DÀN Ý VÀ SUY NIỆM TIN MỪNG
CN XVI THƯỜNG NIÊN NĂM B
Lm Giuse M. Trần Xuân Chiêu
Tin Mừng (Mc 6,30-34)
Khi ấy, các tông đồ hội lại bên Chúa Giêsu và thuật lại với Người mọi việc các ông đã làm và đã giảng dạy. Người liền bảo các ông: "Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút". Vì lúc ấy dân chúng kẻ đến người đi tấp nập, đến nỗi các tông đồ không có thì giờ ăn uống. Vậy các ngài xuống thuyền, chèo tới một nơi vắng vẻ hẻo lánh. Thấy các ngài đi, nhiều người hiểu ý, và từ các thành phố, người ta đi bộ kéo đến nơi đó và tới nơi trước các ngài.
Lúc ra khỏi thuyền, Chúa Giêsu thấy dân chúng thật đông, thì động lòng thương, vì họ như đàn chiên không người chăn, và Người dạy dỗ họ nhiều điều.
NHỊP SỐNG TÍN HỮU
1. Người tín hữu
- Tín: Là tin, thật, tin cậy, tin tưởng, tín ngưỡng, tín dụng.
- Hữu: Là bạn bè, hữu hảo, bên phải, có, sở hữu, giúp.
- Kitô hữu: Là người theo Đức Kitô, với xác tín Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa, đã chết, sống lại và lên Trời.
- Nhịp sống: Là cuộc sống hài hòa giữa làm và nghỉ, là sự quân bình giữa đời sống tinh thần và vật chất.
2. Lời Chúa hôm nay nói về nhịp sống
- Giêrêmia nói về con chiên may mắn: “Ta sẽ cho chúng có các chủ chăn để họ chăn dắt chúng. Chúng sẽ không còn sợ hãi kinh hoàng và không còn thiếu thốn gì”(Gr 23,4).
- Phaolô nói về sống hòa hợp: “Người đã làm cho đôi bên nên một, đã phá đổ bức tường ngăn cách, tiêu diệt sự hận thù trong thân xác của Người” (Ep 2, 16).
- Tin Mừng kể, dân chúng muốn gặp Chúa Giêsu: “Thấy các ngài đi, nhiều người hiểu ý, và từ các thành phố, người ta đi bộ kéo đến nơi đó trước các ngài” Mc 6, 33).
3. Nhịp sống tín hữu
- Kitô hữu phải giữ quân bình trong đời sống. Con người biết nhiều thứ dưới biển sâu, trên núi cao hay bầu trời, nhưng lại biết rất hạn chế về chính mình. Người ta hoạt động thể xác, nhưng cũng cần thời gian bồi dưỡng tinh thần. Đức Giêsu đã dạy bài học về sự thăng bằng của đời sống thiêng liêng và vật chất của con người.
- Kitô hữu phải duy trì một tâm hồn bình an. Cuộc sống ồn ào, xô bồ ngày nay dẫn đến stress, đột quỵ, suy tim. Người ta phải tìm đến với phương pháp dưỡng sinh, Thiền hay Yoga. Thinh lặng giúp con người được bình an trong nội tâm. Thinh lặng cũng là để cõi lòng mình dành cho Thiên Chúa đến ngự trị.
- Kitô hữu cần nghỉ ngơi để lấy lại sức, tâm hồn sáng suốt. Cuộc sống hối hả đưa con người vào guồng quay sản xuất và cạnh tranh. Đầu óc họ bị đảo điên và trống rỗng. Số người mắc bệnh thần kinh ngày càng gia tăng. Người ta cần phải dành thời giờ nghỉ ngơi, như Đức Giêsu đã cho môn đệ nghỉ ngơi sau một ngày vất vả.
- Kitô hữu cần phải dành thời gian để sinh hoạt cộng đồng. Đức Phật đi tìm đường tu hành từ bỏ thế tục, diệt cảm xúc. Đức Giêsu lại chọn con đường đến với trần thế, sống giữa đời, nâng đỡ lẫn nhau. Ngài thường tham dự phụng vụ trong ngày Sabat. Tham dự phụng vụ, đặc biệt Thánh Lễ giúp con người luôn được sống trong tinh thần cộng đồng.
- Truyện: Thương gia nọ bứt rứt, xin ẩn sĩ tư vấn. Ẩn sĩ nói: “Con cá bị chết cạn, bay cũng sẽ bị chết bởi thế gian lọc lừa vây hãm. Cá muốn sống phải về sông nước, bay muốn bình an phải về với cô tịch.” Anh hỏi: “Sao bỏ việc bán buôn về ẩn dật?” Ẩn sĩ: “Cứ tiếp tục buôn bán, làm việc, nhưng phải luôn trở về với tĩnh lặng cõi lòng.”
- Kitô hữu phải luôn cầu nguyện. Đức Giêsu đã thường xuyên cầu nguyện đêm khuya cùng Chúa Cha. Ngài cũng hứa sẽ tiếp sức cho những ai đến với Ngài:“Không có Thầy, anh em không làm được gì.” Ampère cũng nói: “Con người chỉ thực sự vĩ đại khi chúng ta biết cầu nguyện.”
Suy Niệm
Đoạn Tin Mừng thánh Mac-cô tường thuật buổi báo cáo của các Tông đồ, sau khi được sai đi rao giảng Tin Mừng. Đức Giê-su đưa ra cho các ông những lời khuyên thực tế, vừa phục vụ lợi ích của dân chúng, vừa đảm bảo lâu dài cho cuộc đời Tông đồ.
Thế nào gọi là Tông đồ? Phải chăng chỉ có nhóm 12 được mang tên Tông đồ, trong khi Chúa sai nhiều nhóm môn đệ ra đi rao giảng? Phải chăng Đức Ki-tô không quan tâm đến nhu cầu của quần chúng đang tấp nập kéo đến, mà lại cho các môn đệ nghỉ ngơi? Tại sao Đức Ki-tô lại coi những người đi rao giảng là mục tử, trong khi nhiệm vụ chủ yếu của người mục tử là dưỡng nuôi đoàn chiên?
1. Những lời báo cáo
Đức Giê-su sai các môn đệ ra đi làm sứ vụ: Theo như chương trình, sau một thời gian huấn luyện, Đức Giê-su muốn cho các ông thực hành những gì các ông đã tiếp thu. Với sứ mệnh cứu độ toàn thể nhân loại, các Tông đồ sẽ là những người kế tiếp nhiệm vụ của Đức Ki-tô. Đây là nhiệm vụ quan trọng và cũng rất nặng nề, khó khăn. Đức Giê-su đã chia sẻ những kinh nghiệm với các ông khi đối mặt với thực tế: những hành trang cần phải có khi lên đường và cả những năng quyền siêu nhiên khi làm nhiệm vụ.
Các Tông đồ báo cáo thành quả: Lần đầu tiên xuất hiện từ Tông đồ thay thế từ môn đệ trong Tin Mừng Mac-cô. Sau một thời gian chia nhau đi vào các làng mạc làm nhiệm vụ, các ngài có những thành công ít nhiều. Tất cả đã trở về tụ họp với nhau, và bắt đầu kể lể với Đức Giê-su công việc của họ. Báo cáo là thủ tục rất cần thiết, mỗi khi thi hành nhiệm vụ. Nó giúp người ta nhìn lại những hành động đã làm, để chính mình chỉnh sửa, hoặc được bổ sung bởi người giao nhiệm vụ. Đức Giê-su có dịp để vui mừng, với thành quả bước đầu của các môn đệ, một dấu hiệu tốt lành trong chương trình cứu độ.
Đức Giê-su cho các Tông đồ nghỉ ngơi ở nơi thanh vắng: Mặc dù đám dân chúng nườm nượp kéo đến, nhưng Đức Giêsu xem ra lại quan tâm đến con người hơn là công việc. Chúa đang có kế hoạch phục vụ và cứu vớt con người, nhưng là sự phục vụ có chất lượng hơn, Chúa phán: "Các con hãy lui vào nơi vắng vẻ mà nghỉ ngơi một chút"(Lc 5,16). Người muốn các Tông đồ nghỉ ngơi dưỡng sức, muốn các ông dành thời gian cho Thiên Chúa, Người muốn các ông nhìn lại công việc của mình và Người cũng muốn các ông tránh khỏi đám đông để có thời gian chia sẻ, bổ sung những ưu khuyết điểm cho nhau. Ngày nay người ta chứng kiến nhiều người mắc bệnh "trét", mất ngủ, đau thần kinh, khó tính... Những nếp sống xô bồ, những âm thanh quá lớn của xe cộ, loa đài, tivi, cả những tiếng la hét, tranh cãi om sòm ngoài xã hội, đã gây ra căng thẳng cho con người. Chúa dựng nên trái đất có ngày để làm việc, có đêm để nghỉ ngơi. Luật nghỉ giữa các giờ học được các nhà trường rất coi trọng. Nghỉ ngơi là một nhu cầu, đồng thời còn là sự khôn ngoan cần thiết cho cuộc sống.
2. Tình thương Thiên Chúa
Đức Giê-su không chỉ quan tâm đến các Tông đồ mà Người còn luôn dành tình yêu với đám quần chúng:
Đức Giê-su chạnh lòng thương, trước đám quần chúng đang lũ lượt kéo đến với Người. Mặc dù Đức Giêsu đã cho các Tông đồ vào nơi vắng vẻ nghỉ ngơi, nhưng trước đám đông ập tới, Người phải thay đổi dự định, để đáp lại nguyện vọng của họ. Đức Giê-su nhìn dòng người với ánh mắt trìu mến thương yêu. Lòng thương xót của Đức Giê-su thúc đẩy Người gần gũi với họ, tình yêu thương đã thúc đẩy Người hành động bằng cả trái tim. Người làm việc tận tuỵ, hao mòn sức lực và sẵn sàng hi sinh chính bản thân mình cho họ.
Đức Giê-su coi mình là người mục tử: Người chính là Đấng Me-si-a, Vị Mục Tử nhân lành mà Giê-rê-mi-a nói tới. Mục tử It-ra-en đã không quan tâm đến đoàn chiên, để chúng tan nát, đói ăn và bị chết. Nhìn cảnh tượng những con chiên bị bỏ rơi, Đức Giê-su nhận lấy vị trí ''Người Mục Tử nhân lành," yêu thương người nghèo khổ, xót thương người bệnh tật, tội lỗi. Chúa đã dành cả cuộc đời để phục vụ và cứu vớt họ.
Đức Giê-su coi mình là người phục vụ: Đức Giê-su không đến thế gian để sống sung sướng trong đền đài vua chúa, không phải để người ta phục vụ mà để phục vụ mọi người. Đám quần chúng đang thiếu điều kiện để sinh sống, nghèo nàn bệnh tật, Đức Giê-su bận bịu với họ, đến nỗi không có giờ để ăn uống. Người sẵn sàng để cho người khác quấy rầy, làm đảo lộn lịch làm việc của Người. Trước đám quần chúng đang khao khát chân lý, Đức Giê-su dành thời gian để giảng giải, chia sẻ những hạn chế, xua trừ ma quỷ và tha tội cho họ. Chúa làm tất cả vì yêu thương con người: "Hỡi những ai khó nhọc và gánh nặng, hãy đến cùng Ta, Ta sẽ nâng đỡ bổ sức cho các ngươi"(Mt 11,28).
3. Cuộc đời người Tông Đồ
Người môn đệ Chúa cần phải được nuôi dưỡng bằng đời sống thực hành như Đức Giê-su đã dạy:
Hãy sống theo Tin Mừng: Người Tông đồ của Chúa phải thực hành Lời Chúa dạy trong Tin Mừng. Lời Chúa là chân lý, là lẽ sống; đó là nguồn mạc khải vô cùng quan trọng, các Tông đồ Chúa phải chia sẻ Lời Chúa cho người khác. Những lời giảng dạy của Kinh sư, Biệt phái làm cho quần chúng ngao ngán, họ đã chạy theo Đức Giê-su để nghe Người giảng; sức hấp dẫn từ các bài giảng đã làm nhu cầu sứ vụ Tông đồ gia tăng. Chúa sai Tông đồ chia nhau đi rao giảng, và họ cũng gặt hái được thành quả. Mọi Ki-tô hữu có nghĩa vụ sống theo Lời Chúa và loan truyền Lời Chúa. Tin Mừng chính là kế hoạch của Chúa giữa loài người. Kế hoạch đó được thực hiện do sứ mệnh hoạt động của các môn đệ Chúa.
Hãy cầu nguyện: Người Tông đồ không thể đơn phương rao giảng Lời Chúa. Họ cần được nâng đỡ để hồi phục năng lực. Muốn rao giảng lời Chúa thì phải biết Chúa muốn gì. Những giây phút bên Chúa, giúp người Tông đồ nhìn ra ý Chúa. Người Ki-tô khi cầu nguyện, sẽ nâng cao tâm hồn mình lên trên mọi thứ trần tục. Họ sẽ múc từ đó nguồn mạch thiêng liêng, để phát triển đời sống tâm linh. Khi cầu nguyện, Ki-tô hữu ở tư thế khiêm nhường, để nguồn ơn sủng của Chúa lấp đầy chỗ trống còn thiếu của mình.
Xin Chúa cho chúng con biết sống theo Tin Mừng và hăng say cầu nguyện để củng cố nhiệm vụ rao truyền lời Chúa hầu xứng đáng làm môn đệ của Chúa Ki-tô
Lm Giuse M. Trần Xuân Chiêu
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 80 | Tổng lượt truy cập: 3,762,111