GIÁO XỨ HƯNG YÊN
Năm đón nhận Tin Mừng : Khoảng năm 1666
Năm thành lập Giáo họ Nam Hòa : 1669
Năm thành lập Giáo xứ : 1918
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1898
Bổn mạng : Đức Mẹ Mân Côi (07/10)
Số giáo dân: 392 (Toàn xứ), 229 (Nhà xứ)
Địa chỉ : Nhà thờ Hưng Yên, 76 Bãi Sậy, Minh Khai, Tp. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên.
I-VỊ TRÍ
Giáo xứ Hưng Yên tọa lạc ngay tại trung tâm thành phố Hưng Yên, cách Tòa Giám mục Thái Bình khoảng 54km về hướng Tây Bắc; phía Đông Nam giáp xứ Tiên Chu; phía Bắc giáp xứ Ngọc Đồng; phía Đông Bắc giáp xứ Lê Xá và Đan Chàng.
II - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Lược sử hình thành và phát triển
Nói đến Hưng Yên, chúng ta nhớ đến Phố Hiến. Tên gọi Phố Hiến lần đầu tiên xuất hiện vào cuối thế kỷ XV, thời vua Lê Thánh Tông (1460- 1497). Tuy nhiên, vào khoảng thế kỷ XVII-XVIII, nơi đây là một thương cảng nổi tiếng, nằm trải dài theo tả ngạn sông Hồng. Phố Hiến là một trong những thủ phủ quan trọng của Trấn Sơn Nam, bao gồm các tỉnh Hà Nam, Nam Định, Thái Bình và Hưng Yên. Vì thế, Phố Hiến không chỉ là trung tâm chính trị, kinh tế mà còn là điểm quy tụ các nền văn hoá và tâm linh. Ngày nay, dấu chứng vàng son ấy vẫn còn thể hiện qua các công trình kiến trúc: nhà thờ, chùa, đền, miếu...
Hưng Yên đón nhận Tin Mừng từ thời Phố Hiến còn thịnh vượng. Khoảng giữa thế kỷ XVII, các thừa sai theo tàu buôn Bồ Đào Nha cập bến Phố Hiến để vào miền Bắc nước Việt. Các ngài đã thiết lập một nơi để đón tiếp và hướng dẫn các thừa sai đến sau (nơi đó là họ Nam Hoà thuộc xứ Tiên Chu, tiền thân của xứ Hưng Yên ngày nay).
Năm 1669, Giáo họ Nam Hòa được thành lập và trở thành họ lẻ của Giáo xứ Tiên Chu. Sử ký địa phận Trung (1916) viết về xứ Tiên Chu: “Đấng nào coi sóc xứ này thì hay ở họ tỉnh cho được giúp bổn đạo mà lo việc quan, song họ Tiên Chu thì làm đầu xứ”.
Sau thời Văn Thân, đạo Chúa được tự do hoạt động trở lại, Giáo họ Nam Hòa được đổi thành Giáo họ Hưng Yên (1898) cho đúng với vị trí quan trọng một họ đạo của tỉnh lỵ.
Năm 1898, ngôi thánh đường Giáo họ Hưng Yên được xây dựng với chiều dài 30m, rộng 11m, cao 8m và tháp chuông cao 12m. Trải qua biết bao thăng trầm của lịch sử cũng như những khắc nghiệt của thời tiết, nhà thờ Hưng Yên (Phố Hiến) vẫn giữ được dáng dấp và đường nét hoa văn, kiến trúc của Bồ Đào Nha, rất phù hợp và vượt trội so với các đền cổ trong quần thể Phố Hiến.
Năm 1918, Đức cha Phêrô Munagorri Trung, Giám mục Giáo phận Trung, ban Sắc nâng Giáo họ Hưng yên lên hàng giáo xứ. Khi trở thành giáo xứ, Hưng Yên nhận Đức Mẹ Mân Côi làm bổn mạng.
Dòng sông Hồng vẫn uốn mình chở đầy những hạt phù sa bồi đắp cho những cánh đồng lúa nơi hạ nguồn ngày một thêm màu mỡ. Tuy nhiên, hương cảng Phố Hiến ngày nay không còn vẻ tấp nập nhất nhì Bắc Hà trên bến dưới thuyền như xưa, nhưng những người con Phố Hiến - Hưng Yên vẫn rất tự hào khi nói về vùng đất này. Có thể nói, Phố Hiến được coi như cái nôi khai sinh ra các giáo hữu và giáo sỹ Việt. Chính nơi đây đã diễn ra Cộng đồng đầu tiên của Giáo hội Việt Nam (1670), bàn về công cuộc truyền bá Đức tin và tổ chức vững chắc của Giáo hội Việt Nam, sau khi hai Giáo phận đầu tiên được thành lập vào năm 1659.
Các chứng nhân tử đạo
Giáo xứ Hưng Yên rất vinh dự có 12 vị Hiền phúc tử đạo: Đaminh Tuyên (Họ Lam Sơn, số 637); Phêrô Kiều (Họ Lam Sơn, số 638); Đaminh Sâm (Họ Lam Sơn, số 639); Phê rô Ngăm (Họ Lam Sơn, số 658); Phêrô Lương (Họ Lam Sơn, số 660); Giuse Quế (số 677); Vinhsơn Đoán (số 678); Đaminh Chấn (số 679); Giuse Quý (số 680); Phêrô Huân (số 682); Hiền phúc Thuận (số 803) và một vị thuộc hàng nữ lưu can đảm là Maria Vy (số 801).
Ơn gọi trong Giáo xứ
Phát huy truyền thống của tiền nhân trong đời sống Đức tin, Nam Hòa (Hưng Yên) có những người con phục vụ Chúa, phục vụ tha nhân trong ơn gọi tu trì: cha Đỗ Thế Hoàng (Đà Lạt); cha Dương Đức Liêm (+); cha Vịnh (+); cha Phan (+).
Các linh mục coi sóc Giáo xứ
Cha Cương; cha Khiêm; cha Thịnh; cha Sự cha Tôma Nguyễn Tình; cha Tôma Trần Công Tính; cha Vinhsơn Phạm Văn Tuyên; cha Đaminh Bùi Ngọc Hải, cha Giuse Nguyễn Văn Tuyên và hiện nay là cha Giuse Trịnh Tiến Thành.
Các giáo họ trực thuộc: An Tảo, An Lợi, Đaminh, Hoàng Xá, Cao Phụ, Tiên Kê (Dốc Suối) và Bảo Châu. Các họ: Hoàng Xá, Cao Phụ, Tiên Kê và Bảo Châu không còn nhà thờ.
III - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Hưng Yên là một giáo xứ nằm giữa lòng đô thị phồn hoa nên việc sống đạo của bà con giáo dân gặp nhiều thách đố. Để duy trì và thăng tiến đời sống Đức tin của giáo dân, các cha xứ tiền nhiệm cũng như cha xứ đương nhiệm đã tổ chức các hội đoàn: Huynh đoàn Đaminh, hội Gia trưởng, hội Hiền mẫu, Ban kèn, ban trống, Ban Trắc, TNTT, Ca đoàn, Giới trẻ... Đồng thời, các ngài cố gắng tổ chức các sinh hoạt tôn giáo, quy tụ mọi người về nhà thờ giúp họ sống Đức tin Kitô giáo ngày càng kiên vững hơn và tích cực làm chứng cho Chúa nơi môi trường xung quanh.
GIÁO HỌ AN TẢO
Năm đón nhận Tin Mừng : Đầu thế kỷ XX
Năm thành lập Giáo họ: 1918
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1996
Bổn mạng : Thánh Giuse (19/3)
Số giáo dân : 20
Địa chỉ : Nhà thờ An Tảo, phường An Tảo, Tp. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Cách nhà xứ khoảng 5km về hướng Bắc.
I- HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Khoảng đầu thế kỷ XX, ánh sáng Tin Mừng đã chiếu dọi vào vùng đất An Tảo và người dân nơi đây đã mau mắn đón nhận. Ban đầu, các tín hữu dựng ngôi nhà thờ với 5 gian bằng tre xoan, lợp lá mía để làm nơi cầu nguyện sớm tối.
Năm 1916, dưới sự hướng dẫn của vị chủ chăn, ròng rã suốt 3 năm trời, Giáo họ đã xây dựng được ngôi nhà thờ mới với chiều dài 20m, chiều rộng 6.5m, chiều cao là 2.2m và tháp chuông cao 5m. Nhà thờ có 1 cửa đại, 4 cửa trùng và 6 cửa sổ hai bên, bàn thờ được làm bằng gỗ. Vào thời điểm đó, Giáo họ có 113 nhân danh.
Năm 1918, dưới thời cha già Khiêm làm chánh xứ Hưng Yên, Giáo họ An Tảo được thành lập, nhận Thánh Cả Giuse làm bổn mạng.
Năm 1930, Giáo họ có thêm 30 mẫu ruộng ngoài đồng để canh tác.
Sau biến cố 1954, giáo dân di cư vào Nam gần hết, số còn lại dần dần bỏ đạo; các cơ sở vật chất (kể cả 30 mẫu ruộng ngoài đồng) đều bị nhà nước trưng thu; nhà thờ bị chuyển thành nhà kho rồi làm nhà mẫu giáo. Sau này, nhà thờ tiếp tục bị những người dân xung quanh xâm chiếm để chăn nuôi.
Năm 1996, cha Vinc. Mai Thành Sơn với sự trợ giúp của quý vị ân nhân xa gần, bà con trong họ làm đơn xin lại ngôi nhà thờ đổ nát và trùng tu trong thời gian 2 năm.
Ngày 17/02/2009, dưới thời cha Đaminh Bùi Ngọc Hải, chánh xứ Hưng Yên, giáo dân của hai Giáo họ Hoàng Xá và Cao Phụ đồng tình sáp nhập vào Giáo họ An Tảo (2 giáo họ không còn nhà thờ).
II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Giáo họ An Tảo có 20 nhân danh, lại sống rải rác trên địa bàn khá rộng và phần đông là người đã cao niên nên mọi sinh hoạt tôn giáo còn rất hạn chế.
Để thi hành sứ mạng loan báo Tin Mừng, cộng đoàn Giáo họ tích cực thăm hỏi và động viên các gia đình Công giáo khô khan, nâng đỡ, an ủi những cụ già yếu đau, những người bệnh tật trong và ngoài Giáo họ không phân biệt lương giáo.
GIÁO HỌ AN LỢI
Năm đón nhận Tin Mừng : Đầu thế kỷ XX
Năm thành lập Giáo họ: 1918
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 2000
Bổn mạng : Thánh Giuse (19/3)
Số giáo dân : 16
Địa chỉ : Nhà thờ An Lợi, phường An Tảo, Tp. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Cách nhà xứ khoảng 7km về hướng Đông Bắc.
I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Năm 1918, Giáo họ An Lợi được thành lập, nhận Thánh Cả Giuse làm bổn mạng.
tiên.
Năm 1932, Giáo họ dựng ngôi nhà thờ đầu tiên.
Năm 1940, cha Đức cùng bà con giáo dân xây dựng lại ngôi nhà thờ. Trong thời gian này, thầy Khanh, thầy Vinh, thầy Chí, thầy Trị, dì Huệ và dì Soi thay nhau lui tới Giáo họ để trợ giúp cha Khiêm trong sứ vụ truyền giáo.
Năm 1953, nhà thờ bị sập một phần mái do ảnh hưởng chiến tranh.
Biến cố năm 1954, số giáo dân phần lớn di cư vào miền Nam sinh sống, phần ở lại thì không còn giữ đạo.
Năm 1960, nhà thờ bị tàn phá nặng nề, chỉ còn lại phần móng.
Năm 2000, nhờ sự giúp đỡ của cha Vinc. Phạm Văn Tuyên, chánh xứ Hưng Yên, cha Vinc. Mai Thành Sơn, xứ Cao Xá và của quý ân nhân, ngôi nhà thờ được xây lại trên nền móng cũ với chiều dài 23m, rộng 5.2m, tháp chuông cao 10m và được khánh thành ngày 23/12/2000.
II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Là một giáo họ nhỏ bé và ít người, An Lợi không có các đoàn hội như các giáo họ khác. Tuy nhiên, việc cầu nguyện sớm tối vẫn được bà con tín hữu nơi đây duy trì thường xuyên. Mỗi khi có Thánh lễ, bà con trong Giáo họ quy tụ lại, cùng với một vài cụ già đến từ Giáo họ An Tảo (cách đó 1,5km) tham dự thánh lễ cách tích cực và sốt sắng.
Hiện nay, thao thức lớn nhất của Giáo họ là vấn đề tái truyền giáo. Để thực hiện thao thức đó, cha xứ, quý sơ, quý chức trong Giáo họ không ngừng thăm viếng những gia đình nguội lạnh hay đã bỏ đạo để đưa những anh chị em đó trở lại nhà thờ. Đồng thời, mỗi thành phần trong Giáo họ luôn đề cao việc làm bác ái, thăm hỏi những gia đình khó khăn hầu có thể mang niềm vui Tin Mừng đến cho những anh chị em lương dân sống xung quanh.
GIÁO HỌ ĐA MINH
Năm đón nhận Tin Mừng : Đầu thế kỷ XX
Năm thành lập Giáo họ : 1945
Năm xây dựng nhà thờ hiện tại : 1997
Bổn mạng : Thánh Đaminh (08/8)
Số giáo dân : 110
Địa chỉ : Nhà thờ Đa minh, phố Bắc Lê Hồng Phong, Minh Khai, Tp. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên. Cách nhà xứ khoảng 2km về hướng Tây Nam.
I - HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN
Theo lời kể của các bậc cao niên, khoảng đầu thế kỷ XX, một số gia đình Công giáo thuộc Giáo xứ Yên Mỹ (Tổng Giáo phận Hà Nội) đến làm ăn sinh sống và định cư tại vùng đất này. Ban đầu, được sự chỉ dẫn của cha Sự, cha xứ Hưng Yên, cộng đoàn dựng ngôi nhà nguyện rộng 40m2 đơn sơ, mái tranh để làm nơi họp nhau cầu nguyện sớm tối, thờ phượng Chúa và giữ gìn đời sống Đức tin.
Năm 1945, Giáo họ Lê Hồng Phong được thành lập, thuộc Giáo xứ Hưng Yên, nhận thánh Đaminh làm bổn mạng.
Năm 1954, một số gia đình di cư vào miền Nam, một số khác trở về quê hương Yên Mỹ, Giáo họ chỉ còn lại 10 gia đình. Tuy nhiên, các tín hữu ở lại vẫn một lòng đoàn kết, nhắc bảo nhau sống đạo, vì thế, các sinh hoạt của Giáo họ vẫn duy trì đều đặn.
Năm 1997, cha Vinc. Phạm Văn Tuyên cùng Giáo họ chung tay xây dựng ngôi nhà thờ mới với chiều dài 12m, rộng 5.5m, cao 6m và tháp chuông cao 15m. Với tinh thần hăng say, ngôi nhà thờ mới được khánh thành chỉ sau vài tháng thi công.
Vì nằm trên địa bàn khu phố Lê Hồng Phong, nên khi thành lập, Giáo họ mang tên Lê Hồng Phong. Năm 1994, Đức cha F.X Nguyễn Văn Sang đã quyết định đổi tên Giáo họ Lê Hồng Phong thành Giáo họ Đaminh.
II - TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG
Hiện nay, Giáo họ thành lập các đoàn thể: Huynh đoàn Đaminh, hội Gia trưởng, hội Hiền mẫu. Các thành viên trong các đoàn hội nhiệt tình tham gia các sinh hoạt của Giáo họ và Giáo xứ. Nhờ đó, đời sống Đức tin của bà con trong Giáo họ được thêm phần sinh động. Cha xứ và Giáo họ luôn quan tâm đào tạo và huấn luyện thế hệ trẻ, thăm hỏi những người ốm đau, bệnh tật, những người già cả neo đơn trong và ngoài Giáo họ. Trên hành trình hướng tới tương lai, Giáo họ Đaminh tin tưởng vào tình thương của Thiên Chúa, lời cầu bầu của thánh Đaminh Quan thầy, Giáo họ sẽ ngày một phát triển, đời sống đức tin ngày một thăng tiến.
(Trích Kỷ Yếu 80 Năm Thành Lập Giáo Phận Thái Bình _ Nxb Hồng Đức)
Copyright © 2021 Bản quyền thuộc về Giáo Phận Thái Bình
Đang online: 63 | Tổng lượt truy cập: 4,599,084