Giáo xứ Tiên Chu

  • 09/01/2025
  • Giáo xứ Tiên Chu nằm cách Toà Giám mục khoảng 50km về hướng Tây Bắc; phía Tây Bắc giáp xứ Hưng Yên; phía Đông Bắc giáp xứ Hà Xá.

     

    GIÁO XỨ TIÊN CHU

    Năm đón nhận Tin Mừng : Đầu thế kỷ XVIII

    Năm thành lập Giáo họ : 1700

    Năm thành lập Giáo xứ : 1730

    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại :1934

    Bổn mạng : Đức Mẹ Mân Côi (07/10)

    Số giáo dân : 530 (Toàn xứ), 18 (Nhà xứ)

    Địa chỉ : Nhà thờ Tiên Chu, xã Hồng Nam, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.

    I-VỊ TRÍ

    Giáo xứ Tiên Chu nằm cách Toà Giám mục khoảng 50km về hướng Tây Bắc; phía Tây Bắc giáp xứ Hưng Yên; phía Đông Bắc giáp xứ Hà Xá.

    II - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Lược sử hình thành và phát triển

    Trước kia, Tiên Chu được gọi là Tiên Châu hay Kẻ Bầu, thuộc tổng Tiên Châu, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên.

    Tiên Chu ở rất gần với Phố Hiến (một thương cảng nổi tiếng thời nhà Lê) nên các thừa sai thường đáp tàu đến Phố Hiến để vào miền Bắc nước ta. Vì thế, Tiên Chu đã đón nhận Đức tin cách nay khoảng ba thế kỷ.

    Năm 1730, Tiên Chu đã là một Giáo xứ, nhận Đức Mẹ Mân Côi làm bổn mạng. Trước kia, phần đất thuộc xứ Tiên Chu còn sang cả hữu ngạn sông Luộc (xứ Hà Xá thuộc tỉnh Thái Bình).

    Sau thời kỳ Văn Thân bách đạo, các linh mục coi xứ Tiên Chu thường ở họ lẻ để dễ dàng giao tiếp với các quan chức hành chính tỉnh và làm mục vụ cho cả các tín hữu vãng lai và di dân.

    Xứ Tiên Chu có hai nhà phước Dòng Ba thánh Đaminh: một ở xứ Tiên Chu và một ở họ Viên Tiêu. Tiên Chu cũng là xứ đầu tiên của giáo phận Thái Bình lập hội Trái Tim Chúa Giêsu.

    Trải qua những thăng trầm của lịch sử, nhà thờ Tiên Chu được xây dựng và tái tạo nhiều lần. Ngôi nhà thờ hiện nay được xây dựng năm 1934 với chiều dài 45m, rộng 14m, cao 11m và tháp chuông cao 33m.

    Biến cố di cư năm 1954 làm cho Giáo xứ trở nên vắng vẻ, hầu hết bà con giáo hữu lần lượt di cư vào miền Nam lập nghiệp và sinh sống. Kể từ đó, Tiên Chu đang từ 2.500 giáo dân, giảm xuống chỉ còn lại 18 người (4 hộ gia đình). Tuy nhiên, lòng đạo đức của những người Tiên Chu ở lại không vì thế mà suy giảm.

    Các chứng nhân tử đạo

    Vào thời Minh Mạng cấm đạo, Tiên Chu là pháp trường Khán Thích xử tử nhiều chứng nhân Đức tin. Người tín hữu Tiên Chu rất tự hào vì có nhiều người đã anh dũng tuyên xưng Đức tin, góp những ngành lá thắm xanh trong Vườn Vạn Tuế Thái Bình. Ngoài Hiển thánh linh mục Giuse Đặng Đình Viên tử đạo ngày 21/8/1838, Tiên Chu còn có các Hiền phúc tử đạo: Linh mục Giuse Trứ ( họ Tiêu Thôn, số 600); Đaminh Phiên (số 608); Phaolô Trung (số 609); Phaolô Quý (số 681); Đaminh Tạo (số 683); Phêrô Quang (số 684); Lý Quý (số 685); Đaminh Ngọc (số 686); Đaminh Nghiên (số 687); Giuse Kỳ (số 688); Giuse Thứ (số 689) Giuse Bá ( họ Tiêu Thôn, số 690); Đaminh Oai (số 691); Gioan Lê (số 692); Gioan Hoan (số 693); Phê rô Hạnh (số 694); Phaolô Sùng (số 695); Giuse Giêm (số 696); Gioan Cần (số 697); Giuse Thơ (số 698); Gioan Lăng (số 918); Giuse Thứ (số 919); Gioan Tiên (số 920); Phaolô Chinh (họ Tiêu Thôn, số 921); Phaolô Khính (số 922); Đaminh Bốn (số 1267); Gioan Chiêu (số 946). Hiện nay, hài cốt của 34 Hiền Phúc được an nghỉ tại khuôn viên nhà thờ Giáo xứ.

    Ơn gọi trong Giáo xứ

    Tiếp nối tiền nhân, Tiên Chu đã đóng góp cho Giáo hội người con ưu tú phục vụ Thiên Chúa, phục vụ Giáo Hội và tha nhân đó là cha Giuse Nguyễn Văn Thành.

    Các linh mục coi sóc Giáo xứ

    Cha thánh Mateo Liciniana Đậu; cha Đức; cha Minh; cha Án; cha Độ; cha Thanh; cha Tuân; cha Thạc; cha Bỉnh; cha Mẫn; cha Trác; cha Thông; cha Cảnh; cha Thành; cha Định; cha Hiền; cha Trung; cha Trinh, cha Tế, cha Xuyên, cha Khiêm, cha Tuần, cha Đức, cha Tôma Trần Công Tính, cha Tôma Nguyễn Tình, cha Vinhsơn Phạm Văn Tuyên, cha Vinhsơn Mai Thành Sơn, cha Đaminh Bùi Ngọc Hải. Năm 2008, Dòng Thánh Tâm đảm nhiệm việc coi sóc và truyền giáo ở vùng đất này. Bề trên Dòng đã chính thức cử tu sỹ linh mục Phêrô Nguyễn Thái Vạn, cha Giuse Phạm Quang Vinh, …., cha Phêrô Vũ Văn Hiển…

    Các giáo họ trực thuộc: Giáo họ Hôm, Hà, An Châu, Đông Châu, Thiện Phiến, Viên Tiêu.

    III - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Nhờ có cha và các thầy thuộc Dòng Thánh Tâm Huế trực tiếp phụ trách, mọi sinh hoạt mục vụ trong Giáo xứ được hoạt động đều đặn và hiệu quả. Các hội đoàn tích cực đóng góp phần mình vào công việc mục vụ truyền giáo: Hội Trống, hội con Đức Mẹ, hội Gia trưởng, Huynh đoàn Đaminh, ban Giới trẻ luôn chuyên cần và chu toàn bổn phận, góp phần làm cho sinh hoạt mục vụ của Giáo xứ thêm sinh động và gặt hái nhiều hoa trái thiêng liêng tốt lành.

     

    GIÁO HỌ AN CHÂU

    Năm đón nhận Tin Mừng : Đầu thế kỷ XX

     Năm thành lập Giáo họ : 1929

     Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1959

    Bổn mạng : Thánh Antôn Padua (13/6)

    Số giáo dân : 51

    Địa chỉ : Nhà thờ An Châu, thôn An Châu, Tp Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Cách nhà xứ khoảng 3km về hướng Tây Nam.

    I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Lược sử hình thành và phát triển

    Đầu thế kỷ XX, ánh sáng Tin Mừng đã chiếu soi vào mảnh đất An Châu và người dân nơi đây đã mau mắn đón nhận. Ban đầu, An Châu chỉ là một giáo điểm với khoảng 12 nhân danh (cụ Đức, cụ Lập, cụ Tơ, cụ Sông và cụ Sở cùng các con của các cụ).

    Năm 1929, Giáo họ An Châu được thành lập, thuộc Giáo xứ Tiên Chu, nhận thánh Antôn Padua làm bổn mạng. Khi mới thành lập, các tín hữu dựng ngôi nhà thờ nhỏ ở bãi bồi ven sông Hồng bằng tranh tre, vách đất. Năm 1940 - 1941, nước Sông Hồng dâng cao và chảy mạnh đã cuốn trỗi nhà thờ về bến sông Thụy Lôi.

    Trước năm 1954, số giáo dân trong họ có gần 100 người và mọi sinh hoạt của Giáo họ đều về nhà thờ xứ. Biến cố 1954, hầu hết giáo dân di cư vào miền Nam sinh sống. Lúc này, Giáo họ chỉ còn lại 30 người.

    Năm 1959, Giáo họ xây dựng lại nhà thờ trên vùng đất mới. Ngôi nhà thờ được làm bằng gỗ, mái ngói, bốn gian với chiều dài 11m, rộng 4m và tháp chuông cao 8m. Ngôi nhà thờ xuống cấp trầm trọng nên năm 2000, Giáo họ xây dựng ngôi nhà thờ mới trên nền đất cũ, sạch sẽ và khang trang hơn.

    Ơn gọi trong Giáo họ

    An Châu rất vinh dự vì đã đóng góp cho Giáo Hội người con ưu tú trong cánh đồng truyền giáo: cha Giuse Nguyễn Văn Thân (Xuân Lộc).

    II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Xu hướng đô thị hóa đang diễn ra một cách nhanh chóng tại thành phố Hưng Yên làm một bộ phận giới trẻ bị lôi cuốn bởi những cạm bẫy của đồng tiền cũng như lối sống không lành mạnh, những giá trị văn hóa, đạo đức bị coi rẻ. Trước thảm cảnh ấy, cha xứ và cộng đoàn Giáo họ An Châu không ngừng gìn giữ và củng cố Đức tin cho thanh thiếu niên trong Giáo họ bằng cách tổ chức sinh hoạt và học hỏi giáo lý cho các bạn giới trẻ, các em thiếu nhi vào ngày Chúa Nhật hằng tuần. Ngoài ra, các đoàn hội khác trong Giáo họ hoạt động cũng tích cực và sôi nổi. Nhờ đó, đời sống đạo đức của Giáo họ không chỉ được gìn giữ mà còn đang trên đường phát triển.

     

    GIÁO HỌ ĐÔNG CHÂU

    Năm đón nhận Tin Mừng : Cuối thế kỷ XIX

    Năm thành lập Giáo họ Tiểu : Đầu thế kỷ XX

    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1911

    Bổn mạng : Thánh Gioakim (26/7)

    Số giáo dân : 31

    Địa chỉ: Nhà thờ Đông Châu, xã Hồng Nam, Tp. Hưng yên, tỉnh Hưng Yên. Cách nhà xứ khoảng 800m về hướng Đông Bắc.

    I- HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Lược sử hình thành và phát triển

    Đông Châu được đón nhận ánh sáng Đức tin vào cuối thế kỷ XIX. Trước năm 1911, ngôi nhà thờ được làm bằng tranh tre, vách đất. Năm 1911, nhà thờ dựng lại khang trang hơn với chiều dài 19m, rộng 8m cao 5.5m và tháp chuông cao tháp 9m.

    Đầu thế kỷ XX, Giáo họ Tiểu được thành lập, thuộc Giáo xứ Tiên Chu, nhận thánh Gioakim làm bổn mạng (Giáo họ Tiểu nằm ở phía Đông của tổng Tiên Châu nên sau đó các cụ đổi thành Đông Châu).

    Năm 1928, Giáo họ khởi công xây dựng ngôi nhà phòng với chiều dài 8.2m, rộng 7.1m và cao 5m để làm nơi sinh hoạt.

    Trước năm 1954, Giáo họ có 350 nhân danh, đời sống thiêng liêng, đạo đức của giáo dân trong Giáo họ rất tốt. Tuy nhiên, biến cố di cư năm 1954, phần lớn giáo dân của Giáo họ vào miền Nam lập nghiệp và sinh sống, số người ở lại còn ít cộng với những biến động của xã hội nên đời sống đạo có phần bị suy giảm.

    Năm 1985, Giáo họ đại tu ngôi nhà thờ.

    Các chứng nhân tử đạo

    Giáo họ Đông Châu rất vinh dự đóng góp vào Vườn Vạn Tuế Thái Bình một người con là Hiền phúc Đaminh Tường (số 944).

    II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Được sự nâng đỡ tận tình của các cha xứ, đặc biệt là cha Giuse Phạm Quang Vinh, Giáo họ Đông Châu dường như được hồi sinh: các sinh hoạt đoàn hội trong Giáo họ được sôi nổi, người giáo dân sốt sáng tham dự cử hành phụng vụ, các em được học hành đàng hoàng hơn. Hiện nay, cha xứ mở các lớp giáo lý cho mọi giới tại Giáo xứ và thu hút được nhiều người tham gia.

     

    GIÁO HỌ НÀ

    Năm đón nhận Tin Mừng : Đầu thế kỷ XX

    Năm thành lập Giáo họ : 1927

    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1927

    Bổn mạng : Thánh Vincentê (05/4)

    Số giáo dân : 4

    Địa chỉ : Nhà thờ họ Hà, xã Hồng Nam, Tp. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Cách nhà xứ khoảng 2km về hướng Tây Bắc.

    I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Khoảng đầu thế kỷ XX, ánh sáng Tin Mừng đã chiếu soi mảnh đất Hồng Hà và người dân nơi đây đã nhanh chóng tin theo. Người tín hữu đầu tiên là cụ Phó Tạo. Cụ có 7 người con: 2 trai và 5 gái. (ông Hưng, ông Tam, bà Thuyết, bà Thân, bà Định, bà Ký).

    Năm 1927, Giáo họ Hà được thành lập, thuộc xứ Tiên Chu, nhận thánh Vinhsơn làm bổn mạng. Cùng năm này, ngôi nhà thờ Giáo họ được xây dựng với chiều dài 10m, rộng 5m, tháp chuông cao 9m, do gia đình cụ Phó Tạo tự đóng gạch và xây lên (ngôi nhà thờ này vẫn còn tồn tại đến hôm nay). Trải qua thời gian, ngôi nhà thờ đã được Giáo họ trùng tu nhiều lần: Lần thứ nhất, nhà thờ mái cọ được thay bằng ngói do gia đình cụ sửa; lần thứ hai, lát gạch hoa do cha Vinc. Sơn; lần thứ ba, róc tường nhà thờ, trát lại áo tường do cha Pet. Vạn và lần thứ tư, Giáo họ đảo lại ngói.

    Biến cố 1954, bà Ký, ông Tam và bà Thân đã di cư vào miền Nam (ba người đã mất trước). Bà Thuyết ở lại và lập gia đình với ông Tắc tòng giáo. Ông bà sinh được 2 người con tên: Phạm Ngọc Vinh và Phạm Thị Lan. Cả hai người con đều được rửa tội. Lớn lên anh Vinh theo cách mạng. Gia đình anh Vinh sinh được 4 người con (2 trai và 2 gái). Anh Khanh là con trai thứ 2 lập gia đình với chị Nguyễn Thị Đào. Anh chị sinh được một trai và một gái. Năm 2011, cả gia đình anh chị được Rửa tội, do cha Pet Nguyễn Thái Vạn.

    Từ đời cụ phó Tạo đến gia đình anh Phạm Ngọc Khanh, các cụ có rất nhiều con, cháu, nhưng việc giữ đạo không có nhiều. Từ khi gia nhập đạo (2011), gia đình anh Khanh rất tích cực tham gia các hoạt động của xứ, họ. Hiện nay, mọi công việc của Giáo họ như: trông coi và sửa chữa nhà thờ đều do gia đình anh chị Khanh đảm nhận.

    II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Là một giáo họ quá nhỏ bé (chỉ có một gia đình với bốn nhân danh) nhưng về mặt thiêng liêng giáo dân nơi đây rất hăng say và sốt sáng. Trên bước đường tương lai, Giáo họ Hà cần rất nhiều lời cầu nguyện của mọi thành phần dân Chúa trong và ngoài Giáo phận để ánh lửa Đức tin lại bùng cháy trên mảnh đất Hồng Hà như xưa.

     

    GIÁO HỌ HÔM

    Năm đón nhận Tin Mừng : Đầu thế kỷ XIX

    Năm thành lập Giáo họ : Khoảng 1810

    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1928

    Bổn mạng: Thánh Giuse (19/03)

    Số giáo dân : 75

    Địa chỉ : Nhà thờ giáo họ Hôm, xã Hồng Nam, Tp. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Cách nhà xứ khoảng 4km về hướng Đông Bắc.

    I- HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Theo truyền khẩu, hạt giống Tin Mừng được gieo vào mảnh đất Giáo họ Hôm ngày nay khoảng đầu thế kỷ XIX. Trải qua một thời gian ngắn, hạt giống ấy đã bén rễ, đâm chồi nảy lộc và đơm hoa kết trái. Các tín hữu ban đầu đã dựng được ngôi nhà nguyện làm bằng vách tranh, mái lá thông để làm nơi thờ phượng Thiên Chúa.

    Khoảng năm 1810, Giáo họ Hôm được thành lập, thuộc xứ Tiên Chu, nhận thánh Giuse làm bổn mạng.

    Năm 1928, Giáo họ xây dựng ngôi nhà thờ mới bằng gạch, mái ngói kiên cố với chiều dài 20m, rộng 10.5m, cao 6m và tháp chuông cao 10.5m.

    Năm 1931, Giáo họ xây dựng ngôi nhà phòng 2 tầng với chiều dài 7.5m, rộng 5m và cao 7.5m để sử dụng cho mọi sinh hoạt trong Giáo họ.

    Biến cố năm 1954, bà con giáo dân di cư vào miền Nam sinh sống và làm ăn gần hết, số người còn lại ở quê hương rất ít (những cụ ở lại: cụ Vũ Văn Phụng, cụ Thư, ông Khảo và bà Sen được gọi là ông bà tổ của Giáo họ).

    Từ năm 1954 - 2004, do hoàn cảnh xã hội, việc thực hành Đức tin của Giáo họ gặp rất nhiều khó khăn.

    II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Trải qua bao khó khăn, người tín hữu Giáo họ Hôm vẫn một lòng kiên trì gìn giữ gia sản Đức tin mà các bậc tiền nhân đã để lại. Trên hành trình hướng tới tương lai, cha xứ và Giáo họ đặc biệt quan tâm tới thế hệ trẻ bằng cách mở các lớp giáo lý cho các em. Các đoàn hội: Ca đoàn, các bạn Giới trẻ và các em thiếu nhi sinh hoạt sôi nổi hằng tuần vào ngày Chúa Nhật và tích cực tham gia các công việc của Giáo họ cũng như Giáo xứ .

     

    GIÁO HỌ THIỆN PHIẾN

    Năm đón nhận Tin Mừng: Đầu thế kỷ XX

    Năm thành lập Giáo họ : 1912

    Năm xây dựng lại nhà thờ hiện tại : 1931

    Bổn mạng: Thánh Phêrô Chanel, linh mục tử đạo (28/4)

    Số giáo dân : 121

    Địa chỉ : Nhà thờ Thiện Phiến, xã Thủ Sỹ, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên. Cách nhà xứ khoảng 4km về hướng Đông Bắc.

    I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Đầu thế kỷ XX, các cụ: cụ Kiên, cụ Lưới, cụ Xuân. Cụ Lưới, cụ Xuân (xã Minh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình), cụ Đoàn Kiên (làng Thiện Phiến, xã Thiện Phiến, huyện Tiên Lữ, tỉnh Hưng Yên) đến dây sinh sống và là những tín hữu đầu tiên hình thành Giáo họ Thiện Phiến.

    Năm 1912, Giáo họ Thiện Phiến được thành lập, thuộc xứ Tiên Chu, nhận thánh Phêrô Chanel làm bổn mạng.

    Từ khi thành lập, Giáo họ đã xây dựng ba ngôi nhà thờ: Nhà thờ Trần Hưng Đạo, nhà thờ làm bằng tranh tre, vách đất đơn sơ để có nơi họp nhau cầu nguyện (thứ nhất). Nhà thờ thứ hai được chuyển về gần nhà ông Cần (hiện nay), cũng lợp bằng tranh tre. Nhà thờ thứ ba được dựng xây kiên cố vào năm 1931 với chiều dài 16.8m, rộng 7.16m, cao 4.8m và tháp chuông cao 14.3m và được trùng tu năm 2002.

    Trước 1954, Giáo họ có 7 gia đình: cụ Tân, cụ Vinh, cụ Tống, cụ Tháp, cụ Tám, cụ Hữu và cụ Nhạc. Tuy nhiên, biến cố năm 1954, một số giáo dân di cư vào miền Nam sinh sống và lập nghiệp. Chỉ còn lại 3 gia đình: con ông trùm Tân, cụ Nhạc và cụ Chung.

    Năm 1954 - 1975, Giáo họ có 14 gia đình: cụ Lạc, cụ Viễn, cụ Mão, cụ Khánh, cụ Chinh, cụ Mai, cụ Trinh, cụ Lân, cụ Cần, cụ Thanh, cụ Thuyết, cụ Dụy, cụ Dần và cụ Đệ (khoảng 70 nhân danh).

    II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Có số nhân danh đứng thứ hai trong Giáo xứ, Thiện Phiến luôn hết sức mình với các công việc của Giáo xứ. Để duy trì đời sống Đức tin mà cha ông đã để lại, cha xứ và cộng đoàn Giáo họ quan tâm mở các lớp giáo lý chung cho mọi giới tại Giáo xứ.

     

    GIÁO HỌ VIÊN TIÊU

    Năm đón nhận Tin Mừng : Đầu thế kỷ XIX

    Năm thành lập Giáo họ Trà Lũ : 1820

    Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1871

    Bổn mạng : Sinh Nhật Đức Mẹ (8/9)

    Số giáo dân : 230

    Địa chỉ : Nhà thờ Viên Tiêu, xã Tân Hưng, thành phố Hưng yên, tỉnh Hưng Yên. Cách nhà xứ khoảng 5km về hướng Đông Nam.

    I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN

    Lược sử hình thành và phát triển

    Viên Tiêu được đón nhận ánh sáng Đức tin vào đầu thế kỷ XIX. Trước đây, Viên Tiêu có tên Trà Lũ (Trà Lũ vì mỗi lần nước sông dâng lên tràn vào vùng này).

    Năm 1820, Giáo họ Trà Lũ được thành lập, thuộc Giáo xứ Tiên Chu, nhận Sinh nhật Đức Mẹ làm bổng mạng. Ban đầu, Giáo họ xây dựng ngôi nhà thờ ba gian để làm nơi cầu nguyện sớm tối. Tiếp đến, ngôi nhà thờ thứ hai được xây dựng với sáu gian, bằng gỗ lim có chiều dài 32m, rộng 12m, cao 9m, tháp chuông cao 16m. Sau đó, ngôi nhà thờ thứ ba dựng trên nền đất cũ.

    Năm 1871, Giáo họ hoán đổi ngôi nhà thờ cũ cho Giáo họ Diêm Điền, để lấy kiệu (hiện còn). Cùng trong năm này, ngôi nhà thờ thứ tư được xây dựng và tồn tại cho đến nay. Trải qua thời gian, ngôi nhà thờ được trùng tu lần thứ nhất vào năm 1931, lần thứ hai vào năm 2009, lần thứ năm vào năm 2014.

    Sau năm 1954, vì không có linh mục coi sóc, đời sống Đức tin của các tín hữu bị mai một, nhiều người đã rời bỏ Đức tin (chỉ còn 8 gia đình vẫn còn giữ đạo: cụ Bảng, Vấn, Huống, Chức, Khánh, Bảo, Linh và cụ Tân).

    Năm 1988, cha thánh Giuse Đặng Đình Viên được tuyên phong lên bậc Hiển Thánh, Trà Lũ được đổi tên thành Giáo họ Viên Tiêu (Viên là chính tên cha thánh, Tiêu là vùng đất lúc đó rất nhỏ và được trồng chuối tiêu).

    Các chứng nhân tử đạo: Giáo họ Viên Tiêu rất tự hào đóng góp cho Vườn Vạn Tuế Thái Bình 10 Hiền Phúc: Linh mục Đaminh Cần (số 599); Thầy giảng Đaminh Tự (số 602); Đaminh Vân (số 923); Đaminh Khuông (số 924); Đaminh Túc (số 925); Đaminh Dương (số 937); Đaminh Lạc (số 938); Đaminh Thuận (số 939); Đaminh Truật (số 940); Đaminh Cuông (số 1260).

    Ơn gọi trong Giáo họ

    Trên bước đường dấn thân theo Chúa, phục vụ Giáo Hội và tha nhân, Viên Tiêu đã có những người con ưu tú: cha Đaminh Nguyễn Công Đoan (Giêrusalem); cha Giuse Nguyễn Kim Đỉnh (Xuân Lộc).

    II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG

    Trong những năm gần đây, các sinh hoạt đoàn hội: Ca đoàn, Huynh đoàn Đaminh, hội Gia trưởng của Giáo họ Viên Tiêu diễn ra cách đều đặn và sốt sáng. Được sự hiện diện và giúp đỡ của các dì dòng Nữ Đaminh Thái Bình, việc học hỏi giáo lý của Giáo họ được đặc biệt quan tâm.

    Là giáo họ có số nhân danh đông nhất xứ, Viên Tiêu đang miệt mài vun đắp, cộng tác phát triển Giáo họ, Giáo xứ ngày một thăng tiến về mọi mặt, góp phần làm nên gam màu sáng nét trong bức tranh chung của Giáo phận Thái Bình.

    (Trích Kỷ Yếu 80 Năm Thành Lập Giáo Phận Thái Bình _ Nxb Hồng Đức)

    Bài viết liên quan