GIÁO XỨ VĨNH PHÚC
Năm đón nhận Tin Mừng : Cuối thế kỷ XVIII
Năm thành lập Giáo họ : Cuối thế kỷ XVIII
Năm thành lập Giáo xứ: 1920
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại :1918
Bổn mạng : Thánh Gioan Tẩy Giả (24/6)
Số giáo dân : 594 (Toàn xứ), 480 (Nhà xứ)
Địa chỉ : Nhà thờ Vĩnh Phúc, thôn Vĩnh Tiền, xã Đồng Thanh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.
I-VỊ TRÍ
Giáo xứ Vĩnh Phúc nằm cách Tòa Giám Mục Thái Bình khoảng 70km về hướng Tây Bắc; phía Bắc giáp với xứ Ngô Xá; phía Nam giáp xứ Ngọc Đồng; phía Tây Nam giáp xứ Đức Ninh và phía Đông Nam giáp với xứ Lê Xá.
II - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Lược sử hình thành và phát triển
Làng Vĩnh Phúc được thành hình từ cuối thế kỷ XVIII, thuộc tổng Tạ Xá, huyện Kim Động, phủ Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên.
Vĩnh Phúc trước đây còn được gọi là Kẻ Si, một họ lẻ lớn nhất của xứ Ngọc Đồng. Người dân Vĩnh Phúc đón nhận Tin Mừng vào khoảng cuối thế kỷ thứ XVIII.
Sau đó không lâu, Giáo họ Vĩnh Phúc được thành lập, thuộc Giáo xứ Ngọc Đồng, nhận thánh Gioan Tẩy Giả làm bổn mạng.
Năm 1905, Giáo họ dựng ngôi nhà thờ đơn sơ, mái lá, để các tín hữu họp nhau cầu nguyện.
Năm 1918, Giáo họ xây dựng ngôi nhà thờ mới với chiều dài 50m, rộng 13m, cao 18m và tháp chuông cao 35m.
Năm 1920, Đức cha Munagorri Trung cắt các họ thuộc xứ Ngọc Đồng: Vĩnh Phúc, Lương Hội, Thanh Sầm, Dũng Kim và Công Luận để thành lập Giáo xứ Vĩnh Phúc.
Năm 1953, do hoàn cảnh chiến tranh, Giáo xứ Vĩnh Phúc bị thiệt hại nặng nề cả về người và của: nhà xứ bị phá hủy, do đó nhà xứ Vĩnh Phúc bị nhà nước niêm phong và cấm giáo hữu qua lại khu vực này.
Biến cố 1954, phần lớn giáo dân di cư vào miền Nam lập nghiệp và sinh sống, chỉ còn ít gia đình ở lại.
Năm 1991, do lòng nhiệt thành với nhà Chúa, cộng với sự giúp đỡ của bà con gốc Vĩnh Phúc ở hải ngoại cũng như miền Nam, ngôi thánh đường Vĩnh Phúc đã được tu sửa nhưng vẫn giữ nguyên kiểu dáng xưa.
Năm 1996, Giáo xứ dựng xây ngôi nhà chung 2 tầng với chiều dài 16.5m, rộng 7m, cao 8m để phục vụ cho các sinh hoạt.
Năm 2006, Giáo xứ xây dựng ngôi nhà giáo lý 6 gian (gồm 3 phòng học) để các em có nơi học biết Chúa và con người.
Năm 2009, với sự giúp đỡ quảng đại của quý ân nhân xa gần, Giáo xứ đại tu ngôi thánh đường. Ngoài ra, Giáo xứ còn đặt 14 đàng thánh giá xung quanh khuôn viên thánh đường tạo cho cảnh quan thêm sạch đẹp và khang trang.
Trải qua nhiều lần trùng tu, ngôi thánh đường của Vĩnh Phúc vẫn giữ được nét cổ kính như xưa. Ngày nay, mỗi người con dân Vĩnh Phúc dù bất cứ nơi nao đều rất đỗi tự hào về ngôi thánh đường mà bao nhiêu thế hệ đã xây dựng và gìn giữ.
Các chứng nhân tử đạo
Trong thời bách hại đạo, Vĩnh Phúc là một họ lẻ, nhưng các tín hữu rất hiên ngang giữ vững Đức tin. Vĩnh Phúc có 12 vị Hiền phúc tử đạo: Giuse Ưng (số 630); Phêrô Trúc (số 631); Đaminh Ép (số 632); Giuse Vân (số 633); Gioan Khóa Cương (số 634); Gioan Tình (số 635); Đaminh Xe (số 651); Giuse Trí (số 652); Giuse Thảo (số 653); Phêrô Bột (số 654); Giuse Hòe (số 655); Giuse Trinh (số 656).
Ơn gọi trong Giáo xứ
Giáo xứ Vĩnh Phúc rất vinh dự vì có những đấng Hiền phúc quê hương đã hy sinh mạng sống mình cho Giáo hội. Để nối bước tiền nhân, nhiều người con ưu tú Vĩnh Phúc đã dâng hiến mình cho Chúa trong đời sống tu trì và sẵn sàng lên đường phục vụ tha nhân trong và ngoài Giáo phận: Cha GaB. Nguyễn Văn Ngọc (+); cha GaB. Nguyễn Kim Sơn (Canada); GaB. Nguyễn Văn Thục (+); cha GaB. Nguyễn Văn Thông (+); cha GaB. Lê Hoàng và cha GaB. Hoan (Hoa Kỳ).
Các linh mục coi sóc Giáo xứ
Cha Giuse Nguyễn Văn Đỉnh (1918); cha Đaminh Nguyễn Văn Khâm (1927); cha Giuse Vũ Nguyên Sùng (1932); cha Phêrô Lê chí Thành (1936); cha Đaminh Đinh Đức Trụ (1936); cha Triêm; cha Đaminh Nguyễn Huy Cận (1940); cha Đaminh Trịnh Xuân Thu (1944); cha Phanxico Nguyễn Văn Tuần (1948); cha Micae Đinh Bá Tước (1949 - sáng lập Tu hội Tận Hiến); cha Tôma Trần Công Tính (1954); cha Vinhsơn Phạm Văn Tuyên (1976); cha Giuse Nguyễn Văn Ban (1993- 1994); cha Tôma Đoàn Xuân Thoả (1994); cha Giuse Nguyễn Tri Chúc (1995); cha Augustinô Lê Văn Phòng (2006-2014); cha Giuse Nguyễn Văn Thiện (2014-2016), cha Vinh sơn Đỗ Văn Hà, cha G.Bos.M. Cao Thọ Hùng, CRM...
Các giáo họ trực thuộc: Thanh Sầm và Công Luận và Lương Hội. Hiện nay, Lương Hội không còn giáo dân và nhà thờ.
III - TỔ CHỨC HOẠT ĐỘNG
Giáo xứ thường xuyên có các cha coi sóc nên các hoạt động mục vụ luôn được duy trì, các hội đoàn hăng say phục vụ, các lớp giáo lý luôn hoạt động đều đặn. Huynh đoàn Đaminh, hội Gia trưởng, hội Hiền mẫu, hội Têrêsa, Thiếu nhi Thánh Thể, ban Kèn, ban Trống nhiệt thành phục vụ, chu toàn bổn phận, cộng tác với cha xứ trong mọi sinh hoạt mục vụ làm cho các sinh hoạt của Giáo xứ thêm tươi vui, sinh nhiều hoa trái thiêng liêng cho phần rỗi các linh hồn.
GIÁO HỌ THANH SẦM
Năm đón nhận Tin Mừng : Đầu thế kỷ XX
Năm thành lập Giáo họ : 1917
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 2004
Bổn mạng : Thánh Vincente (05/4)
Số giáo dân : 52
Địa chỉ : Nhà thờ Thanh Sầm, thôn Thanh Sầm, xã Đồng Thanh, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên. Cách nhà xứ khoảng 2km về hướng Tây.
I- HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Lược sử hình thành và phát triển Mảnh đất Thanh Sầm được đón nhận ánh sáng Đức tin vào đầu thế kỷ XX. Năm 1917, có thầy Sáu quê ở Thái Bình đến vùng đất Thanh Sầm định cư và gieo hạt giống Đức tin cho mảnh đất này. Cùng năm này, Giáo họ Thanh Sầm được thành lập, thuộc Giáo xứ Ngọc Đồng, nhận thánh Vinhsơn làm bổn mạng. Một thời gian sau, số tín hữu đã lên tới 310 nhân danh (105 hộ gia đình).
Ban đầu, các tín hữu cầu nguyện tại nhà dân. Sau đó, thầy Sáu vận động bà con trong Giáo họ gom tiền mua đất để xây dựng nhà thờ (các cụ mua được 2.440m2 đất nhà thờ hiện nay).
Năm 1920, dưới sự chỉ đạo của thầy Sáu, ngôi nhà thờ 10 gian bằng tranh tre, vách đất được dựng lên làm nơi họp nhau cầu nguyện.
Năm 1937, cha Tôma Nguyễn Văn Thu và Giáo xứ xây dựng ngôi nhà thờ mới bằng gạch đỏ, mái lợp ngói.
Năm 1952, nhà thờ bị chiến tranh làm sập đổ hoàn toàn.
Biến cố năm 1954, hầu hết bà con giáo dân kéo nhau di cư vào miền Nam, chỉ còn 5 gia đình với 12 nhân danh ở lại.
Năm 1956 - 1980, ruộng đồng, hồ ao bị hợp tác hóa, đất đai bị lấn chiếm. Trong hoàn cảnh ấy, Giáo họ tưởng chừng như bị xóa sổ.
Năm 1990, Giáo họ dần được khôi phục. Năm 1994, Giáo họ xin lại được 1.300m2 đất ao trước cửa nhà thờ.
Ngày 10/10/2004, cha Thomas Đoàn Xuân Thỏa và Giáo họ khởi công xây dựng ngôi nhà thờ mới với chiều dài 25m, rộng 8m, cao 8m và tháp chuông cao 25.5m. Ngôi nhà thờ mới được cắt băng khánh thành ngày 19/5/2013 do Đức cha Phêrô Nguyễn Văn Đệ chủ sự.
Ơn gọi trong Giáo họ
Thanh Sầm rất tự hào vì đã đóng góp cho Giáo hội người con ưu tú dấn bước theo Chúa lên đường phục vụ tha nhân là cha Vinhsơn Vũ Văn Thiện (Sài Gòn).
II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Thanh Sầm là một giáo họ nhỏ nhưng sinh hoạt của các đoàn hội vẫn diễn ra đều. Các đoàn hội: Ca đoàn, huynh đoàn Đaminh luôn sẵn sàng cộng tác với cha xứ và Giáo xứ phục vụ mọi người với tinh thần tốt đạo đẹp đời, không phân biệt tôn giáo.
GIÁO HỌ CÔNG LUẬN
Năm đón nhận Tin Mừng : Đầu thế kỷ XX
Năm thành lập Giáo họ : 1920
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1997
Bổn mạng : Thánh Augustinô (28/8)
Số giáo dân : 68
Địa chỉ : Nhà thờ Công Luận, thôn Công Luận, xã Đồng Thanh, huyện Kim Động, t. Hưng Yên. Cách nhà xứ khoảng 3.5km về hướng Tây.
I- HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Vào khoảng cuối thế kỷ XIX, mảnh đất Công Luận được đón nhận hạt giống Đức tin. Chỉ trong một thời gian ngắn, hạt giống ấy đã nảy mầm, bén rễ và trổ sinh hoa trái.
Năm 1902, các tín hữu tập trung công sức dựng một ngôi nhà thờ 7 gian với chiều dài 21m, rộng 8m với tổng diện tích đất là 720m2 và một tháp chuông cao 14m. Khi đó, Công Luận có khoảng 30 hộ gia đình và 200 nhân danh.
Năm 1920, Giáo họ Công Luận được thành lập, thuộc Giáo xứ Ngọc Đồng, nhận thánh Augustinô làm bốn mạng.
Biến cố năm 1954, số tín hữu nơi đây di cư vào miền Nam hầu hết, chỉ còn lại vỏn vẹn 5 hộ gia đình với 23 người ở lại tiếp tục sinh sống và làm ăn.
Theo dòng thời gian, ngôi nhà thờ và tháp chuông đã xuống cấp trầm trọng. Sau đó, ngôi nhà thờ phải dỡ bỏ.
Năm 1957, Giáo họ tập trung sức người, sức của để dựng xây ngôi thánh đường mới gồm 5 gian, với tổng diện tích là 78m2, dài 13m, rộng 6.5m.
Năm 1997, Giáo họ hân hoan khởi công xây dựng ngôi nhà thờ mới với chiều dài 12m, rộng 6.5m, cao 4.5m.
II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Trải qua những thăng trầm do hoàn cảnh tự nhiên và hoàn cảnh xã hội, Công Luận vẫn duy trì các sinh hoạt của hội đoàn: Ca đoàn, Huynh đoàn Đaminh. Các đoàn hội giúp đỡ nhau thăng tiến trong đời sống Đức tin và cuộc sống với tinh thần đoàn kết tương trợ, không phân biệt lương giáo.
Trên hành trình hướng tới tương lai, mỗi tín hữu Công Luận không ngừng hoàn thiện mình để làm muối, làm men đem Chúa đến cho anh chị em xung quanh và hòa cùng với các giáo xứ, giáo họ bước vào Năm Thánh kỷ niệm 80 năm thành lập Giáo phận.
(Trích Kỷ Yếu 80 Năm Thành Lập Giáo Phận Thái Bình _ Nxb Hồng Đức)
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 53 | Tổng lượt truy cập: 4,598,920