Chúa Nhật II TN C - Lm Giu-se Trần Xuân Chiêu

  • 18/01/2025
  • Chủ đề: Tiệc cưới Ca-na

     

    LOẠT BÀI

    DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG

    Chúa Nhật II Thường Niên

    Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu

    Phúc Âm (Ga 2,1-11)

           Khi ấy, có tiệc cưới tại Cana xứ Galilêa. Và có mẹ của Chúa Giêsu ở đó Chúa Giêsu và các môn đệ Người cũng được mời dự tiệc cưới. Và bỗng thiếu rượu, mẹ Chúa Giêsu nói với Người: “Họ hết rượu rồi.” Chúa Giêsu nói với mẹ: “Hỡi bà, tôi với bà có can chi đâu, giờ tôi chưa đến.” Mẹ Người nói với những người giúp việc: “Hễ Người bảo gì, thì phải làm theo.” Ở đó có sáu chum đá, dùng vào việc thanh tẩy của người Do thái, mỗi chum đựng được hai hoặc ba thùng nước. Chúa Giêsu bảo họ: “Hãy đổ nước đầy các chum.” Họ đổ đầy tới miệng. Và Chúa Giêsu bảo họ: “Bây giờ hãy múc đem cho người quản tiệc!” Và họ đã đem đi. Khi người quản tiệc nếm thử nước lã đã hoá thành rượu, ông không biết tự đâu, nhưng những người giúp việc đã múc nước thì biết, ông mới gọi tân lang mà nói: “Ai cũng đem rượu ngon ra trước, khi khách đã ngà ngà thì mới đem rượu xoàng hơn. Còn ông, ông lại giữ rượu ngon tới giờ này.” Chúa Giêsu đã làm phép lạ đầu tiên này tại Cana xứ Galilêa, và đã tỏ vinh quang Người và các môn đệ Người tin Người.

    HIỆN DIỆN GIỮA DÂN NGƯỜI

    1. Hiện diện

    - Hiện: Xuất hiện, tồn tại, hiện tại, lộ ra, có sẵn, biểu hiện.  

    - Diện: Mặt, hướng, phía, bên, bóng, nước dãi, thèm,  thấy.

    - Hiện diện, present: Có mặt. Có lúc hiện hữu lại không hiện thực, không hiện diện trọn vẹn; hiện diện trong thinh lặng.

    - Ơn Gọi Hiện Diện: Sống Ơn Gọi Hiện Diện với Tạo Hóa.

    2.  Lời Chúa hôm nay nói về chúa hiện diện

    - Isaia tiên báo Chúa sẽ hiện diện giữa chư dân: “Mọi dân tộc sẽ thấy Người là Ðấng công chính của ngươi, và mọi đế vương sẽ thấy vinh hiển Người” (Is 62,2).

    - Phaolô nói Chúa luôn hiện diện trong mọi hoạt động: “Có các hành động khác nhau, nhưng chính là một Thiên Chúa, Người thực hiện hết mọi cái trong mọi người” (1 Cr 12,5).

    - Đức Giêsu cũng hiện diện tại đám cưới: “Có tiệc cưới tại Cana xứ Galilêa. Và có mẹ của Chúa Giêsu ở đó. Chúa Giêsu và các môn đệ Người cũng được mời dự tiệc cưới” (Ga 2, 1).

    3. Chúa hiện diện trong cuộc sống

    - Thiên Chúa hiện diện với Dân Riêng. Chúa luôn quan tâm dân Itraen. Ngài từng sai các ngôn sứ đến dẫn dắt họ. Chúa còn sai Con Một đến với nhà Itraen. Chúa đến cứu họ khỏi bị nô lệ, khỏi bị dân ngoại chế diễu là ‘đồ bị ruồng bỏ.’ Chúa bày tỏ uy quyền, đổi mới cuộc sống, chữa lành trong Itraen.

    - Đức Giêsu hiện diện trong các gia đình. Nhiều người đòi sống thử, nhiều vợ chồng sống thiếu tình yêu, để rồi thời gian đầu: hai người nhìn nhau mà no; thời gian sau: nhìn nhau mà ngáp; rồi cuối cùng: nhìn chén đĩa bay. Họ quên sự hiện diện của Chúa, Đấng có thể ban rượu ngon để gia đình hạnh phúc.  

    - Truyện: Có chị muốn kết bạn xin tư vấn cha xứ. Cha hỏi: Anh ấy thế nào? Chị thưa: Anh ấy có bằng Thạc sĩ. Cha xứ: Hết sẩy. Anh ấy chơi dương cầm hay lắm. Hết sẩy. Anh ấy là hoạ sĩ. Hết sẩy ! Anh ấy có tài ngoại giao. Hết sẩy! Anh ấy con nhà giầu. Hết sẩy. Nhưng mỗi tội anh ta khô khan, không xưng tội rước lễ! Cha xứ lắc đầu: Ồ! Sẩy hết.

    - Đức Giêsu hiện diện nơi người nghèo. Nhiều người thiếu vật chất, thiếu cơm ăn, áo mặc, thiếu tiền mua thuốc thang, mua sách vở cho con cái. Chúa sống với con người trong nghề thợ mộc giản dị, nghèo khó. Sự hiện diện của Chúa giúp người ta vượt qua được những khó khăn trong đời sống.

    - Đức Giêsu hiện diện nơi người tin. Nhiều người thiếu niềm tin, sống vô trách nhiệm, bỏ kinh lễ, suốt ngày ‘chit chát,’ nghiện ngập. Chúa đến ban ân sủng, làm phép lạ, để nâng đỡ người yếu lòng tin. Chúa không hiện diện khi phô trương trong các ngày kỉ niệm, lĩnh chức, khấn dòng, thành hôn, mà hiện diện trong tâm hồn những ai tin tưởng và làm theo ý Chúa.

    - Chúa Giêsu hiện diện trong Bí tích Thánh Thể. Đức Kitô như vị Hôn phu của Giáo Hội, hiến dâng tất cả, đến nỗi chết trên thập giá, để chứng tỏ tình yêu với con người. Người lấy thịt máu mình làm của lễ để dâng lên Chúa Cha, đồng thời làm của ăn nuôi dưỡng và ở lại mãi mãi với con người.

    - Mỗi người hãy mời Mẹ Maria đến hiện diện trong gia đình mình, đồng hành với chúng ta trong mọi giây phút, để Mẹ luôn can thiệp đúng lúc, giúp chúng ta thành công.

    TIỆC CƯỚI CANA

    Suy Niệm

              Sau ba mươi năm im hơi lặng tiếng trong gia đình Nagiaret như bao người khác, Đức Giêsu khởi đầu sứ vụ bằng phép lạ đầu tiên, tại tiệc cưới của một người bà con ở Cana. Qua ba ngày tiệc tùng, Đức Maria phát hiện gia đình hết rượu  và đề nghị Đức Giêsu can thiệp. Chúa đáp lại bằng việc làm phép lạ cho sáu chum nước lã, thành những chum rượu ngon.

              Nhưng không hiểu tại sao đám cưới kéo dài thế, ngày thứ ba rồi mà vẫn còn tiếp tục ăn uống, bao nhiêu rượu cho vừa? Trong các trường hợp khác, nếu không có Đức Mẹ thì họ biết làm thế nào? Mà làm sao Đức Mẹ lại quan tâm đến rượu?

    1. Đám cưới ở Cana

    Ca-na cách Na-gia-ret 6 km về phía Đông Bắc. Nơi đây trở thành khu du lịch nổi tiếng, gần ngôi nhà thờ của thánh Phan-xi-cô. Ca-na trở thành địa danh quan trọng, vì đã diễn ra tiệc cưới của người họ hàng Đức Ma-ri-a; Đức Giê-su có dịp thể hiện quyền năng tại đây, bằng việc làm cho sáu chum nước lã thành sáu chum rượu ngon:

              Đức Giê-su dự tiệc cưới: Khó có gì hấp dẫn và ăn sâu vào nền văn hoá của các dân tộc bằng tiệc cưới. Thiên Chúa đã sáng tạo vũ trụ, làm quà tặng đầu tay cho cặp vợ chồng đầu tiên là Adong và Evà. Việc cả Chúa Giêsu và Đức Maria đi dự tiệc cưới, nói lên tất cả ý nghĩa của hôn nhân. Tiệc cưới biểu hiện kết quả của tình yêu vợ chồng. Tình yêu hôn nhân diễn tả tình yêu vĩ đại của Thiên Chúa; vì tình yêu, mà con người được tạo dựng; tình yêu giúp bảo tồn và phát triển con người, theo như kế hoạch sáng tạo của Thiên Chúa. Kinh Thánh thường sử dụng hình ảnh hôn phu cho chính Chúa, và hôn thê là dân Người. Chính Đức Ki-tô cũng coi mình là hôn phu của nhân loại. Ngày nay người ta thường được chứng kiến những đám cưới linh đình, những lời chúc tốt đẹp, diễn tả một tình yêu dồi dào mà họ đang được tận hưởng. Chính vì lí do đó, mà không những cả Đức Mẹ và Chúa Giê-su đã dự tiệc cưới ở Ca-na, và Chúa còn làm phép lạ đầu đời của Người tại đây.

              Đức Giê-su làm phép lạ: Mọi thụ tạo, kể cả con người, đều bị chi phối bởi những quy luật thiên nhiên; không ai có thể thay đổi quy luật đó ngoại trừ Thiên Chúa; chẳng ai có thể làm cho nước lã, mà không dùng bất cứ ảo thuật hay vật liệu khác, để biến thành rượu, lại là rượu ngon, trong giây lát, chỉ bằng một lời nói: “Hãy đi múc cho người quản tiệc...” Sáu chum nước lã, mỗi chum chứa được 120 lít nước, dùng để rửa tay, theo luật Do Thái, biến thành 6 chum rượu ngon đến nỗi chủ tiệc phải bất ngờ. Điều này không những chứng tỏ quyền năng của Chúa Giêsu, mà còn làm cho tình yêu hôn nhân sang trang sử mới: Đức Ki-tô thiết lập Bí tích Hôn nhân, để duy trì mối dây ràng buộc vĩnh viễn của vợ chồng. Không phải là thứ phép lạ, như một giáo sư kia đã dùng các dung dịch khác nhau để đổi màu nước, đó là thứ nước không an toàn. Phép lạ biến nước thành rượu của Chúa, được thực hiện trước mặt rất nhiều người trong đám cưới, cả những người khó tính; họ ngạc nhiên và họ thừa nhận đó là sự lạ lùng. Phép lạ nước hoá rượu là dấu chỉ nói lên Đức Giê-su là chính Đấng Cứu Thế, Người là Thiên Chúa, Người có thể thay đổi mọi quy luật của vũ trụ. Phép lạ biến nước thành rượu còn chuyển tải cho con người sứ điệp tình yêu, đồng thời cũng trình diễn một sứ điệp thần học: Đức Kitô là Rượu, là Hồng Ân mà Thiên Chúa ban tặng, Rượu từ Máu Cạnh Sườn Người đổ ra để cứu độ nhân loại.

              2. Vai trò của Đức Ma-ri-a

              Trong phép lạ của Chúa Giê-su tại tiệc cưới Ca-na, người ta luôn ấn tượng hình ảnh của Mẹ Ma-ri-a:

              Đức Ma-ri-a luôn quan tâm đến nhu cầu con người: Không ai có thể quên vai trò của Đức Ma-ri-a trong tiệc cưới này: Khác hẳn mọi người, Đức Ma-ri-a rất lo lắng công việc của người khác; Đức Ma-ri-a cũng từng đối xử rất khiêm nhường và hi sinh với bà dì E-li-za-bet, khi ở lại nhà này để phục vụ bà 6 tháng; chính Đức Ma-ri-a đã đáp lại mau mắn lời đề nghị của Thiên thần bằng hai tiếng xin vâng. Thánh Gio-an dùng từ “Thân Mẫu Người” thay vì tiếng Ma-ri-a và câu trả lời lạnh lùng của Chúa Giê-su, để nói lên hết sự quan tâm của Mẹ: “Chuyện đó can gì đến Bà, giờ Con chưa đến.”(Ga 2,4)

    Đức Ma-ri-a là E-và mới: Việc làm của Ma-ri-a trong đám cưới này, cũng chuyển tải cho con người một sứ điệp thần học nữa: Đức Ma-ri-a chính là E-và mới; Maria đã cộng tác đắc lực trong việc chuộc tội cho nhân loại. Đức Ma-ri-a xuất hiện rất đúng lúc và rất ngoạn mục. Trong quá trình cứu độ của Chúa Giê-su, khi sinh ra, khi lên Giê-ru-sa-lem, trong cuộc đời ẩn dật ở Na-gia-ret, khi bắt đầu sứ vụ rao giảng và nhất là dưới chân Thập Giá khi đón nhận lời: “Hãy làm theo những gì Người bảo,” để nhận chức vụ làm Mẹ Giáo hội qua đại diện Gio-an. Đức Kitô đã nghe Đức Ma-ri-a làm phép lạ cứu gia đình chủ, trong tiệc cưới ở Ca-na và ngày nay Đức Kitô vẫn nghe Mẹ để cứu vớt loài người.

              3. Gia đình Kitô hữu

              Qua việc dự đám cưới và làm phép cho nước hoá rượu, Đức Giêsu muốn mọi người hãy biết bảo vệ gia đình:

    Hãy trân trọng tình yêu: Thế giới đánh mất chữ yêu đích thực, tình yêu bị mất phương hướng: con người lợi dụng chữ tự do, để khai thác tình dục thay vì tình yêu. Đám cưới hoàn toàn mang sắc thái trần tục: họ muốn bỏ lễ nghi tôn giáo. Tình cảm ban đầu của đôi vợ chồng chóng trở thành nhạt nhẽo như nước lã, tình trạng “không còn rượu” đang trở thành phổ biến. Chỉ sau ngày cưới vài hôm, một bên phát hiện họ đã không cưới một nàng tiên mê hồn, nhưng một con người ích kỉ; tuần trăng mật kết thúc, cũng là lúc họ phát hiện ra thiếu rượu, hoặc chỉ là thứ nước tẻ nhạt vỡ mộng. Đức Kitô đề cao hôn nhân, nên chính Người và môn đệ đã đến dự tiệc cưới; Người lập Bí Tích Hôn phối tại Ca-na trong bối cảnh Tin Mừng và Người đã củng cố việc làm này bằng phép lạ kèm theo. Đức Kitô trao ban tình yêu cho loài người, Người còn ban chén rượu của Người, suối nguồn tình yêu, để chứng tỏ tình yêu thương vô bờ bến của Người với nhân loại. Tuy nhiên, điều quan trọng là biết đón nhận, giữ gìn, con người sẽ có tình yêu đích thực trong cuộc sống.

    Hãy quan tâm đến người khác: Trong thế giới ngày nay người ta thường nghĩ đến cái tôi, đến cạnh tranh, người ta xây dựng tình yêu trên quầy hàng, tiệm buôn, thương hiệu, trên truyền thông quảng cáo. Có biết bao nhiêu người đói khổ rách nát, có biết bao nhiêu nạn nhân đang oằn mình trải nghiệm nỗi đau, trong khi các nhà giàu, các phú hộ, quan tham quyền lực vẫn không tha vơ vét bóc lột; họ đánh mất chữ yêu thương đích thực. Chúa Giê-su làm phép lạ để quan tâm đến cái khổ cực của gia đình, Đức Ma-ri-a âm thầm kín đáo, để lo lắng giải thoát cho gia đình, Đức Mẹ tỏ ra rất nhậy cảm trước nhu cầu của người khác.

    Chúng ta có đối xử với người khác như vậy không? Có bao giờ chúng ta đứng về phía họ, để nhìn lại chính mình chưa? Có bao giờ chúng ta hiểu rõ những niềm vui, nỗi buồn và những ước mong của cha mẹ, chồng con, anh em? Chúng ta có biết hi sinh tiền bạc và nhất là thời gian cho ai không? Hãy xin Đức Ma-ri-a giúp chúng con vượt qua tính ích kỉ của bản thân mình.

    Lm Giuse M Trần Xuân Chiêu

    Bài viết liên quan