo với Chúa Giêsu. Bấy giờ Phêrô lên tiếng thưa Chúa Giêsu rằng: "Lạy Thầy, chúng con được ở đây thì tốt lắm. Chúng con xin làm ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia". Phêrô không rõ mình nói gì, vì các ông đều hoảng sợ. Lúc đó có một đám mây bao phủ các Ngài, và từ đám mây có tiếng phán rằng: "Ðây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người". Bỗng nhìn chung quanh, các ông không còn thấy ai khác, chỉ còn một mình Chúa Giêsu với các ông. Và trong lúc từ trên núi đi xuống, Chúa Giêsu ra lệnh cho các ông đừng thuật lại cho ai những điều vừa xem thấy, trước khi Con Người từ cõi chết sống lại. Các ông tuân lời căn dặn đó, nhưng vẫn tự hỏi nhau: "Từ trong cõi chết sống lại nghĩa là gì?"

    Suy Niệm

    Đoạn Tin Mừng thánh Mac-cô thuật lại câu truyện Đức Giê-su đưa ba môn đệ lên núi Taborê. Đức Giê-su đã biến hình trong khi đối thoại với các Tiên tri Cựu Ước. Các môn đệ Đức Giê-su được một phen chứng kiến những sự kiện phi thường xảy ra trong con người của Thầy mình.

    Tại sao Chúa lại đàm thoại với Mô-sê và Ê-li-a chứ không phải ai khác như A-ra-am hay Gia-cop? Tại sao các môn đệ lại không được kể chuyện lại cho người khác những điều mình đã nhìn thấy trên núi Ta-bo-rê?

    1. Trên núi Ta-bo-rê

    Trước khi chịu nạn, Đức Giê-su đã tỏ cho mọi người thấy Người là Đấng quyền năng có thể làm được mọi sự:

    Đức Giê-su nhìn thấy trước những gì sắp xảy ra, nhất là từ khi Người bắt đầu cuộc hành trình lên Giê-ru-sa-lem. Đức Giê-su tiên báo những đau khổ khủng khiếp Người sẽ trải qua. Các môn đệ của Người không ủng hộ Người. Họ không hiểu Lời Người nói và can gián Người đừng làm như vậy. Người đang bị các thế lực It-ra-en chống đối đe doạ. Người biết trước được cái chết khủng khiếp đang chờ. Đây chính là lúc Người dành thời gian để cầu nguyện, để nối kết với Cha Người và lắng nghe Lời Nói vô cùng ấn tượng: Con là Con Cha yêu dấu, Cha hài lòng về Con. Núi cao Ta-bo-rê là điểm chọn lí tưởng để làm công việc này.

    Đức Giêsu biến hình trên núi Ta-bo-rê: Đức Giê-su đem ba môn đệ lên núi và Chúa biến hình trước mắt họ: "Y phục Người trở nên rực rỡ, trắng tinh, không một thụ tạo nào ở trần gian giặt trắng được như vậy"(Mc 9,3). Biến hình là gì? Người ta có thể dùng nguyên tắc vật lí, những chất liệu hoá học để làm biến dạng hình khối, màu sắc của đồ vật; những nhân vật thần thông có phép biến đổi hình dạng như trong các phim kinh dị, hay khoa học viễn tưởng để thu hút khán giả. Tuy nhiên câu truyện biến hình ở đây hoàn toàn khác. Đức Giê-su tự biến đổi hình dạng, không phải nhờ vào trung gian vật chất nào, không như những câu truyện ảo tưởng hay thần thoại, mà là những việc làm có thực, trước mắt các chứng nhân có giá trị như Môi-sen và Ê-li-a, hay Phê-rô, Gio-an và Giacôbê. Ngơài ra cuộc biến hình còn có sự xuất hiện của các vật chứng như "mây," "núi," "lửa", những hình ảnh rất quen thuộc của Cựu Ước, biểu hiện sự hiện diện của Thiên Chúa.

    2. Những dấu chỉ

    Mỗi người có thể thấy mục tiêu của việc biến hình với những dấu hiệu khác thường cả về không gian, vật chứng, nhân chứng:

    Thần Linh tỏ hiện: Qua biến cố biến hình, Đức Giê-su muốn cho các môn đệ thấy được chân dung đích thực của Người. Mặc dù từng được chứng kiến những việc làm kì diệu, nhưng các môn đệ thấy Đức Giê-su cũng chỉ là con người, có xương, có thịt, có cùng cử chỉ ngôn ngữ, hành động như mọi người khác. Giờ đây họ được chứng kiến Đức Giê-su là Đấng siêu việt, với khuôn mặt khác thường, rạng ngời hào quang; Người là Thiên Chúa vĩ đại, là Con yêu dấu của Chúa Cha như tiếng từ Trời xác nhận: "Này là Con Ta yêu dấu, đẹp lòng Ta mọi đàng"(Mc 9,7). Đức Chúa Cha đã giới thiệu Con của Người trong sự kiện biến hình đặc biệt này, để các ông yên tâm: Thầy của các ông là Thiên Chúa đích thực. Cũng trong biến hình, lần nữa Màu Nhiệm Ba Ngôi Thiên Chúa được tỏ hiện, một Màu Nhiệm cao cả về Bản Tính Thiên Chúa.

    Chương trình cứu độ được thực hiện: Qua việc biến hình, Đức Giêsu muốn cho các môn đệ hiểu được kế hoạch cứu độ của Người cần phải tiếp tục thực hiện, trước mắt là con đường Thập giá. Đau khổ chính là vật cản trong bản tính yếu đuối của con người. Đức Giê-su tỏ hiện vinh quang của Người để khích lệ các môn đệ sẵn sàng đón nhận thử thách của đời chứng nhân. Đức Giê-su chuẩn bị tinh thần cho các môn đệ khỏi thất vọng khi chứng kiến Người lâm vào cảnh khốn cùng, đương đầu với những thất bại, nhưng đàng sau cây Thánh giá là sự phục sinh vinh hiển. Không ai có thể chối bỏ những thử thách của đau khổ, đổ vỡ, tai nạn, rủi ro, chết chóc. Tuy nhiên qua cuộc biến hình, người ta phát hiện ra đau khổ không đưa người ta vào ngõ cụt, mà bên kia đường hầm là ánh sáng, là Thiên đường đang đợi chờ.

    3. Đường hy vọng

    Câu chuyện biến hình động viên Kitô hữu hãy can đảm theo chân Chúa để đạt mục tiêu của đời mình:

        Hãy biến hình: Ngày nay Đức Giê-su cũng mang mỗi người đi một nơi với Người. Đây không còn là núi Ta-bo xưa kia, nhưng là ngôi nhà thờ, là nơi thinh lặng. Chúa mời gọi hết thảy mọi người cùng biến hình với Người.  Biến hình ở đây không phải là để trở thành vĩ đại với những không gian hoành tráng và trở thành cái tôi với chính mình. Biến hình với Chúa là từ bỏ con người cũ của mình, là biến đổi tâm hồn, mang vào lòng mình một quả tim biết yêu thương, tha thứ để trở nên giống Đức Ki-tô hơn.

    Hãy tin tưởng: Đức Giê-su biến hình để củng cố sự yếu kém của các Tông đồ. Từ chỗ sợ sệt, can ngăn, chối Chúa, các ông đã có một niềm tin vững chắc, đến nỗi sẵn sàng lấy cái chết để làm chứng cho Chúa. Ngày nay, Chúa tiếp tục kêu gọi mọi người giữ vững Đức tin, Người cũng biến dạng qua rất nhiều hình ảnh xung quanh cuộc sống, giúp con người trưởng thành. A-ra-ham được kêu gọi cách riêng để làm tổ phụ Dân riêng Chúa, trong khi Chúa đòi ông phải sát tế đứa con trai duy nhất của mình. Ông đã vâng lời, ông không nghi ngờ, ông đã tin tưởng và sẵn sàng giết đứa con yêu quý của mình và Chúa đã can thiệp kịp thời. Như vậy đức tin giúp con người chiến thắng, bởi trong muôn vàn thử thách, họ đã có Chúa quan phòng gìn giữ. Cũng chính trong Đức tin, con người sẽ sẵn sàng vượt qua đau khổ.

    Hãy sống với Chúa: Trong cuộc biến hình, người ta chứng kiến mối liên kết thân mật giữa Đức Giê-su và Chúa Cha, người ta cũng được chứng kiến sự thân mật sâu xa trong cuộc đàm thoại giữa Đức Giê-su và những nhân vật quan trọng trong thời Cựu Ước, người ta cũng chứng kiến mối giây thân mật giữa Đức Giê-su và ba môn đệ yêu dấu được Người đưa lên núi Ta-bo-rê. Cuộc biến hình nói lên tất cả những gì Đức Giê-su làm, đều bắt nguồn từ tình yêu Thiên Chúa: tình yêu hứa hẹn, tình yêu kêu gọi và tình yêu đáp trả. Mặc dù Chúa vẫn để quyền tự do cho con người chọn Chúa, nhưng Chúa vẫn sẵn sàng, vẫn kiên trì chờ đợi để đến với họ, để trò truyện và chia sẻ cuộc sống với con người

    Xin Chúa giúp mỗi người chúng con luôn sẵn sàng để đón nhận cuộc biến hình vĩ đại, không phải là núi Ta-bo-rê mà ngay trong lòng mỗi người chúng con.

    CHÚA NHẬT II MÙA CHAY

    CHỦ ĐỀ: BIẾN HÌNH

    DÀN Ý

    1. Biến hình

    - Biến hình không phải là sự biến dạng sau giải phẫu, hóa trang; không phải biến đổi tình trạng xã hội, công nghệ, dân số hay khí hậu; cũng không phải là chuyển hóa cơ thể: Các tế bào luôn thay đổi, cứ 7 năm sẽ đổi hết.

    - Biến hình cũng không phải là trở thành cái gì khác mình, như Tôn Ngộ Không với các trò biến hoá; không phải là một thế giới ảo của internet, thế giới dấu mặt.

    - Biến hình là thay đổi một hình dạng, khác với bình thường; theo Kitô giáo là hành động của Chúa.

    - Biến hình là trở lại cái tôi sâu thẳm của mình. Sau phép Rửa, người ta bắt đầu biến đổi từ từ và liên tục.

    2. ‘Biến hình’ trong đoạn TM Maccô (Mc 9,2-10)

    - Tin Mừng kể ba môn đệ thấy Đức Kitô biến hình: Áo Người trở nên chói lọi trắng như tuyết, không thợ giặt nào trên thế gian giặt trắng đến thế!(Mc 9,3).

    - Ba môn đệ thấy cuộc biến hình đã thốt lên: Chúng con ở đây thật là hay! Chúng con xin dựng ba lều, một cho Thầy, một cho Môsê, và một cho Êlia.” (Mc 9,5).

    3. Ý nghĩa việc Chúa biến hình

    - Chúa biến hình dạy, lên núi để thấy Chúa. Lên núi ở đây không có nghĩa là phải leo núi Tao Phùng 1.000 bậc, hay leo 220 bậc ở Brasil, để được xem tượng Chúa. Cũng không phải là làm mình xấu đi, hay chạy theo mốt thần tượng, mà là lên núi để sám hối, ăn chay, cầu nguyện, sống tốt, để người khác nhìn vào sẽ thấy được Thiên Chúa.

    - Chúa biến hình dạy phải nghe lệnh Chúa. Trong thế giới ảo, người ta thường lừa nhau qua phần mềm thông minh, webcam hay photoshop. Họ đóng kịch, ‘nói vậy mà không phải vậy.’ Nhưng trên núi Tabor, người ta sẽ trực tiếp được nghe tiếng Chúa nói của Chúa Cha: Đây là Con Ta rất yêu dấu, các ngươi hãy nghe Lời  Người”(Mc 97)

    - Ngụ ngôn Ấn Độ: Có nhà khỉ sống ở khu rừng rậm. Trời lạnh lũ khỉ run rẩy gom ít củi khô đốt để sưởi. Con đom đóm sà tới, bị khỉ đầu đàn tóm đặt trên củi, vì nó tưởng là ánh lửa. Cả gia đình khỉ đều trợn má thổi mạnh. Con chim bay đến nói: “Đó là con đom đóm, đâu phải là ngọn lửa.” Bầy khỉ đập chết chim. Hôm sau, người ta thấy cả gia đình khỉ nằm chết bên đống củi cùng với xác con đom đóm(ST).

    - Chúa biến hình dạy đi đường hẹp. Người ta cũng sẽ được biến hình, được tỏa sáng, nếu họ biết loại bỏ cái tôi đam mê, ích kỷ, để sống yêu thương và đi qua đường hẹp là thập giá như Đức Giêsu, để tới vinh quang. Thánh Phaolô viết về đường hẹp mà Đức Kitô phải qua: “Chúa không dung tha Con Mình, lại phó thác Con vì chúng ta.

    - Chúa biến hình dạy sống đổi thay để lấy lại hình ảnh Chúa, lúc được tạo dựng. Cây cối luôn biến đổi, lá này rụng, lá mới mọc. Con người cũng phải đổi thay cách sống để nên công chính tốt lành và thể hiện phẩm giá nơi con người, là hình ảnh Thiên Chúa, đồng thời cũng biết tôn trọng người kháctất cả đều là con cái Thiên Chúa.

    - Chúa biến hình dạy người ta tin Chúa. Chúa hiển dung để củng cố niềm tin các Tông đồ, cho dù ánh sáng biến hình chỉ là phản chiếu ánh sáng Phục sinh. Ngày nay, dù người ta không thấy Chúa biến hình, nhưng họ vẫn có thể cảm nghiệm được Ngài trên diện mặt và đời sống các Kitô hữu. Xin Chúa cho chúng con biết nhận ra và thực hành niềm tin để luôn được sống hạnh phúc với Chúa.

    Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu

    Bài viết liên quan