Bài Giảng Chúa Nhật thứ II Thường Niên A
Ga 1, 29-34
“Đây là chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa bỏ tội trần gian”
Mùa hè năm nào vua Duy Tân cũng ra nghỉ mát ở cửa Tùng, một cửa biển đẹp, yên tĩnh, bãi tắm bằng phẳng, cát trắng mịn màng. Một hôm nhà vua từ bãi tắm lên, hai tay còn dính cát, viên thị vệ bưng lại một thau nước ngọt mời vua rửa tay. Nhà vua vừa rửa vừa hỏi đùa: - Theo khanh, tay bẩn lấy thì lấy nước mà rửa, còn 'nước' bẩn lấy gì mà rửa? Viên thị vệ lúng túng chưa biết trả lời sao thì Vua bèn nói:
- Nước bẩn thì lấy máu mà rửa!"
Nhà vua khéo chơi chữ, chuyển từ nước rửa tay sang một thứ nước khác ngàn lần đáng quý trọng là đất nước, là quê hương. Điều đó có nghĩa là: Khi đất nước bị làm nhục, làm bẩn bởi ngoại bang, không có thứ nước nào có thể rửa được, mà phải rửa bằng máu. Về sau, vua Duy Tân đã đứng lên hô hào toàn dân khởi nghĩa, lấy máu đào rửa cho sạch cái nhục vong quốc.
***
Nhìn theo góc độ Thánh Kinh, tội lỗi cũng là một vết nhơ trầm trọng không có thứ nước nào có thể tẩy xoá được mà phải cần đến... máu !
Trong bài Tin Mừng hôm nay, Gioan Tẩy Giả đã giới thiệu Đức Giêsu chính là Con Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa bỏ tội trần gian (x.Ga 1,29). Nhưng tại sao Gioan lại gọi Đức Giêsu với con chiên mà không phải với nhân vật nào khác ? Có lẽ đối với chúng ta, chiên là con vật còn khá xa lạ, còn đối với người Do Thái thì khác: Chiên không chỉ là con vật hiền lành mà chúng còn là nguồn thực phẩm phong phú: thịt làm đồ ăn và lông chiên làm đồ mặc cho con người. Không những thế, hình ảnh con Chiên Thiên Chúa còn gợi nhắc cho người Do Thái về hình ảnh của con chiên gánh tội trong Cựu Ước.
Quả vậy, trong ngày lễ Xá Tội của người Do Thái, người ta bắt hai con chiên con được một tuổi. Con thứ nhất bị sát tế và thiêu đốt hoàn toàn trên bàn thờ làm của lễ cầu xin ơn tha tội. Vị thượng tế sẽ dùng máu huyết của con chiên ấy để rảy lên dân chúng và tiến vào gian cực thánh trong đền thờ Giêrusalem để rảy lên Hòm Bia Giao Ước với lời cầu nguyện: xin Chúa tha tội cho mọi người. Còn con chiên thứ hai, sau khi vị Tư Tế đọc một danh sách các thứ tội của dân và kêu gọi mọi người sám hối, ông sẽ đặt tay trên đầu con chiên, ngụ ý trút hết danh sách tội ấy lên đầu nó, rồi đuổi nó vào sa mạc. Hành động đó tượng trưng cho việc con chiên ấy sẽ gánh lấy tội của toàn dân mang đổ vào hoang địa. Nhờ đó, tội lỗi của dân chúng được tha thứ.
Không chỉ có vậy, hình ảnh Chiên Thiên Chúa trong Tin Mừng Gioan còn có ý nghĩa sâu xa hơn nhiều, đặc biệt là khi so sánh cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu với hình ảnh của con chiên vượt qua thời kỳ Xuất Hành trong Cựu Ước. Trước tiên, nơi toà án, Tổng trấn Philatô xét xử Đức Giêsu vào Giờ Thứ Sáu (tức 12 giờ trưa) trong ngày áp lễ Vượt Qua (x. Ga 9,14), đó là lúc các tư tế bắt đầu giết chiên để mừng lễ Vượt Qua tại Đền thờ Giêrusalem. Thứ đến, trong biến cố vượt qua, người Do Thái lấy một bó hương thảo, nhúng vào chậu đựng máu chiên và quét lên khung cửa nhà. Điều này tương ứng với một tên lính lấy miếng bọt biển thấm giấm, buộc vào cành hương thảo đưa lên miệng Đức Giêsu (x. Ga 19,29). Sau cùng, con chiên trong lễ Vượt Qua phải là con chiên tinh tuyền, không bị đánh gãy bất cứ một khúc xương nào. Điều này đã được ứng nghiệm nơi Đức Giêsu, khi quân lính không đánh dập ống chân Người (x. Ga 19,34).
Như vậy, hình ảnh con chiên trong Cựu Ước đã được ứng nghiệm trọn vẹn nơi con người và cuộc đời của Đức Giêsu Kitô. Nhờ việc Đức Giêsu chịu khổ nạn và chịu chết mà toàn thể nhân loại được giải thoát khỏi ách tội lỗi, giống như bỏ đi cái gánh nặng đang phải mang vác.
Khi giới thiệu cho chúng ta Đức Giêsu chính là Con Chiên Thiên Chúa, thực ra không phải Gioan Tẩy Giả tự mình biết được điều này, mà bởi Thiên Chúa đã mạc khải cho ông, như lời ông nói: “Tôi đã không biết Người. Nhưng chính Đấng sai tôi đi làm phép rửa trong nước đã bảo tôi: "Ngươi thấy Thần Khí xuống và ngự trên ai, thì người đó chính là Đấng làm phép rửa trong Thánh Thần." Tôi đã thấy, nên xin chứng thực rằng Người là Đấng Thiên Chúa tuyển chọn." (Ga 1,33-34).
***
Ngày nay, tội lỗi của riêng bản thân chúng ta cũng như của nhân loại vẫn còn đang chồng chất. Thế nên, Chúa Giêsu vẫn phải tiếp tục hiến mình làm chiên xoá tội trong hy tế Thánh Thể hằng ngày (một cách không đổ máu). Trong mỗi thánh lễ, khi nâng cao Mình Thánh Chúa Giêsu cho tín hữu tôn thờ, linh mục dùng lại lời của thánh Gioan Tẩy Giả để giới thiệu Chúa Giêsu là “Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian".
Đức Giêsu đã tự nguyện trở nên Chiên Thiên Chúa để chịu chết đền thay tội lỗi cho chúng ta. Ngài cũng mời gọi chúng ta hãy trở nên con chiên đền tội, để cùng với Người, chúng ta dâng trót đời mình làm hy lễ cứu rỗi thế gian bằng việc dâng lên Thiên Chúa những hy sinh, đau khổ, những hiểu lầm chống đối… để xin ơn tha tội cho mọi người.
Đức Giêsu là Con Chiên hiền lành và khiêm nhường. Chỉ vì yêu thương và muốn nên một với chúng ta, Ngài đã tự nguyện mang lấy thân phận con người để đi vào kiếp người, để chia sẻ những đắng cay ngọt bùi với con người. Đó cũng là điều mà Chúa đang mời gọi chúng ta hãy sống cho thế giới hôm nay. Một thế giới có quá nhiều kẻ ham danh, hám lợi, trong khi lại quá ít kẻ dám gánh lấy trách nhiệm. Một thế giới có quá nhiều kẻ kiêu căng, thích ăn trên ngồi trốc, nhưng lại quá ít người khiêm tốn để phục vụ và hy sinh cho đồng loại. Xem ra người tốt chỉ là những ánh sao lẻ loi trên bầu trời đêm. Dầu vậy, một ánh sao vẫn đủ để xoá tan bóng đêm của sợ hãi lo âu và khơi lên một niềm hy vọng.
Sau cùng, để có thể sống hiền lành và khiêm nhường như Chúa, không có phương thế nào hữu hiệu hơn là đến với Bí tích Thánh Thể - Là tột đỉnh của tình yêu mà Thiên Chúa đã dành cho nhân loại. Nơi đó, Đấng là Chiên Thiên Chúa đang đợi chờ để xóa bỏ mọi tội lỗi cho chúng ta.
Một năm cũ đang dần khép lại. Một mùa Xuân mới sắp khởi đầu. Cùng cầu chúc cho cộng đoàn hiện diện, trong khi chuẩn bị trang hoàng nhà cửa, cũng không quên trang hoàng ngôi nhà tâm hồn của mình. Nhờ đó, sau khi được Chúa xóa bỏ mọi tội lỗi, chúng ta sẽ được trở nên con người mới nhờ học theo tấm gương của Chúa Giêsu: hiền lành và khiêm nhường, để dám hy sinh cả mạng sống vì hạnh phúc của anh chị em mình. Làm được như vậy, chúng ta có quyền hy vọng rằng: trong ngày sau hết, tất cả chúng ta sẽ được hưởng chính Chúa là Mùa Xuân bất diệt. Cùng cầu chúc được như vậy. Amen.
Lm Giuse Nguyễn Văn Tuyên
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 72 | Tổng lượt truy cập: 4,046,101