Chia sẻ Lời Chúa - Chúa Nhật XV Thường Niên Năm A
Người đi gieo giống (Mt 13, 1-23)
Chúng ta đều biết ảnh hưởng của lời nói: có những lời nói khiến ta sung sướng vô cùng, nhưng cũng có những lời nói làm lòng ta đau nhói; lời của những bậc khôn ngoan dạy ta nhiều điều hay lẽ phải, còn lời đường mật của những người xấu có thể dụ ta đến những thiệt hại khôn lường.
Giá trị của hạt giống Lời Chúa
Chúng ta cùng lần trở lại bài đọc thứ nhất được trích trong sách ngôn sứ Isaia: (Is 55,10- 11). Đoạn trích này thuộc về phần thứ II của sách Isaia, phần này được gọi là "Sách an ủi”. Ngôn sứ Đệ nhị Isaia nói rằng Thiên Chúa đã hứa sẽ cho dân Do thái thoát khỏi cảnh lưu đày và được trở về quê hương. Thế nhưng nhiều người Dothái tỏ ra không tin vào lời hứa đó. Ngôn sứ lưu ý họ hãy nhớ rằng Lời của Thiên Chúa luôn luôn hữu hiệu: Ngài đã nói thì thế nào cũng xảy ra đúng người Ngài nói; Ngài đã hứa thì chắc chắn Ngài sẽ thực hiện. Lịch sử đã chứng minh cho điều Đệ nhị Isaia nói: dân Do thái đã được hồi hương vào năm 538 trước công nguyên. Cũng vậy, lời Thánh vịnh đáp ca mà Giáo Hội vừa ca lên trong Phụng vụ Lời Chúa hôm nay là những lời lẽ thật đẹp được trích trong Thánh Vịnh 65:
Bốn mùa Chúa đổ hồng ân,
Ngài gieo mầu mỡ ngập tràn lối đi.
Ai trong chúng ta là người làm nghề nông, chắc hẳn đều hiểu được tầm quan trọng của hạt giống. Nếu hạt giống tốt thì sẽ cho kết quả tốt. Người xưa từng đúc kết kinh nghiệm rằng: “Nhất nước, nhì phân, tam cần, tứ giống”. Trong khi bài đọc I, ngôn sứ Isaia đã khẳng định giá trị của hạt giống Lời Thiên Chúa: “Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất, chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc, cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn, thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta, sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả” (Is 55,10-11).
Sự quảng đại của Thiên Chúa được thể hiện qua quá trình gieo hạt
Bài Tin Mừng mà cộng đoàn chúng ta vừa nghe được gọi là dụ ngôn “người gieo giống”. Đây là dụ ngôn đầu tiên trong một loạt 7 dụ ngôn Chúa Giê-su giảng dạy. Trước hết, chúng ta có thể thắc mắc: Kiểu gieo giống gì mà kỳ lạ thế? Tại sao không chỉ gieo trên đất tốt thôi mà lại gieo cả trên chỗ đá sỏi, đường đi và cả chỗ gai góc nữa? Thưa, gieo như thế, vì đây là cách làm ruộng của người dân miền thánh địa, xứ Pa-lét-tin, họ có cách gieo giống khác với người Việt Nam chúng ta. Họ gieo trước rồi mới cày sau, nghĩa là họ dọn đất xong thì gieo hạt rồi cày lấp đi. Như vậy, người gieo giống trong dụ ngôn này đi gieo trong thửa ruộng chưa cày bừa gì cả.
Đàng khác, đất đai ở đây nhiều đá. Người Do thái thường nói khôi hài rằng: "khi Thiên Chúa tạo dựng trời đất, có ba túi đá thì Chúa đã làm rớt hết hai túi xuống đất Pa-lét-tin”. Vì thế, trong việc làm ruộng của dân Do thái, việc lượm đá là một việc làm quen thuộc cũng như việc làm cỏ. Đá lượm ra xếp thành bờ ngăn các thửa ruộng, do đó, mép bờ cũng là nơi gai mọc. Ở những vùng đất thiếu nước, thì gai là loại cây dại phổ biến nhất, vì nó có sức chịu khô lâu nhất.
Biết qua khung cảnh địa dư và cách làm ruộng của người Do Thái xưa kia như thế, chúng ta mới dễ hiểu bốn vị trí mà hạt giống có thể rơi xuống khi người nông dân gieo lúa: đất đá, lối đi, bụi gai và đất tốt. Muốn gieo cho kín ruộng, người nông dân phải chấp nhận có sự hao hụt, vì khi vung ra gieo hạt, một số nào đó sẽ rơi vào ba loại vị trí không kết quả. Nhưng việc hạt giống được gieo vung vãi, cũng nói lên sự hào phóng của người gieo hạt. Tuy nhiên, khi đã có hạt giống tốt, có sự quảng đại của người gieo, nhưng quan trọng hơn vẫn là chất đất, tức là thái độ của người đón nhận.
Kết quả tùy thuộc vào thái độ của người nghe
Câu chuyện về một người giàu có nhưng lại đầy kiêu căng, hợm mình. Nghe biết trong vùng có một vị hiền triết, thay vì tìm đến để học hỏi sự khôn ngoan, ông bèn tìm đến để thử xem sao. Khi đã bước vào trong túp lều tồi tàn của nhà hiền triết, ông nhà giàu tỏ ra khinh thường bởi vì trong nhà chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc giường nhỏ và một bộ ấm chén để uống trà. Sau khi mời ông nhà giàu ngồi, nhà hiền triết bắt đầu rót trà. Nhưng không hiểu sao khi chén tà đã đầy rồi mà nhà hiền triết vẫn tiếp tục rót. Đợi một hồi lâu, cho đến lúc không kiên nhẫn được nữa, ông nhà giàu bèn lên tiếng: thưa ngài, chén trà đã đầy rồi sao ngài còn cứ tiếp tục rót, như thế chẳng phải nước sẽ tràn ra nền nhà đó sao?
Lúc bấy giờ, nhà hiền triết mời ôn tồn trả lời: Này ông, ông đến đây để học biết sự khôn ngoan mà trong lòng ông đầy những kiêu căng và mưu đồ, thì cũng như chén trà này, làm sao ông có thể tiếp nhận thêm được sự khôn ngoan.
***
Trong cuộc đời mỗi người người, cho đến hôm nay, đã biết bao nhiêu lần chúng ta đón nhận hạt giống Lời Chúa, nhưng thử hỏi, chúng ta đã đáp trả với thái độ như thế nào? Tâm hồn chúng ta là mảnh đất nào trong những mảnh đất kể trên?
Thiên Chúa vẫn kiên nhẫn gieo hạt vào thửa đất tâm hồn chúng ta, nhưng hạt giống ấy cho đến hôm nay vẫn chưa có cơ hội sinh hoa kết trái. Có khi vì thửa đất tâm hồn tôi còn khô khan nguội lạnh như thửa đất bên vệ đường, nên khi hạt giống gieo vào liền bị chim trời ăn mất.
Có khi thửa đất tâm hồn tôi trở nên như bụi gai, vì công ăn việc làm, vì những thú vui trần thế, vì những toan tính trong làm ăn… đã bóp nghẹt, không tạo cơ hội cho hạt giống Lời Chúa được nảy mầm.
Trong Tin Mừng, đã không ít lần kể lại sự biến đổi của những người khi gặp gỡ Lời Thiên Chúa. Các môn đệ đầu tiên đã bỏ mọi sự mà theo Thầy chỉ vì một lời mời gọi: “Hãy theo Ta, Ta sẽ làm cho các ngươi trở nên ngư phủ lưới người”. (Mt 4,19). Hay với người thu thuế Giakêu “Giakêu, hãy xuống mau, hôm nay tôi ngụ tại nhà ông” (Lc 19,5)… Thánh Innhaxio đã từ một sĩ quan quân đội trở thành một vị thánh tổ phụ của Dòng Tên nhờ câu Lời Chúa mà ngài đọc được trên giường bệnh: “Được lời lãi cả thế gian mà mất linh hồn thì được ích gì”… và trong lịch sử của Giáo Hội, có biết bao nhiều trường hợp như thế nữa.
Thiên Chúa, người gieo giống, hôm nay, Ngài vẫn đang kiên nhẫn đi gieo, cho dù thửa đất tâm hồn chúng ta chưa sẵn sàng tiếp nhận lời Ngài. Chúng ta hãy thành tâm xin lỗi Chúa vì những lỗi lầm, thiếu sót, vì những kiêu căng tự phụ như người đàn ông giàu có trong câu chuyện kể trên, khiến hạt giống Lời Chúa không có cơ hội đâm bông kết trái trong tâm hồn chúng ta. Để chớ gì, qua lời mời gọi của Tin Mừng hôm nay, mỗi người hãy biết chuẩn bị cho mình một thửa đất thích hợp cho Lời Chúa bám rễ và triển nở trong tâm hồn. Để Lời Chúa thực sự trở thành ánh sáng, thành sức sống, thành nguồn hy vọng và là hạnh phúc cho cuộc đời chúng ta.
Lm Jos. Nguyễn Văn Tuyên
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 69 | Tổng lượt truy cập: 4,045,859